Nhạt nhòa kiến trúc những cây cầu bắc qua sông ở đô thị Biên Hòa

Với những đô thị có sông chảy qua, các cây cầu không chỉ đảm nhận vai trò kết nối giao thông mà còn là yếu tố quan trọng trong phát triển không gian và cảnh quan đô thị.

Cầu Ghềnh mới, cầu Rạch Cát và cầu Hiệp Hòa được đánh giá có cấu trúc cổ điển và chưa có ý tưởng riêng. Ảnh: P.Tùng

Tuy nhiên, những cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Cái tại thành phố Biên Hòa hiện nay gần như chỉ mới đáp ứng nhu cầu về kết nối giao thông.

Những cây cầu “đơn điệu”

Sông Đồng Nai và sông Cái (một nhánh phụ của sông Đồng Nai) là 2 con sông chảy qua khu vực nội đô của đô thị Biên Hòa. Không chỉ mang giá trị về cung cấp nguồn nước, điều hòa khí hậu, giao thông, những dòng sông này còn có giá trị rất lớn về mặt cảnh quan, không gian cho đô thị Biên Hòa.

Những cây cầu bắc qua sông là một trong những nét nổi bật đối với các đô thị có sông chảy qua, không chỉ có ý nghĩa về mặt kết nối giao thông mà còn là những vị trí tạo nên điểm nhấn, nét đặc trưng riêng của từng đô thị. Đối với đô thị Biên Hòa, với 2 dòng sông Đồng Nai và sông Cái đã có hàng loạt cây cầu được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, phần lớn những cây cầu bắc qua 2 dòng sông này hiện nay chỉ mang giá trị về kết nối giao thông.

Cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai nối phường An Bình với cù lao Hiệp Hòa từng được tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc trước khi được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, cầu đã được xây dựng không theo phương án đã đoạt giải trước đó.Cầu An Hảo từng được tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc nhưng do khó khăn về nguồn vốn, phương án đoạt giải đã không được triển khai thực hiện.

Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, với những cây cầu tại thành phố Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai và sông Cái gần như chưa có giá trị về kiến trúc để tạo ra nét riêng, đặc trưng cũng như điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa. “Với những cây cầu bê tông bắc qua sông Đồng Nai gần như chỉ mang giá trị kết nối giao thông và thông thuyền. Trong khi đó, các cầu bắc qua sông Cái như cầu Rạch Cát, cầu Hiệp Hòa là những cấu trúc cổ điển, biểu hiện ra bên ngoài bằng kết cấu thép và không mang ý tưởng gì riêng”- kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.

Ông Nguyễn Phong, người dân thành phố Biên Hòa cho hay, tại nhiều thành phố, các cây cầu bắc qua sông có kiến trúc, thiết kế đặc sắc đã trở thành những điểm thu hút du khách tham quan. Tuy nhiên, đối với thành phố Biên Hòa, các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai hay sông Cái lại chưa làm được điều này.

Việc những cây cầu tại thành phố Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai và sông Cái đang quá “đơn điệu” đã làm mất đi tiềm năng biến những vị trí này trở thành những “điểm nhấn” cho một đô thị ven sông như đô thị Biên Hòa.

Để những cây cầu trở thành điểm nhấn của đô thị ven sông

Trong định hướng phát triển, đô thị Biên Hòa được xác định trở thành một đô thị ven sông với sông Đồng Nai là trục cảnh quan chính. Với định hướng này, những cây cầu bắc qua các dòng sông chảy trong nội đô thành phố sẽ đóng vai trò là những “điểm nhấn” quan trọng.

Cầu An Hảo từng được tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc nhưng do khó khăn về nguồn vốn, phương án đoạt giải đã không được triển khai thực hiện. Ảnh: P.Tùng

Theo dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn cũng đánh giá, mạng lưới sông Đồng Nai, sông Cái và hệ thống kênh rạch mặt nước phía Đông Nam thành phố đóng góp một phần quan trọng vào việc hình thành cảnh quan có giá trị cho thành phố. Trong đó, sông Đồng Nai là yếu tố quan trọng trong phát triển không gian và cảnh quan của thành phố Biên Hòa. Vì vậy, hệ thống cầu và kiến trúc của nó là yếu tố quan trọng không kém. Bởi, cầu ngoài công năng giao thông thì yếu tố tạo cảnh quan, tạo điểm nhấn cũng rất quan trọng đối với không gian đô thị.

Đây là yếu tố cần đặc biệt được quan tâm đến khi quy hoạch xây dựng các cây cầu mới bắc qua sông Đồng Nai hay sông Cái. Những cây cầu mới khi xây dựng cần được thiết kế có kiến trúc hài hòa với không gian đô thị, phù hợp với khu vực xung quanh. Đồng thời, các cây cầu có tính chất lịch sử cần được bảo tồn.

Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, nhiều đô thị tại Việt Nam có các dòng sông chảy qua đã phát huy rất tốt giá trị từ các cây cầu như thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế. Ngay như địa phương lân cận là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cũng có cầu Cỏ May với hình tượng cánh chim hải âu tạo nên nét độc đáo.

Đối với đô thị Biên Hòa, kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương cho rằng, khu vực cù lao Hiệp Hòa sẽ là khu vực có nhiều cơ hội để quy hoạch xây dựng những cây cầu kết nối với các khu vực xung quanh tạo ra giá trị không chỉ về mặt giao thông mà còn là giá trị về kiến trúc, cảnh quan đô thị. “Tất nhiên là với điều kiện các cây cầu xây dựng mới được thi tuyển, tuyển chọn thiết kế một cách kỹ lưỡng. Đáng tiếc là đến nay, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực. Bởi cả như một cây cầu đang được xây dựng là cầu Thống Nhất cũng chưa có dấu ấn nổi trội về mặt kiến trúc”- kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.

Phạm Tùng

To Top