Vì sao Tesla không được chính phủ Mỹ mời dự sự kiện về xe điện?

Mặc dù Tesla hiện là công ty dẫn đầu về xe điện trên thế giới, nhưng điều đó là chưa đủ để khiến Elon Musk trở thành khách mời của Tổng thống Mỹ trong một sự kiện về xe điện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức một sự kiện thảo luận về mục tiêu xe điện nhưng không mời Tesla.

Là hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ nhưng không được mời dự sự kiện về xe điện

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Giám đốc điều hành của các công ty ô tô lớn của Mỹ như General Motors, Ford và công ty mẹ của Fiat là Stellattis đã tham dự một sự kiện với chủ đề về xe điện và tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

Cùng ngày, ông Biden đã ký một sắc lệnh đặt ra mục tiêu cải cách ngành công nghiệp ô tô Mỹ - đạt được 50% năng lượng mới và doanh số bán xe mới vào năm 2030.

Khi lệnh hành pháp này được ký kết, tỷ lệ thâm nhập của xe điện thuần túy ở Mỹ không vượt quá 3%. Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập của xe điện thuần túy ở Trung Quốc là gần 10%. Trong 3% thị phần của thị trường Mỹ, Tesla là người đóng góp chính.

Nhưng CEO của Tesla, Elon Musk lại không nhận được lời mời cho sự kiện đó. "Có vẻ lạ khi Tesla không được mời", Elon Musk thậm chí để lại lời nhắn trên Twitter của Tổng thống Biden.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg nói rằng ông không biết vì sao đại diện của Tesla không được mời tham gia sự kiện.

Cùng ngày đó, giá cổ phiếu của General Motors và Ford Motor lần lượt tăng 3,38% và 2,93%. Trong đó, tổng giá trị thị trường của General Motors đã tăng thêm 2,583 tỉ USD. Tesla tăng 0,52%.

Tesla không phải là người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc thúc đẩy điện khí hóa của Mỹ

"Khi tôi nói ô tô điện là tương lai, tôi không hề nói đùa", ông Biden đăng trên Twitter. Khi kiểm tra nhà máy Ford trước đây, ông Biden cũng nói rằng "chúng tôi muốn giành chiến thắng, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng tương lai được sản xuất tại Mỹ".

Tổng thống Hoa Kỳ Biden lái xe Ford

Sau cuộc họp, cả 3 nhà sản xuất ô tô lớn đã ra thông báo về "nguyện vọng chung" của họ là xe điện sẽ chiếm 40% đến 50% doanh số vào năm 2030.

Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden cũng đề xuất quy định mới về khí thải ô tô để giảm ô nhiễm vào năm 2026. Theo đó, các tiêu chuẩn khí thải và tiết kiệm nhiên liệu nghiêm ngặt hơn sẽ được xây dựng trong tương lai để tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng, giảm ô nhiễm, nâng cao sức khỏe cộng đồng và ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Những hành động này là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của ông Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Mục tiêu của hành động này là nhằm vào lượng khí thải từ ô tô và xe tải, đồng thời, khi Trung Quốc chuyển sang thống trị thị trường xe điện, Mỹ cũng phải chạy đua để trở thành nước dẫn đầu trong ngành.

Tổng thống Mỹ Biden hy vọng sẽ tạo ra việc làm bằng cách phát triển xe điện. Theo Reuters, ông Biden coi việc quảng bá xe điện là một trong những chìa khóa để giành lại thị trường từ Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất số lượng xe điện nhiều gấp ba lần Mỹ mỗi năm.

Trong bài viết của Reuters, thế giới hiện đang tăng tốc chuyển dịch sang ngành công nghiệp xe điện, nhưng xe điện của Mỹ chỉ chiếm một thị phần tương đối nhỏ trên thị trường toàn cầu, điều đó cho thấy Mỹ vẫn đang bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện và pin. Do đó, ông Biden cho rằng đã đến lúc cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe điện và cơ sở hạ tầng.

Các biện pháp cụ thể bao gồm: mạng lưới sạc xe điện đầu tiên ở Mỹ sẽ được xây dựng. Cung cấp các ưu đãi tại điểm bán hàng để thúc đẩy việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ. Cung cấp tài trợ cho việc tái cấu trúc và mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất của Mỹ. Đổi mới thế hệ công nghệ sạch tiếp theo và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Ngoài lệnh hành pháp này, chính phủ Biden cũng đã thực hiện một số sáng kiến để điện khí hóa các phương tiện giao thông. Nhưng người hưởng lợi lớn nhất từ các biện pháp này dường như không phải là Tesla, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Mỹ.

Theo Forbes, "Đạo luật Năng lượng Sạch" của Mỹ hiện đang được xem xét tại Thượng viện chỉ đưa ra các ưu đãi cho các loại xe điện có giá dưới 80.000 USD. Nếu dự luật được thông qua, Model 3 và Model Y của Tesla và có thể cả Cybetruck sẽ đủ điều kiện nhận ưu đãi lên tới 10.000 USD. Model S và Model X thì không.

Theo quy định đã công bố trước đó của "Đạo luật Năng lượng Sạch" của Mỹ, dự luật sẽ nới lỏng chính sách khấu trừ thuế xe điện cho các hãng ô tô. Một nhà bình luận cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Forbes: "Điều này nhằm khuyến khích các công ty xe hơi truyền thống sản xuất nhiều xe điện hơn".

Nhưng đây không phải là tin tốt cho Tesla, công ty đứng đầu về doanh số bán xe điện.

Ngoài ra, dự luật có thể cung cấp một khoản trợ cấp lên tới 12.500 USD cho một chiếc ô tô điện, nhưng 2.500 USD trợ cấp sẽ được cung cấp cho các công ty ô tô thuê các thành viên công đoàn ô tô. Rõ ràng, Tesla không đáp ứng yêu cầu trợ cấp, vì Tesla không thuê công nhân công đoàn ở một số nhà máy lắp ráp.

Xích mích giữa Elon Musk và Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW)

Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh với mục tiêu đưa xe điện chiếm 50% ôtô mới tại Mỹ vào năm 2030. Ảnh: Getty Images

Theo các báo cáo trước đó của Reuters, Tổng thống Biden đã bác bỏ lời kêu gọi của một số thành viên đảng Dân chủ về việc đặt ra mục tiêu ràng buộc cho việc phát triển xe điện, hoặc giống California và các nước Liên minh châu Âu đặt ra một mốc thời gian cụ thể để cấm bán xe chạy bằng nhiên liệu.

Lý do từ chối cũng là vì hạnh phúc của người dân Mỹ.

Trong những tuần gần đây, Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ đã thảo luận về việc thúc đẩy xe điện tại Nhà Trắng với các nhà sản xuất ô tô lớn, đồng thời cảnh báo rằng việc đặt ra các mục tiêu quá mạnh về xe điện khí hóa có thể khiến các công nhân ô tô hiện tại gặp rủi ro.

Chủ tịch Liên minh Công nhân Ô tô Mỹ Ray Curry nói rằng công đoàn ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Biden để mở rộng thị trường xe điện, nhưng họ coi trọng hơn tiền lương và phúc lợi của người lao động, và "điều này luôn là cốt lõi của người dân Mỹ".

Nhưng điện khí hóa vẫn sẽ có tác động đến việc làm của công đoàn ô tô. Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng xe điện có ít bộ phận hơn và ít liên hiệp hơn trong chuỗi cung ứng, điều đó có nghĩa là sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô có thể sẽ làm giảm cơ hội việc làm cho công nhân công đoàn, do đó sẽ làm giảm lương và phúc lợi.

Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng việc làm do điện khí hóa mang lại. Xung đột giữa Tesla và Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ cũng là một trong những yếu tố khiến công đoàn phản đối điện khí hóa.

Theo phân tích của CNN, nguyên nhân khiến Tesla không được mời tham dự sự kiện này cũng là do mâu thuẫn giữa Tesla và công đoàn ôtô tại Mỹ.

Vào tháng 3 năm nay, Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ đã kiện Elon Musk vi phạm luật lao động bởi vì Musk đã sa thải một thành viên thuộc công đoàn khỏi nhà máy. Musk còn đăng tweet phản đối việc nhân viên nhà máy tham gia vào công đoàn ô tô.

Ngoài việc xích mích với Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ, ông chủ Tesla cũng nhiều lần có xung đột với chính phủ Mỹ.

Năm 2020, vì cựu Tổng thống Trump tăng thuế, Tesla đã kiện chính quyền ông Trump lúc bấy giờ và tuyên bố rằng danh sách thuế quan của chính quyền Trump là độc đoán và cố ý, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ trả lại thuế quan. Trước đó, Tesla đã tuyên bố rút khỏi "Thỏa thuận Paris" nhằm đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, và Musk ngay lập tức từ chức Ủy ban Cố vấn của Nhà Trắng.

Trong đợt dịch năm ngoái, do chính quyền địa phương không cho phép nhà máy hoạt động trở lại, Musk thậm chí còn tuyên bố sẽ đưa chính quyền địa phương ra tòa và dọa chuyển trụ sở của Tesla ra khỏi California.

Đánh giá về những sự kiện đã qua, không khó hiểu tại sao ông Biden không mời Tesla tham gia sự kiện này.

Một điều khá thú vị là bản thân Musk đã nhiều lần ca ngợi các chính sách xe điện và xe điện trung hòa carbon của Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV năm nay, Musk nói rằng các mục tiêu phát thải carbon được đặt ra trong bản kế hoạch kinh tế và xã hội 5 năm mới nhất của Trung Quốc đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với ông.

Kết luận

Tesla đã đạt đủ thành công cho riêng mình, nhưng nếu ngành công nghiệp ô tô Mỹ muốn khôi phục lại vinh quang trước đây, chỉ một Tesla là không đủ. Không thể phủ nhận sự đóng góp của công nhân ô tô Mỹ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước này, nhưng theo quan điểm hiện tại, những công nhân và năng lực sản xuất này đã tụt hậu so với thời đại.

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ tiếp tục sa sút theo quán tính. Nếu lợi ích của một số người không bị hy sinh, ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ không thể hoàn thành quá trình chuyển đổi điện khí hóa. Mặc dù các chính sách của chính quyền ông Biden có vẻ cấp tiến, nhưng chúng vẫn chưa chạm đến những vấn đề cốt lõi của ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Cơn đau dài hạn tồi tệ hơn cơn đau ngắn hạn.

Theo QQ

Thanh Hà

To Top