Tin thế giới 30/6: Tổng thống Nga hỏi còn gì mà nói với Ukraine nữa; EU quyết 'đeo bám' Nga; Philippines chơi tuyệt chiêu với Trung Quốc?

Chương trình hỏi đáp trực tiếp của Tổng thống Nga Putin, quan hệ Nga với Ukraine, Mỹ, Anh, EU, tình hình Biển Đông, Triều Tiên... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống Nga trong chương trình đối thoại trực tiếp lần thứ 18 chiều 30/6, giải đáp hàng loạt câu hỏi của người dân nước này từ các vấn đề nội bộ cho tới thế giới. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tổng thống Nga lên sóng đối thoại với người dân

Chiều 30/6 (giờ Việt Nam), chương trình “Đường dây trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin" lần thứ 18 đã bắt đầu với hàng triệu câu hỏi của người dân Nga trên toàn quốc.

Đây là chương trình được quan tâm ở Nga và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó ông Putin với vai trò là người đối thoại chính trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân Nga ở trong và ngoài nước, cũng như công dân, học giả các nước khác quan tâm tới đời sống chính trị-xã hội ở Nga.

Nga-Ukraine: 'Có gì để mà nói với Kiev nữa?'

Trong chương trình hỏi đáp trực tiếp, khi được hỏi vì sao Kiev không nằm trong danh sách các quốc gia không thân thiện, Tổng thống Putin cho rằng, người dân Ukraine thân thiện và cùng một dân tộc với người Nga.

Theo ông Putin, giới lãnh đạo ở Kiev mới chính là những người không thân thiện và "không phải là người bản địa ở Ukraine".

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Kiev không phụ trách việc ra quyết định về những vấn đề then chốt liên quan Ukraine vì "các quyết định này được đưa ra không phải ở Kiev, mà là ở Washington và một phần ở Berlin cùng với Paris. Nên có gì để mà nói nữa?"

Mặc dù vậy, ông Putin cho hay "không từ chối đối thoại với Ukraine, nhưng cần phải có lý do cho điều đó".

Liên quan việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai thác quân sự đối với Ukraine, Tổng thống Putin bày tỏ lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Nga.

Ông Putin nói: "Theo Hiến pháp Ukraine, không thể có bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào ở nước này, song có thể có các trung tâm đào tạo được thành lập. Đây sẽ là vấn đề an ninh lớn với Moscow". (TASS)

Nga-Anh: Kể cả Nga đánh chìm tàu Anh thì cũng không dẫn đến Thế chiến III

Liên quan vụ lực lượng Hải quân Nga đụng độ tàu Anh ngoài khơi bán đảo Crimea trên Biển Đen, Tổng thống Putin đã gọi động thái của tàu này là "hành động khiêu khích", đồng thời cáo buộc Mỹ cũng tham gia vào vụ việc.

Tuy nhiên, ông Putin cho rằng, ngay cả khi Nga "đánh chìm tàu khu trục Anh thì chưa chắc thế giới đã ở bên bờ vực của Thế chiến III".

Theo nhà lãnh đạo Nga: "Những nước này biết họ không thể chiến thắng trong cuộc chiến như vậy. Chúng tôi biết chúng tôi đang chiến đấu vì điều gì, vì tương lai của người dân Nga và lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta không phải là người xâm phạm lãnh thổ của họ, mà là ngược lại". (TASS)

Nga-Mỹ: Quá sớm để nói về mối quan hệ Moscow-Washington

Ngày 29/6, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phải mất ít nhất vài tháng để quan hệ Nga-Mỹ tan băng kể từ sau Thượng đỉnh ở Geneva ngày 16/6.

Ông Peskov nói rõ: "Chắc chắn mọi thứ không thể thay đổi trong vòng hai tuần. Chúng ta cần đợi một vài tháng nhất định trước khi cảm nhận một số vấn đề, dù chưa tan băng, nhưng ít nhất là có xu hướng - dù nhỏ - hướng tới tính xây dựng trong quan hệ song phương".

Trong khi đó, tại cuộc hỏi đáp trực tuyến với người dân, khi được hỏi: "Tại sao lại có cuộc gặp tại Geneva khi Mỹ vẫn trừng phạt Nga? Moscow đâu có gì phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ Joe Biden?", ông Putin cho hay, đây là vấn đề quan trọng và không phải chuyện có phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ hay không.

Theo nhà lãnh đạo Nga, chính quyền ở Mỹ đã nhận được các lời khuyên rằng, thế giới đã thay đổi, Nga vẫn đang phát triển, thậm chí còn qua mặt Mỹ ở một vài khía cạnh, trong khi châu Á cũng đang phát triển tích cực.

Ông Putin cho rằng, Mỹ hiểu điều này, do đó có cuộc họp ở Geneva, nhưng mặt khác, họ đang cố gắng duy trì vị thế độc quyền của mình, nên lại có các biện pháp trừng phạt.

Tuy vậy, Tổng thống Nga bày tỏ hy vọng, "Mỹ nhận thức được rằng thế giới đang thay đổi và sẽ hành động cho trật tự thế giới tốt hơn". (TASS)

Nga-EU: EU nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Ngày 30/6, theo các nhà ngoại giao, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn những biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt đối với Nga từ năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập Crimea.

Đợt gia hạn 6 tháng kéo dài đến hết tháng 1/2022, dự kiến sẽ được các ngoại trưởng EU ký chính thức trong cuộc gặp ngày 12/7 tới, diễn ra trong bối cảnh Brussels đánh giá quan hệ với Moscow vẫn ở “điểm thấp nhất”.

Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào những lĩnh vực chủ chốt của Nga là ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. (AFP)

Biển Đông: Philippines dùng 'tuyệt chiêu' đối phó tàu Trung Quốc

Theo báo SCMP, giới chức Philippines hy vọng có thể dùng một loại "vũ khí" mới để xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Động thái này được thực hiện vài tháng sau căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông liên quan vụ 200 tàu mà Trung Quốc hiện diện trái phép.

Theo đó, một đơn vị gồm 81 nữ sĩ quan thuộc lực lượng tuần duyên của Philippines đã hoàn tất khóa học về sử dụng vô tuyến điện. Các nữ học viên được đào tạo trong hai tuần về các kỹ năng truyền đạt thông tin và được đào tạo các kiến thức về luật biển của Philippines, các quy định liên quan an toàn hàng hải và an ninh trên biển.

Những người này sẽ tham gia các chuyến tuần tra ở một số vùng biển, trong đó có Biển Đông, và đọc thông điệp giao tiếp và xua tàu đối phương tiếp cận các vùng biển mà Philippines "tuyên bố chủ quyền".

Giới chức Philippines hy vọng, giọng nữ có thể lay động những người trên tàu đối phương, khiến họ nghĩ đến những người mẹ, người vợ của mình.

Philippines cũng cho rằng, sử dụng giọng nữ có thể giúp giảm căng thẳng, tránh nguy cơ đối đầu so với sử dụng giọng nam. (Inquirer)

Mỹ-Belarus: Mỹ hạn chế đi lại hàng không tới Belarus

Hãng tin Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, Bộ Giao thông vận tải Mỹ dự kiến đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới Belarus sau vụ việc liên quan tới hãng hàng không Ryanair.(Sputnik)

Tình hình Triều Tiên: Sự cố nghiêm trọng gây khủng hoảng lớn liên quan Covid-19

Ngày 30/6, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un cho biết, một "sự cố nghiêm trọng" đã xảy ra có thể đe dọa tới sự an toàn của người dân và đất nước ông trong nỗ lực chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Ông Kim cũng đã cách chức một số quan chức cấp cao để xảy ra sự cố trên. (Yonhap)

To Top