Nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong trên vải của phụ nữ Mông

Nghệ thuật tạo hình, hoa văn trên nền vải bằng sáp ong đã được bao thế hệ phụ nữ Mông gìn giữ.

Chị em liên kết thành tổ hợp tác. Ảnh: A Lù.

Đây là nét văn hóa truyền thống về một nghề thủ công đã gắn bó với đời sống thường ngày nơi non cao Mù Cang Chải (Yên Bái) từ xa xưa đến ngày nay.

Nét hoa văn độc đáo...

Nếu các chàng trai Mông đã đưa nghệ thuật Khèn lên đỉnh cao thì những người phụ nữ bằng sự sáng tạo qua đôi tay khéo léo đã dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải trở thành nết văn hóa độc đáo vươn tầm quốc gia.

Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, ngay từ nhỏ chị Lý Thị Ninh (xã Chế Cu Nha) đã được bà, mẹ, chị truyền dạy cho những đường nét hoa văn bằng sắp ong mang đậm bản sắc dân tộc.

Vẽ sáp ong để tạo hoa văn rất kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục, óc sáng tạo và sự tinh tế. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao khoảng 60 độ C sáp mới không bị khô. Bút để vẽ là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7 - 10cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác.

Ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ. Người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải.

Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Sau khi vẽ xong hoa văn đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải.

Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.

Nắm được lợi thế và xu hướng phát triển của xã hội, năm 2014 chị Ninh đã tập hợp trên 50 chị em phụ nữ thành lập tổ hợp tác thổ cẩm và trực tiếp thu mua các sản phẩm ngoài tổ hợp tác để bán ra thị trường. Sau nhiều năm phát triển tổ hợp tác của chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm phụ nữ trên địa bàn xã và các xã xung quanh.

Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của chị Ninh có mặt ở nhiều địa phương và trở thành mặt hàng được nhiều người dân, du khách quan tâm, thậm chí có thương hiệu thời trang nổi tiếng như Moncheri của Công ty cổ phần đầu tư MONCHERI GROUP đặt hàng. Sau khi họ mua về, các sản phẩm của chị sẽ được phối thành sản phẩm thời trang đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.

“Với xu thế phát triển chung của xã hội, tôi cũng như nhiều chị em khác đã và đang phát triển sản phẩm thổ cẩm truyền thống vẽ hoa văn trên vải bằng sắp ong, được nhiều du khách gần xa đánh giá rất cao. Việc tạo ra các hoa văn truyền thống mang đậm bản sắc này cũng đã đem lại thu nhập cho nhiều chị em nên chúng tôi sẽ tập trung bảo tồn và gìn giữ cho thế hệ mai sau”, chị Lý Thị Ninh cho biết thêm.

Giống như chị Ninh, chị Lù Thị Dinh ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải) cũng gắn bó với nghệ thuật dùng sắp ong tạo hoa văn trên vải hàng chục năm nay, được nhiều người biết đến.

Theo chị Dinh, để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo yêu cầu người vẽ hoa văn cần chú trọng đến cách trình bày và hình thức. Một khâu rất quan trọng là việc mỗi loại sắp ong và hoa văn lại yêu cầu bút vẽ phải khác nhau mới tạo ra được những đường kẻ hay họa tiết theo như mong muốn.

Nguyên liệu chính để chế tác hoa văn trên trang phục là sáp ong có màu vàng và đen được nấu chảy, trộn đều. Mỗi hoa văn được hình thành theo ý tưởng và sở thích, sự sáng tạo của mỗi người. Khi vẽ, người phụ nữ chấm bút vào sáp ong nóng, kẻ thật khéo những đường thẳng trên vải. Quá trình này được thực hiện thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sự nhẫn nại vì phải mất thời gian dài mới có thể hoàn thành.

Nét độc đáo nhất là mỗi người sẽ tự tạo ra tấm vải có hoa văn riêng mang phong cách, ý tưởng của cá nhân, làm nên những tấm vải “độc bản”. Những hoa văn thường gặp như hình khối, cây cỏ, hoa lá, mặt trăng, mặt trời hay hình tượng những đồ vật dùng trong sản xuất hàng ngày.

Bởi thế mỗi tấm vải luôn mang tính nghệ thuật cao. Nó như câu chuyện kể về thế giới quan, phản ánh tâm hồn, hoạt động lao động sản xuất của đồng bào Mông cùng thiên nhiên hùng vĩ nơi rẻo cao Mù Cang Chải.

“Đối với phụ nữ người Mông, chúng tôi thì ngay từ nhỏ đã phải học vẽ sáp ong. Vẽ đẹp hay không cũng do năng khiếu của bản thân mình. Như tôi thì hiện nay đã gắn bó với vẽ sáp ong gần 30 năm.

Trước kia tôi chỉ làm để phục vụ gia đình nhưng hiện nay sản phẩm đã được nhiều người biết đến và có giá trị kinh tế. Mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập cả trăm triệu từ việc bán các sản phẩm truyền thống này”, chị Lù Thị Dinh tâm sự.

Các cụ già luôn kèm cặp, hướng dẫn giới trẻ. Ảnh: A Lù.

Trở thành di sản quốc gia

Năm 2023 nghệ thuật tạo hình hoa văn trên vải bằng sáp ong được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này càng làm cho chị em phụ nữ Mông thêm tự hào, phấn khởi và trân quý hơn với nghề. Đặc biệt là những người đang ngày ngày gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Theo chị Chang Thị Nhứ, xã Púng Luông: Khi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể thì mỗi chị em người Mông phải có trách nhiệm gìn giữ, thậm chí còn phải tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn và biến loại hình này thành sản phẩm du lịch cho du khách đến thăm quan trải nghiệm. Có như vậy mới có thể đưa nét văn hóa này bay xa, bay cao hơn nữa.

“Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ mai sau. Chúng tôi sẽ nỗ lực đưa di sản thành tài sản, tạo nguồn thu chính đáng cho chị em phụ nữ người Mông chúng tôi”, chị Chang Thị Nhứ bộc bạch.

Những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức nhiều hội thi vẽ sáp ong, tạo điều kiện giúp phụ nữ Mông có thêm cơ hội để bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Qua đó tạo ra những sản phẩm, hoa văn mang đậm bản sắc và trở thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần làm tăng thu nhập cho phụ nữ.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân trên địa bàn gìn giữ loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ, đồng thời có phương án phát triển ngày một rộng rãi, tránh để mai một trong tương lai.

Xã Púng Luông là địa phương có trên 95% đồng bào Mông sinh sống. Để phát triển, gìn giữ nghệ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sắp ong, những năm qua địa phương luôn chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với nghề truyền thống.

Ngoài ra, tạo ra các sân chơi cho chị em phụ nữ Mông để thu hút chị em tham gia vào các nhóm cùng sở thích và gìn giữ sản phẩm truyền thống này, tạo điều kiện cho chị em có thêm thu nhập phát triển kinh tế hộ gia đình.

Những họa tiết tỉ mỉ.

Khẩn trương hoàn thành các sản phẩm.

“Để phát huy và bảo tồn nghề truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể vẽ hoa văn trên vải bằng sắp ong, địa phương luôn chủ động chỉ đạo các ngành tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ phát triển và truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Việc truyền dạy không chỉ trong các bản làng mà ngay trên ghế nhà trường.

Trong các dịp lễ, tết sẽ tổ chức các hội thi chuyên đề để chị em có cơ hội học hỏi lẫn nhau về cách làm, tạo hoa văn trên vải. Từ đó đưa các sản phẩm này ra thị trường, tạo nguồn thu cho người dân địa phương”, ông Lý A Tủa - Phó Chủ tịch UBND xã Púng Luông chia sẻ.

Đặc biệt, huyện Mù Cang Chải còn chú trọng giới thiệu nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải đến các hãng thời trang để đưa loại hình này vào các trang phục hiện đại, tạo công ăn, việc làm cho chị em phụ nữ người Mông.

“Để giữ gìn phát huy giá trị bản sắc và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vẽ sắp ong trên vải của người phụ nữ Mông, chúng tôi đã cho chủ trương đưa vào các trường học gắn với mô hình xây dựng trường học hạnh phúc, trường học du lịch. Mục đích để học sinh được trải nghiệm và thực hành trong các giờ ngoại khóa.

Qua đó, giáo dục để thế hệ trẻ có trách nhiệm bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, huyện còn giới thiệu sản phẩm cho các công ty thời trang và tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người tiêu dùng”, ông Nông Việt Yên - Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải nhấn mạnh.

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn giúp các địa phương có thêm động lực để quảng bá, giới thiệu với du khách về di sản của địa phương mình. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Đây cũng là một trong những đề án quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

A Lù

To Top