Jazz Sài Gòn tìm bến mới

Đại dịch COVID-19 làm ngành du lịch, văn hóa điêu đứng, trong đó khó khăn nhất chính là các nghệ sĩ chơi nhạc Jazz, dòng nhạc vốn thường chỉ đông đảo khách nước ngoài. Các tụ điểm đóng cửa và các nghệ sĩ khắc khoải chờ đợi ngày trở lại sân khấu. Các nghệ sĩ đang tìm sân chơi cho riêng mình.

Tác phẩm Hát Giang của Khoa Jazz Pop Rock, Nhạc viện TPHCM. Ảnh: Tư liệu của Nhạc viện TPHCM

Ðứt gãy cuộc tình 18 năm

“Saxnart Jazz Club đóng cửa, buồn!” - nhiều nghệ sĩ và khán giả thốt lên khi được tin từ nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.

“Trái tim” nhạc Jazz tại TPHCM vốn là câu lạc bộ Saxnart Jazz Club 28 Lê Lợi của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. 18 năm nghệ sĩ kèn nổi tiếng vào Sài Gòn lập nghiệp và tạo dựng nên “trái tim” jazz này. Trần Mạnh Tuấn cho biết: “Khi tôi vào TPHCM, hầu như nơi này không còn nghệ sĩ nào chơi nhạc jazz thường xuyên. Tôi đã tụ tập anh em lại, cùng nhau chơi nhạc theo phong cách ngẫu hứng và cuộc hành trình đã gần 20 năm”. Nghệ sĩ piano Trần Minh Phương, Quốc Đạt, bass Thanh Tân, Hoàng Dũng, tay trống Lê Hoàng Đức, các ca sĩ Cece Trương, nghệ sĩ kèn Quách Tiến Dũng, các nghệ sĩ quốc tế như Moriynki Mio, Jimi Swett.. luôn tạo ra một sân khấu sôi động và giàu tính nghệ thuật, là điểm đến cho du khách nước ngoài mỗi khi tới TPHCM thưởng thức nghệ thuật.

Nữ ca sĩ Jazz trẻ Nguyễn Hoàng Hạnh Tiên của Sài Gòn Jazz Club. Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Không phải đột nhiên mà Saxnart Jazz Club đóng cửa. Suốt từ những ngày thế giới xảy ra đại dịch COVID-19, các nghệ sĩ jazz đã phải chật vật để duy trì sân chơi của mình khi mà du khách nước ngoài vắng bóng, những du khách của Việt Nam cũng hạn chế đi chơi xa. Chị Kiều Đàm Linh, phụ trách kinh doanh của Saxnart Jazz Club thở dài: “Chúng tôi chỉ có lãi vào tối cuối tuần, những tối khác đều phải bù lỗ để duy trì câu lạc bộ”.

Tôi thấy nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn một mình cặm cụi làm đơn xin miễn giảm giá thuê mặt bằng, vốn hàng tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, song ngược lại, nhiều nơi tại châu Á và thế giới, con người vẫn chìm trong cuộc chiến sinh tồn. Khách du lịch nước ngoài hầu như không xuất hiện: “Khách của chúng tôi chỉ là những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam”- chị Đàm Linh nói.

Tụ điểm âm nhạc lớn nhất tạm đóng cửa, có lẽ người buồn nhất là nghệ sĩ trống Lê Hoàng Đức. Tay trống này hầu như tối nào cũng có mặt tại câu lạc bộ, kể cả những ngày anh không chơi nhạc trong band. “Làm gì đây trong những ngày không âm nhạc!”, Anh buồn bã thốt lên.

Giảng viên nhạc viện TPHCM Quách Tiến Dũng nói: “Trong cuộc đời chơi nhạc của mình, chưa bao giờ tôi lại rơi vào cảnh thèm diễn, thèm sân khấu như lúc này. Tôi đành chuyển những ưu tư tâm sự của mình vào công việc sáng tác. Trong thời gian cách ly xã hội và ở nhà, tôi đã viết được 12 ca khúc, đó có lẽ là những gì sót lại”.

Ði tìm bến mới

“Thế giới còn phải sống chung với COVID-19 và nghệ sĩ cũng buộc phải tìm cách sống chung”, Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói và cho biết đang ấp ủ và thực hiện dự án xây dựng câu lạc bộ ở một địa điểm mới.

Trong lời tạm biệt của Saxnart Jazz Club, Trần Mạnh Tuấn viết: “Thật khó để nói lời chia tay Saxnart Jazz Club 28 Lê Lợi sau 18 năm với biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Trần Mạnh Tuấn và Kiều Đàm Linh xin được cảm ơn tất cả quí vị khán giả yêu Jazz đã yêu quí và ủng hộ Trần Mạnh Tuấn và các nghệ sĩ trong suốt những năm qua. Hy vọng khi trở lại Saxnart Jazz Club mới sẽ lại nhận được sự ủng hộ và yêu thương hơn nữa từ tất cả mọi người! Cũng xin được cảm ơn tất cả các nghệ sĩ và bạn bè đã luôn nhiệt huyết và đồng hành cùng Trần Mạnh Tuấn & Linh để có được một Saxnart Jazz Club trong sự yêu thương của mọi người như ngày hôm nay!”.

Nhạc Jazz, thể loại âm nhạc vốn kén chọn người nghe, song dường như “nước chảy đá mòn”, ngày càng nhiều người quan tâm đến âm nhạc ngẫu hứng. Saxnart Jazz Club hiện có tới hơn 20.000 người theo dõi, thường xuyên xem các buổi livestream (phát trực tiếp) của các nghệ sĩ Việt Nam. Đó là động lực cho các nghệ sĩ tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc khá chông gai.

Sài Gòn Jazz Club, một cộng đồng yêu nhạc Jazz của các bạn trẻ tuổi từ 18-20 với hàng ngàn thành viên thường xuyên theo dõi, trao đổi, bình luận mới đây đã chuyển địa điểm sinh hoạt từ TP Thủ Đức sang trung tâm TPHCM để tạo điều kiện cho các bạn sinh viên và người yêu thích dễ dàng tham gia.

Nghệ sĩ, giảng viên Đào Minh Pha nói: “Sài Gòn Jazz Club hiện duy trì sinh hoạt, biểu diễn vào các tối thứ Bảy hằng tuần tại địa điểm Cemoa Cà phê 41C Tú Xương, quận 3, TPHCM. Đây là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi, nhằm tạo sân chơi cho các sinh viên đang học nhạc Jazz tại Nhạc viện TPHCM và các trường nhạc khác, các bạn trẻ đam mê âm nhạc, trước việc hầu hết các sân khấu Jazz đều ngừng hoạt động vì ảnh hưởng đại dịch toàn cầu”.

Sức trẻ nhạc Jazz

Giới trẻ tại TPHCM ngày càng yêu thích nhạc Jazz. Phạm Quang Trí, nghệ sĩ ghi ta trẻ nói: “Hiện tại em có rất ít sô diễn. Em chỉ làm việc tại Yoko Cà phê và Sài Gòn Jazz Club. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống âm nhạc tại TPHCM. Tuy vây, Jazz là đam mê của em”. Phạm Quang Trí theo học ghi ta tại Nhạc viện TPHCM, ngoài ra, cùng nhiều bạn trẻ khác, anh còn theo học nghệ sĩ ghi ta Lê Duy (Việt kiều Úc).

Bùi Hoàng An, nghệ sĩ Sax trẻ đang lên của Hà Nội cũng mới chuyển vào TPHCM tham gia Sài Gòn Jazz Club. Anh nói: “Theo cảm nhận của em thì giới trẻ tại TPHCM rất yêu thích nhạc Jazz và em rất thích làm việc tại đây”. Các buổi sinh hoạt tìm hiểu âm nhạc ngẫu hứng có rất đông bạn trẻ tham dự.

Trong khi đó, tay trống Lưu Tuấn Kiệt nói: “Em theo học trống jazz được bốn năm rồi, em vừa đi du học trống ở nước ngoài, nhưng được một năm thì dịch bệnh nổ ra, phải quay về Việt Nam”.

Giảng viên nhạc viện Đào Minh Pha cho biết: Khoa Jazz Pop Rock của Nhạc viện TPHCM hiện nay là một trong những khoa có đông sinh viên nhất! Đó là tín hiệu rất đáng mừng.

Theo giảng viên nhạc viện Đào Minh Pha, dịch bệnh COVID-19 cho thấy một điều là, nhạc Jazz không thể phụ thuộc vào khán giả nước ngoài mà phải làm sao để khán giả người Việt Nam đến với Jazz ngày càng nhiều hơn.

Trần Nguyên Anh

To Top