Đắk Lắk tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng tình yêu biển đảo

Trường Sa, Hoàng Sa luôn là vùng lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Khẳng định điều này, thời gian qua, tại tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cách thức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, thông qua các hình ảnh và tài liệu lịch sử có giá trị pháp lý.

Đầu năm nay, tại Bảo tàng Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột diễn ra một triển lãm cá nhân với chủ đề “Trường Sa - Nơi đầu sóng”. Triễn lãm trưng bày gần 100 ảnh tư liệu về các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa; mô hình 21 hòn đảo thuộc Quần đảo Trường Sa cùng các hiện vật như cờ Tổ quốc, cờ Hải quân nhân dân Việt Nam, sản phẩm thủ công từ vỏ sò, vỏ ốc do các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa tự làm. Trong khuôn khổ triển lãm còn trình chiếu 5 tập phim Phóng sự - Tài liệu về Trường Sa.

Nhiều triển lãm được tổ chức tại Đắk Lắk tuyên truyền về chủ quyền biển đảo

Triển lãm đã thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan. Ông Tôn Thất Tuấn Ninh, ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, các tác phẩm đã thông tin phong phú, gần gũi, chân thực về ần đảo Trường Sa đa chiều và đầy sức sống.

"Ở Tây Nguyên và Đắk Lắk, lần đầu tiên tôi được tham gia một triển lãm phản ánh được cuộc sống cũng như công việc của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, để bà con ở Tây Nguyên biết được cuộc sống nơi đầu sóng của Tổ quốc", ông Ninh nói.

Không chỉ tại thành phố Buôn Ma Thuột, từ năm 2014 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó, có triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Ea H’leo, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ. Mỗi triển lãm đều trưng bày bản đồ và tư liệu là bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai ần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Học sinh các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tham quan, tìm hiểu thông tin tại các triển lãm

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức triển lãm cho biết: Các tư liệu và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu chính thống đã được công bố từ trước đến nay ở trong nước và quốc tế; khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua mỗi đợt triển lãm thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, tìm hiểu.

"Thông qua triển lãm đã góp phần quan trọng để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương và thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo tại Đắk Lắk được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân

Việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo còn được các địa phương tại Đắk Lắk triển khai và lan tỏa đến giáo viên và học sinh trong các trường học. Tại thị xã Buôn Hồ, Cuộc thi “Em yêu Biển, Đảo Việt Nam” đã được tổ chức vào cuối năm 2023 theo hình thức sân khấu hóa dành cho các trường khối THCS. Qua cuộc thi, cả thầy và trò đều có sự chuẩn bị nghiêm túc, tìm hiểu sâu hơn về chủ quyền biển đảo quê hương, từ đó thể hiện sự sáng tạo trong các phần thi thuyết trình, năng khiếu và tiểu phẩm tuyên truyền.

Cô giáo H B’hai Mlô, trường THCS Trần Phú, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ chia sẻ: Cuộc thi không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích mà còn góp phần nâng cao hiểu biết của thầy cô giáo và học sinh về biển đảo Việt Nam, từ đó hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước.

"Cho học sinh tiếp cận sớm với giá trị biển đảo, lịch sử các thế hệ cha anh đã hy sinh trong các trận chiến bảo vệ biển đảo. Để các em tiếp cận sớm từ đó có hiểu biết, cách nhìn nhận đúng đắn về giá trị biển, đảo của quê hương mình. Các em học sinh cũng rất háo hức tìm hiểu và tự sưu tầm những câu hỏi, những hiểu biết về biển đảo", cô giáo H B’hai Mlô cho biết.

Những hiện vật sưu tầm được được giới thiệu đến công chúng thể hiện một cách chân thực, gần gũi về vùng biển đảo của tổ quốc

Còn với em Trần Nguyễn Đăng Khoa, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Y Jút, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, vì yêu thích nên thường xuyên tìm hiểu thông tin, xem clip về biển đảo trên internet, giúp em nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của biển đảo quốc gia: "Đối với em, là học sinh cần phấn đấu học tập tốt hơn, tích cực tuyên truyền đến mọi người về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Em ước mơ trở thành một người lính hải quân, bởi vì biển đảo là một phần máu thịt của chúng ta, trở thành người bảo vệ nó thì nhiệm vụ rất thiêng liêng".

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

To Top