Bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 17.4 đã bổ sung một chương mới (Chương IV) về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Có nên xây dựng một chương riêng về di sản tư liệu?

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu nhằm bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Chương IV gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60), với các nội dung quy định về: phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu; kiểm kê di sản tư liệu; ghi danh di sản tư liệu; thẩm quyền, thủ tục ghi danh và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu; bảo quản di sản tư liệu; nghiên cứu di sản tư liệu và nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng; phục chế di sản tư liệu; hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng; lập đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước; bản sao của di sản tư liệu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn, có cần tách ra thành một chương riêng là Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu hay không? Bởi, di sản tư liệu thực chất là di sản văn hóa vật thể như di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và hiện nay, trong thực tiễn đang được bảo quản, lưu giữ tại 2 nơi: một là, tại các viện bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ với công năng là các hiện vật bảo tàng, tài liệu quý hiếm; hai là, có thể đang được lưu giữ tại nơi gắn với di tích đó như đền, chùa, đình làng... như các thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối, mộc bản, bản in... Mỗi một di sản nằm ở bảo tàng hoặc tại nơi đã gắn bó thì cũng đều đã có quy trình, quy phạm quản lý.

Nếu bổ sung một chương riêng như dự thảo Luật thành một loại hình khác nữa thì liệu có sự chồng lấn với 2 loại đã nêu không? Ngoài ra, nếu quy định tại một chương riêng như một thành tố ngang hàng với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể thì cũng chưa hợp lý. Cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nên chăng bổ sung thêm trong phần giải thích từ ngữ về giá trị tư liệu là hiện vật có giá trị đặc biệt, cùng với đó, lồng ghép vào nội dung của Chương III về bảo vệ di sản văn hóa vật thể như một loại giá trị di sản tư liệu thì sẽ phù hợp hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Mặt khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện nay vẫn có sự "ly lai" giữa di sản tư liệu và bảo vật quốc gia được quy định trong dự thảo Luật với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quy định tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đối với bảo vật quốc gia và di sản tư liệu, trước khi được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc di sản tư liệu thì là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Vì vậy, khái niệm về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và di sản tư liệu cũng như bảo vật quốc gia tuy khác nhau về mức độ đặc biệt và giá trị nhưng vẫn có sự tương đồng nhất định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật Lưu trữ. Trường hợp được công nhận là di sản tư liệu hay bảo vật quốc gia thì còn phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản, quy định theo hướng này là phù hợp, bởi trước hết nó vẫn là tài liệu lưu trữ thì không thể không quản lý theo tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, dự án Luật lưu trữ (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm thống nhất về quan điểm và giữa các quy định trong hai dự thảo Luật này.

Rà soát kỹ lưỡng để thống nhất với Luật Quy hoạch

Dự thảo Luật cũng bổ sung một loại quy hoạch mới không được quy định trong Luật Quy hoạch, đó là quy hoạch di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải rà soát thêm để quy định phù hợp trong dự thảo Luật và thống nhất với Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong Luật Quy hoạch chỉ có mục 12 của Phụ lục 2 có danh mục về quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, không có quy hoạch di tích, danh lam, thắng cảnh. Trong quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì tách ra làm 2 loại: một là, di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt; hai là, di tích quốc gia thông thường và di tích cấp tỉnh. Hai loại này cũng có các thẩm quyền, quy trình, thủ tục khác nhau. Qua đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hai loại tách ra vẫn được quy hoạch trong mục 12 Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch hay thêm một quy hoạch mới, căn cứ 2 quy hoạch tách ra như thế nào và tổ chức thực hiện loại quy hoạch nào trong quy hoạch của cấp quốc gia?

Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo mục 12 của Phụ lục 2 Luật Quy hoạch thì quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thuộc về quy hoạch kỹ thuật. Do đó, quy hoạch di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trong dự thảo Luật là để phát huy tối đa yếu tố mang đậm tính văn hóa khi lập quy hoạch và không bị lẫn với các quy hoạch về kinh tế - xã hội nói chung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng nhưng tinh thần chung là không làm phát sinh các thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về di sản tư liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là nội dung rất mới khi xây dựng dự thảo Luật lần này. Di sản tư liệu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc(UNESCO) công nhận và xác định là một loại hình di sản độc lập với loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện thông qua Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO xây dựng năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002. Thời điểm đó, Việt Nam cũng đã là thành viên của Chương trình và thống nhất, cam kết thực hiện. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp theo hướng không cần tách thành một chương riêng mà vẫn quy định di sản tư liệu trong dự thảo Luật.

Minh Trang

To Top