Truyền dạy hát then ở Quảng Ninh: Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tày

Hát Then là di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc, gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Tày tại Quảng Ninh.

Hát then bên bờ suối của người Tày huyện miền núi Bình Liêu. Ảnh. T.H

Dạy học sinh hát Then là để bảo tồn vẻ đẹp của tiếng Tày, văn hóa Tày.

Nghệ thuật trình diễn độc đáo

Người Tày ở ảng Ninh có số lượng lớn thứ ba sau người Kinh và Dao, chiếm 2,88% dân số toàn tỉnh, tập trung đông nhất ở huyện miền núi Bình Liêu.

Tại đây có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Tày chiếm 54,8% với hơn 18.000 người. Bản sắc văn hóa nơi đây được hình thành từ lâu đời, được giữ gìn, bảo tồn rõ nét thông qua đời sống sinh hoạt và sự giao lưu trong cộng đồng các dân tộc.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, văn hóa của người Tày tại Bình Liêu thể hiện sức sống mãnh liệt với những giá trị lưu truyền qua các thế hệ, được coi là một trong những cái nôi nuôi dưỡng làn điệu hát Then trong toàn tỉnh.

Hát Then là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc không thể thiếu, bởi nó vừa thỏa mãn yêu cầu tín ngưỡng tâm linh, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt giải trí của người Tày nói riêng và cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hát Then là hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp kết hợp các yếu tố: Hát, nhạc, nhảy múa có đạo cụ và trang phục truyền thống của người Tày. Hát Then có thể hát đơn, hát đôi hoặc hát đối đáp theo kiểu ngẫu hứng.

Người Tày hát Then để ca ngợi quê hương, đất nước, mừng Đảng mừng Xuân, mong ước mùa màng tốt tươi và cầu chúc cho nhau sự an khang, những điều tốt lành trong cuộc sống. Nam nữ hát Then để trao gửi tâm tình, giao duyên hứa hẹn tình yêu đôi lứa.

Lời hát Then là thể thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn, chữ thứ 5 (hoặc thứ 3) của câu sau vần với chữ thứ 7 (hoặc thứ 5) câu trước, với ca từ đơn giản, mộc mạc, như: “Bản em có con suối chảy quanh. Ruộng bậc thang lên xinh bát ngát. Chiêm mùa lúa nặng hạt nhiều bông. Núi cao thấp, rừng thông hồi quế”.

Hoặc có khi chỉ là lời ướm hỏi giao duyên gửi gắm tình cảm nam nữ: “Thấy em có vườn rau xanh tốt. Anh đây muốn mang sọt đi mua. Biết em có bán cho không đấy. Gặp em anh đây thấy vui thay”. Nhiều đôi nam nữ nhờ hát Then mà nên duyên vợ chồng.

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú (86 tuổi), người cả đời dành trọn tình yêu cho hát Then cho biết, then có từ rất xa xưa, 10 tuổi ông đã được nghe các cụ hát Then và say mê điệu then mượt mà nơi núi rừng Bình Liêu.

“Ngày ấy, trong đám cưới hay lễ hội, các cụ chủ yếu chỉ hát Then. Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hát Then càng thông dụng để tuyên truyền vận động thanh niên đi kháng chiến. Cuộc sống vất vả, gian khó nhưng tình yêu đất nước, biết ơn Đảng đã ngấm sâu vào máu thịt và thổi hồn cho khúc then thêm đằm thắm”, ông Phú nói.

Năm 2007, ông Phú làm Chủ nhiệm CLB hát Then xã Tình Húc với 18 thành viên ban đầu, tập trung vào sáng tác và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này. Đến nay, ông Phú sáng tác hơn 200 bài then, chủ yếu thể hiện dưới 2 hình thức là then “cổ” và then “tân”.

Then “cổ” hay còn gọi là then nghi lễ, thường được dùng nhiều thời xa xưa. Đây được coi là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, được thực hiện trong các nghi lễ tôn giáo của người Tày.

Nội dung các bài then cổ nhằm hướng tới mục đích chữa bệnh, giải hạn, cầu tự, cầu phúc lộc. Theo đó, những người hát Then cổ được gọi là bà then, tay cầm quạt, tay cầm chùm xóc nhạc, ngồi rung đùi để tiến hành nghi lễ.

Then “tân” hay còn gọi là then mới, được các nghệ nhân sáng tác ca từ đơn giản hơn, cải tiến nhạc để dễ thực hành trong cuộc sống và biểu diễn trên sân khấu. Nội dung phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi, phản ánh tinh thần tiến bộ, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh.

Then “tân” được biểu diễn trong các lễ hội dưới hình thức diễn xướng, văn nghệ. Nghệ nhân hát Then tay cầm hoa, tay cầm xóc, và sử dụng đàn tính 2 dây để đệm nhạc. Điệu then sẽ bắt đầu bằng 3 lần xóc, rồi đệm nhạc đàn tính, sau đó kết hợp cả xóc và đàn để bắt nhịp rồi mới vào lời hát.

Theo ông Phú, hát Then phải gảy đàn tính thì điệu nhạc mới thêm mượt mà, đàn khác không thể hiện được “chất” của then.

Tại Bình Liêu, ông Phú được biết đến là “người thổi hồn vào những cây đàn tính”. Cả đời say mê khúc hát then, ông vừa sáng tác vừa nghiên cứu tạo ra các cây đàn tính phù hợp với điệu then địa phương. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng giọng hát vẫn đẹp và mượt mà như tình yêu của ông với điệu then của người Tày nơi núi rừng Bình Liêu.

Thiếu nữ Tày hát then cùng Bộ đội Biên phòng. Ảnh: T.H

Tích cực truyền dạy hát Then

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, hát Then (đặc biệt là Then nghi lễ) đang đứng trước nguy cơ mai một vì đặc trưng là loại hình nghệ thuật truyền miệng. Vì vậy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn hát Then là việc làm cần thiết không những góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn bảo tồn vẻ đẹp của tiếng Tày.

Từ năm 2001 đến nay, huyện Bình Liêu đưa hát Then vào trong các mô hình câu lạc bộ, tích cực truyền dạy loại hình nghệ thuật này đến người dân và học sinh trên địa bàn huyện. Các câu lạc bộ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị hát Then truyền thống, phát triển đời sống văn hóa địa phương.

Các trường học cũng mời các nghệ nhân về dạy hát Then, đàn tính cho học sinh, theo hướng đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, nhằm trẻ hóa đội ngũ hát Then hiện nay.

Bà Hoàng Thị Viên (67 tuổi), Chủ nhiệm CLB hát Then thị trấn Bình Liêu cho biết, từ năm 2020 đã dạy hát Then miễn phí cho học sinh từ 5 tuổi đến 16 tuổi. Các cháu đến nhà học rất đông vào mỗi tối thứ 7, Chủ nhật hoặc mùa Hè.

Đặc biệt, bản thân còn hướng dẫn chồng, con gái và 2 cháu ngoại hát Then và chơi đàn tính rất giỏi.

“Dạy học sinh hát Then là để bảo tồn vẻ đẹp của tiếng Tày. Nhiều học sinh là dân tộc Tày nhưng không biết nói tiếng Tày, nên khi dạy, viết lời Tày học sinh chưa hiểu thì phải viết bằng tiếng phổ thông trước cho hiểu”, bà Viên nói.

Bình Liêu tích cực mở các lớp truyền dạy hát then - đàn tính cho học sinh tại các trường học. Ảnh: T.H

Hát then tại Lễ hội Hoa sở năm 2023. Ảnh: T.H

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú và Hoàng Thị Viên cùng các nghệ nhân khác trong các CLB hát Then tại Bình Liêu đều là những người tích cực truyền dạy hát Then tại Quảng Ninh.

Các câu lạc bộ hát Then đã tổ chức sinh hoạt thường kỳ hằng tuần, đến từng thôn, bản để truyền dạy cho lớp trẻ có đam mê hát Then.

Đến nay, nghệ nhân Lương Thiêm Phú và Hoàng Thị Viên đã dạy được hơn 20 lớp hát Then, đàn tính cho hơn 400 người ở Quảng Ninh và các tỉnh khác.

Những năm qua, huyện Bình Liêu cũng đã đưa hát Then vào biểu diễn tại tất cả các lễ hội của huyện như: Lễ hội Hoa sở, ngày hội kiêng gió, hội hát soóng cọ và liên hoan hát Then - đàn tính tại hội đình Lục Hà.

Các lễ hội không chỉ quảng bá vùng đất, con người, văn hóa bản địa đến du khách trong và ngoài tỉnh, mà còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc lâu đời của người Tày. Qua đó đưa hát Then trở thành biểu tượng nhận diện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp xây dựng những sản phẩm du lịch giàu tính trải nghiệm cho địa phương.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật trình diễn hát Then được giữ gìn khá nguyên vẹn, tồn tại như một sức sống mãnh liệt trong đời sống người Tày. Thông qua hát Then, thế giới tâm linh và tín ngưỡng văn hóa của người Tày được biểu đạt, tái hiện một cách sinh động và độc đáo trong đời sống xã hội đương đại.

Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, năm 2023, Quảng Ninh tự hào đạt Huy chương Vàng Liên hoan Đàn hát dân ca ba miền toàn quốc cho tiết mục hát Then cổ “Bắt phụ đan sọt”.

Hiện, huyện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ hát Then, mỗi năm tổ chức 4 - 6 lớp truyền dạy hát Then cho nhân dân và học sinh trên địa bàn huyện.

Tới đây, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện sẽ mời nghệ nhân ở Lạng Sơn về để truyền dạy múa chầu (điệu múa quan trọng trong hát Then), tích cực giao lưu hát Then qua các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng để bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này.

Với những giá trị độc đáo về tín ngưỡng và văn hóa, năm 2013, nghi lễ Then của người Tày tỉnh Quảng Ninh đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Huyền Trang

To Top