Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình- Kỳ 1

Tác giả Phạm Việt Long trong sách Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình đã nghiêm túc tiếp thu người đi trước về phương pháp tiếp cận văn hóa và vận dụng công nghệ hiện đại để xử lý, khảo sát tư liệu, đó là nguyên nhân quan trọng đem đến những đóng góp mới trong công trình nghiên cứu của ông và đây cũng là kinh nghiệm cho những ai quan tâm đến việc tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả xin chân thành cảm ơn giáo sư, tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình tác giả nghiên cứu, hoàn thành công trình này.

Tác giả cũng chân thành cảm ơn các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp tác giả hoàn thiện công trình:

- GS. TS Lê Chí Quế

- PGS.TS Trần Đức Ngôn

- GS. TS Nguyễn Xuân Kính

- PGS.TS Vũ Anh Tuấn

- PGS.TS Nguyễn Chí Bền

- TS. Nguyễn Hữu Thức

- TS. Nguyễn Thị Huế.

Tác giả xin chân thành cảm ơn trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Trung tâm Công nghệ thông tin (Văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã giúp dỡ tận tình tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu, công bố công trình này.

Phạm Việt Long

ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VĂN HÓA DÂN TỘC

(Thay Lời giới thiệu)

GS. TSKH Phan Đăng Nhật

GS. TSKH. Phan Đăng Nhật

Tôi không có dự định viết giới thiệu cuốn sách Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình của TS. Phạm Việt Long. Vì thế e rằng sẽ nhắc lại trong vài trang, một cách sơ lược, thiếu thốn cả một cuốn sách hơn 300 trang và do vậy làm lãng phí thì giờ bạn đọc.

Tôi chỉ dám phát biểu một điều tâm đắc: phương pháp tiếp cận văn hóa để tìm ra bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này do phạm vi đề tài hạn chế,- tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình,- nên tác giả không có điều kiện trình bày đầy đủ và trực diện. Nhưng chính những phương pháp tiếp cận này, một mặt đem đến những phát hiện mới mà có sức thuyết phục trong phạm vi đề tài của mình; mặt khác gợi mở cho việc tìm hiểu bản sắc văn hóa nói chung.

*

1.Từ lâu một số nhà khoa học trong và ngoài nước với mức độ khác nhau và biểu hiện khác nhau, đã phủ định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu cho xu hướng này là “Bài tổng kết của trường Viễn đông Bác cổ Pháp từ buổi đầu cho đến năm 1920”: “Ấn Độ – Chi na (là tên gọi các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam, do người Pháp dùng, tiếng Pháp là Indochine là từ ghép tên hai nước Ấn Độ và Trung Hoa- P.Đ.N), là khu vực ở Châu Á mà hai nền văn minh lớn của bộ phận này của thế giới, văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa, đụng độ với nhau và ít nhiều hòa lẫn vào nhau và là nơi mà các chủng tộc cư trú ở lục địa và hải đảo ở phía đông châu Á kéo đến pha trộn vào nhau. Cho nên người ta không thể thấy ở đấy, như ở nước Trung Hoa hay ở nướcẤn Độ của người Arirăng (Aryen), một chủng tộc riêng biệt và một nền văn minh độc đáo xứng đáng được tìm hiểu vì bản thân chúng, một chủng tộc và một nền văn minh chỉ nhờ vả rất ít vào ảnh hưởng bên ngoài, mà hoàn toàn ngược lại chỉ thấy ở đó sự pha trộn khác thường nhất của các nền văn minh và các chủng tộc linh tinh (P.Đ.N.nhấn mạnh), không một nền văn minh nào- hình như thế lại có nguồn gốc hoặc trung tâm ở đấy, ngay tại bản thân Ấn Độ- Chi na”[1]

Phân tích trên đây của bản tổng kết trang trọng này có mấy điểm chính:

- Các nước Đông Dương(trong đó có Việt Nam ), không có nền văn hóa văn minh. Những lý do trên, không đáng nghiên cứu các nền văn hóa ở đây.

Lời kết án trên là của cơ quan học thuật có quyền lực nhất đương thời của người Pháp, đã xóa sạch bản sắc văn hóa Việt Nam và các nước lân cận. Đương thời nó ảnh hưởng sâu sắc đối với thế giới và cả một số người Việt.

Về sau, dần dần quan niệm trên đây được điều chỉnh từng bước. Một số học giả Phương Tây nhận thấy văn hóa “các cư dân của bán đảo Đông Dương” không phải là một sự pha trộn linh tinh nữa mà có thể nhận diện được và họ gọi là “Các quốc gia Ấn độ hóa” (G.Coedes). Có người còn khái quát được bản chất văn hóa của vùng này, hơn nữa còn chỉ ra rằng một số triết lý của Trung Hoa đã được tổng kết từ thực tế của văn hóa phương Nam như lý thuyết về âm dương (Eveline Poreé Maspéro).

Nếu chỉ có thế thì không cần nhắc lại ở đây, cái gì hoàn toàn thuộc về lịch sử trả về cho quá khứ. Nhưng không như vậy, gần đây, (1972), Arnold Toynbee, mặc dầu đã công nhận Việt Nam có một nền văn minh riêng nhưng là sự “mô phỏng văn minh Trung Hoa”, là “nền văn minh riêng văn minh Trung Quốc. Leon Vandermeeersch (1986) coi văn minh Việt Nam (cũng như Triều Tiên, Nhật Bản) là “văn minh Trung Hoa hóa”, nói cách khác là sự đồng hóa theo văn minh Trung Hoa.[2]

Về bản chất trên đây là tư tưởng trung tâm văn minh nước lớn, đến thời kỳ hậu thực dân, nó không còn tính chất miệt thị nước nhỏ của chủ nghĩa thực dân cũ nữa, nhưng có nhiều biến dạng, mà thế giới vẫn đang còn tiếp tục tranh luận với chúng: nếu ở thế giới, đó là chủ nghĩa trung tâm Âu châu, được gọi là eurocentrisme, européocentrisme, thì ở châu Á là chủ nghĩa trung tâm Trung Hoa, có thể tạm gọi la sinocentrisme.

Ở trên có nhắc đến tư tưởng trung tâm Trung Hoa của thời kỳ hậu thực dân của một số tác giả nước ngoài, riêng ở Việt Nam tư tưởng đó vẫn tồn tại không ít.

Trong bối cảnh như vậy tác phẩm của Phạm Việt Long xử lý vấn đề như thế nào?

2. Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình tự giới hạn trong một phạm vi nhỏ của văn hóa, quan hệ gia đình, trong đó có quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái, anh em họ hàng… Như trên đã nói, chúng tôi không giới thiệu toàn diện nên chỉ nêu mối quan hệ vợ chồng để xét về phương pháp tiếp cận.

Về quan hệ vợ chồng trong ca dao Việt Nam, nhiều người cho rằng, đã ảnh hưởng sâu sắc đạo cường thường của Nho giáo, xuất giá tòng phu. Các tác giả Thi ca bình dân Việt Nam viết về ý thức xuất giá tòng phu như sau:

“Đây là một quy luật bắt buộc người đàn bà. Chữ “tòng” đây không chỉ có nghĩa là đi theo mà còn phải tuân theo mệnh lệnh của người chồng nữa. Ý thức này ăn sâu vào dân gian… Bởi vậy, người đàn bà sống trong chế độ Tam tòng thường có tư tưởng yếu đuối, cầu an. Họ chỉ còn biết làm sao cho chồng thương để nhờ vào sự che chở của người chồng… Xem thế, người đàn bà đối với chồng chỉ có nhẫn nhục và chiều chuộng”[3]

Như vậy các tác giả Thi ca bình dân Việt Nam coi người phụ nữ Việt Nam “sống trong chế độ Tam tòng” của Nho giáo, tuân theo đạo tam tòng nghiêm khắc này. Phạm Việt Long có nhận định khác. Ông cho rằng: “Qua ca dao, chúng ta thấy không phải chỉ có phụ nữ mới theo chồng, mà có cả đàn ông theo vợ, và quan trọng hơn là họ theo nhau, “phu phụ tương tòng”… Cách thức theo chồng của người phụ nữ Việt thời phong kiến đa dạng, phong phú, với nhiều ý nghĩa tích cực, thể hiện sự chủ động của người phụ nữ trong việc lựa chọn và xây đắp hạnh phúc cho mình. Trong sự chủ động ấy, người phụ nữ sẵn sàng gánh vác việc khó khăn, nặng nhọc, sẵn sàng chịu đựng mọi éo le của cuộc sống miễn là làm cho vợ chồng được gắn bó. Từ khái niệm tòng phu của Nho giáo, các tác giả đã chuyển hóa thành khái niệm theo nhau-“tương tòng”, là biểu tượng cho sự gắn bó vợ chồng người Việt trong xã hội phong kiến” [4]

Kết luận như vậy có tính uyển chuyển, nhưng quan trọng là bằng con đường nào, bằng phương pháp nào để đi đến kết luận trên.

Trước hết, tác giả không tự định ra trong đầu mình một tư tưởng, rồi tìm những đơn vị ca dao thích ứng để minh họa cho nó. Ông bao quát một kho tàng ca dao đồ sộ khá đầy đủ [5], chứa đựng 11.825 đơn vị ca dao. Từ kho tàng đó, ông chọn ra 1.179 đơn vị nói về đề tài gia đình, chiếm 9,97% tổng số. Từ đó, để khảo sát vấn đề quan hệ vợ chồng, ông chọn được 690 đơn vị có đề tài này, chiếm 58,52% đơn vị ca dao nói về gia đình (ngoài quan hệ vợ chồng còn có các quan hệ cha mẹ- con cái, anh chị em…)

Từ toàn bộ các đơn vị ca dao nói về quan hệ vợ chồng được rút ra từ Kho tàng ca dao, gồm 11.825 câu, tác giả bằng thống kê, chỉ ra có 3 kiểu phục tòng (nôm na là theo):

Vợ theo chồng. “Lấy chồng theo thói nhà chồng”, “Có chồng thì phải theo chồng, Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng vui”... Trong quan hệ này, tác giả cũng rút ra những trường hợp ngược lại, nghĩa là vợ không theo chồng, số lượng không đáng kể, ví như: “ăn cam ngồi gốc cây cam, Lấy anh thì lấy về Nam không về” “ăn chanh ngồi gốc cây chanh, Lấy anh thì lấy về Thanh không về”.
Chồng theo vợ. “Vợ mà biết ở ắt chồng phải theo”, “Mình về anh cũng về theo, Sum vầy phu phụ hiểm nghèo có nhau”…
Cả hai theo nhau. “Theo nhau cho chọn lời vàng đá”, “Quyết theo nhau cho trọn đạo”…

(Xin xem các trang 65,66- vi tính, ở đó có đầy đủ dẫn chứng)

Trên cơ sở khảo sát, thống kê một cách khách quan, thận trọng, khối tư liệu to lớn, phong phú và đa dạng nói trên, tác giả mới đi đến nhận định: “Như vậy, qua ca dao, chúng ta thấy không phải chỉ có phụ nữ mới theo chồng…” (đã trích ở trên). Tác giả cũng khảo sát quá trình từ tiếp thu vỏ ngôn ngữ tòng phu đến sự chuyển hóa thành theo chồng, chồng phục tòng vợ và phu phụ tương tòng. Như vậy, quan hệ vợ chồng trong văn hóa Việt Nam theo nguyên lý Gắn bó (Vợ chồng là nghĩa keo sơn), Thuận hòa (Thuận vợ thuận chồng bể Đông tát cạn).

Như vậy, theo đạo lý Việt Nam, mà tục ngữ ca dao là sự ghi nhận trung thành, người phụ nữ Việt Nam không “sống trong chế độ Tam tòng” “yếu đuối, cầu an”, không “chỉ biết làm sao cho chồng thương để nhờ vào sự che chở của người chồng”. Và càng không thích hợp khi kết luận “Xem thế, người đàn bà Việt Nam đối với chồng chỉ có nhẫn nhục và chiều chuộng”.

Trên đây là bàn về những kết luận qua việc khảo sát ca dao coi nó như một tấm gương phản chiếu, hơn nữa, một tài liệu để điều tra xã hội học về xã hội Việt Nam truyền thống.

Trong quan hệ gia đình, ngoài quan hệ vợ chồng như đã nói trên, sách TNCDVQHG còn đề cập đến các mặt khác như quan hệ cha mẹ- con cái, quan hệ anh em- chị em, quan hệ dâu rể. Cách tiến hành, phương pháp nghiên cứu đều như trên. Và các kết luận cũng có đóng góp mới và có tính thuyết phục.

Cuối cùng tác giả kết luận: “Qua tục ngữ, ca dao, người nghiên cứu thấy rõ tính chất dân chủ, bình đẳng, khoan hòa, nhân văn là tính chất “trội” của quan hệ gia đình người Việt….(xem thêm ở tr.129- vi tính của sách TNCDVQHG)”.

3. Cho đến nay, đối với các hiện tượng khác của văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại những nhận định khác nhau.

Ví dụ như có người cho tục thờ Thành hoàng là sản phẩm của Trung Hoa. Trong lúc đó, GS Nguyễn Duy Hinh, với một công trình nghiên cứu công phu, hơn 500 trang, chưa kể phụ lục, đã khẳng định: “Thành hoàng làng là tập đại thành văn hóa mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo qua bao nhiêu thể nghiệm, của bao nhiêu thế hệ” [6]

Tục thờ cúng tổ tiên cũng vậy, GS Đinh Gia Khánh không cho là đặc thù phương Bắc mà là đặc thù của nền văn hóa Đông Nam Á: “Còn tục thờ cúng tổ tiên thì lại là một trong những nét đặc thù của vùng văn hóa Đông Nam Á” [7]

Sở dĩ có sự nhận định khác nhau đối với một nền văn hóa, và bản chất các hiện tượng văn hóa, chủ yếu là do khác nhau về phương pháp. Chúng ta coi trọng quy luật giao lưu văn hóa, nhưng nhiều khi trong quá trình giao lưu đó diễn ra sự tiếp biến văn hóa lâu dài, khiến cho nội hàm của hiện tượng, khái niệm đã thay đổi mà chỉ còn lưu lại cái vỏ ngôn ngữ. GS Từ Chi cũng chia sẻ với ý kiến này: “Trong không ít trường hợp, những yếu tố mà tổ tiên người Việt hiện nay đã lần lượt tiếp thu từ nền văn minh Trung Hoa qua một thiên niên kỷ Bắc thuộc, và cả về sau nữa, khi được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày của người bản địa, chỉ còn giữ được ở nơi xuất phát có cái vỏ hình thức nữa thôi (thường là tên gọi) trong khi nội hàm của khái niệm tiếp thu đã biến đổi hẳn” [8]

Tóm lại, tác giả Phạm Việt Long trong sách Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình đã nghiêm túc tiếp thu người đi trước về phương pháp tiếp cận văn hóa và vận dụng công nghệ hiện đại để xử lý, khảo sát tư liệu, đó là nguyên nhân quan trọng đem đến những đóng góp mới trong công trình nghiên cứu của ông và đây cũng là kinh nghiệm cho những ai quan tâm đến việc tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam./.

P.Đ.N.

TS. Phạm Việt Long

MỞ ĐẦU

Nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội loài người nên đã có nhiều hành động nhằm xây dựng và củng cố gia đình.

"Ngày 8 tháng 12 năm 1989 Đại Hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố năm 1994 là năm quốc tế về Gia đình (IYF) với chủ đề "Gia đình, các nguồn lực, và các trách nhiệm trong thế giới đang thay đổi" và biểu tượng một mái nhà ấp ủ những trái tim.

Tư tưởng chủ đạo của năm quốc tế về gia đình là: sự thay đổi của thế giới phải tạo nên sự tiến bộ và tăng cường các phúc lợi cho cá nhân cũng như sự phát triển ổn định của gia đình. Năm quốc tế về gia đình nhấn mạnh đến việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người, đặc biệt chú ý đến quyền của phụ nữ và trẻ em, kêu gọi các chính phủ, các tổ chức xã hội quan tâm giúp đỡ các gia đình làm tròn trách nhiệm đối với các thành viên và là hạt nhân của sự phát triển tiến bộ các cộng đồng, dân tộc, quốc gia."[96:3].

Đảng và Nhà nước ta cũng đã sớm có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề gia đình và có các biện pháp thiết thực chăm lo cho gia đình. Bên cạnh các điều luật trong bộ Luật dân sự, ngày 29 tháng 12 năm 1986, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật hôn nhân và gia đình, trong đó khẳng định:

"Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt;

Trong gia đình xã hội chủ nghĩa, vợ chồng bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau nuôi dạy con thành những công dân có ích cho xã hội;". [75:94].

Như vậy, gia đình là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các tổ chức đảng, chính quyền, từ trong nước đến toàn thế giới. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, cần có cả một hệ thống phương hướng, biện pháp, trong đó có việc quay trở về tìm hiểu những giá trị truyền thống của cha ông, tìm ra trong đó những mẫu hình và kinh nghiệm tốt đẹp để áp dụng và nhận biết những mặt tiêu cực để tránh.

Văn học dân gian, trong đó có tục ngữ, ca dao, là kho tàng văn học quý giá của đất nước, đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, trở thành một thành tố quan trọng trong gia tài văn hóa nước ta. Thông qua nghệ thuật ngôn từ, tục ngữ, ca dao đúc kết trí tuệ, tình cảm của nhân dân và phản ánh nhiều mặt của xã hội, trong đó có phong tục, tập quán, có các mối quan hệ trong gia đình. Việc đi sâu nghiên cứu tục ngữ, ca dao đã phát hiện ngày càng nhiều những giá trị tiềm ẩn trong đó, giúp cho con người của xã hội đương đại có cơ sở để thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian, với khối lượng lớn tục ngữ, ca dao đã được sưu tầm, cần có các công trình nghiên cứu theo chuyên đề, đi thật sâu vào những nội dung chủ yếu của tục ngữ, ca dao, qua đó làm cho người đương thời hiểu sâu hơn tục ngữ, ca dao, để có cách thức ứng xử phù hợp với kho tàng văn hóa quý giá này của dân tộc và để rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hiện tại.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển toàn diện, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phù hợp với xu hướng của thời đại, Đảng cộng sản Việt Nam coi văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển.

Trong quá trình mở rộng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập với thế giới, bên cạnh những yếu tố tích cực, một vấn đề nóng bỏng hiện nay là sự hấp thụ thiếu chọn lọc những biểu hiện văn hóa ngoại lai, xa rời những tiêu chuẩn đạo lý dân tộc từng tồn tại hàng nghìn đời nay. Nhiều mặt tiêu cực của xã hội hiện đại đã tác động vào gia đình, tạo ra nguy cơ phá vỡ sự bình yên của gia đình.

Trong điều kiện đó, gia đình trong xã hội hiện đại đang là một vấn đề được quan tâm. Quay trở về những giá trị truyền thống, trong đó có quan hệ gia đình, đã trở thành xu hướng của thời đại. Việc nghiên cứu những giá trị trong gia đình truyền thống thể hiện qua tục ngữ, ca dao là một cách thức đóng góp vào việc định hướng xây dựng gia đình trong xã hội ngày nay.

Trong bối cảnh trên, việc làm sáng tỏ vấn đề phong tục, tập quán trong quan hệ gia đình qua tục ngữ, ca dao, chọn lựa và đề cao những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tìm ra và loại bỏ những hủ tục, sẽ góp phần đáng kể vào việc làm rõ nội hàm của khái niệm "Truyền thống văn hóa Việt Nam", chống lại lối sống thực dụng, xa rời những chuẩn mực đạo đức, giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa, củng cố gia đình, ổn định xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp cách mạng hiện nay cũng như lâu dài.

Với những lý do như đã trinh bầy, chúng tôi căn cứ vào tục ngữ, ca dao của người Việt đã được sưu tầm và in thành sách để khảo sát về quan hệ gia đình người Việt truyền thống. Sở dĩ chúng tôi chọn hai thể loại này vì chúng gần gũi với nhau trong phương thức hình thành, lưu truyền cũng như trong nội dung và nghệ thuật. Tục ngữ thiên về lý trí, ca dao thiên về tình cảm, hai thể loại này sẽ bổ trợ cho nhau để chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề gia đình từ cả hai góc độ lý trí và tình cảm.

Thực hiện phương châm kế thừa có chọn lọc di sản văn hóa của dân tộc, chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ công trình nghiên cứu về tục ngữ, ca dao của những bậc tiền bối và thấy như sau: Việc sưu tầm, chú giải tục ngữ, ca dao nói chung đã được tiến hành từ nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, nhưng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu riêng về phong tục tập quán trong quan hệ gia đình người Việt mà chỉ có một số tác phẩm đề cập đến vấn đề này trong một số chương, mục.

Năm 1940, qua Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) nói về Gia tộc phụ hệChống nam quyềnđể phân tích về gia đình Việt Nam thể hiện qua ca dao. Năm 1960, ở tác phẩm Chống hôn nhân gia đình phong kiến trong ca dao Việt Nam, Hằng Phương nêu lên những nội dung có tính chất chống đối trong ca dao. Từ năm 1956 đến năm 1978, qua việc phân tích ca dao, Vũ Ngọc Phan nêu lên sự đối xử bất công đối với người phụ nữ, mâuthuẫn mẹ chồng - nàng dâu, chế độ đa thê, cảnh khổ lẽ mọn, đạo tam tòng trói buộc người phụ nữ.

Từ những năm 90 đến nay, các nhà nghiên cứu đã chú ý nghiên cứu về tục ngữ, ca dao theo chuyên đề. Có những công trình được xuất bản hoặc tái bản đáng chú ý như: Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính, Ca dao tục ngữ với khoa học nông nghiệp của Bùi Huy Đáp, Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam của Phan Thị Đào, Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt của Triều Nguyên, Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp của Nguyễn Thái Hòa, Tiếp cận ca dao bằng phương thức xâu chuỗi theo mô hình cấu trúc của Triều Nguyên... Có hai tác phẩm đi sâu vào nội dung tục ngữ, ca dao, đặc biệt là khảo sát khá kỹ các mối quan hệ của con người trong xã hội, đó là Thi ca bình dân Việt Nam của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh và Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam của Nguyễn Nghĩa Dân.

Nghiên cứu về phong tục, tập quán trong gia đình người Việt, các công trình ngiên cứu khoa học trên góc độ xã hội học, văn hóa học, và đặc biệt là dân tộc học, đã có những tác phẩm chuyên sâu hoặc đã có những chuyên mục chuyên sâu.

PGS. Nguyễn Từ Chi trong Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc ngườiCơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc BộNhận xét bước đầu về gia đình của người Việt đã đi sâu nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của làng xã, gia đình cổ truyền, đồng thời cũng chú ý đến một số mối quan hệ trong gia đình, đến vai trò người phụ nữ trong gia đình ấy.

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục có phần khảo sát riêng về Phong tục trong gia tộc. Đáng chú ý là trong khi giới thiệu phong tục tập quán, tác giả thường dẫn tục ngữ để minh chứng.

Trong Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình, tác giả Toan Ánh đi sâu vào đời sống gia đình, trong đó nêu lên khái niệm về gia đình theo Từ điển phổ thông và theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh. Tác giả giới thiệu tóm tắt nhưng khá sáng rõ về thành phần gia đình Việt Nam.

Phó giáo sư Trần Đình Hượu dành hai chuyên mục trong tác phẩm Đến hiện đại từ truyền thống để bàn luận về gia đình Việt Nam. Đó là Gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng của Nho giáo, và Đổi mới cách quan niệm giải phóng phụ nữ - Nhìn lại gia đình truyền thống để chuẩn bị thiết thực cho các thiếu nữ vào đời.

Điểm qua các công trình, chuyên mục như trên, chúng ta thấy một khoảng trống về nghiên cứu có thể bổ khuyết là khảo sát xem phong tục tập quán trong quan hệ gia đình người Việt được phản ánh qua tục ngữ, ca dao như thế nào? Cần nghiên cứu một cách tổng thể vấn đề này trong một công trình chuyên biệt để có cái nhìn toàn diện hơn, qua đó làm cho việc hiểu về gia đình người Việt cũng như tục ngữ, ca dao người Việt được sâu sắc hơn.

Trong công trình này, chúng tôi vận dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu: phương pháp nghiên cứu của các ngành văn học dân gian, xã hội học văn hóa, văn hóa học, phương pháp nghiên cứu liên ngành (văn hóa dân gian, văn học, xã hội học, dân tộc học…), phương pháp thống kê, quy nạp, phương pháp hệ thống.

Vận dụng phương pháp hệ thống, chúng tôi quan niệm rằng tục ngữ, ca dao nằm trong hệ thống văn học dân gian, đồng thời mỗi thể loại là một hệ thống riêng, và đi sâu hơn nữa, mỗi chủ đề lại là một hệ thống con, có cấu trúc với những nhân tố nội tại, tạo nên những chất tích hợp của chúng... Nghiên cứu tục ngữ, ca dao, bên cạnh việc tìm hiểu nội dung của từng đơn vị, chúng tôi cố gắng tìm ra những chất tích hợp từ hệ thống các chủ đề và chất tích hợp của toàn bộ hệ thống tục ngữ, ca dao.

Vận dụng phương pháp thống kê, chúng tôi kết hợp giữa thao tác định tính là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, với thao tác định lượng là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên, để cố gắng đạt được sự chính xác trong nhận định, đánh giá đối tượng nghiên cứu. Phương pháp thống kê ở đây phù hợp với đối tượng nghiên cứu, vì thường tục ngữ, ca dao là những đơn vị nhỏ, hầu hết có cùng một kiểu cấu trúc. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện phương pháp thống kê được triệt để, chính xác. Đây là phương pháp hiện đại, yêu cầu người sử dụng phải có một số kiến thức tối thiểu về tin học, đồng thời phải cộng tác với những nhà chuyên môn về tin học để xây dựng hai phần mềm chuyên biệt về tục ngữ, ca dao. Hai phần mềm này quản lý cơ sở dữ liệu về tục ngữ, ca dao theo nhiều tiêu chí do người nghiên cứu quy định, trong đó quan trọng nhất là các tiêu chí về thể loại, chủ đề, nội dung và ghi chú. Phần ghi chú hết sức quan trọng, ghi đậm dấu ấn của người nghiên cứu, giúp người nghiên cứu phân loại chi tiết hơn tục ngữ, ca dao theo nhiều yêu cầu (như về nội dung, về thi pháp…) để rồi có thể tổng hợp nhanh chóng các câu tục ngữ, ca dao cùng một tiêu chí, làm cho việc thống kê về số lượng và việc nhìn nhận về chất lượng nội dung tục ngữ, ca dao được nhanh chóng và chính xác. Đối với văn hóa dân gian như tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích... lâu nay chúng ta thường vận dụng các phương pháp có tính ước lượng theo dự kiến sẵn có từ người nghiên cứu. Trong giới thiệu, nghiên cứu về tục ngữ, ca dao, mô hình chung thường làm là đưa ra một nhận định, lấy một vài đơn vị để chứng minh rồi phân tích đơn vị được dẫn và đi đến kết luận (thực ra kết luận đã có trước khi khảo sát tư liệu, đây là một thao tác ngược). Có thể mô hình hóa phương pháp đó như sau:

Ví dụ : Khi nhận định rằng người Việt bao dung, dễ tha thứ, có thể dẫn câu: "Ơn ai một chút chớ quên, oán ai một chút để bên dạ dày." Nhưng nếu nhận định rằng người Việt ơn oán rạch ròi, có thể dẫn câu: "Ơn đền ơn, oán trả oán." Phải thống kê, so sánh giữa những câu nói lên sự bao dung và sự rạch ròi, thì mới có thể rút ra kết luận khách quan, chính xác. Có tác giả khẳng định "...ca dao Việt Nam đã chứng tỏ rằng trong quần chúng nhân dân, tư tưởng chống đối giai cấp phong kiến vẫn là tư tưởng chủ đạo". [99:322]. Ý kiến trên có thể đúng hoặc không đúng. Tuy nhiên không có tư liệu số liệu để chứng minh. Trong khi đó, dùng phương pháp thống kê trong hệ thống, với số liệu 5.682 câu ca dao nói về giao duyên nam nữ trong tổng số 11.825 câu ca dao được sưu tầm, chiếm tỷ lệ 48%, thì có thể nói chắc chắn rằng giao duyên nam nữ là chủ đề chiếm ưu thế trong ca dao.

Văn hóa dân gian ở dạng nguyên hợp, đôi khi phức tạp, không thể nhặt ra một vài đơn vị theo sự lựa chọn của riêng người nghiên cứu mà nhận định rằng đó là những biểu hiện tiêu biểu cho tính dân tộc, tính Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu thích hợp là tổng hợp từ một kho tàng văn hóa dân gian tương đối đầy đủ, bằng thống kê, so sánh, thực hành thao tác định lượng cùng với thao tác định tính để rút ra những kết luận khách quan, khoa học.

Trong mọi vấn đề, mọi chủ đề, để rút ra nhận xét và kết luận, chúng tôi đều dựa trên toàn thể các câu tục ngữ, ca dao thuộc chủ đề đó. Các ý kiến khác nhau hoặc đối lập nhau (phản ánh trong tục ngữ, ca dao), chúng tôi đều ghi nhận để xem xét, không đưa ra những định kiến trước. Nếu có ý kiến đối lập (phản ánh trong tục ngữ, ca dao), để xem ý kiến nào là chủ đạo, chúng tôi tính số lượng và tỷ lệ phần trăm. Để làm rõ hơn các nội dung giống nhau và khác nhau, chúng tôi đưa ra các bảng thống kê, so sánh.

Để chỉ tính chất của các hiện tượng thể hiện trong tục ngữ, ca dao, thay cho những loại từ chỉ mức độ như: rất, vô cùng, tương đối, phần nào, ít, ít ỏi, hiếm thấy... chúng tôi diễn đạt bằng con số (trị số tuyệt đối và tỷ lệ). Chúng tôi không dừng ở con số, bảng, biểu... vì nhận thức rằng chúng tuy cụ thể nhưng nhiều khi khô cứng, không phản ánh đầy đủ các khía cạnh của cuộc sống, nhất là cuộc sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm. Do đó, chúng tôi cũng rất coi trọng sự nhận xét, bàn luận bằng ngôn ngữ (định tính).

Phương pháp nghiên cứu như trên rất phù hợp với loại hình tục ngữ, ca dao, là loại hình có các thành tố có cấu trúc tương đối giống nhau, sự trùng hợp của các thành tố ấy có tần xuất tương đối lớn. Điều này đã được các nhà nghiên cứu đi trước chỉ ra như sau:

"Công trình Hình thái học truyện cổ tích (xuất bản lần đầu năm 1928) của Prốp là một thể nghiệm thành công của việc áp dụng những phương pháp nghiên cứu chính xác vào các khoa học nhân văn, vào việc giải mã các tác phẩm văn chương nghệ thuật. Mặc dù biết khả năng to lớn của việc sử dụng các phương pháp chính xác, Prốp vẫn thấy rõ những giới hạn của chúng. Theo ông, những phương pháp này "chỉ có thể được sử dụng và đem lại kết quả ở những nơi mà sự lặp lại có trong một phạm vi lớn. Điều này chúng ta có ở trong ngôn ngữ, điều này chúng ta có ở trong văn học dân gian" [Dẫn theo 151:138].

Chúng tôi đã khai thác một phần trong phần mềm Tục ngữ Việt Nam, Ca dao Việt Nam mà chúng tôi mới xây dựng để làm tư liệu cho công trình nghiên cứu này. Với khả năng quản lý tốt tư liệu, giúp phân loại, tra cứu nhanh và chính xác nhiều loại chủ đề và nội dung theo yêu cầu phức tạp của người nghiên cứu, phần mềm này sẽ là công cụ có ích cho việc nghiên cứu tục ngữ, ca dao với các đề tài còn lại.

Lần đầu tiên tục ngữ, ca dao người Việt được nghiên cứu một cách hệ thống trên bình diện phong tục tập quán về gia đình với khối lượng khá lớn.Qua tục ngữ, ca dao, công trình làm nổi rõ tính chất dân chủ, bình đẳng, khoan hòa, nhân văn trong quan hệ gia đình người Việt. Tuy vậy, với khối lượng khá lớn tư liệu, với tính chất phức tạp của vấn đề nghiên cứu, chắc chắn rằng công trình không tránh khỏi những khiếm khuyết, mong bạn đọc lượng thứ.

[1] Trường Viễn đông bác cổ Pháp từ buổi đầu cho đến 1920, //Tập san của Trường Viễn đông bác cổ Pháp, tập XXI, 1920,tr.4.

[2] Tham khảo GS Đinh Gia Khánh: Mục đích nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu //Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, NXB KHXH. H,1993.

[3] Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (1998), Thi ca bình dân Việt Nam (Tập 1), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.198, 194.

[4] Phạm Việt Long, sách đã dẫn, tr.66 (vi tính).

[5] Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên và các cộng sự: Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hóa- Thông tin, H, năm 1995.

[6] Nguyễn Duy Hinh: Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H, 1996, tr, 410.

[7] Đinh Gia Khánh: Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, H, 1993, tr. 43.

[8] Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, NXB Văn hóa - Thông tin, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, H, 1996, tr.240.

TS. Phạm Việt Long

To Top