Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer

Người Khmer đến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long khá sớm, họ đến đây mang theo chữ viết riêng; những phong tục, tập quán riêng. Phần lớn theo đạo Phật, thanh niên lớn lên vào chùa xuống tóc đi tu, học giáo lý Phật học và học văn hóa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành.

Biểu diễn Apsara (điệu múa tiên nữ) của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Sóc Trăng phục vụ người dân. Ảnh: Phương Nghi

Nâng cao các giá trị văn hóa

Miền Tây Nam bộ có 454 ngôi chùa Khmer, chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc ngũ âm, đội ghe ngo ở hầu hết các ngôi chùa Khmer.

Chùa trở thành trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng người Khmer. Những nét đẹp phong tục, tập quán ăn sâu vào máu thịt của đồng bào, đó là ở những lễ hội truyền thống: Chôl - Chnăm - Thmây, Sen Đôn - ta, Oóc - om - bóc...

Trong các ngày lễ, chùa hay mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn miễn phí để phục vụ đồng bào. Những dịp hội hè, lễ, Tết, nghệ thuật cổ truyền của người Khmer được phát huy tác dụng, đó là sân khấu truyền thống Dù kê, Rô băm, các điệu múa dân gian như Sa - ri - ka - keo, Răm - vong, Sa dăm..., các buổi biểu diễn mang đầy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thượng tọa Dương Quân, trụ trì chùa Xiêm Cán, xã An Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Từ khi được Đảng, Nhà nước chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng khởi sắc hơn. Từ đó, nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của người Khmer trước đây khá trầm lắng, thậm chí là mai một, nay đã được phục hồi và phát triển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của cộng đồng Khmer”.

Anh Lâm Sang, thành viên đội ghe Ngo chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Mỗi khi sắp đến hội thi hay lễ hội Oóc - om - bóc là anh em trong đội đều luyện tập rất chăm chỉ. Không chỉ vậy, bà con trong xóm luôn ủng hộ hết mình vì ai cũng hiểu rằng, đội đua ghe Ngo là hình ảnh của phum sóc mình. Vì thế, người góp công, người góp của để tu sửa, trang trí cho ghe đua của địa phương mình lộng lẫy nhất có thể. Và nó đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer trong phum sóc từ rất lâu”.

Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc

Trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, những di sản văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng có sự giao thoa. Từ đó, việc bảo tồn bản sắc văn hóa vốn như một chỉnh thể cũng ngày càng quan trọng hơn. Tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer cũng được quan tâm bảo tồn. Những năm gần đây, các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống đã đẩy mạnh việc đào tạo chuyên ngành văn hóa dân tộc như mở thêm lớp dạy chữ Khmer, các khóa dạy nghệ thuật dân tộc thiểu số, duy trì và phát triển các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân tộc thiểu số ở các phum sóc và ở các chùa Khmer...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, phong trào giao lưu văn hóa văn nghệ phát triển không đồng đều giữa các địa phương; mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn thấp. Phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao, trang thiết bị hỗ trợ sinh hoạt văn nghệ, thể thao ở các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa hoàn thiện, còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giao lưu, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Nhiều loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Khmer đang có dấu hiệu bị lãng quên. Đội ngũ nghệ nhân và diễn viên ngày càng ít đi. Việc truyền dạy cho lớp kế thừa gặp khó khăn do thiếu nhạc cụ và cơ sở vật chất, khó tìm được nghệ nhân truyền dạy...

Theo ông Thạch Mu Ni, Phó ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh: Trong giai đoạn hiện nay, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer thì cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.

“Trong xu hướng hiện nay, người ta quay về với cội nguồn, nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê, các điệu múa Khmer cũng rất xứng đáng là kiệt tác phi vật thể đại diện của nhân loại bởi vì các loại hình này đã tồn tại khá lâu và vẫn được nhiều người ưa thích. Trước mắt, để tránh mai một, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã đưa các loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thiết chế văn hóa ở một số ngôi chùa trọng điểm và trang bị cơ sở vật chất nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trong đồng bào dân tộc...” - Ông Mu Ni nói.

Trong hành trình du lịch về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sự phong phú về “tài nguyên văn hóa” (trong đó có sự góp phần của các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Khmer) sẽ tạo thành thế mạnh để các tỉnh phát triển. Như vậy, phát huy và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer, phải được xem là nội dung cốt lõi để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển.

Phương Nghi

To Top