Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp kiềm chế giá vàng, giá vé máy bay tăng chóng mặt

Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách sáng 23-5, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại về giá vé máy bay, vàng trong nước tăng chóng mặt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích, về mặt tích cực, chúng ta đã duy trì được đà tăng trưởng của năm 2023 với một số tín hiệu tốt như chỉ số xuất nhập khẩu tăng trên 15%, đơn hàng của các doanh nghiệp gia tăng, giải ngân đầu tư công quý 1 khá tốt (trên 17%), nợ công thấp nhất từ 2008 đến nay.

Song bên cạnh đó, nền kinh tế trong nước cũng bộc lộ một số điểm yếu như cầu trong nước suy giảm rõ rệt (số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng trong nước giảm).

Trước tình trạng này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần có giải pháp kích cầu (như giảm thuế VAT, thuế môi trường, giãn hoãn đóng tiền thuê đất), khơi thông cho hoạt động của doanh nghiệp (rào cản liên quan đến thể chế còn lớn).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu

Cũng theo đại biểu, áp lực về lạm phát hiện khá lớn. Quý 1/2024 tỷ số giá tiêu dùng gần 4%, tháng 4 cao hơn tháng 3, giá dầu thế giới không có hi vọng giảm, giá điện cũng không thể không tăng vì đang có xu hướng chuyển sang năng lượng sạch…Do vậy, cần thực hiện các gói hỗ trợ về lãi suất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần đặc biệt lưu tâm đến giá vàng tăng bất thường càng ngày càng chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, phải có biện pháp điều tiết đưa giá vàng ngang bằng với thế giới một cách linh hoạt.

“Vừa qua, ân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Bên cạnh đó, về dài hạn phải sửa Nghị định 24/NĐ-CP” - đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Cùng quan tâm đến giá vàng, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) nhất trí với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc Nghị định 24/NĐ-CP đã hết giá trị lịch sử. Theo đại biểu, cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hóa như trước đây.

“Việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hóa” - đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) thảo luận

Cho ý kiến về giá vé máy bay, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) phát biểu, giá vé máy bay cao tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến lượng khách du lịch, công ăn việc làm của người dân khu du lịch… Do đó, phải tìm nguyên nhân chủ quan và có cách nào đó để giảm giá vé.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu ví dụ, với đường bay có khoảng cách tương đương như Bangkok – Phuket (Thái Lan) giá chỉ trên 700.000 đồng/vé, trong khi đó chặng Hà Nội - Đà Nẵng giá lên tới 1,5 triệu đồng/vé. Nguyên nhân là do thiếu tính cạnh tranh, chi phí bảo trì máy bay ở nước ngoài cao, sự hợp tác giữa hàng không, du lịch thiếu chặt chẽ.

Để giải quyết tình trạng trên, đại biểu đề xuất cần có gói hỗ trợ cho hàng không, phí dịch vụ ở sân bay (chiếm 10-30% giá vé), đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch và hàng không cần có sự hợp tác chặt chẽ…

To Top