Thuốc và tình người?

Sức khỏe là quan trọng nhất, hơn tất thảy tiền bạc, địa vị. Khi có bệnh người ta phải đi khám để có được đơn thuốc, liệu trình điều trị phù hợp. Phù hợp ở đây là với bệnh trạng và với cả khả năng tài chính của người bệnh.

Về cơ bản, các loại thuốc đông y, nam y hay thuốc tây, và thực phẩm chức năng đều được các nhà khoa học, tập đoàn nghiên cứu y dược chứng minh hiệu quả nhất định trong chữa bệnh cứu người và hỗ trợ điều trị bệnh, tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nữa.

Thế nhưng, lâu nay, có hay không những đơn thuốc do bác sĩ kê, thử hỏi mấy ai “bạo gan” mặc cả đắt rẻ khi đi mua thuốc, mua thực phẩm chức năng, bất kể thuốc bốc theo thang, thuốc dạng nước, dạng viên nén bao film hay bao đường…, bởi nó cứu mình, giúp mình duy trì và cải thiện sức khỏe mà.

Với người dân, có bệnh thì vái tứ phương, ai chỉ đâu có thuốc tác dụng tốt lắm, hiệu quả lắm là lao vội đi mua. May ra thì có mối có mánh biết cửa hàng này, đơn vị nọ bán giá rẻ hơn chút đỉnh, tiện thì mua, chứ đường xá đi lại vất vả thì quá tội. Bệnh có đợi ta đâu!

Bộ Y tế vừa thu hồi văn bản công bố một số thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19, trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp không được tăng giá. (Ảnh: Đức An)

Tạm bỏ qua các vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng mà cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá và xử lý nghiêm thời gian qua, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật khi mà nhiều loại bệnh dịch hiện đại đang hoành hành như ngày nay, trong bối cảnh biến chủng của virus gây bệnh ngày càng khó lường, thực sự làm đau đầu các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý nhà nước với sứ mệnh đảm bảo sự phát triển toàn diện, khỏe mạnh của người dân.

Chính lúc này, lằn ranh giữa tác dụng chính và tác dụng phụ của thứ gọi là thuốc càng mong manh.

Theo PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), ở Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất dược, thực phẩm chức năng với sản phẩm có đặc điểm, tính chất tương đương nhau, do đó, việc Bộ Y tế vừa qua chỉ công bố để giới thiệu 12 loại thuốc và dược liệu cụ thể vào danh sách sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 là bất thường.

Tiền tuyến chống dịch đang quá nóng, hậu phương đang nỗ lực hết mình, và đương nhiên dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu ở đây có gì chưa minh bạch, thậm chí là lợi ích nhóm?

Dù cho văn bản đó đã được thu hồi vì một số lý do chưa phù hợp nhưng phải khẳng định thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, chưa có đơn vị nào nghiên cứu cụ thể để hỗ trợ điều trị COVID-19.

Việc các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh tích cực, chủ động tìm hướng đi, đầu ra cho sản phẩm là hoàn toàn phù hợp với chủ trương chủ Chính phủ. Nhưng đâu đó đang có hiện tượng, vụ việc trục lợi trên nỗi đau thể chất, trên nhịp thở khó khăn của người bệnh và sự hạn chế về tài chính của họ thì thực sự đáng lên án, chả cần bàn. Nhưng còn đáng sợ hơn chính là kiếm tiền, tối ưu hóa lợi nhuận trên lòng tin của người bệnh, người thân và cộng đồng xã hội.

Sản phẩm tốt, giá tiền hợp lý, đáp ứng yêu cầu điều trị lâu dài thì đắt hàng là đương nhiên, nhưng không nên cứ phải “ép mình” để được bán chạy, để được khuyến cáo nên sử dụng. Mọi thứ hãy để chính người tiêu dùng quyết định.

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, cái tâm của doanh nghiệp sẽ khẳng định tầm của doanh nghiệp đó.

Có thể thấy, chưa bao giờ Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất cho bằng được vacxin để điều trị cho người dân như hiện nay. Điều này cũng là thông điệp để người tiêu dùng đánh giá với các nhà sản xuất chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu, chưa vì cộng đồng, xã hội thì người dân có quyền tẩy chay và loại bỏ.

Tất cả vì sức khỏe của người dân, phải lấy an toàn sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết!

Anh Tuấn

To Top