Người nước ngoài ở TP.HCM hiến máu giữa dịch Covid-19

'Tôi hiến máu vì đây là điều tốt nên làm. Các bệnh viện đang cần máu và máu phải được quyên góp từ cộng đồng', Matthew Landwehr chia sẻ.

Giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn TP.HCM khiến hoạt động hiến máu gặp khó khăn, dẫn đến lượng máu dự trữ tại ngân hàng máu đang cạn dần.

Đáp lại lời kêu gọi của các bệnh viện, nhiều người nước ngoài đang sống tại thành phố chia sẻ thông điệp và tích cực đi hiến máu, góp phần mang lại ý nghĩa cho cộng đồng.

"Hiến máu là cách dễ dàng để giúp người"

Jovidon Khojaev (22 tuổi, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức)

Mấy hôm trước, vợ tôi đọc trên Facebook có một phụ nữ nước ngoài đi hiến máu, cô ấy đã đề cập đến việc bệnh viện đang tìm kiếm người hiến thuộc nhóm máu O.

Trong một số nhóm Facebook mà tôi theo dõi cũng cung cấp các thông tin về tình trạng thiếu máu tại bệnh viện. May thay, tôi có nhóm máu O+ và tôi nghĩ mình cần làm gì đó.

Hiến máu là một cách dễ dàng để giúp đỡ người khác. Ban đầu tôi rất lo lắng vì chưa thực hiện bao giờ nhưng tôi nhận ra đây là điều cần làm khi thấy các bác sĩ luôn chào đón mọi người với thái độ nồng hậu và thân thiện.

Jovidon Khojaev vừa đi hiến máu hôm 30/7. Ảnh: NVCC.

Hôm 30/7 cũng là lần tôi đi hiến máu đầu tiên trong đời. Trước đó, tôi đã đặt lịch hẹn qua Zalo và chạy xe máy đến quận 5. Người phụ nữ mà tôi đề cập trên Facebook đã cung cấp thông tin liên lạc của một nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện và có khả năng nói tiếng Anh tốt.

Tôi nhắn tin và cô ấy đã gửi tin nhắn qua điện thoại để xác nhận cuộc hẹn. Mặc dù phải qua 5 chốt kiểm tra, nhưng cuối cùng họ vẫn cho tôi qua khi hiểu lý do tại sao tôi lái xe ra ngoài trong lúc này.

Quá trình hiến máu của tôi rất dễ dàng, chỉ mất khoảng 30 phút. Sau đó, các nhân viên y tế tốt bụng còn tặng một giỏ quà sau khi hoàn tất. Nhưng tôi đã gửi cho một người có nhu cầu hơn mình trên đường về nhà.

Tôi cảm thấy việc làm này rất có ý nghĩa đối với cộng đồng vì vậy tôi sẽ khuyến khích bất cứ ai xung quanh mình làm điều tương tự.

"Cần phải khuyến khích mọi người hiến máu nhiều hơn"

Matthew Landwehr (27 tuổi, quận Bình Thạnh)

Tôi tình cờ đọc bài báo của Zing được chia sẻ bởi bạn bè trên Facebook về tình trạng thiếu máu hiện nay tại bệnh viện. Tôi muốn hiến máu vì đây là điều tốt nên làm. Các bệnh viện cần máu và máu phải được quyên góp từ cộng đồng.

Trước đây tôi cũng muốn hiến máu nhưng không có nhiều thông tin bằng tiếng Anh và nhiều nơi ở xa, thế nên tôi mới chỉ mới quyên góp một lần.

Matthew Landwehr xem việc hiến máu là nên làm. Ảnh: NVCC.

Lần hiến máu trước, tôi không có hẹn trước mà lái xe máy đến thẳng phòng khám và họ đã cho phép tôi hiến tặng. Tiếng Việt của tôi cũng đủ để tôi có thể hiểu được phần nào những gì được viết trên tờ đơn. Nhưng có một người phụ nữ tốt bụng đang hiến máu đã hỗ trợ tôi và giao tiếp với nhân viên y tế.

Bệnh viện tôi đến hiến máu khá ổn, sạch sẽ và nhân viên rất thân thiện, chỉ có một điều là không ai có thể giao tiếp bằng tiếng Anh cả. Tôi có thể tưởng tượng rằng rào cản ngôn ngữ này có thể khiến một số người nước ngoài gặp khó khăn khi quyết định đi hiến máu.

Tôi nghĩ rằng cần phải khuyến khích mọi người hiến máu nhiều hơn.

Có lần tôi đã hỏi nhiều sinh viên Việt Nam về việc hiến máu. Nhiều người trong số họ nói rằng sẽ không bao giờ hiến máu vì nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến tôi thấy bất ngờ bởi vì ở đất nước tôi, các trung tâm hiến máu ở khắp nơi và mọi người dường như hiến máu rất thường xuyên.

"Mọi người tò mò khi thấy chàng Tây đi hiến máu"

Jatinder Pal Singh (34 tuổi, huyện Nhà Bè)

Nhóm máu của tôi là B-, một nhóm máu hiếm và bố tôi đã luôn khuyến khích tôi nên thường xuyên hiến máu. Chính vì thế tôi đã bắt đầu hiến máu từ khi tôi 20 tuổi.

Tôi tin rằng đây là một việc làm với mục đích cao cả vì máu của tôi có thể cứu sống được nhiều người khác. Sau mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy rất ý nghĩa. Rốt cuộc, chẳng phải người với người sống để sẻ chia với nhau sao?

Anh Jatinder Pal Singh (giữa). Ảnh: NVCC.

Tôi đọc tin tức trên mạng xã hội và thấy rằng TP.HCM không thể tổ chức các đợt hiến máu rộng rãi trong thời gian dịch bệnh và đang quay cuồng trong tình trạng thiếu máu.

Lần hiến máu gần đây của tôi rất đặc biệt. Khi nhân viên bệnh viện nhìn thấy một anh chàng nước ngoài, tôi cảm giác họ thấy thú vị. Sau khi hiến máu xong, dù tôi không muốn nhận tiền và thực phẩm dinh dưỡng nhưng nhân viên y tế vẫn kiên quyết đưa cho tôi. Họ nói rằng đó chính là tấm lòng biết ơn từ bệnh viện. Chính ấn tượng đó đã khiến tôi muốn quay lại bệnh viện thêm nhiều lần nữa để tiếp tục hành động ý nghĩa này.

Tôi đã đăng ký hiến máu vào tháng 8 này tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM nhưng đang khá lo lắng không biết làm thế nào để đến bệnh viện trong thời điểm này. Nhưng việc cứu người chắc là trường hợp cấp thiết đúng không.

"Cứ 6 tháng tôi lại đi hiến máu"

Jean Baptiste (37 tuổi, quận Bình Thạnh)

Tôi đã hiến máu 6 lần ở Việt Nam. Vì là nhóm O- nên tôi muốn giúp đỡ những người đang cần nhóm máu này. Đồng thời tôi cũng cảm thấy việc hiến máu rất quan trọng đối với bệnh viện và cộng đồng.

Thật ra trước đây tôi cũng là người thường xuyên hiến máu ở Pháp (2 tháng một lần), nhưng khi chuyển đến Việt Nam cách đây 7 năm, tôi không biết hiến ở đâu và liệu có an toàn không. Chính vì thế, tôi đã mất hơn 3 năm để tìm hiểu về cách thức, địa điểm hiến máu ở Việt Nam rồi mới quyết định.

Jean Baptiste chia sẻ trải nghiệm đi hiến máu ở TP.HCM cũng như ở Pháp. Ảnh: NVCC.

Ở Pháp, tôi có thể tìm thấy một nơi hiến máu rất dễ dàng. Tôi rất ngạc nhiên là ở TP.HCM dường như rất ít nơi mở cửa cho hiến máu. Tôi thường đến Bệnh viện Hồng Bàng để thực hiện hoạt động này.

Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên là không cần phải hẹn trước mà cứ điền vào tờ đơn là được tiến hành quá trình hiến máu luôn nếu đạt tiêu chuẩn.

Khi đến bệnh viện, tôi luôn cảm thấy được chào đón và không phải chờ đợi quá lâu. Điều đó khiến tôi có thể sắp xếp lịch trình đi hiến máu dễ dàng và thoải mái.

Trải nghiệm khi đi hiến máu ở Việt Nam an toàn như ở Pháp. Cứ mỗi 5-6 tháng tôi đều đi hiến máu một lần, trừ khi họ gọi cho tôi sớm hơn như lần trước chẳng hạn.

Trong thời gian dịch Covid-19, tôi nghĩ rằng mình có thể quyên góp thường xuyên hơn, nhưng chắc phải đợi ít nhất là tới tháng 10.

Một điều tôi cũng băn khoăn nữa chính là liệu rằng bệnh viện có chấp nhận hiến máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid19 hay không. Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ được bác sĩ hoặc các nhân viên y tế tư vấn kỹ càng.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail [email protected].

Nhật Hoàng

To Top