Xây dựng theo kiểu 'lai rai'

Thầy giáo Shin Sang Soo, phụ trách sinh viên Việt Nam, Phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Keimyung (Daegu)-một người bạn Hàn Quốc rất yêu mến Việt Nam tâm sự với tôi rằng: 'Việt Nam sẽ đẹp hơn khi không còn cảnh các công trình xây dựng nhếch nhác, kiến trúc đô thị lẫn nông thôn 'cóp' mỗi nơi một ít'.

Thầy Shin Sang Soo đã đến đất nước chúng ta hơn 50 lần, qua nhiều tỉnh, thành phố. Những lần sang Việt Nam, thầy thường nhìn thấy các công trình xây dựng theo kiểu "lai rai". Điều khiến thầy không khỏi ngạc nhiên là vỉa hè lát mới độ 3-4 năm đã bị "đào bới xới tung".

Ảnh minh họa: Báo Công an nhân dân

Thầy Shin Sang Soo nằm trong số nhiều bạn bè quốc tế, du khách yêu quý, có thiện cảm và mong muốn Việt Nam phát triển bền vững hơn. Chúng ta không thể phủ nhận những năm gần đây, cơ sở hạ tầng ở một số tỉnh, thành phố được xây dựng liên tục vì các mục tiêu phát triển, an sinh xã hội. Có điều, chỗ này xây chưa xong thì chỗ khác đã khởi công. Phần lớn người dân và du khách quốc tế đều bị cảm giác phiền hà với những công trình dềnh dang, chiếm dụng đường đi, không che chắn cẩn thận gây mất mỹ quan lẫn tiếng ồn và mịt mù bụi bặm. Chưa kể hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành phố, điểm du lịch có những công trình, tòa nhà, con đường đang làm thì hết tiền nên "đắp chiếu", "trơ gan cùng tuế nguyệt", vừa lãng phí tài nguyên, vừa mất thẩm mỹ, ô nhiễm môi trường. Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 1 ở Đắk Lắk với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vừa phải dừng lại vì chủ đầu tư thiếu vốn là một ví dụ. Những công trình bị bỏ giữa chừng chứng tỏ sự thiếu chắc chắn trong đầu tư và hoạch định. Bên cạnh đó, nhiều đô thị thiếu động lực phát triển. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị. Có nơi không gian phát triển đô thị đang bị dàn trải, mở rộng nhanh hơn so với tốc độ đô thị hóa dân số, trong khi khu vực nông thôn chưa có quy hoạch cấp quốc gia.

Chúng ta có nền văn hóa đặc sắc, có thiên nhiên tươi đẹp, nhưng nếu bạn bè, du khách quốc tế đi tới đâu cũng thấy ngổn ngang cát sỏi, bê tông, nhà xây trơ gạch ngói, kiến trúc lai tạp... thì thật khó cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Làm mới, xây dựng phục vụ cho sự phát triển là cần thiết. Do đó, kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng miền... càng cần phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển, hài hòa giữa truyền thống văn hóa, lịch sử và yêu cầu phát triển mới. Quy hoạch cần tầm nhìn xa nhưng cũng phải ngăn ngừa, hạn chế tối đa và khắc phục ngay bất cập còn tồn tại. Đừng để rơi vào cảnh phố xá, vỉa hè vừa làm mới vài ba năm đã bị "băm nát" không thương tiếc bởi những công trình hạ tầng khác.

HIỀN VINH

To Top