Đi tìm 'thủ phạm' gây bất bình đẳng giới tại Việt Nam

Ngày 4/3, tại Hà Nội, doanh nghiệp xã hội ECUE tổ chức tọa đàm: 'Chuẩn mực giới' hay những 'vòng kim cô' – Góc nhìn từ lịch sử và các thảo luận đương đại trên mạng xã hội.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương – Viện Nghiên cứu Văn hóa trình bày nghiên cứu “Khuôn mẫu giới và vấn đề việc làm: Một nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam đương đại qua các thảo luận trên báo chí và mạng xã hội” do ECUE thực hiện với sự hỗ trợ của Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Australia.

PGS Phương cho rằng nguyên nhân của bất bình đẳng không phải từ giới nam hay giới nữ, mà gốc rễ của vấn đề là sự trói buộc của các khuôn mẫu giới trong xã hội Việt Nam truyền thống và đương đại.

"Khuôn mẫu giới là những khuôn mẫu xã hội gắn với hệ thống giới, là sự tưởng tượng lý tưởng về khái niệm nam tính, nữ tính. Theo TS Phương, khuôn mẫu giới tại Việt Nam có thể đúc kết lại ở những đặc điểm như khuôn mẫu giới có tính lịch sử, được bắt rễ từ trong bối cảnh xã hội truyền thống" - PGS Phương cho biết.

Khuôn mẫu giới ở Việt Nam gắn với cách nhìn quy chất về đặc thù sinh học, được coi là “thiên chức” và do số phận nên được mặc nhiên chấp nhận. Bà Phương lấy ví dụ, là phụ nữ, với những đặc tính sinh học, được mặc định phù hợp với vai trò chăm sóc, nội trợ. Ngược lại, đàn ông mạnh mẽ, lý trí nên đảm nhiệm vai trò trụ cột và định hướng.

Ngoài ra, khuôn mẫu giới ở Việt Nam bị chi phối bởi lăng kính gia đình và được củng cố bởi nền kinh tế thị trường. Khuôn mẫu giới vừa là thủ phạm tạo ra bất bình đẳng giới, vừa là tác nhân phản kháng lại các nỗ lực vận động bình đẳng giới ở Việt Nam.

Ông Lê Quang Bình chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPGW), Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE, nhận xét thúc đẩy bình đẳng giới không nên là khuyến khích phụ nữ phấn đấu theo những tiêu chuẩn thành công của nam giới, cũng như không nhất thiết khuyến khích phụ nữ làm những công việc như nam giới. Vì điều này chỉ làm tăng gánh nặng của phụ nữ trong bối cảnh những nền tảng có tính cấu trúc của xã hội chưa dễ thay đổi.

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, các cá nhân nên coi trọng chất lượng của các mối quan hệ trong gia đình dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng, tự do lựa chọn hơn là tuân thủ các khuôn mẫu giới. Các cá nhân nên ủng hộ hoặc ngăn cản quyết định của thành viên trong gia đình dựa trên các giá trị của sự tự do, bình đẳng hơn là tuân thủ khuôn mẫu giới áp lên họ.

“Khi sinh hoạt trong gia đình, xã hội, nhiều người không nhận ra đang bị áp đặt bởi các khuôn mẫu giới vô hình mà chỉ cảm thấy bất công, thất vọng. Mọi người hãy tìm ra những khuôn mẫu đang đè nặng lên vai để tháo gỡ hoặc cẩn trọng hơn khi giao tiếp với mọi người xung quanh, khi truyền thông và thúc đẩy bình đẳng giới” – ông Bình nhắn gửi.

To Top