AI giúp tối ưu hóa thiết kế nhưng chưa thể thay thế sáng tạo của kiến trúc sư

Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, AI tạo ra giải pháp thiết kế, tối ưu hóa công năng của công trình nhưng chưa thể thay thế được sáng tạo của kiến trúc sư.

Ngày 4/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2008/QĐ-TTg công nhận ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt để giới chuyên môn và những người yêu thích kiến trúc cùng nhìn lại lịch sử hình thành và chặng đường phát triển của ngành Kiến trúc ở Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của một ngành nghề sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.

Vai trò của Kiến trúc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiến trúc à Nội khẳng định: Nếu hiểu Kiến trúc là một lĩnh vực được kết hợp giữa khoa học tổ chức không gian với nghệ thuật sẽ thấy vai trò và tầm quan trọng của Kiến trúc với xã hội, có tác động sâu rộng đến các hoạt động khác của con người.

Kiến trúc, văn hóa và con người nằm trong mối quan hệ tổng hòa, mà ở đó kiến trúc đóng vai trò tạo lập các giá trị nghệ thuật về không gian cư trú, không gian tương tác giữa con người với con người, giữa con người với môi trường bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chính vì vậy, để có được một xã hội phát triển bền vững, có bản sắc văn hóa, không thể không nhắc tới vai trò và ảnh hưởng của kiến trúc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật (phát biểu) – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Trọng - Trưởng Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng: Kiến trúc có vai trò rất quan trọng với đời sống kinh tế, xã hội và con người, là tấm gương phản ánh chân thực về thời đại, đặc biệt là sự phát triển của kinh tế - xã hội ở một đất nước. Ở mỗi quốc gia, kiến trúc cho thấy tư duy, sự nhạy bén, mắt thẩm mỹ của con người. Qua đó, kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của mỗi quốc gia và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

“Kiến trúc và ngành kiến trúc có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Xã hội càng phát triển, kiến trúc cũng phát triển không ngừng và là một ngành khoa học kỹ thuật không thể thiếu trong nền tảng hạ tầng phát triển của mọi xã hội.

Kiến trúc luôn được coi là nhóm ngành đi đầu của một đất nước đang phát triển, đi cùng với sự phát triển đô thị hóa và hội nhập. Ngành kiến trúc đóng góp vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng chính sách mới; điều chỉnh các hoạt động của ngành kiến trúc sao cho đúng hướng; đáp ứng những thực tiễn của việc phát triển kinh tế, xã hội.

Có thể nhận thấy, thời gian qua bộ mặt các đô thị tại Việt Nam phát triển nhanh chóng với các công trình kiến trúc ngày càng có quy mô lớn hơn, phức tạp hơn, có chất lượng cao hơn cả về công năng và thẩm mỹ. Qua đó đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của kiến trúc đối với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta”, thầy Nga nhận định.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Trọng Nga, ngày nay nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu mức sống của người dân ngày một cao hơn. Trên cơ sở đó, ngành Kiến trúc đã không ngừng thay đổi, các kiến trúc sư đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc nổi bật phục vụ dân sinh, xã hội, đẹp về thẩm mỹ, hiệu quả về công năng góp phần giúp cho nền kinh tế – xã hội Việt Nam ngày càng phát triển.

Có thể nhận thấy, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Kiến trúc đã và đang mang lại cho nền kinh tế - xã hội nước ta rất nhiều lợi ích; hướng đến xây dựng nên một môi trường hoạt động lành mạnh. Các quy hoạch tổng thể giúp cho các nhà quản lý hoạch định chính sách. Các thiết kế kiến trúc không chỉ tập trung hướng đến nhu cầu dân sinh mà còn bảo tồn và phát triển văn hóa. Từ những thành tựu trên, kiến trúc đã trở thành một trong những lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Kiến trúc bản chất xuất phát từ khi con người có ý thức về môi trường nhân tạo cho mình. Có thể kể đến từ khi người ta bắt đầu dựng lều bạt hay ngôi nhà đầu tiên cho con người ở thì Kiến trúc đã hình thành từ đó. Và Kiến trúc là một bộ phận nằm trong văn hóa của nhân loại. Để xây dựng và phát triển một đất nước rất cần xây dựng các công trình kiến trúc bao gồm điện đường trường trạm phục vụ an sinh xã hội, mà tất cả các công trình đó đều bắt nguồn từ Kiến trúc”.

Tiến sĩ Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Cơ hội và thách thức của ngành Kiến trúc trước sự ra đời của í tuệ nhân tạo

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật, trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây được nhắc tới bởi sự can dự của nó trong nhiều mặt của đời sống xã hội, và kiến trúc không phải là trường hợp ngoại lệ.

“Trí tuệ nhân tạo mô phỏng suy nghĩ và những hành động của con người để đưa ra những quyết định nhằm tối ưu hóa kết quả của một quy trình, một công việc cụ thể thông qua quá trình thu thập thông tin và quy tắc hóa quá trình áp dụng trên nền tảng của dữ liệu lớn và tự sửa lỗi. Tuy nhiên, kiến trúc là khoa học của sự sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Do đó, có thể trí tuệ nhân tạo giúp có được giải pháp thiết kế nhằm tối ưu hóa công năng của một công trình kiến trúc, nhưng ở góc độ thẩm mỹ thì dường như chưa thể thay thế được sáng tạo của kiến trúc sư.

Do đó, thay vì đứng ngoài, kiến trúc nên đón nhận AI một cách tích cực, coi đó là công cụ, là cơ hội để tiếp cận nhanh hơn với các xu hướng kiến trúc mới, công nghệ mới, vật liệu mới bên cạnh việc đề cao những giá trị về văn hóa, tinh thần và bản sắc”, thầy Thuật nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trưởng Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của nhiều công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ sinh học... mang đến rất nhiều cơ hội để phát triển song cũng đặt rất nhiều thách thức cho các ngành nghề, trong đó có ngành Kiến trúc, đứng trước nguy cơ bị tụt hậu, đào thải nếu không kịp thời nắm bắt cơ hội và thay đổi.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thay đổi hoàn toàn cách thức mà con người tư duy, sáng tạo và triển khai thiết kế kiến trúc cũng như xây dựng công trình. Trí tuệ nhân tạo đã chứng minh khả năng vượt trội trong việc giải quyết các vấn đề của con người giúp kiến trúc sư có thể khai thác nó để vượt qua những giới hạn thiết kế hiện tại.

Các công nghệ và kỹ thuật mới như các công nghệ về thiết kế tính toán, mô hình thông tin công trình,… hỗ trợ từ giai đoạn thiết kế ý tưởng tới khi triển khai, vận hành công trình đã mở ra sự sáng tạo không giới hạn cho kiến trúc sư trong các thiết kế. Ngoài ra công nghệ in 3D, người máy (robot) hỗ trợ đã làm nên cuộc đại cách mạng trong ngành công nghiệp xây dựng, đã làm thay đổi cách các kiến trúc sư tiếp cận thiết kế. Từ đó, cho phép các kiến trúc sư thỏa sức sáng tạo, tự do tưởng tượng, thiết kế những hình thái kiến trúc phức tạp với độ thi công chính xác cao mà không lo đến vấn đề thi công công trình.

Kiến trúc là một nghề rất phong phú và đa dạng, cho phép kiến trúc sư tự mở ra cho mình rất nhiều con đường sự nghiệp độc đáo. Có nhiều thị trường, dịch vụ và lĩnh vực chuyên môn khác nhau để xác định lối đi cho niềm đam mê của một kiến trúc sư. Sự phát triển của các công nghệ như công nghệ thực tế ảo tăng cường (VR), công nghệ thực tế ảo (AR), công nghệ in 3D, thiết kế máy tính và công nghệ robot… đã định hình lại thực tiễn ngành kiến trúc", thầy Nga khẳng định.

Một buổi bảo vệ đề án tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo Tiến sĩ Lê Trọng Nga, hiện nay với việc kiến trúc bắt đầu khai thác sức mạnh của các công nghệ tiên tiến đó, những lĩnh vực này không còn loại trừ mà còn tương hỗ cho nhau. Thay vì chọn một con đường ưa thích, các kiến trúc sư được khuyến khích hiểu biết và sử dụng thành thạo những công nghệ này để có thể tham gia vào trong nhiều lĩnh vực liên quan như: Nghề giám đốc công nghệ; Nghề thiết kế mô hình VR; Nghề mô phỏng tình huống; Nghề làm giao diện tương tác ảo… Điều đó cho thấy, công nghệ đã tạo ra sự phân hóa, mở rộng nghề nghiệp, để cho các kiến trúc sư đón nhận những cơ hội mới, nghề nghiệp mới.

Tuy nhiên, theo thầy Nga, trước các yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các kiến trúc sư không chỉ thành thạo về thiết kế kiến trúc trên nền tảng công nghệ mới mà còn phải hiểu biết rộng về các vấn đề kỹ thuật tích hợp khác như kết cấu, cơ điện, năng lượng, chiếu sáng, âm học, sinh thái, môi trường,... Sự thay đổi to lớn và nhanh chóng này đòi hỏi các kiến trúc sư Việt Nam phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng công nghệ mới để bắt kịp và định hình những xu thế kiến trúc cũng như công nghệ thiết kế của thời đại. Các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc phải là nơi đầu tiên chuẩn bị và sẵn sàng cho quá trình phát huy, ứng dụng công nghệ mới này.

Với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá điều này đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức mà ngành Kiến trúc phải đối mặt.

"Kiến trúc cũng như tất cả các ngành khác trong đời sống xã hội đều chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ mới trong xây dựng, trong thiết kế kiến trúc và hệ thống trang thiết bị công trình.

Những công nghệ thiết kế hiện đại đã giúp cho các kiến trúc sư có khả năng thiết kế và sáng tạo không giới hạn với công nghệ số hiện nay. Nếu như trước đây với tư duy hay cách vẽ thủ công của người kiến trúc sư, có thể người ta hình dung trong đầu nhưng khó mà vẽ ra. Còn hiện nay với công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thiết kế thì người kiến trúc sư có thể thỏa sức sáng tạo cho bất cứ thứ gì mà con người muốn", thầy Lãnh nhận định.

Sinh viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đi thực tế. (Ảnh: NTCC)

Tuy nhiên, theo thầy Lãnh, thách thức lớn nhất hiện nay là phải đào tạo được những người biết sử dụng công nghệ mới.

Hiện nay những kiến trúc sư giàu kinh nghiệm tuổi cũng tương đối cao. Ví dụ những kiến trúc sư đã ngoài 50 tuổi, hiện nay khi đối diện với công nghệ mới rất khó học. Những bạn kiến trúc sư trẻ có thể sẽ thuận tiện hơn trong việc tiếp xúc với công nghệ mới. Đó là thách thức đầu tiên về khả năng ứng dụng, sử dụng những công nghệ mới.

Thách thức thứ 2 là làm sao để khoa học công nghệ của chúng ta bắt kịp với thế giới cũng là một thách thức mà ngành Kiến trúc phải đối mặt.

Để giải quyết những thách thức này theo thầy Lãnh cần có giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, đầu tư của Nhà nước, từ việc đào tạo nguồn nhân lực đến chuyển giao khoa học công nghệ…. Đồng thời, Kiến trúc còn liên quan đến xây dựng, xây dựng lại liên quan đến tài nguyên, môi trường, liên quan đến máy móc, thiết bị cơ khí. Muốn phát triển được thì phải đồng bộ các lĩnh vực này chứ không nên chỉ đứng từ góc nhìn của một lĩnh vực mà thay đổi được.

Những kỹ năng mà sinh viên Kiến trúc không thể thiếu trước kỷ nguyên số

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo bậc đại học và sau đại học trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng, nghệ thuật và các lĩnh vực liên quan.

“Được biết đến như một trường đại học hàng đầu của cả nước về đào tạo ngành kiến trúc, nhà trường luôn ý thức được những thách thức mới trong việc đổi mới quá trình quản lý đào tạo, cập nhật kiến thức trước những thay đổi về kỹ thuật, công nghệ, xu hướng… để đảm bảo luôn là đơn vị tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Được sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ Xây dựng, nhà trường đã xây dựng được lực lượng nhân lực chất lượng cao trong giảng dạy, nghiên cứu, quản lý và đồng thời có những điều kiện về cơ sở vật chất hiện đại và đồng bộ hơn.

Trước xu thế thay đổi rất nhanh về công nghệ thông tin, sinh viên theo học các ngành tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói chung và ngành Kiến trúc nói riêng cần chủ động tiếp nhận những xu hướng mới, công nghệ mới thông qua việc đa dạng hóa nguồn tiếp nhận: từ giảng đường, thư viện tới việc tự học tập, nghiên cứu trên các nền tảng dữ liệu mở”, thầy Thuật bày tỏ.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức nhiều cuộc thi động viên, khích lệ sinh viên. (Ảnh: NTCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Trọng Nga thông tin: Ngành Kiến trúc - Khoa Tạo dáng công nghiệp - Trường Đại học Mở Hà Nội tuyển sinh khóa đầu năm 1995, hiện nay đã có 25 khóa sinh viên tốt nghiệp với tổng số hơn 1.700 kiến trúc sư. Với nhiều cựu sinh viên thành đạt là các kiến trúc sư nổi tiếng, các giám đốc doanh nghiệp kiến trúc… có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.

"Với kinh nghiệm 29 năm đào tạo, chúng tôi đã có những nghiên cứu nghiêm túc về thách thức đối với đào tạo kiến trúc sư trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội, của công nghệ và thời đại hội nhập hiện nay để có những cập nhật trong chương trình đào tạo, phù hợp và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chương trình đào tạo kiến trúc sư tại Trường Đại học Mở Hà Nội đã được thiết kế thêm nhóm môn học bổ trợ kiến thức, cho phép giảng dạy cho sinh viên không chỉ kiến thức mà cả thái độ và kỹ năng nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể thích ứng với công việc một cách nhanh chóng nhất. Có thể kể tới một số công việc chúng tôi đang tiến hành rất có hiệu quả trong việc kiến tạo tương lai cho sinh viên sau tốt nghiệp như:

Tạo cơ hội tiếp tục học tập nghiên cứu kiến trúc: Sinh viên năm thứ 4,5 có cơ hội tham gia vào các dự án thực tế của các công ty kiến trúc có uy tín và các tổ chức đào tạo kiến trúc ở nước ngoài.

Xây dựng thái độ chuyên nghiệp với công việc thông qua ảnh hưởng của người thầy: Với sự hỗ trợ từ các giảng viên, sinh viên được khuyến khích tham gia các nhóm sinh hoạt chuyên ngành như nhóm nghiên cứu khoa học, nhóm đồ án kiến trúc, nhóm học tập thiết kế… nhằm nâng cao khả năng tự học, kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin, làm việc nhóm.

Trang bị các kỹ năng thành thạo: Sinh viên được tiếp cận với máy tính và các công nghệ thiết kế, các website chuyên ngành thiết kế ngay từ năm thứ nhất và được rèn luyện liên tục thông qua các giờ học thực hành của môn học đồ án kiến trúc.

Ngoài ra trong quá trình đào tạo, nhà trường có mối quan hệ mật thiết và luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác tích cực từ các nhà chuyên môn có uy tín, từ các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp xã hội, các cựu sinh viên thành đạt về công tác chuyên môn, cung cấp cơ sở thực hành, thực tế, hỗ trợ học bổng và các hoạt động khác của sinh viên", thầy Nga thông tin.

Đoàn sinh viên ngành Kiến trúc Trường Đại học Mở Hà Nội tham gia Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV năm 2024. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo thầy Nga, trước thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, ngoài kiến thức chuyên môn tốt như kiến thức về mỹ thuật, kỹ thuật, toán học… sinh viên cần chú trọng đến những kỹ năng để có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai đối với ngành Kiến trúc như:

Sáng tạo, tư duy là kỹ năng hàng đầu mà kiến trúc sư cần. Với sự xuất hiện của các sản phẩm mới, công nghệ mới và cách thức làm việc mới, các kiến trúc sư sẽ phải sáng tạo hơn, tư duy hơn để hưởng lợi từ những thay đổi này.

Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ thiết kế tiên tiến trong việc hình thành ý tưởng và thiết kế kiến trúc công trình với hiệu quả về ý tưởng sáng tạo.

Kỹ năng tích lũy kiến thức: giúp người học có thể học mọi lúc, mọi nơi với các hình thức phương tiện học tập đa dạng. Với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay, người học cần phải phát triển mạnh hơn về các phương pháp tìm kiếm, tiếp cận cũng như giải quyết vấn đề.

Ngoài ra kỹ năng quản lý sự thay đổi, kỹ năng trí tuệ cảm xúc và linh hoạt về nhận thức, kỹ năng làm việc nhóm sẽ nằm trong số những kỹ năng cần thiết hàng đầu cho tất cả kiến trúc sư trong tương lai.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Cao Lãnh cho rằng, trước thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, để đáp ứng yêu cầu công việc, sinh viên ngành Kiến trúc cần nắm được rất nhiều các kỹ năng. Trong đó, nhà trường rất chú trọng trang bị cho các bạn kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài ra còn có các kỹ năng khác mà các bạn cũng rất cần chú trọng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, làm việc nhóm… đều được lồng ghép trong các chương trình đào tạo của nhà trường.

Đồng thời, thầy Lãnh cũng cho biết thêm: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn là trường trọng điểm ngành quốc gia về Kiến trúc và Xây dựng đưa vào dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ ở trường rất được chú trọng. Nhà trường có nhiều chính sách khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu.

“Vừa qua Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng thực hiện đổi mới toàn bộ các chương trình đào tạo, không chỉ có ngành Kiến trúc mà còn tất cả các ngành của trường. Đồng thời, khuyến khích giảng viên không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc nhà trường cử các thầy cô đi nước ngoài học những kiến thức mới mang về giảng dạy cho sinh viên.

Một năm nhà trường thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học từ phục vụ giảng dạy đến đề tài chuyển giao khoa học công nghệ. Riêng Khoa Kiến trúc Quy hoạch một năm thực hiện nghiên cứu khoảng 20-30 đề tài”, thầy Lãnh thông tin.

Trước kỷ nguyên số, sinh viên cần không ngừng học hỏi, nắm vững các kỹ năng mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc. (Ảnh: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cung cấp)

Nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4), lãnh đạo, trưởng khoa các cơ sở giáo dục đào tạo Kiến trúc cũng bày tỏ mong muốn các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường tiếp tục phát huy sứ mệnh và vai trò của các kiến trúc sư đồng hành cùng đất nước, đem lại những giá trị tích cực tới cộng đồng thông qua các hoạt động nghề nghiệp của mình.

Nhật Lệ

To Top