Tạo điều kiện tốt nhất huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy di sản

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây cũng là những nội dung được tập trung làm rõ tại phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức sáng 8.4.

Làm rõ quy định về sở hữu di sản văn hóa

Quy định về sở hữu di sản văn hóa được nhiều đại biểu quan tâm. Khoản 1, Điều 4, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân. Đây là điểm khác so với Luật Di sản văn hóa hiện hành là “sở hữu nhà nước”. Hiện tại, các tài liệu tại hồ sơ dự án Luật chưa đề cập tới các lý do sửa đổi hình thức sở hữu di sản văn hóa. Để bảo đảm tính thuyết phục, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm về quy định này, tránh những vấn đề tranh chấp có thể phát sinh giữa sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng.

Huy động nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản. Nguồn: BVHTTDL

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam cho rằng, di sản văn hóa có giá trị lớn thường thuộc sở hữu toàn dân. Để khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công là di sản văn hóa này, khi liên kết với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công yêu cầu về vấn đề quyền quản lý, quyền sử dụng, các hình thức trao quyền, quản lý khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật, giá trị. Về những nội dung này, khi đã xác định là tài sản công phải liên quan đến quản lý, sử dụng khai thác. Vừa qua, một số hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao… trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và sử dụng tài sản công, quá trình khai thác vận hành dịch vụ cũng có rất nhiều khó khăn vướng mắc; cho nên, cần nghiên cứu có các quy định để di sản khi đưa vào dạng tài sản để theo dõi quản lý phải phù hợp và bảo đảm được khai thác hiệu quả tối ưu.

Đối với vấn đề sở hữu di vật, cổ vật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị ban soạn thảo rà soát các nội dung liên quan đến sở hữu cá nhân, và có những quy định phù hợp với Luật Dân sự. Vừa qua, có những cổ vật do cá nhân mua về, nhưng lại là các cổ vật có giá trị của Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định rõ ràng và lập luận cụ thể trong Tờ trình cũng như thể hiện trong các điều luật.

Về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Điểm c, Khoản 1, Điều 40, dự thảo Luật quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán không vì mục đích lợi nhuận, trao đổi, tặng cho, thừa kế trong nước và không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Các ý kiến cho rằng, quá trình thực hiện chuyển nhượng thông qua mua bán bảo vật quốc gia trên thực tế sẽ rất khó xác định có hay không vì mục đích lợi nhuận. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để quy định chính xác, chặt chẽ, dễ áp dụng hơn.

Quy định khả thi và bảo đảm nguồn lực

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được xây dựng theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với di sản tư liệu. Khái niệm di sản tư liệu được giải thích trong Điều 3, dự thảo Luật; ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, cho rằng, ngay trong quy định pháp luật quốc tế, ở thời điểm hiện tại, chế định về di sản tư liệu ít được quy định. Đây cũng là chế định mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, lần đầu tiên quy định về di sản tư liệu.

Ông Đặng Thanh Tùng cho rằng, khái niệm di sản tư liệu chưa được xem xét đủ kỹ lưỡng để có quy phạm chính xác thể hiện trong luật. Trong dự thảo Luật, việc xác định di sản tư liệu là di sản vật thể hay phi vật thể, cùng với đó là tiêu chí phân loại, nhận diện di sản tư liệu có những mâu thuẫn. Một mặt quan niệm di sản tư liệu là hiện vật, mặt khác tiêu chí để phân loại và đánh giá thì lại gọi là thông tin. Ngay việc không xác định rõ ràng di sản tư liệu thuộc nhóm hiện vật hay phi hiện vật ở trong một đạo luật mà chúng ta đang tiếp cận từ hai góc độ - hoặc hiện vật hoặc phi hiện vật, thì cái thứ ba lưỡng tính hay ở một nhóm nào khác cũng cần được quy định và giải thích rõ ràng…

Theo Điều 4, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, văn hóa không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, Điều 89, dự thảo Luật quy định một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được áp dụng theo phương thức PPP. Để bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ để việc hợp tác bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam ủng hộ việc cần thiết thực hiện đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, từ đó khai thác tối ưu các di sản cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế để triển khai PPP không đơn giản bởi với đơn vị ngoài nhà nước khi tham gia, họ sẽ phải có lợi ích. Bởi vậy, theo ông Nam, cần xem xét lựa chọn đối tượng, cách thức phù hợp, tránh trường hợp quy định không khả thi.

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa được quy định tại Điều 91, dự thảo Luật, nhiều đại biểu tán thành cần thiết có quỹ, bởi nguồn lực tài chính phục vụ cho bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần có quy định để vận hành quỹ này bảo đảm khả thi và hiệu quả nguồn lực, không chồng chéo với các khoản chi của Nhà nước…

Với những quy định mới, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khi được thông qua sẽ huy động được các nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất bảo tồn, phát huy di sản văn hóa một cách bền vững.

Ngọc Phương

To Top