Thư gửi bạn đồng môn: 'Cả tình yêu trao cuộc sống…'

Đọc những trang văn của bạn, thấy bừng lên một tình yêu đối với vùng đất Quảng Bình với những đồi cát, những cơn gió lạnh, gió nóng, với những loài hoa rất đỗi bình dị...

Tường thân mến!

Từ khi nhận được cuốn tạp văn “Và, gió heo may…” bạn gửi tặng, cứ lần lữa mãi không viết được gì… Phải nói ngay rằng cái bìa sách màu tím Huế với lất phât mấy bông lau Quảng Bình rất ấn tượng. Tuy nhiên, mình thích kiểu chữ để trên bài "Và…gió heo may đã về” trong tập sách hơn.

Theo kinh nghiệm dân gian Quảng Bình mà bạn đã nhắc: khi nào hoa lau nở là Quảng Bình hết mùa mưa bão… Ôi, mong ước nho nhỏ ở một vùng thường chịu thiên tai... Trên facebook vừa nhắc lại rằng ngày này năm 1973, đơn vị xe tăng của bạn (một đại đội thiếu) đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đập tan được trận chiến của quân ngụy Sài Gòn dùng xe tăng lấn chiếm cảng Cửa Việt, và bạn bị thương. Cũng trên facebook, một đồng môn đưa lại bức ảnh cả lớp ta (Ngôn ngữ khóa 14 khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) chụp ở Diêm Điền, Thái Bình khi đang đi thực tập tại đấy, tháng 3/1971. Có vẻ mọi việc thúc giục phải viết cho bạn, kể về một điều gì đấy…

Thắp hương viếng Anh hùng liệt sĩ Lâm Úy.

Đọc những trang viết của bạn về vùng quê Lệ Thủy với dòng Kiến Giang, dòng Nhật Lệ… lại nhớ đến ngày 5/4/2008, Tường dẫn mình xuống Xuân Bồ, với “bến Vượt” và nơi Anh hùng Lâm Úy hy sinh trong trận tiêu diệt trung đoàn lính Âu - Phi của trung đoàn 48 Đại đoàn Bình Trị Thiên, tháng 5/1950 (khi ấy bọn mình chưa sinh)… Mình thắp hương trên mộ Anh hùng Lâm Úy, bâng khuâng nhìn dòng sông bình lặng trôi…lòng vang lên khúc ca “lúa chín bông vàng, trên dòng Kiến Giang” biết bao thương mến… Cũng may, năm ấy hoa giêng giếng nở muộn sau “tiết Thanh minh” vẫn vàng rực dọc các triền sông… và hoa Xoan nữa… Để mình thêm yêu mảnh đất nhỏ bên lở bên bồi dọc sông này. Với giọng Quảng Bình tạo nên một hiệu ứng riêng, Tường đọc cho mình bài thơ của Lê Đình Ty về hoa giêng giếng (Ra giêng giêng giếng nở vàng):

“Có một loài hoa/ Không nguôi trong đời tôi/ Tự lâu rồi/ vẫn nở/ Hoa giêng giếng vàng…Giêng giếng ai đặt tên?/ Thời gian chưa kịp lớn/ Chiến tranh lửa đạn tràn lan/ Chúng tôi thành người lính/ Ra đi gìn giữ xóm làng/ Tiễn đưa/ giêng giếng/ bạn vàng/ trao tay…”.

Tác giả cùng nhà văn Nguyễn Thế Tường bên chiếc cầu sắt thượng nguồn Kiến Giang, nơi lính Pháp sát hại dã man đồng bào ta.

Bạn đã truyền cho mình một tình yêu Quảng Bình không phải qua lời hát “Quảng Bình quê ta ơi” mà là một Quảng Bình “bằng xương bằng thịt” với những kỷ niệm ấu thơ, thời chăn trâu cắt cỏ, theo cha lặn ngụp trên phá Hạc Hải rộng mênh mông, phát bờ cuốc góc, gánh phân bón ruộng, quăng mạ cấy lúa và những mùa vàng… Theo ngọn gió mùa, từng đàn chim di cư bay qua, xà xuống rồi bay đi để lại bao nỗi nhớ nhung trong lòng chàng trai mới lớn. Đây bến sông xưa với “hò khoan Lệ Thủy” nổi tiếng, nơi mẹ của Tường vo gạo rửa lá giong, sáng tinh mơ một ngày Xuân 1973 mà không biết cậu con trai yêu quý của mình, bông băng kín đầu đang nằm trên chiếc thuyền quân y chầm chậm lướt qua, phải cắn răng lại để không kêu thành tiếng “mạ ơi”… Bến sông xưa có người con gái “Mùa đông. Em mười bảy tuổi má hồng mắt ướt cứ dụi mái tóc vào áo quân phục người ta mà nũng nịu: “Em không muốn anh đi!”. Không đi sao được, em gái?! Phận trai thời loạn, phương Nam súng nổ, mình không đi thì ai thay mình đây!...”.

Hôm đó, Tường còn dẫn mình tới cây cầu sắt nhỏ, cầu Mỹ Trạch thượng nguồn Kiến Giang, nơi năm xưa lính Pháp đã tàn sát hàng trăm đồng bào ta và cứ mong có một tấm bia nhỏ gắn trên thành cầu ghi nhớ nỗi đau này. Hai đứa mình vào thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (làng An Xá xã Lộc Thủy) cùng ngồi bên hiên nhà Đại tướng, nương bóng mát cây cao bóng cả, cố gắng hưởng một phút thư thái, để tạm quên đi bao nỗi trăn trở trước nhân tình thế thái, trước vật đổi sao dời mà hôm nay, nó bùng lên, nó cháy lên trong những trang văn có cái tên nghe rất lãng mạn “Và, gió heo may đã về”…

Không biết mình hiểu có đúng không, nhưng khi dùng lại một câu thơ mở đầu cho một bài hát rất xưa nhưng chưa bao giờ cũ, hẳn Tường, cũng như mình, nghĩ đến một tứ thơ khác “Sáng mát trong như sáng năm xưa…gió chớm lạnh trong lòng Hà Nội…những phố dài xao xác hơi may…người ra đi đầu không ngoảnh lại…”. Tiền nhân đã để lại cho chúng ta một lời thề “nước còn giặc còn đi đánh giặc”… Thế hệ chúng ta, lớp sinh viên-chiến sĩ 6971 ra đi vẫn hẹn ngày về. Và Thế Tường, Hải Triều, Đoàn Văn Phúc, Phạm Hùng Việt, Đào Duy Kỳ, Vũ Huy Thông, Nguyễn Văn Chính lớp ta đều đã trở về…

Đọc những trang văn của bạn, thấy bừng lên một tình yêu đối với vùng đất Quảng Bình với những đồi cát, những cơn gió lạnh, gió nóng, với những loài hoa rất đỗi bình dị, xuân hạ thu đông đều có… màu tím sim mua, màu vàng giêng giếng, màu trắng hoa dành dành, màu đỏ của lộc vừng… Bạn đã truyền cảm hứng cho mình để mình viết được bài ký “Giêng giếng nở muộn” mà ngày nay, trang web của tỉnh Quảng Bình còn lưu. Nhưng dù sao vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thấm đâu so với những trang văn bạn viết về quê mình - Quảng Bình.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường bên dòng Nhật Lệ và rằng hoa Giêng giếng.

Chiếc ao làng. Làng nào ở đồng bằng Bắc Bộ mà chẳng có ao. Cũng nhiều bạn văn viết về “ao làng” nhưng mình rất thích đoạn văn bạn viết về cái ao của làng bạn. Ao làng soi bóng hồn quê “ bao đời người sinh ra, lớn khôn soi mặt ao làng như đóng dấu son để ra đi lập nghiệp. Pháo nổ, vu quy! Một người con gái từ phương xa về làm dâu làng váy áo xông xênh ngang qua ao làng nhận mặt. Xuất giá tòng phu! Bao phận gái làm dâu xứ người, một ngày trở về soi mặt ao làng tìm lại nét duyên một thời con gái. Đêm gió mát trăng thanh, hoàng hôn ngày sóc vọng, những linh hồn chính chủ hiện lên, những phận người lang bạt tìm về… Ao làng là bản thần phả “phi văn tự”.

Và gió nữa chứ. Từ cơn gió heo may cho nhớ những chuyến đò đến cơn gió xuân hây hẩy có “hoa xoan lấm tấm rụng vơi đầy” để “tháng Ba hoa gạo đỏ trời” nghe con chim cuốc khắc khoải đêm đêm “quốc-quốc”. Tường than rằng “vun vút trôi qua bao mùa gió nóng, phượng nở, ve kêu, bao lớp lá vàng hoài niệm ngổn ngang… sắp mãn một kiếp người mà chưa ra khỏi lưu vực một cơn gió nóng…”. Và lo rằng với thói quen “ăn xổi ở thì” chỉ biết cái lợi hôm nay” đang dần tàn phá thiên nhiên, tàn phá cả một nền văn hóa mà bao xương máu tiền nhân đổ ra mới gây dựng được. Âu cũng là “lời khẩn cầu” từ những trang văn rằng hãy bảo vệ những nét đẹp riêng của thiên nhiên từng vùng quê, bảo vệ, gìn giữ và phát huy những lối sống rất văn hóa mà cha ông để lại.

Tường thân mến!

Cảm ơn bạn đã nhắc đến mình trong một câu thơ về hoa xoan… gợi nhớ mùa Xuân 1972 ký túc xá Thanh Xuân sát bến tầu điện đường vào Hà Đông, có mấy thanh bê tông bắc qua con ngòi nhỏ: “Ai đi qua cầu lại ngước nhìn lên/ Có phải Anh không nhỉ? Hoa xoan ơi đừng rơi hoài nữa thế/ Biết đâu Người về lại chẳng phải Anh!”. Câu thơ ấy xuất phát từ một truyện ngắn “Hoa tháng Ba” mình viết, kể về chuyến bọn mình đèo nhau bằng xe đạp từ Hà Nội lên xóm Bông Tam Đảo, nơi Tường vừa tốt nghiệp khóa lái xe tăng, để chia tay Tường trước khi bạn đi chiến trường, ngày 26/3/1973. Đó là một chuyến đi không bao giờ quên với phút xa nhau, Tường chia cho hai bạn gái miếng dạ đỏ phù hiệu binh nhất của lính tăng. Còn mình là ngôi sao người lính… Cũng vội vàng như thế, bẵng đi mấy chục năm sau, kỷ niệm lần thứ 100 Cách mạng tháng 10 Nga (7/11/2017), bọn mình đã chạy như điên trên con đường tuần tra biên giới từ Hoành Mô (Quảng Ninh) về Lạng Sơn trước 8 giờ tối ngày 5/11/2017, để kịp xem chương trình VTV nói về người lính sinh viên Việt Nam Nguyễn Thế Tường với văn học Nga-Xô viết.

Mảnh khảnh, với bộ quân phục cũ, Tường xuất hiện trước ống kính máy quay, cùng với các ca sĩ thành danh hát “Chiều hải cảng”… để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trên chiếc xe tăng có một góc “thư viện văn học Nga” mà Tường đã mang theo suốt cuộc chiến. Tối hôm ấy, mình đã nhiều lần phải lén lau nước mắt vì nhớ đến những người bạn cùng trang lứa đã không trở về. Nhưng rồi nhìn sang những người xung quanh, thấy ai cũng nước mắt lưng tròng… Cái thư viện Nga ấy, kỷ niệm về những bài thơ Nga, những bài hát Nga… được Tường kể lại ở những trang cuối của tập tạp văn, gợi nhớ lời ca sôi nổi “Cả tình yêu, trao cuộc sống…mãi mãi ta mến yêu người dù năm tháng qua…” . Tự hào về quá khứ, là lời nhắc chúng ta sống tốt hôm nay.

“Cả tình yêu, trao cuộc sống”… Chúng ta là vậy… Một vài cảm nghĩ nhân đọc tập sách mới của Tường. Đúng hơn, một lát cắt trong hồi ức của một chàng sinh viên Văn khoa đã từng ra trận, nghĩ về quê hương và tình người. Một bức thư tâm tình, hệt như những trang nhật ký của chúng ta năm xưa tràn ngập tình yêu đất nước và những cuộc ra đi “thề chưa hết giặc là ta chưa về”…

Thay cho lời chào là lời nhắn nhủ của một nữ Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngữ Văn gửi Tường “Em vẫn đạp xe trên phố… hát đôi ta… là khúc quân ca… hướng lên Ba Đình…”./.

Nhà báo Trương Cộng Hòa/VOV.VN

To Top