Doanh nghiệp niêm yết bằng SPAC ở nước ngoài được lợi gì?

Theo các chuyên gia, SPAC sẽ giúp những công ty chưa đủ điều kiện niêm yết có thể IPO để huy động vốn trên thị trường, cùng với đó là mức định giá cao hơn thông thường.

Trong thông cáo chính thức của Vingroup về thông tin xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ, doanh nghiệp này cho biết vẫn thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn cho nhà sản xuất ôtô, xe điện của mình.

Đáng chú ý, ngoài việc nhắc tới những cơ hội huy động vốn như đầu tư trực tiếp, phát hành cổ phiếu mới, hoặc các giao dịch khác… Vingroup có nhắc tới hoạt động sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) như một phương pháp huy động vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, SPAC có thể hiểu đơn giản là một công ty được lập ra không phải để hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ đóng vai trò như một công ty rỗng và thực hiện mua lại một công ty khác có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Grab cũng muốn niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC. Ảnh: Việt Hùng.

Lý do chọn SPAC

Mục đích của giao dịch nói trên là niêm yết gián tiếp công ty có hoạt động kinh doanh thông qua SPAC. Quy trình niêm yết một công ty thông qua SPAC tại Mỹ bao gồm các bước nhóm nhà đầu tư ban đầu thành lập SPAC, công ty sau đó tiến hành IPO để huy động vốn từ công chúng.

Khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu IPO của SPAC, công ty sẽ huy động được một lượng tiền và dùng số tiền đó để mua lại cổ phần của một công ty khác có hoạt động kinh doanh mà đáng ra sẽ niêm yết.

“Tại Mỹ, IPO cũng đồng nghĩa với việc niêm yết, nên IPO SPAC tức là niêm yết SPAC, khi SPAC mua lại một công ty thì cũng coi như công ty đó được niêm yết dưới tên SPAC. Nghiệp vụ này cũng tương tự như niêm yết cửa sau hoặc thâu tóm ngược”, ông Long chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng cho biết thêm phần lớn trường hợp niêm yết qua SPAC thì các công ty này đều đã có mục đích sẵn để sáp nhập, nhưng công ty đó chưa đủ điều kiện niêm yết.

Vì vậy, đây cũng là ưu điểm lớn nhất của IPO qua SPAC khi các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu nhưng vẫn có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, ông Long cũng cho biết nếu IPO thông thường, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch đầy đủ thông tin tài chính, khi đó, các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích sẽ đưa ra tính toán đầy đủ và có thể dẫn tới mức định giá thấp hơn kỳ vọng. Trong khi đó, IPO qua SPAC các doanh nghiệp sẽ không phải công bố quá nhiều thông tin thực tế về tình hình kinh doanh.

Trong đó, báo cáo tài chính của các SPAC chủ yếu ghi nhận kết quả kinh doanh qua lợi thế thương mại, các khoản phải thu, các khoản khách hàng trả trước… từ giao dịch sáp nhập trước đó.

Tuy nhiên, theo ông Long, thuận lợi cho doanh nghiệp thì cũng có rủi ro cho nhà đầu tư. Với nhà đầu tư cá nhân, muốn đầu tư cổ phiếu một SPAC cần phải biết tiền của mình được huy động để mua gì và công bố thông tin như thế nào.

“Câu chuyện cuối cùng vẫn là công ty muốn IPO qua SPAC phải có giá trị và giá trị đó phải tốt. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ tham gia vào một cuộc chơi mờ mịt về thông tin, khác hoàn toàn so với niêm yết thông thường”, ông Long nhấn mạnh.

Niêm yết qua SPAC sẽ có định giá cao hơn

Theo số liệu từ SPAC Research, doanh số IPO qua SPAC tại Mỹ giai đoạn 2013-2014 chỉ lần lượt vào khoảng 1,4 tỷ USD và 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, số này đã tăng rất mạnh trong những năm gần đây, đạt tới 83,4 tỷ USD năm 2020 và 87,9 tỷ USD tính riêng 3 tháng đầu năm nay.

Theo tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cấp cao Đại học Bristol tại Anh, doanh số huy động vốn qua SPAC bùng nổ trong năm 2020 có nguyên nhân đến từ việc tiền quá nhiều trên thị trường. Hiện Grab cũng đang tính đường niêm yết thông qua SPAC với định giá ước tính 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, vị giảng viên cho biết số thương vụ niêm yết qua SPAC ở Mỹ từ đầu tháng 4 đã giảm rất mạnh, chỉ đạt 4 thương vụ, trong khi tháng 1 và 2 vẫn đạt lần lượt 41 và 28 thương vụ. Ngoài ra, nguồn vốn vào các đợt IPO qua SPAC cũng đang chững lại.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xu hướng này nhưng một trong đó là định giá của các SPAC thường quá cao. Một yếu tố khác là các nhà đầu tư lo ngại về chính sách quản lý có thể thay đổi trong hoạt động niêm yết SPAC”, ông Tuấn chia sẻ.

VinFast muốn đạt định giá 50 tỷ USD nếu niêm yết trên sàn Mỹ và huy động được 2 tỷ USD. Ảnh: T.L.

Trong trường hợp của VinFast, ông Tuấn cho rằng nếu chọn niêm yết trên sàn Mỹ qua SPAC, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam sẽ phải tìm đối tác để thực hiện thương vụ sáp nhập. Tuy nhiên, sau giao dịch hợp nhất, công ty nào là mẹ, công ty nào là con sẽ tùy thuộc vào cơ cấu giao dịch và các toan tính về thuế, lợi ích…

Ông Tuấn cũng cho rằng dù hoạt động này đã giảm từ đầu tháng 4 đến nay nhưng nếu chọn IPO qua SPAC, VinFast vẫn có cơ hội để huy động được vốn.

Nguyên nhân do số SPAC lên sàn Mỹ năm 2020 rất nhiều và nhiều công ty trong đó vẫn đang chịu áp lực tìm kiếm thương vụ để sáp nhập. “Tuy nhiên, như Vingroup đã nói là việc triển khai các giao dịch huy động vốn sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty”.

Vị giảng viên trường Bristol cũng đánh giá nếu IPO qua SPAC tại Mỹ, mức định giá của VinFast sẽ không hề thấp, nhưng việc có huy động được 2 tỷ USD (tương đương định giá 50 tỷ USD) lại là câu chuyện khác.

“Nếu VinFast chọn cách này, định giá sẽ phụ thuộc vào tình hình các thương vụ diễn ra trước đó. Định giá của các thương vụ gần đây đã có xu hướng giảm mạnh. Như trường hợp Grab chỉ được định giá 40 tỷ USD, trong khi một số nhà phân tích đưa ra mức 60 tỷ USD năm trước”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Quang Thắng

To Top