Quỹ văn hóa Trần Văn Khê chính thức hoạt động

Quỹ văn hóa Trần Văn Khê sau gần 2 năm đề xuất, vừa được Ủy ban Nhân dân TPHCM cấp phép hoạt động, và do Trường Đại học Văn Lang trực tiếp quản lý.

Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015).

Quỹ văn hóa Trần Văn Khê là tâm huyết của Hội đồng trường Đại học Văn Lang và những tri thức tại TPHCM. Quỹ văn hóa Trần Văn Khê được khởi động từ tháng 4/2019, qua quá trình kiên trì điều chỉnh vàbổ sung hồ sơ, đã chính thức được UBND TPHCM cấp giấy phép hoạt động từ ngày hôm nay 23/4/2021.

Ban sáng lập Quỹ văn hóa Trần Văn Khê gồm các ông Bùi Quang Độ, Nguyễn Đắc Xuân và Lê Quốc An. Hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Trần Văn Khê gồm các ông bà Dương Trọng Dật, Nguyễn Thế Thanh, Mai Mỹ Duyên, Hoàng Sơn Điền.

Hoạt động đầu tiên của Quỹ văn hóa Trần Văn Khê dự kiến tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của giáo sư Trần Văn Khê vào dịp 24/7/2021, sau đó sẽ trao học bổng và giải thưởng thường niên.

Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015) là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ khi 6 tuổi, ông đã làm quen vói các nhạc cụ dân tộc và sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Học rất giỏi và say mê âm nhạc nhưng ông lại ra Hà Nội theo học y khoa. Tại đây, ông đã cùng Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Phạm Hữu Tùng hoạt động trong Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện trình độ cảm nhạc xuất sắc,ông được cử làm nhạc trưởng dàn nhạc của trường.

Bước ngoặt cuộc đời Trần Văn Khê bắt đầu từ chuyến du học Pháp. Năm 1958, ông theo học khoa nhạc học, và trở thành Tiến sĩ với đề tài nghiên về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Từ năm 1963, Trần Văn Khê giảng dạy cho trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương của Viện âm nhạc Paris. Sau đó, được bầu vào Viện hàn lâm khoa học Pháp, Viện hàn lâm khoa học văn chương và nghệ thuật Châ Âu.

50 năm hoat động và giảng dạy âm nhạc, giáo sư Trần Văn Khê đã đi qua 67 nước trên thế giới, để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Không chỉ là một đại sứ cho âm nhạc truyền thống Việt Nam, giáo sư Trần Văn Khê còn góp phần nâng âm nhạc truyền thống dân tộc ngang tầm với các nền âm nhạc cổ truyền của các nền văn hóa độc đáo khác trên thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Từ năm 2005, giáo sư Trần Văn Khê về nước, và được UBND TPHCM cấp cho căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai để làm nơi ở và giao lưu văn hóa. Ngày 24/6/2015, giáo sư Trần Văn Khê qua đời, với di nguyện căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai tiếp tục được sử dụng làm nhà lưu niệm và làm địa chỉ kết nối những người yêu âm nhạc dân tộc. Đáng tiếc, vì nhiều lý do khác nhau, bây giờ địa chỉ này đã được chuyển sang làm trụ sở Trung tâm Bảo tồn và phát duy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM.

Quỹ văn hóa Trần Văn Khê ra đời, là một niềm vui cho những người yêu mến giáo sư Trần Văn Khê cũng như tâm huyết với sự nghiệp đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tại TPHCM như Kim Cương, Hải Phượng, Sĩ Hoàng…bày tỏ sự hào hứng được đồng hành cùng Quỹ văn hóa Trần Văn Khê.

Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ: “Bác Trần Văn Khê từng nói rằng, âm nhạc Việt Nam vô cùng hào phóng, như con người Việt Nam, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi luồng âm nhạc đến với mình để học hỏi. Nó cũng giống như bản tính người Việt Nam, hiếu khách, luôn mở cửa đón khách vào nhà. Ai cũng có thể bước vào tràng kỷ để ngồi, đứng, nằm…, có thể vào nhà bếp, phòng ngủ nhưng riêng bàn thờ tổ tiên nhà tôi là bạn không có quyền xâm phạm.

Đôi khi người làm văn hóa Việt Nam mình nhập nhằng giữa lòng hiếu khách và sự nhu nhược. Chính vì thế, giữ hồn Việt Nam chính là phải biết không thể để ai ngồi lên bàn thờ; tức khiêm tốn nhưng phải bản lĩnh. Theo tôi đó chính là một bản tính mà người Việt, nghệ sĩ Việt nên có. Và tôi được truyền điều đó từ bác Trần Văn Khê”.

PHẠM TUẤN

To Top