Những đồ án xuất sắc của Giải thưởng Loa Thành

Giải thưởng Loa Thành là giải thưởng dành cho đồ án tốt nghiệp ngành Kiến trúc - xây dựng. Năm 2023, có 4 đồ án tiêu biểu đoạt giải Nhất.

Làng nông nghiệp thông minh kết hợp với du lịch trải nghiệm không gian văn hóa Tây Nam Bộ

Xuất phát từ tình cảm gắn bó đặc biệt với không gian nông thôn Tây Nam Bộ, sinh viên Nguyễn Thị Bảo Ly - Trường Đại học Kiến trúc .HCM đã nghiên cứu về “Cảnh quan vùng nông nghiệp”, tìm ra giải pháp về mặt cảnh quan dành cho nơi được coi là “Miền di sản” đang đứng trước nguy cơ bị xóa nhòa trong bối cảnh đô thị hóa. Khu vực được lựa chọn nghiên cứu là vùng nông nghiệp lâu đời tại xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Về ý tưởng thiết kế, tổ chức không gian làng nông nghiệp thông minh xoay quanh 3 yếu tố động lực - cốt lõi - tiềm năng, xây dựng tuyến hành trình “xuôi dòng ký ức”. Cụ thể, trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp sẽ được thực hiện theo mô hình nông nghiệp thích ứng. Kiến trúc cảnh quan tổ chức theo khu vực canh tác mô hình vườn đứng và mô hình rẫy nổi. Sân chơi cộng đồng lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ, từ đó, thiết kế không gian phù hợp và sử dụng vật liệu gắn liền với đời sống vùng quê Tây Nam Bộ như tre, trúc, rơm, gỗ ván…

Chợ nông sản thiết kế theo hình xuồng ba lá - phương tiện thân thuộc của người dân, yếu tố đặc trưng trong họp chợ nổi. Công trình sử dụng vật liệu thân thuộc và có sẵn. Hệ thống chiếu sáng bằng ống tre tạo hình thành dãy lam uốn lượn kết hợp các khoảng trống và đèn hắt sáng.

Vườn làng xóm hướng đến những khu vườn nhỏ, không gian gắn với hình ảnh đặc trưng như ao sen, bụi tre khóm trúc, hàng cau. Không gian văn hóa Tây Nam Bộ được tái hiện theo tiến trình phát triển và thay đổi của cảnh quan sông nước; cảnh quan cư trú, sản xuất đều gắn với dòng chảy của nước.

Bên cạnh đó, farmstay nhà vườn mang kiến trúc và cảnh quan đặc trưng của khu vực nói riêng và vùng nông thôn Tây Nam Bộ nói chung. Khu nghỉ dưỡng “Hương Đồng” có các không gian chức năng thiết kế dưới dạng chống cột, hạn chế xây dựng cứng, tăng khả năng thích ứng; ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương và vật dụng trang trí gần gũi.

Theo Hội đồng chuyên ngành, bằng các giải pháp thiết kế quy hoạch và cảnh quan, đồ án đạt được mục tiêu nâng cao giá trị sử dụng đất, cải thiện dân sinh cho cư dân vùng nông thôn, giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa yếu tố “cũ” và “mới” trong bối cảnh đô thị hóa.

Khách sạn 21C Museum

Theo Sinh viên Trương Thanh Quí - Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, với chủ đề "Những thời đại văn tự", tác giả mong muốn tạo ra một không gian độc đáo, kết hợp giữa nghệ thuật và sự tiến bộ nhân loại tại Khách sạn 21C Museum.

Ở mỗi không gian, tác giả tạo ra những nét sáng tạo khi kết nối văn hóa và nghệ thuật với sự phát triển của lịch sử chữ viết. Mỗi nơi đều sẽ có một câu chuyện riêng, mang đến cho khách hàng trải nghiệm độc đáo qua từng chi tiết.

Về không gian sảnh đón của khách sạn, thiết kế không gian mang tính chất gợi cảm hứng về sự bắt đầu của lịch sử chữ viết. Đặc biệt, tác giả áp dụng giải pháp sáng tạo về đường chuyển động bằng cách sử dụng các ký tự, tạo ra những dòng chảy như chuỗi ánh sáng, từ quá khứ đến tương lai.

Bên cạnh đó, tác giả sử dụng công nghệ mới về chất liệu mới trên giấy, trên vải và màn hình hiển thị; có sự xuất hiện bia đá (tạo hình ở cột), và tàng thư (các khu kệ trưng bày) và những loại ký tự tiêu biểu nhất.

Về không gian nhà hàng, với ý tưởng “Tàng thư ký tự”, không gian tạo ra cho khách hàng cảm giác như đang đứng bên trong một thư viện sách. Phần thu hút nhất trong nhà hàng chính là hệ thống đèn thả dạng line, tạo mường tượng về sự phát triển ký tự. Không gian phòng ngủ với ý tưởng “Ngôn ngữ thời đại” mở ra câu chuyện của thời đại mới, mang đến sự thoải mái, tinh tế với thiết kế được lồng ghép các yếu tố nhẹ nhàng.

Còn đối với không gian spa - trị liệu, tác giả triển khai thiết kế theo ý tưởng “Ký ức văn minh”. Không gian này được liên kết bằng ý tưởng chung, nội thất lẫn trang trí đều thể hiện sự sáng tạo riêng biệt.

Theo Hội đồng chuyên ngành, từ câu chuyện văn hóa, lịch sử về chữ viết, tác giả đã biến chúng thành ngôn ngữ nghệ thuật - sản phẩm khách sạn nghỉ dưỡng kết hợp bảo tàng trải nghiệm đầy bản sắc văn hóa, lịch sử. Từ đó, đề xuất giải pháp vật liệu, gam màu sử dụng, nội thất đồ rời và hình thức thể hiện trong tạo hình décor rõ ràng và hài hòa.

Thiết kế cầu Mạnh Tân

Theo sinh viên Đinh Văn Tú - Trường Đại học Xây dựng à Nội, đây là dự án bắc qua sông Bắc Hưng Hải của thành phố xanh Ecopark, thuộc tỉnh Hưng Yên.

Về kiến trúc, cây cầu Mạnh Tân lấy ý tưởng từ dải lụa tà áo dài vắt ngang qua dòng sông xanh Bắc Hưng Hải. Áo dài vốn là trang phục truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Cây cầu được thiết kế các tấm bê tông mảnh mai ghép với nhau, thành một dải lụa như thân áo, xen kẽ tấm bê tông là các nút giúp liên kết chặt chẽ. Trong khi đó, lớp lót thân áo bên trong được tạo nên từ bê tông cốt thép, với kết cấu thanh mảnh, vắt qua hai mố, làm tăng thêm sự mềm mại, kín đáo. Tay áo chính là hệ thống lan can cầu, được làm từ vật liệu không gỉ với những thanh thép mảnh mai được bố trí sát nhau, tạo sự an toàn tuyệt đối.

Về giải pháp thiết kế, tác giả hướng đến kết cấu thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chí của khu đô thị xanh. Các khối bê tông lớn được giảm thiểu ở khu vực công cộng dành cho cư dân.

Để thực hiện đồ án, sinh viên Đinh Văn Tú đã tìm hiểu các tiêu chuẩn, quy định dành riêng cho thiết kế cầu bộ hành của Mỹ, châu Âu, cùng với TCVN 11823:2017 bộ Tiêu chuẩn quốc gia về Thiết kế cầu đường bộ.

Bên cạnh đó, Tú đã tìm đến một dạng kết cấu cầu chưa từng được áp dụng ở Việt Nam, đó là kết cấu cầu dải lụa. Kết cấu cầu này đã được áp dụng cho cầu bộ hành tại các nước như Mỹ, Pháp, Cộng hòa Séc, Nhật Bản… với những ưu điểm như: Khả năng vượt nhịp lớn, kết cấu thanh mảnh, tính thẩm mỹ cao, thi công đơn giản, thời gian thi công nhanh, thân thiện với môi trường.

Hội đồng chuyên ngành đánh giá, đồ án của sinh viên Đinh Văn Tú đã tổng hợp và hệ thống được những kiến thức đã học, đưa vào áp dụng cho một loại kết cấu mới trong thiết kế cầu đi bộ. Đồ án đáp ứng mục tiêu đào tạo chuyên ngành, có chất lượng cao.

Lập hồ sơ mời thầu gói thầu thi công xây lắp khối nhà 9 tầng - Trụ sở tiếp công dân của TW Đảng và Nhà nước tại Hà Nội

Sinh viên Phạm Hoàng Ban - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Nội dung đồ án là lập một bộ hồ sơ mời thầu (HSMT) cho gói thầu thi công xây lắp công trình sử dụng vốn Nhà nước theo định hướng công trình xanh (CTX).

Tác giả nhận thấy một trong các trở ngại lớn để triển khai các CTX nằm ở việc lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp. Đây chính là khâu quyết định việc sử dụng hợp lý nguyên vật liệu, thiết bị và công nghệ đã được trình bày trong thiết kế.

Trong khi đó, các chỉ dẫn hiện nay về đấu thầu trong hệ thống luật pháp Việt Nam chưa đưa ra rõ ràng mẫu hồ sơ mời thầu nhằm lựa chọn một nhà thầu thi công xây lắp đảm bảo tính xanh của một công trình xây dựng. Do đó, cần có nhiều gói thầu tiên phong trong việc lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp CTX tại Việt Nam, đặc biệt là dự án sử dụng vốn Nhà nước.

Trong lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp theo định hướng CTX, ngoài tiêu chí thông thường (kế thừa từ hướng dẫn của Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT), sinh viên đã lựa chọn tiêu chí dành cho nhà thầu thi công xây lắp từ hệ thống đánh giá CTX phổ biến nhất tại Việt Nam. Sau đó, đánh giá tính thực tiễn, cũng như khả năng áp dụng các tiêu chí trên bằng phương pháp khảo sát. Cuối cùng là đánh giá kết quả khảo sát để chọn ra tiêu chí phù hợp nhất cho gói thầu.

Hội đồng chuyên ngành cho biết, đồ án của sinh viên Phạm Hoàng Ban trình bày phần lý luận có tính tổng hợp hệ thống lý luận lập hồ sơ mời thầu, đưa ra các tiêu chí lựa chọn có liên quan đến tiêu chí CTX. Đồ án đưa ra cách áp dụng đánh giá hồ sơ dự thầu, có chất lượng, tính mới trong hồ sơ mời thầu khi tiếp cận xu hướng xanh, bền vững.

Yến Mai

To Top