Sách hay nên đọc: Chất độc da cam, Dioxin và hệ quả

Một trong những 'di sản' lớn nhất của cuộc chiến mà người Mỹ hay nói đến 'cuộc chiến Việt Nam' hay 'Vietnam war' là hậu quả của các hóa chất độc hại do quân đội Mỹ đã từng dùng trong thời chiến gần 50 năm về trước.

Dù chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng hàng triệu nạn nhân của độc chất màu da cam và Dioxin vẫn còn đang chịu đựng ảnh hưởng của nó. Những tác hại trên con người chỉ là một khía cạnh của hậu quả cuộc chiến hóa học. Đó là chưa kể đến những tàn phá môi sinh do chiến dịch dùng độc chất một cách bừa bãi gây ra, cũng là một tác hại lâu dài và nguy hiểm khác.

Cuốn sách “Chất độc Da cam, Dioxin và Hệ quả” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2004; sách dày 191 trang; khổ 20cm. Đây có lẽ là lần đầu tiên một cuốn sách viết bằng tiếng Việt được hệ thống hóa tương đối đầy đủ, được hiểu và diễn dịch qua lăng kính của một nhà khoa học về “hành trình” của Chất độc màu Da cam.

Tác giả là một chuyên viên nghiên cứu y khoa cao cấp của một trong những Viện nghiên cứu Y khoa hàng đầu của Úc và thế giới, được đào tạo chính quy về nghiên cứu Dịch tễ học, Thống kê sinh học và Dịch tễ học về Di truyền. Trong lĩnh vực của mình, tác giả là một người có tên tuổi trên trường quốc tế. Chính vì thế mà tác giả đã âm thầm thu thập các tài liệu, chứng cứ để rồi tổng hợp, diễn dịch và lý giải số liệu. Tuy nhiên tác giả là ai, không quan trọng; ông giữ chức vụ gì cũng không liên can, điều quan trọng là tác giả đã viết gì và nói gì.

Cuốn sách được chia làm ba phần: Phần I mô tả về hóa chất dioxin, và lịch sử sử dụng hóa chất này trong cuộc chiến Việt Nam; Phần II trình bày những nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin lên con người như ảnh hưởng của dioxin lên tỷ lệ giới tính, dị tật bẩm sinh, các bệnh như tiểu đường, ung thư, hệ miễn dịch; Phần III là bàn về vấn đề tiếp cận bằng chứng khoa học và đề xuất hướng nghiên cứu sự ảnh hưởng của dioxin ở nước ta. Phần lớn những tài liệu và dữ kiện được trích dẫn từ những nghiên cứu từ nước ngoài, một số là những nghiên cứu từ Việt Nam.

Theo Trái tim người lính

Thư viện quân đội

To Top