Nam Định: Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu di sản văn hóa

Tháng 3-2021, tại Bảo tàng tỉnh đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định. Các đại biểu về dự đại hội có dịp tham quan và thưởng thức các đặc sản ẩm thực của quê hương Nam Định như: phở bò, bún đũa, kẹo sìu châu, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh nhãn, bánh dày, gạo lứt, trà thảo mộc… Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nam Định là nơi sáng tạo, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến văn hóa ẩm thực. Từ xa xưa, nhiều món ăn Thành Nam đã nổi tiếng, làm nức lòng du khách mỗi khi về với quê hương Nam Định. Để bảo tồn văn hóa ẩm thực - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Nam Định, hàng năm, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực đến du khách trong và ngoài tỉnh. Tham quan Bảo tàng tỉnh, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn dân dã mà còn được 'mục sở thị' người dân làng nghề sản xuất, chế biến thủ công.

Người dân tìm hiểu nghề nặn tò he truyền thống tại Bảo tàng tỉnh

Triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” theo Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24-12-2018 của Bộ VH, TT và DL, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã không ngừng đổi mới hệ thống trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề; tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo không gian trải nghiệm, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động biểu diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể để tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, trải nghiệm của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, Bảo tàng tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đồng bộ phục vụ cho các hoạt động tại bảo tàng; đồng thời xây dựng Đề án “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh” và đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng tỉnh duy trì tổ chức Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” dịp Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động như: Triển lãm “Thành Nam xưa”; trưng bày sinh vật cảnh; tổ chức giao lưu cổ vật đầu Xuân, trình diễn nghệ thuật Thư pháp, các di sản văn hóa phi vật thể (múa rối nước, hát Xẩm, hát Văn, hát Ca trù); giới thiệu văn hóa ẩm thực. Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi dịp đầu Xuân mới. Cơ quan tổ chức mong muốn dần hình thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của quê hương duy trì thường niên, tiến tới hình thành tuyến phố đi bộ trong không gian Thành cổ Nam Định. Từ khi thực hiện Kế hoạch số 132 ngày 3-2-2016 của Sở VH, TT và DL và Sở GD và ĐT về việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh; Kế hoạch số 885 ngày 20-11-2019 của Sở VH, TT và DL và Tỉnh Đoàn về việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh, giai đoạn 2019-2022, trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đến tham quan tìm hiểu kiến thức. Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh đã giúp bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên về lịch sử, văn hóa của quê hương Nam Định, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Ngoài hướng dẫn tham quan hệ thống trưng bày, Bảo tàng tỉnh còn đa dạng hóa các hình thức học tập với các hoạt động: Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và đương đại; diễn xướng hầu đồng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá (kỹ thuật vấn khăn, phục trang một số giá đồng; thi tìm hiểu phong tục Tết Nguyên đán, Tết Trung thu; tập làm nông dân); tổ chức các tiết học lịch sử, mỹ thuật; thi tìm hiểu các sự kiện lịch sử, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh nhân văn hóa của quê hương… Tháng 12-2020, Bảo tàng tỉnh đã mở cửa khu trưng bày, trải nghiệm một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định để phục vụ hoạt động giáo dục gồm: Biểu diễn nghệ thuật múa rối nước; không gian “Bếp Việt truyền thống” vùng đồng bằng Bắc Bộ; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống (kéo co, chơi ô ăn quan, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố…), trò chơi rèn luyện sức khỏe và kỹ năng vượt khó cho giới trẻ; tham quan, trải nghiệm tìm hiểu đặc trưng văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh lũy tre xanh, không gian thu hoạch lúa, chế biến thóc, gạo; không gian bếp của người Việt xưa… trải nghiệm các hoạt động xay thóc, giã gạo, sàng, sảy, thổi cơm bằng niêu đất, làm món cơm nắm muối vừng… Những buổi tham quan, trải nghiệm ý nghĩa đã mang đến cho các em nhiều bổ ích, lý thú, giúp các em hiểu rõ hơn về cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.

Sau khi các di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016), nhằm giúp công chúng nhận diện một cách hệ thống về bản sắc và giá trị của di sản, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”. Gian trưng bày gồm 4 phần: Nam Định - Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu; Bản sắc và giá trị của di sản (Mẫu - Tâm - Đẹp - Vui); Hoạt động nghiên cứu khoa học, vinh danh di sản; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vào các ngày lễ, tết hàng năm, Bảo tàng tỉnh đón nhiều đoàn học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh về tham quan, học tập, tìm hiểu về các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của tỉnh: Tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ thuật hát và nghi lễ Chầu văn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn xuất bản một số ấn phẩm về các hoạt động của bảo tàng, các poster dạng tờ gấp giới thiệu theo chuyên đề về di tích lịch sử - văn hóa Cột cờ Nam Định, di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, những kỷ vật đi cùng năm tháng, Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Nam Định… giúp người xem, du khách dễ tìm hiểu.

Không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, các hoạt động tại Bảo tàng tỉnh những năm qua còn hướng đến mục đích nhận diện thương hiệu “điểm đến” của du lịch Nam Định; tăng tính hiệu quả, đa dạng của các hoạt động trưng bày, trình diễn và hấp dẫn khách thăm quan, đưa Bảo tàng Nam Định trở thành một trong những bảo tàng cấp tỉnh hoạt động hiệu quả nhất của cả nước hiện nay, khẳng định vị thế của bảo tàng hạng II trên quê hương Nam Định giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

To Top