Giá trị văn hóa bản địa tạo nên sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù cho Hà Nội

Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp. Nhưng làm thế nào để phát triển hài hòa các yếu tố nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch nông nghiệp mang tính đặc trưng của Thủ đô để phát triển bền vững trong tương lai? Đó là câu hỏi được bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội giải đáp trong cuộc trò chuyện với phóng viên Hànôịmới Cuối tuần mới đây.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang.

- Thưa bà, bà đánh giá thế nào về vai trò cũng như những tiềm năng, thế mạnh của du lịch nông nghiệp trong cơ cấu chung của Du lịch Thủ đô?

- Du lịch nông nghiệp hay du lịch xanh hiện là xu hướng phát triển của du lịch thế giới bởi những lợi ích mà nó đem lại cho cộng đồng bản địa và môi trường tự nhiên. Tại Việt Nam, các loại hình du lịch nông nghiệp nói chung khá đa dạng, tuy nhiên, chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn... có cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời là tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp Hà Nội.

Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế - xã hội cho Thủ đô, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch Hà Nội phát triển sau đại dịch Covid-19 mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, giảm áp lực di cư vào thành phố, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.

- Nhưng lâu nay du lịch nông nghiệp ở Hà Nội chưa thực sự phát huy được hết các tiềm năng, thế mạnh. Theo bà, nguyên nhân do đâu và phương hướng khắc phục thế nào?

- Có 2 nhóm nguyên nhân chính hạn chế tiềm năng, thế mạnh của du lịch nông nghiệp Hà Nội. Thứ nhất, du lịch nông nghiệp chưa được xem là thế mạnh trong cơ cấu ngành Du lịch Thủ đô, do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp chưa mang tính tổng thể, toàn diện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch nông nghiệp Hà Nội; chưa thực sự gắn kết với xây dựng nông thôn mới nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và các giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Thứ hai, phần lớn mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ lẻ, chưa giải quyết được các vấn đề về đa dạng sản phẩm, kết nối quảng bá sản phẩm và tổ chức quản lý, phát triển mô hình.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời, thúc đẩy du lịch nông nghiệp Hà Nội phát triển, một số định hướng cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Xây dựng chính sách phát triển du lịch nông nghiệp với các chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ, đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng; về quản lý, hỗ trợ du lịch nông nghiệp; quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp...; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp thành phố Hà Nội, trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng quận, huyện trên cơ sở liên kết, hình thành tuyến du lịch nông nghiệp Hà Nội.

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở đảm bảo 3 yếu tố: Đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương; Tăng cường xúc tiến quảng bá, truyền thông đến khách du lịch nội địa và các doanh nghiệp du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo cho lao động nông thôn và tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp.

Du khách trải nghiệm thu hái thảo dược tại Ba Vì cùng người dân bản địa. Ảnh: Khuất Duyên

- Hà Nội đã và sẽ có những kế hoạch hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân như thế nào để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, thưa bà?

- Thời gian qua ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch tại các quận, huyện. Cụ thể như: Hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực, chữa bệnh... theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; tạo thuận lợi về thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế... từ đó phát huy vai trò của du lịch với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện, liên hoan, hội chợ về du lịch trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, tôn vinh các doanh nghiệp, nhà sản xuất có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, được người tiêu dùng yêu thích. Thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch khu vực nông thôn Hà Nội.

Giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 44 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho 8.900 người dân địa phương, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch. Triển khai đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho Làng gốm Bát Tràng và Làng lụa Vạn Phúc.

Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo kiều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nông nghiệp Hà Nội phát triển.

- Song song với việc phát triển, Hà Nội cần giữ gìn những yếu tố nào để đưa du lịch nông nghiệp trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc thù của Thủ đô, thưa bà?

- Để phát triển du lịch nông nghiệp thành sản phẩm mang tính đặc trưng của du lịch Thủ đô, trước hết cần giữ gìn những giá trị bản địa để tạo nên nét đặc thù riêng cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Hà Nội, phát triển dựa trên nền tảng văn hóa địa phương và lợi thế, tiềm năng du lịch làng nghề của Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội có bề dày lịch sử hơn một nghìn năm, sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị, bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa truyền thống, lâu đời này đã và đang góp phần quan trọng vào sự đa dạng, phong phú, sức hấp dẫn sản phẩm du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Bảo Khánh

To Top