Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Vì sao phân hạng đạo đức giáo viên thành 1,2,3?

Nhiều ý kiến cho rằng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên gây phiền nhiễu. PV NĐT Pháp Luật đã trao đổi với GS. Phạm Tất Dong-Phó Chủ tịch thường trực hội Khuyến học Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên

PV: Ông đánh giá như thế nào trước thực trạng giáo viên phổ thông đang phải đổ xô đi học các lớp bồi dưỡng để lấy được các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp làm căn cứ tham gia các kỳ thi “nâng hạng”, “giữ hạng” giáo viên hiện nay?

GS.Phạm Tất Dong: Phải khẳng định rằng, để làm bất cứ một công việc gì đều phải có các tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT cần làm rõ mục tiêu chương trình được thiết kế để bồi dưỡng giáo viên hay bồi dưỡng nhà quản lý. Tôi cho rằng, đây là một trong những bất cập trên lộ trình trả lương theo vị trí việc làm.

Cơ quan quản lý đã áp dụng một công thức cho tất cả mọi người. Luật Viên chức thì phải thực hiện nhưng khi triển khai phải phù hợp với thực tiễn chứ không thể bắt một giáo viên có thâm niên công tác 10, 20 năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế giờ phải tham gia các lớp bồi dưỡng chỉ để lấy một tờ chứng chỉ cho phù hợp với quy định.

Ông Phạm Tất Dong -Phó Chủ tịch thường trực hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh internet

Đa số giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp mục đích không phải vì nghiệp vụ, chuyên môn mà là nỗi lo khi bị xếp là giáo viên hạng 2, hạng 3 sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khi sắp tới bãi bỏ thâm niên công tác, đồng lương của giáo viên vốn đã thấp thì điều họ lo lắng là dễ hiểu.

PV: Nói như vậy, yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên chẳng khác nào“giấy phép con” gây phiền nhiễu giáo viên, thưa ông?

GS.Phạm Tất Dong: Tôi đánh giá cao việc bộ GD&ĐT, bộ Nội vụ đạt được sự thống nhất về việc bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên. Vấn đề ở đây là chương trình đào tạo, bồi dưỡng có đúng thực chất là nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn hay chỉ có giá trị trang bị chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Điều quan trọng, ai là người thẩm định chương trình bồi dưỡng giáo viên này? Giáo viên vốn đã nghèo nay phải tự bỏ ra khoản tiền 3-4 triệu để đi học lấy một chứng chỉ nghề nghiệp. Căn bệnh trầm kha trong công tác quản lý là ở nhiều ngành là đặt ra những quy định này, quy định khác mà không có tiền thì không làm được. Việc giáo viên vẫn phải bỏ thời gian, tiền bạc để đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo từng hạng 1, 2, 3 là một sự lãng phí lớn.

Liệu bỏ 3-4 triệu đồng và học vài ba buổi để lấy chứng chỉ nghề nghiệp liệu có thể cải thiện năng lực giáo viên đâu, chất lượng hệ thống giáo dục có tăng theo?

Bản chất giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Còn về yêu cầu chức danh nghề nghiệp đối với viên chức nói chung, theo tôi nên rà soát, xem xét sửa đổi lại quy định này phù hợp với viên chức từng ngành, lĩnh vực. Việc sửa đổi luật cần có sự phối hợp của các đơn vị bộ, ngành.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đạo đức nghề nghiệp là quy định chung trong luật rồi nhưng soi chiếu vào chuẩn giáo viên hạng 1, 2, 3 tại sao lại chia đạo đức nhà giáo làm 3 hạng 1, 2, 3? Ông đánh giá như thế nào về việc chia hạng đạo đức giáo viên?

GS.Phạm Tất Dong: Theo Thông tư 03/2021 của bộ GD&ĐT về nội dung "Tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo" thì giáo viên hạng 3 phải “thường xuyên trau dồi”, hạng 2 phải “luôn luôn gương mẫu” và hạng 1 phải là “tấm gương mẫu mực” về đạo đức. Theo tôi, nghề nào cũng cần đạo đức. Nghề giáo càng phải cần có đạo đức nghề giáo. Mà đã là đạo đức thì không nên xếp thành hạng 1, 2, 3. Theo tôi, không thể tách riêng ra từng hạng, vì hạng nào thì cũng là đối tượng giáo viên và phải thực hiện chung các nguyên tắc về chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp.

Tôi đặt ngược lại câu hỏi, tiêu chí nào để xếp hạng đạo đức giáo viên. Thước đo đạo đức nằm ở đâu, thể hiện ở sự đóng góp chứ không phải bằng lời nói. Theo tôi, đánh giá về mặt đạo đức giáo viên thì phải nhìn nhận từ những hành động cụ thể. Muốn “đo” đạo đức của giáo viên thì phải căn cứ vào sự đóng góp, tận tụy của giáo viên đó. Việc đánh giá giáo viên đó có tốt hay không thì bản quy chiếu chính là học sinh, họ dạy học sinh đó có tốt không, chấp hành mọi nội quy, chịu khó học hỏi nâng cao tay nghề hay không? Đóng góp của từng giáo viên tùy theo sức của họ chứ không thể nói giáo viên hạng 1, 2 đạo đức hơn người hạng 3.

Một chính sách vừa ban hành có nhiều ý kiến khác nhau thì cơ quan ban hành cần xem xét lại để có chỉnh sửa hợp lý. Tuy việc này có liên quan đến bộ Nội vụ nhưng bộ GĐ&ĐT là cơ quan ban hành Thông tư thì phải chủ động chủ trì rà soát, xem xét để đưa hướng tháo gỡ hợp lý.

PV: Xin cảm ơn GS!

Hương Lan

To Top