Phim Tết 2021 - Thiếu vắng giá trị cổ truyền?

Những năm gần đây, khi Tết đến xuân về, nhiều bộ phim điện ảnh lại rộn ràng ra mắt công chúng, góp chung vào không khí hân hoan chào năm mới của dân tộc. Tiếc rằng, dù mang nhiều tâm huyết và mong ước của các nhà làm phim gửi gắm chia sẻ niềm vui cùng khán giả, nhưng xem kỹ thì thấy nội dung nhiều bộ phim chiếu vào dịp Tết thiếu vắng cái hồn dân tộc, thiếu cái không khí Tết, thiếu cái văn hóa cổ xưa của dân tộc.

Các màn hài hước trong phim không đủ lấp chỗ trống cho những giá trị nhân bản, giá trị văn hóa của dân tộc đang dần mai một trước làn sóng văn hóa ngoại nhập.

Thiếu tính giáo dục

Danh sách các bộ phim chiếu vào dịp tết Nguyên đán gồm “Bố già”, “Trạng Tí”, “Gái già lắm chiêu 5”, “Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử”, “Người quên phải nhớ”, “Lật mặt 5”... Trong đó có “Gái già lắm chiêu 5”, “Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử”, “Người quên phải nhớ”, là những bộ phim đã trình làng trước và trong tết dương lịch vừa qua. Nội dung các bộ phim kể trên đều là phim hài, giải trí, trừ phim “Gái già lắm chiêu 5” có mang hơi hớm tâm lý một chút nhưng chỉ là đan xen cho có gia vị.

Từ lâu, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, phim Tết (cả tết âm lịch và tết dương lịch) đều vắng bóng các bộ phim tâm lý xã hội có nội dung sâu sắc, mang tính giáo dục cao. Thay vì tạo ra các bộ phim có nội dung, tư tưởng giàu tính nhân văn, ý nghĩa làm lay động tâm hồn và giúp nuôi dưỡng nhân cách con người cho khán giả, người xem chỉ được thưởng thức những màn chọc cười, những pha hành động nhí nhố trên phim Tết. Đồng nghĩa với nó, cái hồn cốt, văn hóa cổ truyền của dân tộc cũng thiếu vắng trong các bộ phim hời hợt và sống sượng.

Nhà văn, biên kịch Võ Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc hãng phim Sen Vàng.

Trao đổi cùng chúng tôi, nhà văn, biên kịch Võ Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Hãng phim Sen vàng, cho rằng: “Phim ra rạp bây giờ kể cả phim Tết đều là phim thị trường. Các nhà sản xuất tính đến yếu tố thương mại nhiều hơn. Ít có kịch bản cho một phim nghệ thuật hay. Mà nếu có kịch bản tốt họ cũng sợ lỗ không dám làm. Bản thân tôi, cũng như các nhà sản xuất phim chân chính đang bối rối, không có đường ra”.

“Thời gian gần đây, thị trường phim Việt có sôi động hơn trước nhưng chưa chuyển tải được những nét đặc trưng của văn hóa, con người và đặc biệt là thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ của Việt Nam vào phim, khiến phim vừa nghèo nàn về mảng nội dung mang tính thời đại, vừa nghèo nàn tính dân tộc, nghèo nàn văn hóa dân tộc” - TS chuyên ngành văn hóa học Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

Phim ảnh không phải chỉ là sự tưởng tượng hay để thỏa mãn sự giải trí, sự tò mò, mà nó còn phải ẩn chứa các giá trị tinh thần, tinh hoa của dân tộc. Nó phải mang hơi thở của cuộc sống của lịch sử và thời đại, của linh hồn dân tộc. Nó còn là cánh cửa để chúng ta mở ra, giao lưu với thế giới, để chúng ta tự giới thiệu về mình, về đất nước - con người - phong tục - văn hóa... của dân tộc. Từ đó tiếp cận, quảng bá đất nước, văn hóa dân tộc.

“Trạng Tí” - một phim Tết hiếm hoi còn nhắc nhớ về văn hóa, lịch sử xưa.

Nói cách khác, phim ảnh, văn hóa nghệ thuật nói chung, là một phương cách để định vị, nâng tầm đất nước. Với phim Tết, thiết nghĩ các giá trị, tinh thần nói trên, cần phải được các nhà làm phim, các nghệ sĩ suy tư, chăm chút và chú trọng nhiều hơn. Bởi lẽ, Tết, chính là cái kết tinh của hồn dân tộc, là thời khắc thiêng liêng của đất nước. Nó cũng là nơi gắn bó, duy trì các giá trị văn hóa cổ truyền, là dịp “ôn cố tri tân”, là thời điểm con người nhìn lại mình để chiêm nghiệm và định hướng. Rất nhiều giá trị tinh thần tiềm ẩn trong Tết mà những bộ phim Tết cần bảo tồn, lưu giữ các giá trị đó của dân tộc và kể lại, công chiếu cho cộng đồng xem để thấm hiểu, tự hào về dân tộc, về cha ông và văn hóa truyền thống. Có vậy mới không bị đứt đoạn, gãy đổ về văn hóa, phai nhạt, lai căng về hồn cốt, phẩm cách dân tộc.

Nhìn lại, nhớ lại những bộ phim Tết xưa, như: "Tết này ai đến xông nhà", "Hoa đào ngày Tết", "Vị khách lúc giao thừa", "Quà năm mới", "Ngày Tết nhiệm màu"... đều thấy thấm đẫm những giá trị nhân ái, văn hóa xưa, hồn phách dân tộc và cả không gian, không khí Tết, văn hóa Tết. Từ những cành đào, cành mai, nồi bánh chưng, chợ Tết quê, cảnh sum vầy đoàn viên chúc Tết lồng trong nội dung câu chuyện phim giản dị đời thường mà sâu sắc nhân ái, trong các bộ phim Tết ngày xưa đã gieo vào lòng người xem, đặc biệt là người trẻ, những cảm xúc đẹp, lâng lâng xao xuyến. Nó khiến cái Tết thêm ấm cúng, đậm đà, ý nghĩa. Và thông qua đó, chúng ta thêm yêu đời, yêu đất nước, gia đình mình hơn. Nó đã ẩn chứa những bài học, thông điệp, sự giáo dục rất tinh tế, cao sâu. Thế nhưng, nhiều năm nay, các bộ phim Tết đó hầu như không còn.

Thách thức đổi mới và kế thừa truyền thống

Đã đành là cuộc sống thì luôn tiến triển không thể hoài cổ, hoài niệm hay cứng nhắc, cổ hủ. Nhưng, đừng vin vào sự đổi mới, hiện đại... để lơ là, bỏ quên, xóa sạch những giá trị xưa, hồn văn hóa xưa của cha ông. Tiếng cười, sự giải trí cũng cần, nhưng các bài học, giá trị nhân bản mới là thứ giúp con người lớn khôn, trưởng thành, mới giúp đất nước dân tộc trụ vững, đi lên mà không bị nhạt nhòa, mất gốc. Chúng ta vẫn có thể dung hòa văn hóa xưa, truyền thống dân tộc vào trong các bộ phim, hiện đại hóa chúng bằng các câu chuyện gần với cuộc sống đương thời, mang đậm hồn cốt và hơi thở đương đại mà không hề cổ lỗ sĩ, không hề lạc hậu “âm lịch”. Vấn đề là cách nhìn, cách khai thác của các nhà làm phim.

Cảnh phim “Gái già lắm chiêu 5”.

Thì đó, trong danh sách phim Tết hiện nay, vẫn còn thấy một bộ phim mang âm hưởng, văn hóa cổ xưa của chúng ta là “Trạng Tí”, dù nó không hoàn toàn là văn hóa xưa và chưa đủ sức gánh trách nhiệm lưu giữ, truyền tải văn hóa xưa của cha ông. Hãy nhìn cách người Nhật, người Hàn làm phim, làm văn hóa để thấy họ vẫn tìm cách hiện đại hóa văn hóa cổ của họ mà không khiên cưỡng, sống sượng, áp đặt. Vẫn thời thượng và hút khách, đàng hoàng tiếp cận với thế giới.

TS Thu Thủy nói: “Văn hóa của ta vô cùng độc đáo, phong phú. Nhưng chúng ta thiếu một cái tầm, tâm đủ mạnh và đủ sâu để hiểu và chuyển tải nội dung đó vào phim. Về lâu dài, nội dung và cách làm điện ảnh như vậy làm cho nền điện ảnh của chúng ta khó phát triển vì không có cái riêng, không quảng bá được hình ảnh đất nước qua điện ảnh như Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm. Ngoài ra, nó làm cho khán giả Việt chán phim Việt, quay lưng với phim Việt. Tết cổ truyền của Việt Nam có nhiều nét riêng nhưng khai thác mãi cũng nhàm chán. Theo tôi, các nhà làm phim có thể tập trung vào cái Tết truyền thống trong bối cảnh của văn hóa đương đại, như cảnh tấp nập ở các bến xe, tàu, sân bay mỗi dịp tết về. Người lao động mãi lo dành dụm quanh năm chỉ để về quê ăn Tết. Một số phong tục có vẻ như đang phai mờ dần như cảnh làm bánh chưng... Vậy người Việt bảo tồn phong tục tập quán đó trong bối cảnh hiện nay theo cách nào. Đó có thể là sự giằng xé giữa khư khư bảo tồn Tết để giữ lấy truyền thống hay biến đổi nó theo hơi thở của đời sống đương đại”.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh thương mại và nhìn ở góc độ chuyên môn, với cảm quan lạc quan của nghề nghiệp thì phim Tết gần đây cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Trao đổi cùng chúng tôi, biên kịch Nguyễn Vân Anh chia sẻ: “Mùa phim Tết 2021 cho thấy sự đa dạng về mặt đề tài, thể loại và sự thay đổi tư duy của nhà làm phim trong việc tiếp cận khán giả. Sự thay đổi rõ nhất của các phim Tết là sự đầu tư về chất lượng của nhà sản xuất. Trước đây, phim Tết thường chủ yếu mang đến cảm giác chọc cười thì bây giờ phim có nội dung, nhiều suy ngẫm hơn. Một khía cạnh nữa là nhà sản xuất cũng tỉnh táo và sáng suốt hơn khi khai thác đúng tâm lý người xem. Thị hiếu khán giả luôn thay đổi. Họ không chỉ ra rạp để cười như vài năm trước đây. Họ cần ở một bộ phim nhiều hơn. Họ thích đến rạp và ra về với những suy nghĩ và hướng đến những phim mang màu sắc tươi vui, đầm ấm”.

Dù có lạc quan đến đâu, thì phim ảnh, nghệ thuật luôn đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo không ngừng. Phim Tết cũng không phải ngoại lệ, ngoài yếu tố thương mại, nó cũng phải theo quy luật đó. Thị hiếu, nhu cầu khán giả ngày một cao, họ không chỉ thích những tiếng cười dễ dãi nên các nhà sản xuất cũng phải suy tư, cân nhắc nhiều nếu muốn công chúng móc hầu bao ra rạp mua vé xem phim của mình.

“Một món ăn nếu ăn hoài sẽ ngán, phim ảnh cũng vậy. Nếu năm nay tiếp tục là những phim hài nhảm thì chắc chắn không có sức hấp dẫn, bởi gu xem phim của khán giả sẽ luôn thay đổi nhiều. Những người bỏ tiền ra rạp là những người yêu điện ảnh, thích xem phim và họ đang có lựa chọn tốt. Nhận thức khán giả tăng cao cũng là cơ hội và thử thách cho những nhà làm phim trong mùa tết năm nay” - biên kịch Vân Anh nói.

Dung hòa giữa nét đẹp văn hóa cổ truyền và sự hấp dẫn khán giả để tăng doanh thu, không phải là điều dễ dàng. Nhưng, nếu biết khai thác từ di sản văn hóa dân tộc, nó lại là thế mạnh của phim Việt khi vừa khơi gợi được lòng tự tôn dân tộc vừa mang lại những cái đặc sắc độc đáo của truyền thống và cảnh quan hồn cốt xưa đồng hành trong đời sống hôm nay.

Nguyễn Thịnh

To Top