Đề xuất dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp: Nên làm...

Các ý kiến đều ủng hộ sử dụng tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 làm vật liệu san lấp.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận mới đây có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn một số nội dung có liên quan về phương án thí điểm san lấp khu vực Hang Cò trong phạm vi quy hoạch bãi xỉ của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân bằng vật liệu tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia hoan nghênh phương án xử lý tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của tỉnh Bình Thuận và cho rằng đó là biện pháp cần thiết bởi bãi tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã sắp đầy, cần cấp tốc giải phóng.

Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), muốn sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp cần đáp ứng các tiêu chuẩn tại TCVN 12249:2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng đối với tro xỉ nhiệt điện đốt than đã được phân định không phải chất thải nguy hại theo quy định.

Cũng theo ông Sính, chất lượng của tro xỉ điện than, có độc hại hay không phụ thuộc vào chủng loại than và công nghệ đốt của các lò.

Tại Việt Nam, thủy ngân chứa trong than nội với mức 0,464mg thủy ngân mỗi kg than và tỷ lệ loại bỏ 65%, lượng thủy ngân xả ra không khí là 6,8 tấn mỗi năm. Đó là chưa kể than nhập vì chúng ta chưa biết than nhập có chứa những chất gì, hàm lượng bao nhiêu.

Trong khi đó, công nghệ lò đốt hiện nay chỉ khử được bụi, SO2 và NOX, còn thủy ngân cũng có thể khử được nhưng đòi hỏi thiết bị rất đắt đỏ.

"Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sử dụng than nội là chủ yếu, phối trộn với một ít than nhập. Dù là than nội hay than nhập thì khi ra tro xỉ cũng phải đáp ứng quy chuẩn quốc gia đã ban hành thì mới dùng làm vật liệu san lấp được".

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cũng khẳng định, tiêu chuẩn đối với tro xỉ điện than làm vật liệu san lấp đã có. Với tính chất của tro xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - hàm lượng các kim loại nặng và các chất vô cơ nằm trong tro xỉ của nhà máy đều nằm trong giới hạn cho phép, sử dụng để làm vật liệu san lấp không có vấn đề gì.

Ông Nghĩa cũng nhắc lại thông tin đã được ông khẳng định tại nhiều hội nghị, diễn đàn và các bài báo khoa học, đó là tro xỉ của than Việt Nam cũng như than nhập khẩu có các nguyên tố kim loại nặng nhưng là nguyên tố vi lượng, hàm lượng còn nhỏ hơn quy định của QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại, từ vài chục tới mấy nghìn lần cho phép.

Theo ông Nghĩa, trong cơ thể động, thực vật đều có đủ các nguyên tố kim loại, trong đó nhiều nguyên tố kim loại trở thành vi chất cần thiết của cơ thể, không độc hại. Trong cơ thể người cũng có sắt , kẽm nhưng nó cần thiết cho cơ thể.

Chính vì thế, ông khẳng định, không chỉ tro xỉ than mới có kim loại nặng và với tro xỉ thì đó chỉ là nguyên tố vi lượng. Phản ứng cháy là phản ứng kết hợp giữa các nguyên tố hóa học với nhau để tạo ra một chất mới nhưng thành phần các nguyên tố hóa học đó vẫn như cũ, chứ không phải tạo ra một nguyên tố mới.

Liên quan đến đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trong văn bản trả lời, Bộ Xây dựng khẳng định việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân làm vật liệu san lập là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên khoáng sản được khai thác từ tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất làm bãi chứa.

Theo tài liệu gửi kèm văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân dự kiến sử dụng khoảng 400 nghìn tấn tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để thí điểm san lấp khu vực Hang Cò.

Theo Bộ Xây dựng, trường hợp tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường (theo QCVN07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại) và phù hợp với TCVN 12249:2018 tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp – yêu cầu chung thì có thể sử dụng để san lấp thí điểm khu vực Hang Cò theo Chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp” được ban hành kèm theo Quyết định số 216/QĐ-BXD ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Xây dựng.

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng của công trình sau khi san lấp, cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại mục 4 của TCVN 12249:2018 và yêu cầu kỹ thuật tại mục 7 của Chỉ dẫn kỹ thuật cho nền san lấp.

Bộ Xây dựng yêu cầu quá trình vận chuyển tro, xỉ để thí điểm san lấp khu vực Hang Cò cần phải tuân theo các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường đối với vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường hiện hành và các quy định khác về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định.

Do địa điểm san lấp thí điểm là khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản, Bộ Xây dựng đề nghị Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân lấy thêm ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Điều 52b, khoản 4 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu được sửa đổi bởi Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ.

Thành Luân

To Top