Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn

Ngày 17-4, dù có thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn (2013-2024), giá vàng ở thị trường trong nước vẫn chưa hạ nhiệt. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, giải pháp đấu thầu vàng chỉ mang tính chất 'tình thế' và có thể gây áp lực lên điều hành chính sách tỷ giá.

Giá vàng vẫn biến động

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, á vàng trong nước vẫn chưa có thay đổi đáng kể trước thông tin đấu thầu vàng của NHNN. Tại Hà Nội, Công ty PNJ tăng 400.000 đồng cả 2 chiều mua và bán, giao dịch ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, vàng nhẫn 9999 quay đầu giảm, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 75,07 triệu đồng/lượng mua vào và 76,77 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 160.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua và bán so với hôm trước. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chiều 17-4 (giờ Việt Nam) giao dịch ở mức 2.387,6 USD/ounce, tăng 26 USD/ounce so với chiều hôm trước. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương 72,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 11,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 3,9 triệu đồng.

Tại TPHCM, trong ngày 17-4, tại các cửa hàng kinh doanh vàng lớn như , Doji và nhiều tiệm vàng tại phố kinh doanh vàng bạc trên đường Nguyễn Duy Dương và An Dương Vương (quận 5) khá thưa thớt. Riêng tại trụ sở của Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) khách hàng đến giao dịch đông hơn. Tại Trung tâm vàng bạc đá quý Doji trên đường Cách Mạng Tháng 8, khách đến mua vàng nhẫn 9999 được báo hết hàng, chỉ còn vàng trang sức và vàng miếng SJC. Trong đó, khách hàng giao dịch vàng nhẫn 9999 nhiều hơn vàng SJC. Vàng SJC trong ngày 17-4 biến động thất thường, sáng giảm nhưng chiều bật tăng trở lại. Vào 16 giờ 30 tại TPHCM, tiệm vàng Mi Hồng giao dịch vàng SJC ở mức 81,5 triệu đồng/lượng mua vào và 83,3 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 600.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán so với hôm trước.

Người dân mua vàng miếng tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Chỉ là giải pháp tạm thời

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường vàng trong nước chưa thể chuyển biến “hạ nhiệt” ngay. Thậm chí, chuyên gia này còn lo ngại có thể gây ra “hiệu ứng ngược” bởi cách tăng cung vàng vật chất thông qua đấu thầu có thể gây nên nhiều hệ lụy khác.

“Hiện nay, chúng ta nói là nhu cầu vàng của người dân tăng song không định lượng được nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. Thêm nữa, nếu tiếp tục tung vàng ra thị trường vô hình trung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua vàng để đầu cơ; có thể sẽ hình thức khuyến khích, tiếp tay cho người dân đầu cơ vào vàng và có thể sẽ xảy ra tình trạng “tái vàng hóa” và đây không phải vấn đề tích cực cho nền kinh tế”, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích.

Theo GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn và có thể không kéo dài. Bởi, dự trữ vàng của Việt Nam hiện chiếm khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối. Nếu NHNN tổ chức đấu thầu cung ứng vàng miếng có thể xuất được 2-3 tấn vàng, quỹ dự trữ vàng giảm xuống 0,5% là mức không thể giảm hơn được nữa. Tuy nhiên, theo con số thống kê từ Hiệp hội Kinh doanh vàng quốc tế, khối lượng giao dịch vàng tại thị trường Việt Nam khoảng 40 tấn/năm. Do đó, con số cung ứng ra thị trường không phải lớn nhưng cũng có tác động vào thị trường, sẽ giảm bớt việc mất cân đối cung - cầu.

Mua bán vàng tại Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

“Có thể qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ hạ nhiệt, như vậy NHNN không cần phải áp dụng biện pháp đấu thầu để điều tiết thị trường nữa, chỉ cần cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với thị trường để doanh nghiệp kinh doanh vàng có nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh”, GS Trần Thọ Đạt nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, người tham gia trực tiếp nhiều phiên đấu thầu vàng năm 2013, cho rằng, đấu thầu vàng trong bối cảnh hiện nay, NHNN sẽ phải tính đến bài toán về ỷ giá. Bởi, NHNN sẽ cần đến USD để nhập khẩu vàng, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và làm gia tăng sức ép tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 95 tỷ USD. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng lên.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, NHNN không nên tự “bỏ tiền túi” là dự trữ ngoại hối ra để nhập khẩu vàng. Thay vào đó, nên tính đến phương án huy động vốn từ các nguồn lực xã hội để nhập khẩu vàng, tránh ảnh hưởng lên tỷ giá.

LƯU THỦY - HẠNH NHUNG

To Top