Liệu quan hệ Mỹ-EU có cải thiện dưới thời Tổng thống Joe Biden?

Cách nhìn nhận bạn – thù là nguyên nhân lớn nhất tác động đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm cải thiện quan hệ với các đồng minh châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Cựu Tổng thống Donald Trump đã thay đổi nước Mỹ – ít hơn những gì người ủng hộ ông mong muốn, nhưng nhiều hơn những gì phe phản đối hy vọng.

Tuy vậy, trong 4 năm qua, không chỉ nước Mỹ thay đổi. Các đồng minh của Mỹ cũng đang thay đổi. Điều này khiến việc đưa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trở lại thời kỳ trước đó trở nên bất khả thi.

Mối quan hệ đặc thù giữa Mỹ và các nước châu Âu được giới quan sát nhìn nhận là sẽ không trở lại như xưa, dù ông Biden đã trở thành Tổng thống.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng không phải nguyên nhân duy nhất.

Nguyên nhân đầu tiên khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khó trở lại như xưa có nguồn gốc từ trước khi ông Trump lên nắm quyền.

Đó là Brexit. Hàng thập kỷ qua, nước Anh là đối tác đầu tiên mà Mỹ nghĩ đến ở châu Âu. London cũng là đối tác ủng hộ đáng tin cậy và hiệu quả nhất ở "lục địa già", thậm chí nhiều khi chấp nhận chống lại chính sách chung của khối.

Hiện tại, khi Anh đã rời EU, nước Mỹ cần đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực hơn vào việc xây dựng quan hệ với các chính trị gia và thể chế EU.

Dù sao, quan hệ về quốc phòng và tình báo với Anh vẫn có giá trị quan trọng với Mỹ, khiến Washington phải lưu tâm. Bên cạnh đó, Anh vẫn là đối tác gần với Mỹ nhất trong góc nhìn về các vấn đề địa chính trị như Nga và Trung Quốc.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Biden đồng tình với đánh giá của EU và Ireland đối với những thách thức của Brexit đem đến cho Bắc Ireland.

Tác động của Brexit đến mối quan hệ Anh - EU đặt ra các thách thức đối với Mỹ, đặc biệt là khi London và Brussels sẽ còn nhiều bất đồng trong giai đoạn tới.

Nguyên nhân thứ hai khiến Mỹ - EU chia rẽ là hệ giá trị chung, tác động đến lựa chọn chính sách.

Về kinh tế, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã khiến các chính trị gia Mỹ “thức tỉnh”, nhận ra họ cần hướng đến việc giải quyết các vấn đề của chính mình. Các đảng viên đảng Dân chủ yêu cầu gia tăng hỗ trợ cho công nhân, cũng như các ngành công nghiệp.

Dù EU cũng thực hiện các biện pháp như vậy, điều này có thể kích động EU chống lại thứ mà tổ chức này gọi là “cạnh tranh không công bằng”.

Ngoài ra, những ưu tiên của EU trong thế kỷ XXI như biến đổi khí hậu hay dịch vụ kỹ thuật số có thể dẫn đến những loại thuế quan hay quy định mới. Cùng với các cách tiếp cận khác nhau về quyền riêng tư kỹ thuật số hay quyền tự do ngôn luận, các hệ giá trị chung giữa Mỹ và châu Âu đang ngày càng xa vời.

Tuy vậy, sự khác biệt lớn nhất nằm ở địa chính trị, cụ thể là cách nhìn nhận bạn – thù.

Trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô là kẻ thù chung, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương được cho là bền vững nhất.

Hiện nay, một số quốc gia, chính trị gia châu Âu tiến gần hơn với Moscow, coi đây là đối tác năng lượng quan trọng. Số khác muốn làm ngơ trước các hành động gây hấn, hay những hành động mà EU cho là vi phạm nhân quyền của Nga.

Thế nhưng, Trung Quốc mới là vấn đề thực sự. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính cả về kinh tế lẫn an ninh.

Trong khi đó, dù có thể coi Trung Quốc là mối đe dọa về an ninh, châu Âu vẫn mong hợp tác với Bắc Kinh về kinh tế, thể hiện qua Hiệp định Toàn diện về Đầu tư ký vào tháng 12/2020.

Mỹ và châu Âu sẽ khó hợp tác với nhau khi thậm chí không thể xác định được đâu là bạn và đâu là kẻ thù.

Nếu không được đoàn kết bởi một mối đe dọa chung, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ bị phân tách.

Các nhà lãnh đạo châu Âu có thể thở phào khi một Tổng thống “kiểu truyền thống” như ông Biden đắc cử. Tuy vậy, việc ông Trump ra đi không tạo nên một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ lâu năm này.

Liên minh xuyên Đại Tây Dương đang trên đà đi xuống, cũng như trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt. Hai bên cần sớm hiểu điều này để bắt đầu xây dựng một kiến trúc mới, từ đó hình thành quan hệ song phương vững chắc hơn.

(theo Nikkei Asia)

To Top