Vì đâu Brazil trở thành sự kiện siêu lây nhiễm của Nam Mỹ?

Trong những tuần gần đây, biến thể P.1 ở Brazil đã len lỏi qua các con sông và đường biên giới, tránh né những biện pháp hạn chế và lây lan khắp lục địa Nam Mỹ.

Người dân đi bộ trên Quảng trường Quốc tế ở giữa biên giới Santana do Livramento của Brazil và Rivera của Uruguay. Ảnh: Reuters

Bác sĩ César Salomé cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến cảnh tượng các bệnh nhân COVID-19 dồn dập được chuyển đến khoa chăm sóc đặc biệt của mình. Nhiều tuần nay, vị bác sĩ tại Bệnh viện Mongrut ở Lima (Peru) luôn theo dõi sát các báo cáo về tình hình dịch bệnh.

P.1 - một chủng biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vốn sản sinh từ rừng rậm Amazon, đã hoành hành Brazil và khiến hệ thống y tế của nước này bên bờ vực sụp đổ. Giờ đây, các bệnh nhân của ông được đưa đến trong tình trạng nguy kịch. Phổi của họ bị thương tổn, họ sẽ tử vong trong vài ngày. Ngay cả người trẻ tuổi và khỏe mạnh cũng không thể an toàn. Ông nhận thấy rõ ràng virus P.1 đang tấn công quê hương mình.

Tờ Washington Post đưa tin biến thể P.1, với một loạt các đột biến khiến nó dễ lây lan hơn cũng như có khả năng nguy hiểm hơn, không còn là vấn đề của riêng Brazil. Nó đã trở thành vấn đề của Nam Mỹ và của cả thế giới.

Đường biên giới mong manh

Trong những tuần gần đây, P.1 đã len lỏi qua các con sông và đường biên giới, tránh né được các biện pháp hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của nó trên khắp lục địa này. Nhiều khu vực ở Nam Mỹ đang lo lắng rằng P.1 có thể nhanh chóng trở thành biến thể thống trị, đem thảm họa nhân đạo của Brazil – vô số bệnh nhân không được chăm sóc, số người chết tăng vọt - đến quốc gia của họ.

Chuyên gia bệnh lây nhiễm người Venezuela Julio Castro nhận xét: “Nó đang lan rộng. Không thể ngăn cản được”.

Một người phụ nữ dự đám tang người thân qua đời vì COVID-19 tại Manaus, Brazil. Ảnh: AFP

Tại Lima, các nhà khoa học đã phát hiện biến chủng có nguồn gốc tại Brazil chính là nguyên nhân gây ra 40% số ca mắc COVID-19 tại đây. Ở Uruguay, tỷ lệ này là 30%. Tại Paraguay, giới chức y tế cho biết 1/2 số ca mắc ở gần biên giới Brazil bị nhiễm biến thể P.1. Các nước Nam Mỹ khác như Colombia, Argentina, Venezuela, Chile đều đã phát hiện P.1 trong lãnh thổ quốc gia.

Những hạn chế trong quá trình giải trình tự bộ gien của P.1 đã gây cản trở việc biết được thực sự virus này đã lây lan rộng thế nào. P.1 đã được xác định ở trên 20 quốc gia, từ Nhật Bản đến Mỹ.

Hệ thống bệnh viện trên khắp Nam Mỹ đang bị đẩy đến giới hạn quá tải. Uruguay, một trong những quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ và từng thành công sớm trong đại dịch, đang đứng trước nguy cơ thất bại của hệ thống y tế. Trong khi đó, giới chức y tế cho biết Peru đang trên đà nguy cấp, chỉ còn trống 84 giường chăm sóc đặc biệt vào cuối tháng Ba. Hệ thống chăm sóc đặc biệt ở Paraguay đã hết giường bệnh.

Bà Elena Candia Florentín, Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Paraguay cho biết Paraguay có rất ít cơ hội để ngăn chặn được sự lây lan của biến thể P.1. “Với việc hệ thống y tế sụp đổ, thuốc men liên tục cạn kiệt, thiếu khả năng phát hiện sớm, không theo dõi các ca tiếp xúc, bệnh nhân xếp hàng chờ điều trị, nhân viên y tế không được tiêm đủ vaccine cũng như không rõ khi nào nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ được tiêm chủng… triển vọng ở Paraguay chỉ là bóng tối”, bà lý giải.

P.1 lan rộng khắp khu vực Nam Mỹ như thế nào là một câu chuyện dễ hiểu. Gần như mọi quốc gia trên lục địa này đều có chung đường biên giới trên bộ với Brazil. Mọi người sống tập trung tại các thị trấn biên giới, nơi mà việc đi sang một quốc gia khác có thể đơn giản như băng qua đường. Các biện pháp giám sát biên giới hạn chế đã khiến khu vực này trở thành thiên đường cho những kẻ buôn lậu. Chúng cũng khiến việc kiểm soát mức độ lây lan của P.1 là gần như bất khả thi.

Ông Gonzalo Moratorio, nhà virus học người Uruguay theo dõi sự phát triển của biến thể P.1 nói: “Chúng tôi chung 1.000 km đường biên giới trên cạn với Brazil – “nhà máy sản xuất” các biến thể lớn nhất trên thế giới và là tâm chấn của cuộc khủng hoảng. Và giờ P.1 không chỉ xuất hiện tại một quốc gia”.

"Cơn khát" vaccine

Thành phố Tabatinga của Brazil nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon, nơi các quan chức nghi ngờ virus này đã xâm nhập từ đây vào Colombia và Peru, là biểu tượng của cuộc đấu tranh ngăn chặn biến thể này. Thành phố có 70.000 dân này đã virus P.1 càn quét vào đầu năm nay. Nhiều người ở Tabatinga có người thân sống tại các quốc gia láng giềng nên đã quen với việc băng qua biên giới bằng cách chèo thuyền qua sông Amazon đến Peru hoặc đi bộ đến Colombia.

Sinesio Tikuna Trovão, một nhà lãnh đạo địa phương cho biết: “Mọi người đã mang virus từ bên này sông sang bên kia sông. Băng qua sông không hề tốn phí, chỉ cần qua đến bờ bên kia là sang được nước khác”.

Xe vận chuyển chở 100.000 liều vaccine vừa được gửi đến Luque, Paraguay. Ảnh: AFP

Hiện tại, P.1 đã xâm nhập vào nhiều quốc gia nên mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của nó sẽ rất khó khăn. Hầu hết các nước Nam Mỹ, ngoại trừ Brazil, đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt vào năm ngoái. Nhưng những nỗ lực đã bị xóa sổ bởi sự nghèo đói, sự thờ ơ và thiếu tin tưởng. Với các nền kinh tế quốc gia bị vùi dập và nghèo đói tăng mạnh, các chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại rằng sẽ khó để duy trì các biện pháp hạn chế lâu hơn. Ở Brazil, bất chấp số người chết cao kỷ lục, nhiều bang đang dỡ bỏ các hạn chế.

Tình trạng bế tắc và nguy cấp ở Nam Mỹ đã đề cao tiêm chủng là lối thoát duy nhất. Nhưng khu vực này vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi với vaccine ngừa COVID-19. Châu lục này chưa phân phối vaccine nội địa hoặc đạt thỏa thuận với các công ty dược phẩm. Theo trang web Our World in Data, đây là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới nhưng chỉ được cung cấp 6% liều lượng vaccine trên thế giới. Ngoại trừ Chile, quốc gia đang tiêm chủng cho người dân nhanh hơn bất kỳ nơi nào ở châu Mỹ, nhưng vẫn phải chịu sự gia tăng trong số ca bệnh.

Luis Felipe López-Calva, Giám đốc khu vực của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc về Châu Mỹ Latinh và Caribe, cho biết: “Chúng ta không nên chỉ đổ lỗi cho chính sách xử lý. Chúng ta cần phải hiểu về bản chất của thị trường vaccine”. Theo ông, vaccine đã trở nên khan hiếm đến mức giới chức các nước phải áp đặt biện pháp kiểm soát. Gần như không thể biết các chính phủ đang phải trả bao nhiêu tiền cho mỗi liều vaccine.

Một số khối khu vực ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu, đã đàm phán hợp đồng chung. Nhưng ở Nam Mỹ, các quốc gia không có tiếng nói chung, dẫn đến làm giảm khả năng thương lượng của mỗi nước riêng lẻ. Ông López-Calva cho rằng tình trạng trên là có hại đối với các nước Nam Mỹ và cả công cuộc chống virus trên toàn thế giới. Bởi lẽ, rõ ràng rằng không có ai an toàn cho đến khi mọi người đều được bảo vệ.

Paulo Buss, khoa học gia nổi tiếng người Brazil, cho biết tình hình đáng lẽ đã không tệ hại như hiện nay. Ông là đại diện y tế của Brazil tại Liên minh các quốc gia Nam Mỹ, từng nhiều lần đàm phám về các thỏa thuận của khu vực với những hãng dược phẩm trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến. Tuy nhiên, liên minh này đã sớm bị chia rẽ vì sự khác biệt về mặt chính trị.

"Đó chính là thời điểm tồi tệ nhất có thể. Các nỗ lực đàm phán của chúng tôi bị rời rạc. Chủ nghĩa đa phương đã bị suy yếu", ông Buss nhấn mạnh.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

To Top