Huyền bí bảo vật Chămpa (Kỳ 3: Bí ẩn con đường Hoàng gia dưới lòng đất)

Những tư liệu được tích lũy trong nhiều năm qua của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là những tư liệu khảo cổ thu thập từ việc các chuyên gia khảo cổ Ấn Độ trùng tu tháp K năm 2017 - 2018 đã đưa đến một giả thiết về con đường thần đạo đi vào Mỹ Sơn. Nhằm làm rõ giả thuyết trên, mới đây đoàn nghiên cứu đã khai quật và phát lộ ra Con đường Hoàng gia nằm sâu dưới lòng đất…

Cán bộ Ban quản lý di tích văn hóa Mỹ Sơn chỉ hướng phát lộ Con đường Hoàng gia.

Khai quật khu vực tháp K

Các chuyên gia của Viện Khảo học cổ cho hay, tháp K là một tháp đơn lẻ nằm ở phía Tây Bắc thung lũng Mỹ Sơn. Tháp này nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác. Tháp được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, khá cao, phía Tây và Tây Nam không xa là dòng suối Khe Thẻ chảy uốn lượn. Nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường suối Khe Thẻ, hay nếu đúng con đường bộ ngoằn ngoèo men theo bờ suối Khe Thẻ xưa kia để vào Mỹ Sơn thì công trình kiến trúc đầu tiên bắt gặp trong thung lũng này là tháp K.

Có lẽ nằm ở vị trí đặc biệt như vậy và có thể chức năng của tháp là trạm đầu tiên đón tín đồ vào hành hương nên tháp K được xây dựng khá đặc biệt với cấu trúc như một tháp Cổng. Tháp có bình đồ hình chữ nhật, lòng rộng 3,9 x 3,19m, được mở hai cửa đăng đối nhau theo hướng Đông - Tây. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam xếp tháp K có niên đại thế kỷ XII - XIII.

Năm 2017 - 2018, khi nhóm chuyên gia Ấn Độ tu bổ, tôn tạo tháp K đã ghi nhận tháp K có hai cửa Đông và Tây. Ở phía Đông có hai đoạn tường bao của một con đường hướng về nhóm tháp E, F. Ngoài những hiện vật thuộc thành phần kiến trúc, còn có hai tượng sư tử trong tư thế đứng, khuôn mặt thể hiện nét hung dữ và nhiều hiện vật đất nung, gốm, sứ rất phong phú cùng sự đa dạng về hoa văn… Những hiện vật trên được xếp vào niên đại thế kỷ XII.

Qua hệ thống tư liệu có được, nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, khả năng từ tháp K có một con đường dẫn vào các ngôi đền bên trong. Vì vậy, việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về sự hiện diện của con đường dẫn từ tháp K vào các khu tháp thuộc khu vực trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa là một việc làm rất cần thiết. Hoàn thành công việc sẽ đóng góp thêm những tư liệu mới góp phần nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn.

Kết quả điền dã và thăm dò khảo cổ đã phát hiện một Con đường Hoàng gia dưới lòng đất.

Nhiều bí ẩn dưới lòng đất

Do đó, mới đây đoàn công tác Viện Khảo cổ phối hợp với BQL Khu di tích văn hóa Mỹ Sơn tiến hành thăm dò khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở khu vực tháp K. Qua đó đã phát hiện nhiều điều bí ẩn.

Đoàn thăm dò đã tiến hành chọn khu vực đào thăm dò khảo cổ nằm ở phía Đông và phía Tây tháp K - Mỹ Sơn, trong phạm vi cách tường bao quanh khuôn viên tháp mới được xây dựng bởi Dự án hợp tác giữa Ấn Độ - Việt Nam thực hiện năm 2017 - 2018 khoảng từ 10m đến 50m. Khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đất rừng bao quanh tháp nên các loại cây lâu năm và cây bụi mọc rậm rạp.

Đoàn công tác đã mở 5 hố thăm dò, mỗi hố có diện tích 4m2. Các hố thăm dò đều được mở theo dạng rãnh giao thông hào, kích thước 1 x 4m, hướng hố được đặt theo hướng của di tích. Khu vực sau phía đông của tháp cổng (K), đoàn chuyên gia tiến hành mở 2 hố thăm dò. Bước đầu phát hiện 2 dấu tích tường bao phía Bắc và phía Nam của đường đi chạy dọc theo hướng Đông - Tây. Khu vực phía Tây (phía trước) của tháp cổng, đoàn mở 3 hố thăm dò, đã phát hiện dấu tích móng đầm đường phía Đông đi thẳng vào tháp cổng. Cụ thể, hố thăm dò 1 (TD1) được mở ở phía sau (phía Đông) của tháp cổng cách tháp cổng 65m. Tại hố thăm dò phát hiện dấu tích tường bao phía Nam của kiến trúc K chạy theo hướng Đông - Tây có kích thước dài 100cm, rộng bề mặt 46.8cm, chiều cao còn lại của tường 25cm.

Hố thăm dò 2 (TD2) cũng được mở ở phía sau của tháp cổng, cách tháp cổng 37.6m. Trong hố phát hiện dấu tích tường bao phía Bắc và một phần lòng đường đi chạy dọc theo hướng Đông - Tây. Kích thước của tường gạch dài 97cm, bề mặt rộng 44cm, lớp chân tường rộng 57cm, chiều cao còn lại của tường 32cm.

Hố thăm dò 3 (TD3) được mở ở nền 2 ngay phía trước tháp K, cách chân tháp 20.5m về phía Tây - Bắc, hướng hố Đông Bắc - Tây Nam dài 4m, rộng 1m. Trong hố thăm dò xuất hiện một số loại hình như: vật liệu kiến trúc gồm các mảnh gạch vỡ với các kích thước khác nhau. Đá tự nhiên có hình dạng không thống nhất kích thước từ 5cm đến 12cm thuộc loại sa thạch và cuội; Các mảnh gốm dân dụng như các mảnh miệng nồi, mảnh chân đế gốm men, mảnh nắp hộp gốm men Trung Quốc thế kỷ XI - XII…

Hố thăm dò 4 (TD4) cũng được mở ở cấp nền phía Tây, trước mặt tháp và cách tháp K 31.5m, cách hố thăm dò 3 là 19.3m về phía Tây - Bắc. Hố kích thước 4x1m, được mở dài theo chiều Đông Bắc - Tây Nam. Dấu tích kiến trúc móng đá xuất lộ trong lớp đất này là một dấu tích móng kiến trúc được gia cố bằng đá, có kích thước dài 1m, rộng 1m. Đá xếp móng được kè xếp bằng đá tự nhiên có kích thước khác nhau, gồm có đá cuội, đá cát kết, đá sỏi kết. Bước đầu xác định đây có thể là lớp móng của các công trình kiến trúc phía Tây của tháp cổng.

Đại diện Ban quản lý di tích văn hóa Mỹ Sơn trao đổi với phóng viên liên quan đến việc phát hiện Con đường Hoàng Gia.

Hố thăm dò 5 (TD5) được mở ở phần giữa hai bậc địa hình ven con suối trước mặt tháp K và cách tháp 38m. Mục đích của hố thăm dò nhằm tìm các dấu tích liên quan đến con đường lên xuống từ tháp K đến bờ suối. Địa tầng hố thăm dò sâu 1.7m không phát hiện các dấu tích kiến trúc. Những dấu tích trong hố cho biết đất ở đây là dạng thành tạo từ phù sa bồi lắng do sự thu hẹp lòng suối tạo thành.

Kết quả điền dã và thăm dò khảo cổ đã xác định phía Đông tháp K khả năng là một khoảng sân rộng, bằng phẳng được san đắp có chủ ý bằng đất cát tạo thành một không gian thoáng đãng. Về di tích, các dấu tích kiến trúc nằm bên dưới lớp đất dày từ 20 - 30cm trở xuống nằm trong các hố thăm dò TD1 và TD2 nằm ở phía Đông tháp K. Dấu tích kiến trúc là hai đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía Đông, hướng vào các khu tháp E - F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn.

Tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 46cm. Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong hố TD1 và TD2 không nhiều nên có lẽ tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong, phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích. Con đường này có thể có nhiều chức năng: Là Thần đạo - đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo; là Con đường Hoàng gia - con đường dành cho các vị vua chúa và Tăng lữ Chămpa đi vào cúng tế các vị thần của họ; hoặc như ngôn ngữ hiện đại ngày nay, đây là con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn.

Bão Bình

To Top