Văn hóa dân gian ứng dụng- Kỳ 15

TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Ông đã có mười đầu sách, công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển giới thiệu tới độc giả công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng của ông, dày 324 trang.

TS. Trần Hữu Sơn

VĂN HÓA DÂN GIAN ỨNG DỤNG- KỲ 15

ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI DAO HỌ (DAO QUẦN TRẮNG) Ở LÀO CAI

VỚI NGUỒN NƯỚC

Người Dao Họ (Quần trắng) ở Lào Cai – Việt Nam có gần một vạn người, cư trú tập trung ở các khe suối, vùng ven sông Hồng. Một số tác giả nghiên cứu về người Dao (Quần trắng) ở Lào Cai đều cho rằng họ là cư dân nương rẫy canh tác phụ thuộc vào nguồn nước mưa là chủ yếu. Nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy người Dao Họ đã có một thời gian cư trú ở ven sông Hồng. Sau đó họ mới di cư đến các khe sâu của các con suối đổ về sông Hồng. Trong văn hóa của người Dao Họ còn in đậm dấu ấn nguồn nước, sông, suối, tạo nên đặc điểm ứng xử với nguồn nước qua các thời kỳ biến đổi khách quan. Mục đích của bài viết này là tìm hiểu ứng xử của người Dao Họ ở 3 thời kỳ khi họ ở ven sông Hồng, sau đó là thời kỳ người Dao Họ di cư đến các khe suối sâu và hiện nay. Từ đó tìm ra đặc điểm thế ứng xử của người Dao Họ với nguồn nước xuyên suốt qua các thời kỳ và những yếu tố ảnh hưởng đến truyền thống ứng xử với nguồn nước hiện nay cũng như những hậu quả của nó đối với vấn đề phát triển bền vững. Điểm nghiên cứu của chúng tôi là 2 làng Trà Chẩu, Khe Mụ xã Sơn Hà huyện Bảo Thắng và diện mở rộng là một số làng ở Cam Cọn, huyện Bảo Yên và xã Tân An huyện Văn Bàn, đều thuộc tỉnh Lào Cai.

1. Quan niệm của người Dao Họ về nước và các loại nguồn nước

Tuy canh tác nương rẫy là chính nhưng người Dao Họ rất coi trọng nguồn nước. Theo quan niệm của người Dao Họ, tốt nhất là có RỪNG VÀ NƯỚC. “Trên rừng có gỗ, dưới nước có cá” hoặc “Rừng sau lưng, suối trước mặt”, “Dựa lưng vào núi, nhìn ra sông suối”…

Người Dao phân loại nhiều nguồn nước. Trong ngôn ngữ Dao Họ, từ “nước” gọi là “oẳm” nhưng mỗi loại nguồn nước khác nhau có từ gọi khác nhau.

- Nước dùng trong sinh hoạt có loại nước sạch dùng trong ăn uống gọi là “long oẳm hợp” – có nghĩa là “nước để ăn”. Nước để uống là nước sạch, trong gọi là “oẳm đẳng”. Nước sạch thường lấy từ mạch nước gọi là “oẳm plất”. Nhưng nước mạch đưa lên từ mặt đất gọi là “oẳm plất tăng lỉ bên”, mạch nước chảy từ khe đá gọi là “oẳm plất tăng rau sặt”. Nước dùng để ăn còn có nguồn nước mưa gọi là “bùng oẳm”. Nước sinh hoạt nhưng dùng để giặt giũ thì gọi là “oẳm long đồ tì chặng”.

- Nguồn nước sử dụng trong sản xuất, canh tác nông nghiệp: Người Dao Họ thường sử dụng nước suối, nước khe khai rãnh, nương nhỏ như con rắn dẫn nước về ruộng. Nước chảy từ khe nhỏ, rãnh nhỏ gọi là “oẳm ten”, nguồn nước lấy từ rãnh nước nhỏ hơn, chảy không ổn định gọi là “oẳm oa”. Nguồn nước chảy qua rãnh ổn định thành dòng gọi là “oẳm prâu lệ muung”. Nước suối có màu xanh gọi là “oẳm meng”, nước có màu trắng xóa chảy từ thác gọi là “oẳm pẹ”, nước suối đục gọi là “oẳm cọ”, nước lũ chảy về đột xuất gọi là “oẳm lư”, nước chảy vào ruộng cấy gọi là “oẳm pe ghì”.

Vốn từ ngữ phân biệt nước suối khá phong phú những từ để gọi sông, ao, đầm, hồ còn chung chung. Người Dao Họ gọi sông Hồng là “oẳm thỉ” có nghĩa là “nước đỏ”. Đồng bào chỉ có 1 từ “Clàng” gọi chung cho các loại ao, hồ, đầm …. Đồng bào không phân biệt ao to, ao nhỏ, đầm, hồ ….v.v.

2. Ứng xử với nguồn nước khi người Dao Họ (Dao quần trắng) mới di cư sinh sống ở ven sông Hồng

Cuối thế kỷ 18, vùng ven sông Hồng trên địa bàn các xã Văn Bàn, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên còn rất ít dân. Các thung lũng tương đối rộng (Sơn Hải, Bảo Hà, Xuân Giao, Phú Nhuận) chủ yếu người Tày cư trú. Người Dao Quần trắng từ Trung Quốc di cư làm nhiều đợt đến Lào Cai. Có đợt vào cuối thế kỷ 18 họ di cư từ Phúc Kiến đến Quảng Ninh vào Tuyên Quang và ngược dọc theo sông Chảy, sông Hồng đến cư trú vùng ven sông từ Yên Bái đến Lào Cai (các xã Mậu A, Trái Hút, Bảo Hà, Tân An….) .

Có đợt vào đầu thế kỷ 19, người Dao Quần trắng từ phủ Khai Hóa Vân Nam – Trung Quốc sang Hà Giang đi dọc theo sông Chảy vào sông Hồng cũng cư trú ở Sơn Hà, Bảo Thắng, Cam Cọn, Bảo Yên. Giữa thế kỷ 19, nhiều dòng họ theo cánh quân Cờ vàng cũng đến cư trú ở vùng này.

2.1. Về canh tác

Người Dao Quần trắng (Dao Họ) đến sau người Tày nhưng một số vùng đất ven sông còn bằng phẳng, người Dao đã tiến hành sản xuất nương rẫy nên khi đến vùng ven sông Hồng họ áp dụng kỹ thuật canh tác nương rẫy vào môi trường mới. Các khu rừng tương đối bằng phẳng ven sông Hồng họ cũng phát và đốt trồng lúa, ngô chứ không khai thác thành ruộng nước, dù nguồn nước khá thuận lợi. Tuy nhiên, cảnh quan môi trường ven sông Hồng cũng chi phối nếp sống của người Dao Họ, để lại dấu ấn trong văn hóa Dao. Họ đã biết chọn một số giống cây thích hợp với đất phù sa ven sông. Đặc biệt là giống lúa ngô, thu hoạch sớm. Về giống lúa có 3 loại giống lúa đỏ “Plàu thỉ”, lúa râu “Plàu thỏm” và lúa cho gạo dẻo, thơm “Plàu trén thi”. Ven sông, người Dao còn trồng loại ngô tẻ cho thu hoạch sớm, ngắn ngày gọi là “mài piếu thị”. Đồng thời, người Dao Họ còn lựa chọn các loài quả củ thích hợp với vùng đất ven sông, thời gian sinh trưởng ngắn, tránh được lũ như đủ đủ, khoai sọ (trồng từ tháng 9 âm lịch, thu hoạch tháng 4 âm lịch), khoai lang (trồng vụ đông xuân). Khoảng tháng 7, khi quan sát thấy một loài sâu màu trắng “oắm pum kêng” (báo nước lũ về) xuất hiện bám đầy các ngọn cỏ ven sông Hồng, người Dao khẩn trương thu hoạch ngô, lúa. Vẫn canh tác theo kiểu làm nương rẫy, nhưng các bãi trồng lúa, ngô được người Dao đắp bờ giữ nước.

2.2 Về đánh bắt cá

Người Dao Họ có cả hệ thống tri thức về đánh bắt cá trên sông Hồng theo từng mùa vụ. Về công cụ đánh bắt, người Dao Họ sử dụng một số công cụ như các dân tộc vùng thung lũng sông Hồng như người Tày, Thái, Giáy. Nhưng họ chưa mạnh dạn sử dụng các công cụ đánh bắt ở ngoài sông mà chủ yếu là các công cụ đánh bắt ở cửa sông, ven sông.

- Chài “ngoàn”: Chài là công cụ đánh bắt cá quen thuộc của người Dao Họ. Hầu như bất cứ gia đình người Dao nào cũng đều có một cái chài. Người đàn ông Dao đều biết sử dụng chài. Người Dao thường quăng chài vào mùa cá đẻ, tháng 3 hoặc mùa nước cạn, cá hay vào cửa suối.

- “Cụp”: Đây là công cụ đánh bắt cá bằng tre. Chiếc “cụp” thực chất là một cái bẫy lồng, có cửa và gài chốt, khi cá to qua cửa quẫy sẽ làm sập cửa lồng. Người Dao Họ thường đánh “cụp” vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Mùa này cá hay vào cửa suối tìm ăn.

- Hom “Nhím lồng”: Người Dao Họ chế tạo 2 loại “hom” đánh bắt cá. Loại hom đan bằng tre tương tự như “hom” của người Kinh. Loại hom gai bằng cây ngạnh gai sắc nhọn, dùng bắt các loại cá to. Mùa đánh hom bắt đầu từ tháng 8 âm lịch đến tháng 3 âm lịch. Địa điểm đánh hom là ven sông, cửa suối nước chảy nhẹ.

- Câu “tín bẻo”: Câu là hình thức đánh bắt cá quen thuộc của người Dao Họ. Vào đầu mùa mưa, hoặc mùa thu, người Dao thường chọn các vực nước xoáy vũng nước quẩn ở ven bờ sông Hồng đặt câu. Đồng bào lựa chọn từng loại địa hình khúc sông để làm cần câu dài ngắn, thả dây câu nông, sâu. Câu cá ở vực phải thả dây dài hơn 2 mét, còn câu cá ở khe đá, phải thả mồi câu sát đáy, khe. Còn câu cá ở ven cửa sông, chỉ thả dây câu cách mặt nước khoảng 50cm. Tùy từng loại cá, người Dao Họ lựa chọn, chế biến mồi câu khác nhau. Câu cá trôi, cá chép dùng mồi câu chủ yếu là giun. Câu cá chiên, cá bống lại phải rang, ướp một số côn trùng, sâu bọ, cá con làm mồi. Người Dao Họ còn có kinh nghiệm nhìn màu trời, sắc nước để đi câu. Trời nắng ấm hoặc nhiều sương mù, người Dao thường đi câu vào buổi sáng ở những khu vực có khe đá, nước sâu. Trời nóng, mặt sông không nhiều sóng động mạnh thì người Dao Họ thường đi câu vào buổi chiều ở vùng nước quẩn, các vực sâu gần cửa suối.

2.3 Về phương diện đi lại, trao đổi hàng hóa

Sống ở ven sông Hồng nên người Dao Họ (Dao Quần trắng) là ngành người Dao duy nhất ở Việt Nam biết sản xuất và chế tạo thuyền đi lại trên sông. Ở vùng người Dao Họ cư trú, cuối thế kỷ 19, giao thông chủ yếu là đường sông Hồng. Sông Hồng như cánh cửa duy nhất mở ra trong ngôi làng khép kín của người Dao.

Người Dao Họ đi chợ, mua bán, thăm họ hàng, thậm chí canh tác bên sông cũng đi thuyền độc mộc nhưng họ chỉ đi thuyền vào mùa nước cạn, tránh mùa mưa lũ. Người Dao có kỹ thuật đóng thuyền khá phát triển. Người Dao Họ chọn gỗ Muồng Tía “gàm rặt”, gỗ thông “là thủng” làm thuyền độc mộc. Họ n ngả gỗ vào mùa khô, sử dụng các loại công cụ như rìu, đục, dao làm thuyền. Hai đầu thuyền đục vát, dưới mũi thuyền đục chếch để giảm bớt lực cản của nước. Thân thuyền được khoét rỗng, đóng then ngang. Hai bên thaàn thuyền dày 7cm. Gỗ đóng thuyền là gỗ tươi để đục, đẽo. Ở các làng ven sông thuộc huyện Bảo Thắng, người Dao ở Tân An – châu Văn Bàn - hạt Bảo Hà đã có xưởng sản xuất thuyền theo kiểu thuyền Mạn Hảo. Tài liệu “Tiểu chí xứ tiểu đạo Bảo Hà” được người Pháp biên soạn cuối thế kỷ 19 có ghi ở Bảo Hà có một xưởng sản xuất nhỏ, mỗi năm sản xuất từ 50 đến 60 thuyền. Tài liệu còn miêu tả cách sản xuất thuyền “Những chiếc thuyền này thuộc thế hệ Mạn Hảo đóng ghép theo phương cách thô sơ bằng những tấm ván dài 23 mét đến 25 mét. Người Mán Họ địa phương sản xuất từ gỗ Chò Chỉ đem ghép lại với nhau bằng những đinh ba cạnh dài. Khâu hạ thủy làm cho nước không thẩm thấu vào thuyền được bằng cách xăm thuyền rất giản lược. Dụng cụ thì thô sơ. Những chiếc thuyền nay xuôi sông về đồng bằng bằng mái chèo và ngược sông bằng dây kéo, có khi đẩy bằng sào, có khi nhờ gió thuận qua một cánh buồm chữ nhật lớn” . Như vậy, cách ngày nay hơn 100 năm, người Dao Họ đã biết sản xuất thuyền, cung cấp thuyền cho hệ thống giao thông chuyên chở trên tuyến đường sông Hồng.

3. Ứng xử với nguồn nước khi người Dao Họ (Dao Quần trắng) di cư vào các khe sâu ven suối, ven ngòi

3.1 Từ giữa và cuối thế kỷ 19, vùng ven sông Hồng ở Lào Cai luôn biến động. Quân Cờ Vàng, quân Cờ Đen xung đột tranh giành các địa bàn xung yếu ven sông tàn sát người Dao . Quân Pháp chiếm đóng Lào Cai tháng 3/1886 tổ chức nhiều đợt càn quét dọc sông Hồng giết hại nhiều người Dao. Sau đó là các đợt di dân ở đồng bằng lên Lào Cai xây dựng đường sắt. Người Kinh di cư đến các xã ven sông xây dựng kinh tế mới. Người Dao nhượng lại vùng đất ven sông cho người Kinh, người Tày. Đến nửa đầu thế kỷ 20, người Dao đều di cư sâu vào các khe ven các dòng suối bên hữu ngạn sông Hồng. Địa bàn cư trú mới của người Dao đều là các khe suối cách sông Hồng từ 400 – 500m đến vài ngàn mét. Các ngôi nhà người Dao không quây quần ở bến sông mà ẩn mình bên cánh rừng ven khe suối. Đầu thế kỷ 20, vùng cư trú người Dao Họ còn rất nhiều rừng. Làng người Dao ở sườn núi, ven suối, có mặt bằng hẹp. Độ dốc của núi cao, đều trên 250. Địa hình bị chia cắt nhiều bởi khe sâu và các dãy núi cao. Dù phải rời khỏi bờ sông Hồng, nhưng người Dao vẫn cư trú dọc theo các khe suối đổ ra sông Hồng. Dù môi trường, cảnh quan có sự thay đổi nhưng dấu ấn của sông nước, tri thức ứng xử với nguồn nước suối, khe vẫn còn in đậm trong văn hóa người Dao Họ (Dao Quần trắng).

Địa bàn cư trú của người Dao Họ là vùng đất hẹp ven các con suối. Người dân gọi chung là “khe”. Tên làng người Dao Họ cũng gắn liền với tên khe, ngòi.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, châu Văn Bàn có 11 làng người Dao Họ cư trú gắn liền với tên các khe suối, các con ngòi nhỏ như làng Ngòi Tóc, Ngòi Bo, Ngòi Giép, Ngòi Hồng, Ngòi San, Ngòi Cò, Khe Nhầy, Khe Quang, Khe Cọ, Khe Ma, Ngòi Cau. Đến nay, tên các làng người Dao Họ vẫn gắn liền với tên các khe suối, con ngòi. Riêng các xã hữu ngạn sông Hồng từ huyện Bảo Thắng đến huyện Văn Bàn, Bảo Yên có 19 làng người Dao Họ gắn với tên khe, suối như làng Khe Chưng, Khe Mụ, Khe Trẩu, Khe Tắm, Khe Soi, Khe Quạt, Khe Hồng, Khe Cam, Khe Bàn, Khe Táp, Khe Sóc, Khe Lù, Khe Dài, Khe Mai, Khe Tôm, Khe Con, Khe Bỗng…. Vì vậy người Dao Họ có câu tục ngữ phản ánh đặc điểm cư trú của tộc người “Đầu mào rắm kêu giẳng chậy, ké mần rằm cắm gụi”. Có nghĩa: “Người Mèo ở núi cao. Người Dao Họ ở khe sâu”. Trong số 400 câu tục ngữ của người Dao được sưu tầm thì có tới 59 câu phản ánh về nguồn nước sông suối.

3.2 Chọn địa bàn cư trú ở ven khe suối, ven các con ngòi nhỏ là sự lựa chọn hợp lý của người Dao Họ. Ở vùng này họ có điều kiện phát huy kỹ thuật canh tác “đao canh hỏa chủng” truyền thống. Rừng còn nhiều, làm nương du canh thuận tiện. Đồng thời địa bàn cư trú ở ven khe nên cũng thuận lợi cho nguồn nước. Mặt khác, ở ven suối cũng gần với sông Hồng, gần với cửa suối, ven sông, không cách xa địa bàn cư trú ban đầu. Tuy nhiên, nguồn nước ở địa bàn mới chủ yếu là nước khe, nước suối. Vì vậy, người Dao Họ xác lập một thế ứng xử mới phù hợp với nguồn nước suối, nước khe, khác hẳn với cách ứng xử với sông Hồng. Ứng xử với nguồn nước của người Dao Họ chủ yếu thể hiện ở các tri thức địa phương trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước.

3.2.1 Tri thức địa phương trong sử dụng và quản lý nước sinh hoạt

Di cư vào trong khe sâu, người Dao Họ lựa chọn các khe còn nhiều rừng, có nguồn nước cư trú. Trước hết, người Dao rất chú ý nguồn nước sinh hoạt. Họ thường chọn nguồn nước mạch chảy từ trong khe đá ra làm nguồn nước ăn. Tìm được mạch nước, họ sẽ khơi thành một hố nhỏ rộng khoảng 40cm2 đến 50cm2 chứa nước mạch. Đồng thời làm hàng rào tre quây xung quanh bảo vệ. Người Dao Họ thường chọn mạch cấp nước sinh hoạt ở phía cao. Sau đó họ làm máng hứng trực tiếp nước chảy từ khe dẫn về nhà. Máng dẫn nước thường làm bằng các loại cây họ tre (mai, vầu, bương) hoặc cây móc. Người Dao có 2 cách làm máng tre, vầu:

- Cách thứ nhất là dùng máng hở. Đồng bào chọn cây tre dài từ 7 – 10 m bổ đôi cây tre (mai, vầu), khoét hết mấu tạo thành máng dẫn nước nhẵn. Họ làm hệ thống cọc tre tạo thành giá đỡ nâng máng nước. Khoảng 3 – 4m lại có giá đỡ. độ cao của giá đỡ nâng máng phụ thuộc vào vị trí độ cao của mạch nước nguồn dẫn về nhà, trung bình cao khoảng 1,3 m – 1,6m nhằm tránh gia súc phá hoại. Loại máng hở chỉ dùng khi nguồn nước mạch ở vị trí đầu nguồn cao hơn nhà dùng nước.

- Cách thứ hai là dùng máng kín. Họ không bổ đôi cây mai mà sử dụng cả cây mai làm máng. Họ dùng 1 chiếc đục tròn lắp vào đầu 1 cây sào gỗ (hoặc tre nhỏ), đẩy đục thông hết các mấu của cây mai (tre, vầu) tạo thành ống dẫn nước tròn kín. Loại máng kín này thường dùng dẫn nguồn nước từ vị trí thấp dâng lên vị trí cao. Để dâng máng dẫn nước lên khu vực cao, người Dao làm 1 cột tre thẳng đứng, ống tre có mấu đục lỗ nhỏ gọi là ống đón nước. Mỗi một mấu làm một ống đóng nước nhỏ. Khi nước từ ống máng kín đổ vào ống đón nước, nước dâng cao đổ sang ống đón nước thứ hai, đổ tiếp vào ống đón nước thứ ba, thứ tư. Như vậy nước được dâng cao lên từ 10cm – 40cm. Nhưng các mối lắp ống dẫn nước phải thật kín tránh rò rỉ để áp lực nước mới khỏe dâng nước lên cao. Cách dẫn nước này gọi là “oẳm sến đòng”.

Ống dẫn nước kín còn được chôn ngầm dưới đất dẫn nước đi ngầm. Cách dẫn nước chảy ngầm trong ống chôn dưới đất gọi là “Sóng lau đành chá oẳm”.

Một số hộ gia đình cùng sử dụng chung một máng dẫn nước nhưng có cách phân chia nước độc đáo. Họ dùng 1 đoạn cây dài khoảng 30 – 40m làm ống đón nước chôn đứng. Trên ống đón nước đó khoét 4 lỗ ở 4 góc và mỗi lỗ lắp 1 ống dẫn nước nhỏ ra ngoài. Khi máng dẫn nước chính đổ vào ống đón nước thì nguồn nước lại phân chia chảy theo 4 phía vào 4 ống dẫn nước về 4 gia đình. Nếu có nhiều gia đình cùng lấy nước ở trải dài theo sườn núi thì đồng bào lại làm tiếp các ống đón nước khoét 4 lỗ ở 4 góc tiếp tục phân chia nguồn nước cho gia đình. Cứ như vậy, hệ thống dẫn nước của người Dao Họ sẽ cung cấp nước tới từng bếp ăn của từng gia đình trong làng.

Trường hợp nguồn nước khan hiếm hoặc ở xa địa bàn cư trú, người Dao Họ tập trung làm 1 ống dẫn nước lớn chạy dài vài trăm mét đến một bến nước chung. Từ đó họ dùng ống nước phân chia nguồn nước đến từng hộ gia đình.

Người Dao Họ có quy định quản lý nguồn nước sinh hoạt chung. Đồng bào coi trọng việc bảo vệ vệ sinh ở nước mạch nói chung. Hàng năm vào ngày 2 tháng 2 âm lịch và ngày 6 tháng 6, người Dao tổ chức cúng làng, cúng thần nông cầu mùa. Trong lễ cúng, đại diện các gia đình dự lễ phải bàn bạc xây dựng các quy ước bảo vệ rừng, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nguồn nước. Trong đó, các quy định bảo vệ nguồn nước nêu rõ:

- Đầu nguồn nước, các gia đình không thả trâu bò. Ai vi phạm phải xử phạt.

- Không vứt rác, xả nước bẩn, chôn con vật chết ở gần đầu nguồn nước. Không đào bới ở khu vực gần máng nước.

- Trâu bò nhà ai làm hư hỏng đường dẫn nước gia đình đó phải nhanh chóng sửa chữa.

- Không được để nước thải nhà mình chảy vào nhà người khác.

- Không tranh nhau lấy nguồn nước ở bến nước.

Các quy định này trở thành nội dung lời thề cúng trước thần linh. Vì vậy nó có tính chất răn đe, có yếu tố thiêng liêng buộc cả cộng đồng nghiêm túc thực hiện. Trường hợp vi phạm các quy định này, làng sẽ xử phạt bằng 2 hình thức:

- Người vi phạm bị trưởng làng, dân làng trách mắng.

- Bị xử phạt theo lệ phạt vạ của làng (gia đình phải mổ gà, lợn làm lễ cúng thần linh và mời đại diện các gia đình ăn).

Hàng năm, cũng vào dịp cúng của cả làng (2/2 và 6/6), mỗi gia đình phải cử đại diện dọn sạch nguồn nước và tu bổ nguồn nước. Vào dịp đêm 30 Tết, khi gà gáy lần thứ nhất báo hiệu năm mới đến, ông chủ gia đình người Dao đều đến cúng ma nước “đường ngoan” ở đầu nguồn nước. Khi đến đầu nguồn, ông chủ nhà cắm 3 que hương, đặt ít tiền vàng mã, múc 1 bát nước mới làm lễ cúng ma nước. Ông ta cầu ma nước cho nguồn nước sạch, mưa thuận gió hòa, cả nhà yên ấm, nuôi gà lợn đầy đàn, mùa màng bội thu….

Sau khi cúng xong, ông ta đốt tiền vàng, mang bát nước về trước ngõ nhà làm phép. Ông ta cắm hương đốt ngoài ngõ, miệng ngụm 4 ngụm nước phun ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau đó ông ta làm động tác bắt quyết, trừ tà.

Trong đời sống hàng ngày, người Dao Họ cũng có một số kiêng kỵ liên quan đến nguồn nước sinh hoạt. Các gia đình người Dao Họ không bao giờ đặt bàn thờ song song với hướng nước chảy. Vì vậy đồng bào kiêng không khơi rãnh thoát nước chạy song song phía sau ngôi nhà. Nguồn nước ăn và máng dẫn nước có những quy định kiêng cấm riêng. Phụ nữ có kinh nguyệt không được đến gần nguồn nước sạch. Người mới được cấp sắc (độ giới) có 3 năm liền kiêng không được chui qua máng nước ăn. Trong các lễ cấp sắc, lễ làm chay người Dao Họ phải thực hiện nghi lễ cúng Long Vương, làm thuyền đón tổ tiên ở bờ suối. Lễ vật dâng cúng gồm 1 con gà luộc, 1 bát gạo, 1 quả trứng gà, chén rượu và 36 quan tiền vàng mã, 3 gói cơm với mật mía, 3 chiếc thuyền giấy, 6 mái chèo. Thầy cúng khấn cầu xin Long Vương cho phép đón tổ tiên về nhà phù hộ con cháu làm lễ cấp sắc, lễ làm chay. Cúng xong, thầy cúng đốt tiền vàng mã, thả thuyền xuống suối, rước kiệu linh hồn tổ tiên về nhà.

3.2.2 Tri thức địa phương trong sử dụng và quản lý nguồn nước sản xuất

Khi cư trú ở khe sâu, người Dao Họ chủ yếu canh tác nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Các gia đình có ruộng bậc thang gần nhau thì cùng nhau xây dựng hệt thống máng dẫn nước hoặc đào rãnh nhỏ dẫn nước vào ruộng. Người Dao Họ làm ruộng bậc thang hoặc khai khẩn ruộng nước ở thung lũng hẹp ven suối, ven suờn đồi thấp nên việc khai thác nguồn nước sản xuất cũng thuận lợi. Người Dao Họ chỉ việc đào rãnh “đặp oẳm oa” dẫn nước men theo khe về ruộng. Hoặc làm máng dẫn nước từ trên đồi cao, luồn qua rừng cây đưa về ruộng. Nhà nào có ruộng ở trên cao thì cho chảy nước xuống thấp hơn. Người Dao Họ quy định chủ ruộng trên có mức nước đủ dùng mới làm đập nhỏ cho tràn nước chảy xuống ruộng nhà dưới. Chủ ruộng dưới không được tự ý tháo hết nước của nhà có ruộng trên cao vào ruộng nhà mình. Hàng năm, các gia đình có ruộng gần nhau đều phải cùng nhau khơi rãnh, làm máng dẫn nước về ruộng cấy. Truyền thống người Dao Họ luôn nhường nguồn nước sản xuất, không xảy ra chuyện tranh giành nguồn nước trong cộng đồng.

Người Dao Họ cư trú ở ven khe suối nên việc đánh bắt cá ở khe suối cũng khá phát triển. Họ có nhiều hình thức bắt cá mới.

- Bắt cá bằng tay trong hang hốc đá. Khi thời tiết oi, bức, sắp mưa, cá hay vào hang hốc nên người Dao Họ chủ động dùng tay không mò cua, bắt cá ở khe đá, hốc đá.

- Người Dao Họ còn dùng “đó” làm công cụ đánh bắt cá tôm vào mùa mưa, khi nước mới chảy từ ruộng chảy từ khe ra sông đồng bào đặt “đó” ở các luồng lạch nước chảy (từ suối ra cửa sông, từ các khe nhỏ đổ vào suối), người Dao đều chặn đó. Đầu mùa mưa, cá thường ngược dòng kiếm mồi nên thường chui vào hom đó. Dùng đó mất ít công sức nhưng cũng được nhiều cá trong đầu mùa mưa.

- Người Dao Họ còn dùng hình thức thả lá cơi (loại đá độc) để đánh bắt cá. Theo quan niệm người Dao Họ, nếu vào mùa gieo mạ mà trời vẫn không mưa, họ phải thả lá cơi để đánh cá cầu mưa. Dân làng chọn một ông già cao tuổi nhất làng chỉ huy thả lá cơi. Trước đó, đồng bào lấy lá cơi về cho vào ống tre, đổ nước vào, bịt đầu ống bằng lá chuối. Sau đó đun nóng lên như kiểu cơm lam. Ông già làm lễ cầu khấn Long Vương cho mưa. Sau đó ông già đổ nước nước lá cơi xuống suối, dân làng cùng nhau lao xuống suối vớt cá bị ngộ độc lá cơi. Nước lá cơi chảy đến đâu, cá ngửa trắng bụng say thuốc đến đó. Đồng bào cho rằng, sau một thời gian, trời sẽ đổ mưa.

Sinh sống ở ven khe vào đầu thế kỉ 20 giao thông còn khó khăn. Các dòng suối Nhù, suối Nhuần còn khá rộng nên người dân chủ yếu đi lại bằng đường suối, đường sông. Phương tiện chính đi lại chuyên chở ngô lúa thu hoạch là bè mảng. Mảng được làm bằng các loại nứa to. Họ kết và buộc 10 đến 12 cây nứa có độ dài 5-6m làm mảng. Cứ cách 1m theo chiều dọc của Mảng buộc một thanh tre ngang nhằm ghép chặt các cây nứa. Người Dao sử dụng sào để chống, đẩy mảng đi. Bình quân mỗi mảng chở được 3,4 người. Đầu thế kỉ 20, mỗi bến suối ở Trà Chẩu, Tân An có dăm ba cái mảng để người Dao đi lại qua suối lớn, qua sông Hồng. Hầu hết thanh niên, đàn ông thậm chí cả phụ nữ Dao Họ đều quen chống mảng.

Khi sinh sống ở trong các thung lũng ven khe suối người Dao có nhiều kinh nghiệm, phong tục gắn liền với việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ suối phục vụ sản xuất. Trước khi phát nương hoặc khai thác ruộng bậc thang, người Dao Họ thường lựa chọn địa hình nương ruộng ở điểm giao nhau của đồi núi hoặc ven khe, trên đó có nhiều cây to. Đặc biệt là có nhiều cây chuối mọc dầy. Khu vực đó sẽ có nguồn nước, khai thác phục vụ sản xuất. Khi phát nương phía trên đỉnh đồi phải giữ lại một số cây cổ thụ. Việc bảo vệ cây nhằm giữ nguồn nước đã trở thành luật tục của người Dao ở Khe Mụ. Làng Khe Mụ quy định, các khu rừng trong tầm mắt phía trước làng và sau làng đều không được khai thác gỗ, củi, đồng thời cũng không chặt cây ở đầu nguồn suối. Ở các mạch nước của làng phải bảo vệ cây cối mọc xung quanh. Trong phạm vi mỗi bên mạch nước có độ dài từ 2 đến 3 ngôi nhà đều không được chặt, phát cây cối, không được đốt nương gần mạch nước. Ở thôn Khe Mụ, thôn Trà Chẩu người Dao còn trồng thêm các dãy chuối quanh mạch nước và phía trên mạch nước nhằm bảo vệ nguồn nước.

Người Dao Họ làm nương rẫy nên nỗi lo thường trực và đáng sợ nhất là hạn hán. Khi nương rẫy bị hạn, trời không mưa sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, người Dao làm lễ cầu mưa cho nương rẫy gọi là “ý hồng gàu ngoạn”. Nghi lễ tiến hành ngoài trời. Thầy cúng trải một chiếc chiếu lên khu đất bằng phẳng gần nương rẫy. Thầy cúng nằm trên chiếc chiếu khi thì khẩn thiết cầu thần mưa khi thì dùng gậy làm các động tác đánh đập quân lính thần mưa nhằm chọc tức các thần mưa phải làm mưa. Trường hợp trời vẫn hạn hán, thầy cúng đến ven suối bắt một con ốc đóng vào thân cây gần mép suối với ý niệm khiêu khích buộc các thần mưa phải mưa. Vì theo quan niệm của người Dao Họ, con ốc cũng như con cóc (là cậu ông trời của người Kinh), là sứ giả, người nhà thần mưa nên cần bắt và đánh đập sứ giả.

Như vậy, trong quan niệm cổ truyền của người Dao Họ, ứng xử với nguồn nước có quan hệ mật thiết với ba yếu tố: Cộng đồng cư trú người Dao, thế giới tự nhiên môi trường và thế giới thần linh. Ba yếu tố này cũng phản ánh quan niệm truyền thống của người phương Đông về mối quan hệ giữa “thiên”, “địa”, “nhân” , nhưng ở người Dao Họ có những điểm cụ thể khác biệt.

Yếu tố “nhân” của người Dao chỉ giới hạn chung vào cộng đồng người Dao đang cư trú sinh sống ở một làng cụ thể. Quan hệ ứng xử với nguồn nước là ứng xử của cả một gia đình và cộng đồng làng với sông suối, nguồn nước mạch.... Tập thể cộng đồng đề ra các chế tài (bằng các quy định truyền miệng, bằng lời thề trong lễ cúng thần nông ngày mồng hai tháng hai hoặc ngày mồng sáu tháng sáu âm lịch). Các thành viên (gia đình trong làng) đều có nghĩa vụ thực hiện. Người vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định của làng. Quan hệ ứng xử ở đây còn thể hiện ở kinh nghiệm đoán mùa mưa lũ, hạn hán cũng như việc chế tác sử dụng các công cụ sử dụng, quản lí nguồn nước.

Yếu tố “địa” bao gồm toàn bộ các yếu tố môi trường tự nhiên chi phối đến việc sử dụng, quản lí nguồn nước. Đó là việc lựa chọn mạch nước, việc bảo vệ cây cổ thụ đầu nguồn nước đến việc trồng cây chuối, làm hàng rào.... bảo vệ nguồn nước. Trong đó mối quan hệ giữa RỪNG CÂY và SÔNG SUỐI là mối quan hệ chủ chốt. Người Dao nhận thức rõ, còn rừng, còn cây ở đầu nguồn là còn mạch nước. Tất nhiên ứng xử này không chỉ chú ý đến rừng và đặc biệt các loại cây mọc ở đầu nguồn mạch nước mà chính là mở rộng cả rừng gắn với nơi cư trú. Những hương ước của làng Khe Mụ, làng Khe Lau cũng quy định rừng trong tầm mắt ở phía trước và sau làng đều không được đốt rẫy, làm nương. Yếu tố bảo vệ cả khu rừng gần làng phản ánh sự ứng xử thân thiện với môi trường.

Yếu tố “Thiên” là các yếu tố của hiện tượng siêu nhiên. Người Dao Họ quan niệm mỗi nguồn nước có một thần linh cai quản, vị thần đó sau này hóa thân thành Long Vương. Nhưng mối quan hệ giữa người Dao với thần linh Long Vương vẫn là mối quan hệ tương đối bình đẳng. Người Dao Họ có thể cầu xin Long Vương nhưng cũng dám trêu chọc Long Vương, đùa nghịch với thần linh. Yếu tố “Thiên” còn phản ánh cả những quan niệm kiêng kỵ liên quan đến Long Vương và thần rừng. Người Dao Họ cũng quan niệm phải kính sợ đến Long Vương, thần rừng.Vi phạm các điều cấm, phá rừng, phá mạch nước sẽ động đến thế giới thần linh. Do đó yếu tố thần linh, yếu tố thiêng cũng in đậm trong ứng xử của người Dao Họ với nguồn nước, góp phần quản lý nguồn nước được bền vững.

4. Ứng xử với nguồn nước hiện nay của người Dao Họ và những vấn đề cấp bách đặt ra

Từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đến nay địa bàn cư trú của người Dao luôn biến động. Mật độ dân số gia tăng. Trong 30 năm qua dân số người Dao tăng lên gấp đôi. Các dân tộc Kinh, Tày cũng gia tăng dân số. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, diện tích rừng già ở vùng người Dao Họ không còn. Địa bàn cư trú của người Dao Họ chủ yếu là đất trống, đồi trọc hoặc rừng tái sinh. Một số cư dân mới chuyển cư đến dịa bàn người Dao quan niệm rừng là của nhà nước không phải của riêng một cộng đồng làng nên tệ nạn phá rừng càng diễn ra thường xuyên. Các dòng suối không còn chảy hiền hòa mà trở thành hung hãn trong mùa lũ, cạn khô trong mùa khô. Nguồn nước thất thường. Vì vậy, người Dao nảy sinh kiểu ứng xử mới với nguồn nước, không nương theo thiên nhiên, không dựa vào nguồn nước tự nhiên mà can thiệp trực tiếp vào nguồn nước, khai thác triệt để nguồn nước.

Về nguồn nước sinh hoạt, người Dao Họ không sử dụng nước khe dẫn từ đầu nguồn về mà chủ yếu sử dụng nước giếng. Người Dao Họ áp dụng kinh nghiệm tìm nguồn nước mạch để tìm địa điểm đào giếng có nhiều nước. Địa điểm đào giếng thường lựa chọn ở ven khe suối hoặc khe giao nhau giữa hai quả đồi ngọn núi. Khi tìm được địa điểm, vào buổi sáng người Dao Họ đem một ôm rơm hoặc một chiếc bát úp vào vị trí dự định đào giếng. Ôm rơm phủ xuống đất còn chiếc bát lấy đất bịt kín xung quanh miệng, điểm tiếp giáp giữa miệng bát và mặt đất bịt kín. Đến chiều hoặc sáng hôm sau mở bát, quan sát bó rơm thấy có nước đọng lấm tấm trong bát hoặc nước đọng ở bó rơm thì địa điểm chọn đào giếng sẽ có nước. Kỹ thuật đào giếng của người Dao Họ áp dụng như kỹ thuật đào giếng của người Kinh. Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, hệ thống giếng của người Dao Họ là giếng đất, sâu khoảng 2 đến 3 mét, miệng giếng có nắp đậy bằng phên tre, rào phên tre xung quanh. Hiện nay hầu hết giếng của người Dao đều lát gạch. Làng Khe Mụ có 5 hộ gia đình có giếng xây gạch, làng Trà Chẩu có 12 hộ gia đình có giếng xây. Hiện nay người Dao Họ cũng không dùng máng dẫn nước bằng tre nữa mà chủ yếu sử dụng ống nhựa dẫn nước. Các gia đình không có giếng gần nhà thì sử dụng nguồn nước mạch hoặc đào giếng ở xa nhà dẫn nước bằng ống nhựa về bể chứa nước của gia đình, từ đó dẫn nước vào bếp ăn.

Về nguồn nước sản xuất, nuôi trồng thủy sản, người Dao vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống suối ao. Toàn bộ con suối Tả Phìn chảy qua làng Khe Mụ và làng Chưng đã được đắp chặn lại thành đập và ao. Làng Khe Mụ đào đắp 8 ao, làng Chưng đào đắp 6 ao. Hệ thống ao cũng điều tiết cung cấp nước cho ruộng trồng lúa, nuôi cá.

Như vậy việc khai thác và sử dụng nguồn nước của người Dao Họ có sự biến đổi. Trước kia đồng bào thường lợi dụng suối, mạch nước dẫn nước sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, người Dao không ứng xử mềm dẻo với nguồn nước mà chặn đứng dòng suối, đắp đập làm ao hoặc chủ động đào giếng tạo nguồn nước mới. Kiểu ứng xử mới này chủ động được nguồn nước, khai thác nguồn nước một cách triệt để nhưng lại góp phần tàn phá môi trường, cạn kiệt nguồn nước. Do đào và đắp đập làm 14 cái ao trên suối Tà Gìn nên hiện nay con suối Tà Gìn không còn. Nguồn cá ở các dòng suối cũng cạn kiệt. Một số dòng suối vào mùa khô không có nước nhưng vào mùa lũ trở nên hung hãn. Nạn lũ ống, lũ quét bắt đầu xuất hiện ở vùng người Dao, các ao được đắp theo kiểu liên hoàn, nước từ ao trên dẫn xuống ao dưới. Do đó khi cá ao của một gia đình bị dịch bệnh thì toàn bộ cá trong làng cũng bị dịch bệnh, cá chết hàng loạt.

Chú thích ảnh

Trong sơ đồ này, yếu tố “Rừng” đóng vai trò rất quan trọng nhưng hiện nay rừng cạn kiệt nên hệ thống nước ngầm cũng cạn kiệt, gây khó khăn cả trong sinh hoạt và sản xuất của người Dao Họ.

KẾT LUẬN

1. Người Dao Họ ở Lào Cai có 3 thời kỳ ứng xử với nguồn nước theo các đặc điểm khác nhau.

- Thời kỳ thứ nhất: Cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, người Dao Họ mới di cư đến Lào Cai đã lựa chọn vùng đất ven sông Hồng (nay thuộc huyện Bảo Thắng và Bảo Yên) làm địa bàn cư trú. Đồng bào có truyền thống canh tác nương rẫy nên tuy ở ven sông nhưng ứng xử với nguồn nước vẫn theo truyền thống ứng xử với vùng ven khe suối (không làm ruộng nước, có đánh bắt thủy sản nhưng chủ yếu cặm cụi ở mom sông, cửa suối, ven bờ...)

- Thời kỳ thứ hai: Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, người Dao Họ về các khe sâu ven suối cư trú. Trong thời kỳ này, người Dao tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có tri thức bản địa ứng xử phù hợp với môi trường có rừng, núi và khe suối. Đặc điểm ứng xử của người Dao phù hợp với môi trường:

+ Ứng xử với nguồn nước khá mềm mại. Người Dao lợi dụng và thích ứng với địa hình để sử dụng, quản lý nguồn nước. Thế ứng xử linh hoạt. Một kiểu địa hình khác nhau có hình thức khai thác và sử dụng nguồn nước khác nhau. Đặc điểm này phản ánh đậm nét ở cách khai thác mạch nước đầu nguồn cũng như các hình thức dẫn nước phù hợp với từng kiểu địa hình.

+ Xây dựng được cơ chế hiệu quả bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng như bảo vệ bằng hệ thống luật tục, điều chỉnh bằng các chế tài xử phạt của cộng đồng, kết hợp với cơ chế niềm tin vào sự linh thiêng, không dám vi phạm luật tục vì sợ thần linh xử phạt... Hệ thống cơ chế quản lý như vậy đã đảm bảo được vấn đề bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn.

+ Đề cao vai trò của cộng đồng làng trong việc quản lý nguồn nước, quản lý rừng. Nguồn nước chung (khe, suối) và rừng là của cộng đồng. Cả cộng đồng bảo vệ, cả cộng đồng làng sở hữu nên quản lý và sử dụng nguồn nước được hiệu quả.

- Thời kỳ thứ 3: Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đến nay. Do sự gia tăng dân số (cả tăng tự nhiên và tăng cơ học) một số tộc người đến xen canh, xen cư, do đó diện tích rừng già bị phá hủy. Về danh nghĩa, luật đất đai của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định toàn bộ đất rừng thuộc sở hữu nhà nước, đất rừng không còn thuộc cộng đồng quản lý. Vì vậy vùng người Dao rừng bị chặt phá bừa bãi, không còn rừng nguyên sinh. Nguồn nước không được bảo vệ, hạn hán lũ quét xảy ra thường xuyên. Người Dao ứng xử với nguồn nước bằng kiểu ứng xử cứng, khai thác triệt để nguồn nước (ngăn suối làm ao, làm đập...) kiểu ứng xử không dựa vào thiên nhiên, không nương theo nguồn nước mà là chinh phục sông suối. Đồng thời cả một cơ chế quản lý truyền thống được cho là lạc hậu, mê tín dị đoan. Việc giao đất giao rừng cho từng hộ gia đình làm cho vai trò của cộng đồng trong quản lý rừng suy giảm và triệt tiêu, thậm chí người ngoài cộng đồng cũng có quyền xâm phạm đất rừng trong cộng đồng (Nguyễn Văn Chính, 2007, 21) vì vậy tình trạng khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm môi trường xảy ra khá phổ biến.

2. Từ thực tế ứng xử với nguồn nước của người Dao Họ ở Lào Cai cần coi trọng một số vấn đề như sau:

- Thứ nhất cần coi trọng các tri thức bản địa về sử dụng và quản lý nguồn nước của người Dao Họ. Kế thừa những yếu tố tích cực trong truyền thống ứng xử linh hoạt nương dựa vào nguồn nước tự nhiên, không chống lại tự nhiên. Kế thừa cả yếu tố quản lý theo luật tục, kết hợp quản lý luật tục với luật pháp chứ không chỉ chủ yếu dựa vào luật pháp.

- Thứ hai cần coi trọng vai trò cộng đồng làng trong khai thác xử dụng và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng. Trên thế giới đang có xu hướng vấn đề quản lý rừng, tài nguyên nước chuyển từ quản lý nhà nước sang hình thức đa dạng hóa quản lý: quản lý của cộng đồng làng, quản lý của tư nhân, quản lý của các cơ sở kinh tế. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý nguồn nước, quản lý rừng theo cộng đồng. Trao nhiều quyền cho thôn, làng quản lý nguồn nước. Có như vậy mới tránh tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên nước, tài nguyên rừng theo lợi ích cá nhân.

Kết hợp các yếu tố truyền thống với hiện đại, phát huy tri thức bản địa với kỹ thuật mới một cách hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau đang là chìa khóa quản lý nguồn nước hiệu quả ở vùng người Dao Họ.

TS. Trần Hữu Sơn

To Top