Review trên mạng xã hội thế nào là đúng?

Những video review (giới thiệu) quán ăn, địa điểm vui chơi đang ngày càng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội và được đông đảo người dùng tham khảo. Tuy vậy, câu chuyện này cũng có nhiều điều để bàn luận.

Nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng chọn quán ăn uống, địa điểm vui chơi theo review của các video trên mạng xã hội. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thực tế này xuất phát từ những ưu điểm mà các video review trên mạng xã hội có được.

Các bạn trẻ thường có xu hướng tham khảo các video review trước khi du lịch đến một vùng đất mới. (Ảnh: Ngọc Nghĩa).

Lên xu hướng nhờ đúng yêu cầu

Thứ nhất là tính trực quan sinh động. Công chúng được nhìn thấy rõ ràng, chi tiết, sống động và chân thực về các món ăn uống, các địa điểm vui chơi.

Nhiều tiktoker làm content (nội dung) rất hấp dẫn, độc đáo, biết cách tạo điểm nhấn, thu hút sự chú ý của người xem, tạo động lực để công chúng tìm đến địa điểm, quán ăn uống được review.

Thứ hai là tính tương tác, tính cộng đồng. Khi xem các video review, công chúng cũng đồng thời sẽ đọc các bình luận, tương tác của những người xem khác.

Chính những lời chia sẻ này đã tăng khả năng thuyết phục công chúng hướng đến nhu cầu mong muốn được tự mình thưởng thức món ăn uống đó, hoặc trực tiếp đến khám phá địa điểm đó.

Cuối cùng, sức ảnh hưởng, độ nổi tiếng của những người giới thiệu cũng là yếu tố khiến công chúng quan tâm và tin tưởng vào nội dung mà những người này chia sẻ.

Từ góc độ nhà sáng tạo nội dung

Không thể phủ nhận có những video giới thiệu quán ăn, địa điểm vui chơi rất công tâm, khách quan. Nhưng vẫn có trường hợp vì có nhận tiền từ nhãn hàng mà "nói quá".

Rõ ràng, cũng như bất kỳ công việc sáng tạo nội dung nào khác, hoạt động review món ăn uống hoặc địa điểm vui chơi cũng đòi hỏi người thực hiện phải có đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật, để bảo vệ danh tiếng và độ tin cậy của bản thân.

Thế nên, tính trung thực, khách quan và minh bạch phải luôn được đặt lên hàng đầu. Nên thẳng thắn chia sẻ với công chúng về việc review miễn phí hay có hoa hồng từ nhãn hàng. Và dù có nhận tiền hay không, chúng ta cũng nên giữ thái độ độc lập, không bị chi phối trong cách đánh giá.

Các nhà sáng tạo nội dung nên tìm hiểu kỹ lưỡng, thật sự trải nghiệm các món ăn uống, địa điểm vui chơi mà mình review, thay vì chỉ đọc các tài liệu, nếu không sẽ khiến cho thông tin mà họ cung cấp thiếu chân thực, hời hợt, không ấn tượng.

Khi review, cũng nên đánh giá từ góc nhìn của người dùng, tập trung vào giá trị và trải nghiệm mà người dùng sẽ có được, thay vì đứng ở tâm thế của người làm quảng cáo.

Cuối cùng, hãy luôn tương tác và học hỏi từ công chúng. Đó là luôn lắng nghe và tôn trọng các ý kiến phản hồi của người xem, luôn sẵn lòng tiếp thu kinh nghiệm để hoàn thiện hơn trong mỗi sản phẩm review.

Từ góc độ công chúng

Các nội dung review trên mạng xã hội thật sự hữu ích, vì thế, thị trường nội dung này ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để tránh bị cuốn theo những review này, và xảy ra những chuyện không như ý, công chúng cần trang bị những kỹ năng xử lý thông tin cần thiết.

Đầu tiên, luôn kiểm tra chéo thông tin từ các nguồn riêng biệt, ở những nền tảng khác nhau. Chẳng hạn như các kênh chính chủ đáng tin cậy, các website đánh giá, các diễn đàn cộng đồng có liên quan đến quán ăn uống hoặc địa điểm vui chơi mà chúng ta dự định sẽ trải nghiệm.

Thứ hai, luôn giữ sự tỉnh táo, khách quan khi tiếp nhận các thông tin review. Cân nhắc nhiều yếu tố như chất lượng, giá cả, môi trường, dịch vụ, sự phù hợp về khoảng cách… thay vì chỉ chú tâm vào một yếu tố bất kỳ. Cũng cần tránh trường hợp bị “thao túng tâm lý” bởi những người nổi tiếng mà mình hâm mộ quá mức.

Thứ ba, nên đồng thời tham khảo thêm ý kiến từ bạn bè, người thân; hoặc trải nghiệm một phần sản phẩm, dịch vụ trước khi quyết định trải nghiệm chính thức.

Trần Xuân Tiến

To Top