Hà Giang: Người La Chí giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa (Bài 1)

Người La Chí là một trong nhóm các dân tộc ít người của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Địa bàn sinh sống của người La Chí chủ yếu ở khu vực phía Bắc, trong đó ở Hà Giang chiếm đa số. Người La Chí ở Hà Giang tập trung chủ yếu ở các huyện Huyện Hoàng Su Phì, huyện Xín Mần, huyện Quang Bình... Cũng như nhiều dân tộc khác, người dân tộc La Chí có những phong tục tập tập quán truyền thống văn hóa riêng biệt.

Theo lời kể của thầy cúng Ly Chính Thanh - hành nghề thầy cúng tại thôn Cum Pu, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì – người đã được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2017 thì cách đây khoảng hơn 800 năm người La Chí đã di cư từ phía Bắc đến Việt Nam. Nhóm này chủ yếu gồm họ Vương và họ Ly. Đợt sau cùng cách đây khoảng hơn 200 năm gồm các gia đình họ Long và họ Tẩn. Ngoài ra còn có một số họ có nguồn gốc của dân tộc Tày - Nùng như họ Lù, họ Nông nhưng theo các già làng người La Chí thì các dòng họ này chủ yếu do tục đổi họ của một số gia đình người La Chí khi lấy vợ hoặc lấy chồng là người dân tộc khác mà thành.

Người La Chí tại huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh tư liệu

Cách đây 200 năm người La Chí đã từ bỏ cuốc sống du canh du cư để định cư thành các làng, bản như ngày nay. Truyền thuyết của người La Chí cũng kể rằng ban đầu các nhóm người La Chí sinh sống ở thôn Bản Díu xã Dản Díu huyện Xín Mần, sau đó một số hộ đã tách ra và di cư đến thôn Lủng Cẩu xã Bản Phùng, sau đó tiếp tục di cư đến khu vực các thôn Bản Pắng, Bản Máy của xã Bản Máy của huyện Hoàng Su Phì. Do dân cư ngày một phát triển nên về sau từ các thôn này các hộ gia đình tiếp tục tách ra thành các nhóm nhỏ để sinh sống ở các khu vực lân cận. Từ đó hình thành lên các làng bản, trong khoảng các năm đầu công cuộc đổi mới từ 1986 - 1988, các hợp tác xã nông nghiệp và các đội sản xuất tiếp tục được chuyển đổi thành các thôn, từ đó dần hình thành và ổn định các thôn bản của người La Chí như ngày nay.

Về tên gọi, người La Chí có nhiều tên gọi khác nhau như: Thổ đen, Mán, Xá... nhưng tên gọi phổ biến nhất là La Chí, La Quả. Theo cách gọi của người La Chí thì Cù Tê là tên tự gọi của dân tộc. Tuy nhiên, tùy theo mỗi vùng thì họ lại có cách gọi khác nhau, ví dụ, người La Chí ở Bản Phùng thì được gọi là Y Pí, còn ở Bản Máy thì được gọi là Y Míe, ở Bản Díu gọi là Y Tó. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và ở năm 2019 cho thấy đến 0 giờ ngày 01/4/2019 dân tộc La Chí có 15.126 người, chiếm 0,02% trong tổng số 96.208.984 người của cả nước. Trong đó Nam có 7.488 người chiếm 49,5%, Nữ có 7.638 người chiếm 50,5%, cư dân khu vực thành thị có 1.607 người chiếm 10,62%, nông thôn có 13.519 người chiếm 89,38%. Về tình hình phân bố dân cư, người La Chí hiện sinh sống tại 37/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Giang với 13.828 người, chiếm tỷ lệ 91,42% trong tổng số người La Chí tại Việt Nam.

Thầy cúng người La Chí tại lễ hội Khu Cù tê. Ảnh tư liệu

Người La Chí có tục thờ tổ tiên và Hoàng Vần Thùng - được người La Chí coi như thủy tổ của mình tại miếu thờ chung của cộng đồng. Trong cộng đồng các dân tộc phía Tây vẫn còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện, truyền thuyết về Hoàng Vần Thùng. Xưa kia, người La Chí sống nay đây, mai đó; họ phát nương trồng rẫy, đất bạc màu lại di chuyển đi nơi khác. Cứ như vậy, đời sống của họ vô cùng cực khổ, mất mùa, nạn đói thường xuyên. Một hôm, xuất hiện một người đàn ông có tên là Hoàng Vần Thùng đến dạy bà con đào đất, san đất đồi thành bậc thang để trồng lúa nước; dạy bà con nuôi gà, nuôi lợn, bẫy thú rừng đến phá ruộng, nương… Từ ngày biết trồng lúa nước, thóc lúa đầy bồ, bà con dân bản không còn cảnh mất mùa vào rừng đào củ kiếm ăn từng bữa và du canh, du cư như trước đây mà sống quây quần thành từng bản. Khi có giặc kéo đến cướp phá thôn bản, Hoàng Vần Thùng tập hợp trai tráng huấn luyện họ đánh đuổi giặc cướp. Đánh giặc xong, ông về dãy núi Pố Hoàng Thùng (tiếng La Chí) nay còn gọi là núi Gia Long và sau đó người ta không còn thấy ông nữa và bà con truyền rằng ông đã hóa rồng trở về với trời. Người La Chí tin rằng, Hoàng Vần Thùng là Tổ tiên, là người từng cai quản vùng đất dưới chân đỉnh núi Gia Long. Các bản làng của người La Chí cho đến nay vẫn còn những ngôi miếu thiêng, được đồng bào dựng lên để thờ vị tù trưởng của mình. Hàng năm cứ đến ngày Thìn, tháng Thìn âm lịch hàng năm tổ chức lễ cúng tế ông, vào năm Thìn tổ chức lễ hội lớn hơn.

Đời sống văn hóa của đồng bào người La Chí khá phong phú, thể hiện đậm nét trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kiến trúc nhà cửa, ăn uống, sinh hoạt tín ngưỡng và trang phục. Trong mỗi dòng họ đều có một người đứng đầu, thường là thầy cúng hoặc người có uy tín trong cộng đồng. Người này có vai trò điều tiết các mối quan hệ trong cộng đồng, xử lý những vấn đề phát sinh, mâu thuẫn trong cộng đồng như tranh chấp đất đai, mất đoàn kết, đánh chửi nhau, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì các hoạt động cúng tế tổ tiên của cộng đồng trong phạm vi của các dòng họ.

Trong quan hệ cộng đồng truyền thống của dân tộc La Chí thường tồn tại các lề lối, luật tục tương đối phức tạp, nhất là khi một nhà có công việc lớn như làm nhà, cưới xin, tang ma... thì các gia đình giúp đỡ nhau bằng ngày công hoặc bằng những vật chất như gà, gạo rượu một cách tự nguyện. Khi có các vụ việc xảy ra trong thôn như trộm cắp vặt, vi phạm quy định về hương ước, quy ước của cộng đồng thì phải đưa đến trưởng họ hoặc trưởng thôn giải quyết.

Trong gia đình truyền thống của người La Chí thường có 3 thế hệ cùng chung sống, đó là ông - bà, cha - mẹ, các con cháu. Tuy nhiên cũng có những gia đình có 4 thế hệ chung sống, song đối với các gia đình này chủ yếu do ít con cái nên cụ ông, cụ bà thường sống với con cháu, chắt, thường là con út trong gia đình.

Người La Chí có tập quán làm nhà ngay trên hoặc sát với ruộng, nương để tiện cho việc gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Các khu ruộng bậc thang của người La Chí thường đan xen với các khe suối, rừng cây để vừa bảo vệ được nguồn nước đồng thời tận dụng được các nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất. Người La Chí canh tác trồng lúa, ngô, họ thích nuôi trâu, bò, dê… Xuất phát từ tập quán canh tác gần gũi, thân thiện với thiên nhiên và văn hóa truyền thống bản địa nên các khu vực cư trú của người La Chí còn bảo tồn được khá nhiều vạt rừng đan xen giữa những thửa ruộng bậc thang và những dòng sông, khe suối. Nhiều thôn còn có những vạt rừng cấm là những khu rừng có địa thế đẹp làm nơi thờ Thần rừng và miếu thờ Hoàng Vần Thùng, trong các vạt rừng này có nhiều loại cây gỗ được bảo tồn, không bị con người xâm hại, tàn phá.

Bài 2: Nét đẹp trong trang phục của người La Chí

Lê Hoàn

To Top