Huyện Nông Cống - điểm sáng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

Bằng nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm, vai trò của cấp cơ sở, huyện Nông Cống là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Lễ hội đền Mưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 20-12-2019 đánh dấu cột mốc quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của huyện Nông Cống, khi lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là thành quả xứng đáng cho nỗ lực gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Lễ hội đền Mưng có lịch sử tồn tại đã gần 1.400 năm, được xem là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc nhất trên địa bàn huyện Nông Cống. Cho đến nay, lễ hội vẫn giữ được những nét truyền thống từ xa xưa, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian như: hát chèo thờ (chèo cổ), đua thuyền trên sông Lãng, thi chọi gà, bắt vịt, thi đấu bóng chuyền... Việc duy trì tổ chức lễ hội đền Mưng vào các ngày từ mùng 5 đến ngày mùng 8-3 âm lịch hàng năm vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Cũng từ lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành đã xây dựng và duy trì các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương; tuyển chọn các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa để tham gia các hoạt động, liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh.

Hát chèo cổ hay còn gọi là hát chèo thờ được xem là một di sản văn hóa phi vật thể quý, còn được lưu giữ cho đến ngày nay của huyện Nông Cống. Từ hát chèo thờ tại lễ hội đền Mưng (xã Trung Thành), đến nay, hát chèo đã trở thành “hạt nhân” trong phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện Nông Cống. Ngoài xã Trung Thành, một số xã khác như Trường Sơn, Vạn Thắng, Tế Thắng, Công Liêm... đều có các câu lạc bộ (CLB), các đội hát chèo duy trì hoạt động hàng năm, tham gia tích cực vào các hội thi, hội diễn, giao lưu các cấp.

Huyện Nông Cống đã xác định rõ, hát chèo là một trong những loại hình nghệ thuật được quan tâm, đầu tư có trọng điểm nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương. Bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các đội, CLB hát chèo hoạt động thường xuyên; hằng năm huyện cũng tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng có phần trao giải riêng cho hát chèo. Cùng với đó, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ thêm kinh phí cho các đội, CLB hát chèo tham gia các hội thi, hội diễn khu vực, cấp tỉnh và kể cả các ngành. Ở góc độ bảo tồn, hiện nay huyện đang lập danh sách các nghệ nhân hát chèo để đề nghị công nhận là nghệ nhân dân gian... Đây là nỗ lực của huyện trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Bên cạnh hát chèo cổ, huyện Nông Cống cũng là một trong những địa phương có loại hình hát dân ca, dân vũ, hát tuồng cổ và các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như: lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Trung Chính, Trung Thành; đua thuyền thúng ở xã Tế Thắng; thi đấu cờ người (cờ tướng) ở xã Tân Thọ; các môn kéo co, bóng chuyền phổ biến tại các xã, thị trấn; môn võ thuật cổ truyền...

Ông Đặng Minh Thư, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Cống, cho biết: Đến nay, huyện Nông Cống có tổng số 24 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh, có 9 lễ hội truyền thống hàng năm. Bên cạnh việc làm tốt công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích, công tác phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã được quan tâm, đẩy mạnh. Huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác sưu tầm, ghi chép, từng bước xây dựng tài liệu về hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, qua đó làm căn cứ để tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, bảo tồn trong thời gian tới. Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng là điểm tựa cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Huyện tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, nghiên cứu những mô hình hoạt động mới để khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương; đồng thời không ngừng đổi mới việc tổ chức các hoạt động tại chỗ để thu hút đông đảo quần chúng tham gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian và nhất là các môn thể thao truyền thống để phát triển thành phong trào, tổ chức các giải đấu, qua đó phát triển thành môn thế mạnh của huyện.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

To Top