Lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 1-7, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ hướng tới những chính sách đặc thù và vượt trội cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, dự luật cần được xây dựng trên tinh thần “Thủ đô vì cả nước” để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các địa phương. Qua đó, Thủ đô sẽ được trao thêm quyền để có thể phát huy tính sáng tạo, tăng tính tự chủ của chính quyền thành phố nhằm giải quyết tốt hơn những việc mà trước đây Thủ đô không thể tự quyết được.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, Luật Thủ đô không chỉ hướng tới phát triển kinh tế, mà còn là các chính sách riêng có về văn hóa, lịch sử và bảo tồn, nhằm duy trì những bản sắc riêng biệt của Hà Nội. Ngoài ra, cần xác định rõ những chức năng, nhiệm vụ mà Hà Nội có thể thực hiện nhưng chưa có trong Luật Thủ đô và những nhiệm vụ mà không có Luật Thủ đô, Hà Nội vẫn phải thực hiện để từ đó xác định rõ mục tiêu nhằm hoàn thiện dự án luật…

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc tổng kết thực hiện Luật Thủ đô là cần thiết, từ đó nghiên cứu, đề xuất các chính sách, lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước khi hoàn thiện.

Quang cảnh cuộc họp.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các thành viên tổ soạn thảo khẩn trương lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự luật trước ngày 15-7-2021. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phân loại các nhóm công việc cần giải quyết; đề xuất các nhóm chính sách cụ thể để có thể xử lý những vướng mắc còn tồn đọng.

Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông, báo chí của Thủ đô cần chuẩn bị mở thêm chuyên trang, chuyên mục, qua đó lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo nhân dân để xây dựng và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước.

Hương Ly

To Top