Đánh thức kho di sản đồ sộ

Di sản tư liệu - là nguồn sử liệu quý, tư liệu gốc phản ánh lịch sử dân tộc, đất nước, văn hóa, con người trong từng giai đoạn. Nhiều năm trở lại đây, di sản tư liệu được quan tâm nhiều hơn, không chỉ trong công tác bảo quản, bảo tồn mà còn được đẩy mạnh khai thác nhằm phục vụ nghiên cứu, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, việc phát huy nguồn di sản đa dạng, phong phú, được xác định là có giá trị cao về lịch sử - văn hóa này vẫn còn nhiều vấn đề.

Từng được ví như những kho tàng vô giá nhưng bí ẩn, gần như nằm bên lề đời sống, những năm gần đây, lưu trữ quốc gia đang dần tích cực “nhập cuộc” vào đời sống xã hội đương đại, khi các khối tài liệu lưu trữ - di sản đồ sộ từng bước được đẩy mạnh khai thác, đồng thời bổ sung thêm mỗi ngày.

Góp nhặt ký ức cho muôn đời sau

Trong 3 năm trở lại đây, qua các cuộc tiếp nhận tài liệu và các hoạt động trưng bày, triển lãm, giao lưu, hội thảo của các cơ quan lưu trữ quốc gia, những người yêu văn học, nghệ thuật nước nhà có dịp tiếp cận khá nhiều tư liệu thuộc dạng quý, hiếm của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Các dịp này cũng là những cơ hội hiếm hoi để công chúng có dịp tìm hiểu tường tận hơn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, đã đi cùng năm tháng.

Người yêu âm nhạc nhiều thế hệ có thể đã “thuộc nằm lòng” từ ca từ đến hoàn cảnh ra đời của “Tiến quân ca” nhưng phải đến khi Trung tâm công bố khối tài liệu của gia đình nhạc sĩ Văn Cao trao tặng, phần lớn công chúng mới được thấy lần đầu bản thảo, bản viết tay tổng phổ tác phẩm này. Liên tục trong những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, những người quan tâm đến di sản âm nhạc tiếp tục có dịp “chung vui” khi hàng ngàn trang bản thảo tác phẩm, tư liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của 2 gương mặt nổi tiếng của âm nhạc cách mạng: Nhạc sĩ Doãn Nho và nhạc sĩ àng Hà được nhạc sĩ và thân nhân trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và được các cán bộ, công nhân viên của Trung tâm chỉnh lý, sắp xếp khoa học, bảo quản.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa và gia đình nhạc sĩ Hoàng Hà thăm khu bảo quản tài liệu cá nhân tại Trung tâm.

Thực tế, đây mới chỉ là một phần rất ít trong khối tài liệu được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thực hiện sưu tầm, bảo quản trong thời gian gần đây. Theo tiến sĩ Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm, nhiều năm qua, Trung tâm đã triển khai hoạt động sưu tầm tài liệu quý hiếm của những cá nhân tiêu biểu có cống hiến to lớn trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, bao gồm các nhà hoạt động chính trị - xã hội, nhà ngoại giao, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng quốc tế và những cá nhân đang lưu giữ những tài liệu quý hiếm liên quan đến những sự kiện lịch sử - văn hóa quan trọng của đất nước. Đến năm 2023, ước tính, Trung tâm đã bước đầu sưu tầm, lưu giữ ký ức về các hoạt động lao động, sáng tạo của gần 200 cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu của Việt Nam.

Những kỷ vật, tài liệu, bản thảo có giá trị đã được trao tặng cho cơ quan lưu trữ mang trong đó nhiều câu chuyện về tác giả, tác phẩm, về đời sống xã hội, thậm chí là những minh chứng quan trọng về những thời khắc lịch sử của dân tộc và đến bây giờ, thông qua các hoạt động trên, chúng ta lại có điều kiện, cơ hội để nhìn lại, xem, nghe, tìm hiểu một cách kỹ càng hơn. Như chia sẻ của nhạc sĩ Doãn Nho là chỉ nhìn vào những bản thảo mà ông trao tặng Trung tâm, nhiều người có thể “đọc” được nhiều điều về đời sống xã hội trong giai đoạn kháng chiến và những ngày đất nước mới giải phóng. Ví dụ, giấy màu nâu nâu, đen đen mà các nhạc sĩ sử dụng chỉ có giai đoạn đấy mới có. Nhạc sĩ chỉ có bút chì để viết. Có những bản thảo, người xem phải lấy kính lúp để soi thì mới đọc được.

Bà Hoàng Yến - con gái của nhạc sĩ Hoàng Hà và nhiều cán bộ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng cho rằng, chỉ nhìn những cuốn sổ mà nhạc sĩ tự đóng để sử dụng, chỉ dài hơn ngón tay hay xem lại những lá thư mà nhạc sĩ và vợ viết cho nhau lúc sinh thời, thế hệ hôm nay sẽ hình dung phần nào được cuộc sống của cha ông một thời.

Gian trưng bày tư liệu về họa sĩ Bùi Trang Chước.

Khẳng định tất cả những tác phẩm trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Bùi Trang Chước đã được gia đình hiến tặng để cơ quan lưu trữ bảo quản lâu dài, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, con gái họa sĩ cũng cho biết, hàng nghìn trang bản thảo, tư liệu hình ảnh gốc đã được gia đình thu thập. Bộ phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam, các mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, mẫu bằng khen các loại, bộ thiết kế trang trí mặt ngoài lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các mẫu tiền, mẫu tem bưu chính, cùng rất nhiều ấn phẩm đồ họa phục vụ trực tiếp cho văn hóa, cho đời sống xã hội… đã được gia đình bảo quản, gìn giữ, bảo vệ cẩn thận qua khoảng thời gian dài, trong không gian chật chội, khó khăn nhất của thời kỳ chiến tranh, đi sơ tán, đến khi hòa bình và giải phóng đất nước, chuyển nơi ở rất nhiều lần, và cả sau năm 1992, khi họa sĩ mất.

Trước khi tin tưởng trao lại khối tài liệu cho Trung tâm, các văn nghệ sĩ, nhà khoa học và thân nhân đều rất thận trọng và mất một khoảng thời gian khá dài vừa chọn lọc tài liệu, vừa thăm dò điều kiện bảo quản, phát huy giá trị tài liệu. Để đưa được khối tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Hà về Trung tâm như hiện nay, gia đình và các cán bộ lưu trữ có hành trình phối hợp gần 7 năm. Khối tài liệu của nhạc sĩ Doãn Nho tại Trung tâm được bắt đầu hình thành từ hơn 10 năm trước. Với khối tài liệu của họa sĩ Bùi Trang Chước là gần 20 năm.

Minh chứng sống động về lịch sử, đất nước, con người

Theo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, số tài liệu, tư liệu Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sưu tầm nói trên mới chỉ là một phần trong khối tài liệu đồ sộ được các Trung tâm Lưu trữ quốc gia sưu tầm, bảo quản thời gian qua. Trước đó, thực hiện đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”, từ năm 2012 - 2020, riêng ở trong nước, các trung tâm đã sưu tầm 3.709 tài liệu thư tịch cổ của dân tộc Chăm; 20 tài liệu gốc, 24.133 trang tài liệu bản sao tài liệu Hán - Nôm về tiểu sử cá nhân, gia phả, tộc phả, bằng, sắc phong…; chụp ảnh 8.959 mặt khắc tài liệu Mộc bản ghi chép về kinh Phật, sách thuốc. Các tài liệu này phản ánh về nguồn gốc, quá trình phát triển, đời sống vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, tài liệu về các gia đình, dòng họ có nhiều dấu ấn trong lịch sử Việt Nam trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tài liệu gốc nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho được công bố đầu năm 2024.

Các Trung tâm cũng đã sưu tầm tài liệu phản ánh về cuộc đời và sự nghiệp của 20 tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam, 25 cá nhân tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra còn có hàng vạn tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, thời kỳ xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Hội nghị Giơnevơ, Hội nghị Paris và các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); các phỏng vấn, ghi âm, ghi hình 14 nhân chứng (480 phút) về nhiều sự kiện lịch sử. Những tài liệu quý, hiếm được sưu tầm, thu thập và quản lý tốt đã góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu, tư liệu phục vụ nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc hoặc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp các danh nhân văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, số lượng tài liệu đã sưu tầm được trong giai đoạn này vẫn còn rất khiêm tốn so với thực tế tài liệu lưu trữ quý, hiếm hiện đang được lưu giữ bởi các cá nhân, gia đình, dòng họ ở trong nước và các cơ quan, tổ chức lưu trữ ở nước ngoài.

Nhiều vị khách tò mò với phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước.

Nếu tính chung, đến thời điểm hiện tại, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang bảo quản hơn 35 km giá tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu quý, hiếm, thể hiện trên các chất liệu/ vật liệu như: giấy, ảnh, băng từ, gỗ… hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc các chế độ khác nhau và của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam từ thế kỷ 15 đến nay. Theo tiến sĩ Trần Việt Hoa, trong khối di sản này có những khối tài liệu có giá trị đặc biệt. Đó là Mộc bản triều Nguyễn (bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009, bao gồm nhiều bản khắc gỗ chữ Hán - Nôm phản ánh mọi mặt về đời sống xã hội, lịch sử, địa lý Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Châu bản triều Nguyễn (bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 có giá trị kép về tính sử liệu và pháp lý, là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III có Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (từ 30/8/1945 đến 28/2/1946) thể hiện bản lĩnh của chính quyền cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công và Bộ sưu tập mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước được công nhận là bảo vật quốc gia. Như vậy, có thể thấy, tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia hết sức phong phú, đa dạng về hình thức, nội dung, chiếm một khối lượng lớn, phản ánh toàn diện về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.

Cùng với việc triển khai chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền của đất nước”, thay vì chỉ được bảo quản trong các kho lưu trữ quốc gia, khối di sản đồ sộ nói trên đang tích cực được quan tâm khai thác.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng từng chia sẻ, mỗi năm, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước; cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu; đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan trưng bày. Trên 100 cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ trong đó có nhiều triển lãm quốc tế với quy mô lớn, thu hút số lượng lớn khách tham quan. Các ấn phẩm xuất bản, các phim tài liệu lưu trữ được xây dựng với nội dung đa dạng, phong phú, phục vụ kịp thời các sự kiện quan trọng của đất nước, các địa phương, phục vụ công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của đất nước.

Minh Hà

To Top