Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao cần phát huy vai trò 'chủ công', không ngừng đổi mới sáng tạo

Đó là thông điệp mà Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhắn gửi các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao trong trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (FOSET), Trung tâm Thông tin tư liệu và 30 năm xuất bản số đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu quốc tế.

Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Trung tâm Thông tin tư liệu và 30 năm xuất bản số đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu quốc tế. (Ảnh: Xuân Sơn)

Thứ trưởng có thể cho biết đánh giá về hoạt động của các đơn vị này trong những năm qua?

Thay mặt Lãnh đạo ộ Ngoại giao tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Trung tâm FOSET, Trung tâm Thông tin tư liệu và Tạp chí Nghiên cứu quốc tế nhân dịp kỷ niệm các mốc phát triển quan trọng này của các đơn vị. Tôi cũng gửi lời chúc mừng tới tập thể lãnh đạo Học viện Ngoại giao là cơ quan chủ quản của các đơn vị trên.

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, các đơn vị đều đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và qua đó đóng góp tích cực cho công tác chung của Bộ Ngoại giao và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tham mưu và dự báo chiến lược, tuyên truyền đối ngoại, đào tạo - bồi dưỡng cán bộ đối ngoại và thông tin - tư liệu. Đây cũng là những nhiệm vụ quan trọng mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của nước ta và của Bộ Ngoại giao hiện nay và sắp tới.

Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao với tư cách là đơn vị chuyên trách về nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, ra đời trên nền tảng hợp nhất các Ban nghiên cứu của Học viện Quan hệ quốc tế, và trước đó là Viện Quan hệ quốc tế. Trung bình hàng năm, Viện thực hiện 150 hoạt động kênh 2, kênh 1,5, đối thoại thường niên và trao đổi học thuật.

Đối với Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, sự ra đời của Viện với tư cách là đơn vị chuyên trách về nghiên cứu của Bộ Ngoại giao đánh dấu bước chuyển quan trọng trong định hướng của Bộ Ngoại giao về việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược, tham mưu hoạch định chính sách đối ngoại và ngoại giao kênh 2 trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Trong 15 năm qua, Viện đã có những đóng góp tích cực vào công tác chung của Bộ, cũng như công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên nhiều phương diện.

Những kết quả nghiên cứu của Viện là nguồn thông tin quan trọng, góp phần tham mưu về đường lối, chính sách đối ngoại, cung cấp cơ sở khoa học cho việc dự thảo những văn bản chính sách quan trọng.

Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại - FOSET khởi nguồn từ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức đối ngoại cho cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Đến nay, FOSET đã tổ chức khoảng 600 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại cho các cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức các chương trình bồi dưỡng, đào tạo trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao với các Chính phủ, Bộ Ngoại giao và trường đào tạo cán bộ ngoại giao các nước khác.

Về Trung tâm FOSET, qua 15 năm phát triển, đã từng bước mở rộng, phát triển, tạo dựng uy tín, đội ngũ giảng viên là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đối ngoại, cung cấp những chương trình đào tạo, bồi dưỡng về đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng chất lượng, hiệu quả và sát với nhu cầu của các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước, theo định hướng xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác đối ngoại.

Các chương trình bồi dưỡng, đào tạo trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao với các Chính phủ, Bộ Ngoại giao và trường đào tạo cán bộ ngoại giao các nước khác góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước này.

Trung tâm Thông tin tư liệu đã thực hiện tốt các chức năng chính về khai thác thông tin, thư viện phục vụ bạn đọc; triển khai công tác tin học và ứng dụng công nghệ thông tin; và xuất bản Tạp chí Nghiên cứu quốc tế và các ấn phẩm khác phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu của Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao.

Trung tâm Thông tin tư liệu hiện nay trực thuộc Học viện Ngoại giao được thành lập trên cơ sở tiền thân là Ban Thông tin - Tư liệu thuộc Viện Quan hệ quốc tế (1977), sau được nâng cấp thành Ban Thông tin - Thư viện (1987), và Trung tâm Thông tin - Thư viện (2000), có chức năng khai thác và quản lý nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Ngoại giao và Bộ Ngoại giao.

Thời gian gần đây, Trung tâm đã có những chuyển biến mang tính bước ngoặt theo hướng đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong đó có việc hiện đại hóa và đưa vào vận hành thư viện điện tử, thư viện số thể hiện nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày tăng về thông tin và tài liệu, phục vụ công tác giảng dạy, học tập, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao trong kỷ nguyên thông tin và công nghệ số.

Tạp chí Nghiên cứu quốc tế cũng đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ với tư cách là cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại; thông tin, giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam ra thế giới; và trở thành diễn đàn trao đổi khoa học về các vấn đề quốc tế có liên quan trực tiếp đến an ninh, đối ngoại và phát triển của Việt Nam. Đây cũng là tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong cả nước về nghiên cứu quốc tế và đối ngoại.

Tạp chí Nghiên cứu quốc tế là tạp chí khoa học duy nhất của Bộ Ngoại giao, có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tạp chí thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại; thông tin, giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam ra thế giới; là diễn đàn trao đổi khoa học về các vấn đề quốc tế có liên quan trực tiếp đến an ninh, đối ngoại và phát triển của Việt Nam.

Đến nay, Tạp chí đã xuất bản được 134 số tiếng Việt và 47 số tiếng Anh. Sắp tới, đơn vị sẽ đưa vào vận hành song song Tạp chí in và Tạp chí điện tử.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng của ngành Ngoại giao, là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ đối ngoại được đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Nhân dịp này, Thứ trưởng có thể chia sẻ kỳ vọng của mình đối với các đơn vị nêu trên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập?

Các dấu mốc 15 năm và 30 năm chưa phải là dài đối với một cơ quan, tổ chức. Những kết quả tích cực, đáng khích lệ mà các đơn vị đã đạt được trong những năm qua là nền tảng quan trọng để họ tiếp tục phấn đấu và phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, quan hệ quốc tế xuất hiện những đặc điểm và xu hướng mới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia và quốc tế.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn chiến lược mới với mục tiêu và khát vọng phát triển cao hơn, đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang nhưng cũng không ít thách thức cho công tác đối ngoại.

Trong bối cảnh đó, trách nhiệm đặt lên vai những cán bộ của Bộ Ngoại giao nói chung, trong đó có các đơn vị trên, là rất to lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và đồng lòng cao để có thể viết tiếp những trang sử hào hùng của Ngành.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (trái) dự Hội thảo về công tác nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới nhân dịp thành lập viện NCCL. (Ảnh: Quang Hòa)

Đánh giá cao chất lượng và hiệu quả công tác của Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, FOSET, Trung tâm Thông tin tư liệu và Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, tôi mong muốn trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xác định tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tập trung vào những định hướng sau:

Thứ nhất, Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao cần phát huy vai trò là “chủ công” trong công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, nâng tầm năng lực dự báo chiến lược; chủ động, sáng tạo, đổi mới trong tư duy và năng lực nghiên cứu; xây dựng đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, chất lượng; gắn kết giữa công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Thứ hai, Trung tâm FOSET cần không ngừng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, bám sát nhu cầu thực tiễn của các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời tiến hành tổng kết thực tiễn, đề xuất những định hướng, tầm nhìn mới nhằm đáp ứng yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Thứ ba, Trung tâm Thông tin tư liệu tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa các cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phấn đấu đưa Thư viện của Học viện Ngoại giao trở thành thư viện chuyên ngành quan hệ quốc tế và ngoại giao của quốc gia; mở rộng đối tượng phục vụ trong cả nước và tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các thư viện, nguồn dữ liệu chuyên ngành lớn trên thế giới; đồng thời phấn đấu để Tạp chí Nghiên cứu quốc tế giữ vững vị trí là Tạp chí đầu ngành trong nước và vươn lên trở thành tạp chí khoa học uy tín trong khu vực và quốc tế.

Tôi tin tưởng rằng các đơn vị sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục thể hiện sự tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo trong công tác,triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi số và quản lý tri thức nhằm bắt kịp với những tiến bộ của khoa học - công nghệ và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đất nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương, phát huy sức mạnh đoàn kết và xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh để hoàn thành xuất sắc hơn nữa các mục tiêu và nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các đơn vị khác trong Bộ Ngoại giao thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII và đóng góp vào sự thành công của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.

Năm 2008, Học viện Quan hệ quốc tế được nâng cấp và đổi tên thành Học viện Ngoại giao theo Quyết định số 82/2008/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là việc sắp xếp lại và thành lập ba trong số các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao là Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ dối ngoại (FOSET) và Trung tâm Thông tin tư liệu. Trở về xa hơn theo dòng lịch sử, ba mươi năm trước, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế - cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời và phát triển của một tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Chu An

To Top