'Sống chậm' ở phố cổ Hải Phòng

Những năm gần đây, không chỉ người trẻ mà những bậc phụ huynh từng có nhiều ký ức với Hải Phòng đã thường xuyên có những chuyến 'phượt' trong ngày đến thành phố này. Bởi chỉ cần hai giờ từ Hà Nội, họ có thế đi tàu hỏa, đi xe khách, thậm chí là xe máy vô cùng thuận tiện…

Ga Hải Phòng được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Bạn sẽ gặp một Hải Phòng hiện đại và thong thả, với những cây cầu khổng lồ tuyệt đẹp, những trung tâm thương mại mới và một hồn phố cổ thân thương, rợp bóng mát và rực rỡ hoa phượng đỏ tháng 5. Chỉ cần một ngày, bạn có thể thong thả sống chậm, bát phố và những món ngon chỉ có ở Hải Phòng…

Lời hẹn tháng 5 với thành phố Cảng

Hải Phòng, hay còn gọi là Thành phố Hoa phượng đỏ là thành phố lớn thứ hai ở phía Bắc nước ta. Cách thủ đô Hà Nội hơn 100km về hướng Đông Bắc và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường biển và đường Hàng không…

Bạn có thể đến Hải Phòng suốt 4 mùa, nhưng nhất định bạn đừng bỏ lỡ tháng 5, thành phố phượng vỹ rợp trời đã trở thành thương hiệu riêng có. Không có nơi nào hoa phượng lại đỏ rực, căng tràn nắng hạ và gió biển mặn mòi đến như vậy…

Không chỉ có con đường qua cầu Rào xuống Đồ Sơn với hàng phượng vỹ đỏ nhức nhối, mà trong lòng những con phố xanh trong thành phố, là những cây phượng già thắp lửa đến nao lòng…Hoa phượng rực rỡ và đượm bông nhất vào trung tuần tháng 5, trong nắng hạ đầu hè, trong mùa chia ly của tuổi học trò đầy luyến nhớ…

Góc phố bình yên bên sông Tam Bạc.

Chỉ cần khởi hành từ Hà Nội khoảng 5-6h sáng, khoảng 8h là bạn đã có mặt tại Hải Phòng. Đặc biệt nếu đi bằng tàu hỏa, thì ga Hải Phòng là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố. Mỗi ngày có tới 8 chuyến tàu nối liền Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, vận chuyển hàng ngàn hành khách và hàng tấn hàng hóa giữa hai thành phố này. Trên tàu bạn cũng có thể đọc sách, nghe nhạc, ăn nhẹ, thậm chí là đi dạo… nếu muốn. Chưa kể, ga Hải Phòng nằm ở trung tâm thành phố, trên đường Lương Khánh Thiện nên vô cùng thuận tiện.

Nếu bạn đến Hải Phòng bạn sẽ không thể bỏ qua hồ Tam Bạc nằm ngay trung tâm TP, là nơi gắn với các giai đoạn thăng trầm lịch sử của người dân đất Cảng. Thời Pháp thuộc, đây là nơi chia cắt khu vực người Tây và người Việt do Pháp ngăn ra, còn được gọi là sông Lấp. Đến năm 1985, TP đắp đập Tam Kỳ, mở rộng diện tích, xây cống tự đóng mở cho nước thủy triều lưu thông, cái tên Hồ Tam Bạc chính thức ra đời. Khi bạn đến Hải Phòng hãy dành thời gian đi dạo bộ vòng quanh hồ Tam Bạc để ngắm hàng phượng vĩ đỏ rực, ngắm cây cối xanh tươi và hóng gió bên dông sông để cảm nhận hết sự thanh bình của TP hoa phượng đỏ…

Khách du lịch tới Hải Phòng thường thích đi bộ hoặc đạp xe vì những con phố ở đây thường nhỏ, nhiều cây và yên tĩnh. Vì đường xá ở Hải Phòng không đông và tắc đường như ở Hà Nội nên taxi là phương tiện di chuyển an toàn, thuận tiện hơn cả. Taxi ở đây cũng không đi vòng vèo để kiếm thêm tiền của khách, họ khá thân thiện có khi gặp được những bác tài am hiểu lịch sử TP nên du khách đã rất may mắn được nghe những thông tin thú vị về những chứng tích lịch sử về TP Cảng hào hùng…

Phố Hồ Xuân Hương thơ mộng là nơi các cặp đôi đất Cảng đến chụp ảnh.

Hàng bánh cuốn nức tiếng ba đời… đàn ông làm chủ

Có thể nói Hải Phòng được coi là thiên đường quà vặt đối với những vị khách có sở thích thưởng thức ẩm thực của các vùng miền khi đặt chân đến đó. Vốn là TP cảng biển sầm uất nên từ những năm cuối thế kỷ 19 - nửa đầu thế kỷ 20, người Pháp và người Hoa là hai cộng đồng người nước ngoài lớn nhất và có ảnh hưởng về nhiều mặt tại Hải Phòng. Các món ăn ngon ở Hải Phòng ngoài mang đậm phong vị Bắc bộ và chịu ảnh hưởng đáng kể từ ẩm thực Trung Quốc và một phần nhỏ từ ẩm thực Pháp. Đây cũng là hai trong số những nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới.

Các món ăn ngon thường có hương vị của biển như bánh đa cua, bún tôm, bún cá hay nem cua bể… Bánh đa cua được chia làm 2 loại: bánh đa cua đồng và bánh đa cua bể. Bánh đa cua đồng các bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều hàng ăn sáng bán trên vỉa hè, đầu ngõ, trong chợ, sân khu tập thể… mà đặc điểm là hàng nào cũng ngon. Chỉ với giá 15k – 25k, các bạn đã có thể thưởng thức một bát bánh đa cua đồng với màu sắc bắt mắt của bánh đa đỏ, cà chua, chả lá lốt, hành lá…

Nhà hàng bánh cuốn nức tiếng Hải Phòng.

Và Hải Phòng, không chỉ nức tiếng với bánh đa cua mà bánh cuốn cũng khá thú vị. Đoạn giữa phố Hai Bà Trưng có một tiệm bánh cuốn gia truyền với dòng chữ “Quyên since 1946”. Khác với bánh cuốn Phủ Lý (Hà Nam) hay bánh cuốn Hà Nội, bánh cuốn Hải Phòng có nhân thịt xào mộc nhĩ kèm hải sản tươi rất đặc trưng. Ngoài ra còn có chả viên ăn kèm lạ miệng, bên cạnh chả quế quen thuộc.

Anh Hải chủ cửa hàng bánh cuốn Quyên đã chia sẻ: Tiệm bánh cuốn nhà tôi đã tồn tại qua 3 đời: ông nội tôi, bố tôi và hiện tại là tôi. Những năm 30 của thế kỷ trước, ông nội đưa gia quyến từ Hưng Yên về Hải Phòng lập nghiệp, khi ấy còn hoang sơ và thưa vắng lắm. Trên mảnh đất này bao năm qua các thế hệ trong gia đình tôi nối tiếp nhau phát triển cái nghề làm bánh cuốn gia truyền, từ gánh hàng nhỏ xíu mà gom góp nên cơ đồ.

Lấy tên gọi là 1946 nhưng thực ra thâm niên hàng bánh cuốn này phải hơn. Không biết vì lý do gì mà ông nội tôi lại chọn mốc năm đó, và tiện thể thì Quyên là tên của bố tôi chứ không phải bà đâu nhé! Cửa tiệm này do tôi đứng ra quản lý với vợ, còn cách đây mấy ngôi nhà là tiệm gốc do ông nội mở hồi xưa, chuyên bán bánh cuốn chay không nhân truyền thống. Ông mất rồi, chỉ còn bố mẹ tôi ở đó thôi. Chẳng hiểu sao mà 3 đời làm bánh cuốn nhà tôi đều là đàn ông cả, cũng là nét độc đáo của gia đình.

Bánh cuốn nhà tôi làm ra còn được đem đi xuất khẩu nước ngoài, tuy số lượng vừa phải không quá lớn nhưng cũng đều đặn mang đi Nhật, Hàn, Trung Quốc, Đông Nam Á... với cách thức bảo quản riêng, vận chuyển bằng máy bay tới nơi vẫn còn nguyên nóng hổi. Còn việc chuyển vào trong Sài Gòn thì hầu như ngày nào cũng có...

Nhà hát Lớn Hải Phòng.

Nếu như Hà Nội ăn bánh cuốn cùng với mắm giấm thì Hải Phòng lại ăn bánh cuốn cùng với mắm ninh xương. Để làm ra được món nước mắm “vạn người mê” này thì người làm bánh phải mất rất nhiều công sức, cũng như phải có những bí quyết của riêng mình. Nước mắm của bánh cuốn Hải Phòng được làm từ nước ninh xương để có được vị ngọt tự nhiên.

Mắm xương được ninh trong nhiều giờ, sau đó cho thêm gia vị để tăng thêm hương vị cho nước mắm. Đặc biệt, để tạo nên được mùi thơm và hương vị đặc trưng cho nước mắm bánh cuốn Hải Phòng thì không thể thiếu được cà cuống. Đây chính là nét đặc biệt, tạo nên hương vị thơm ngon, cay cay đặc trưng mà chỉ có nước chấm tại Hải Phòng mới có.

Và còn đó một hồn phố cổ Hải Phòng

Nhắc đến những khu phố cổ, người ta thường quen thuộc với những dãy nhà cũ phủ đầy rêu phong của Hà Nội hay những góc phố đèn lồng treo cao của Hội An… Song ít ai biết rằng Hải Phòng cũng là địa danh gắn liền với những con phố cổ. Mỗi góc phố không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn ghi dấu nhiều nét đẹp văn hóa của người dân đất Cảng. Những khu phố như Tam Bạc, Lý Thường Kiệt, Cầu Đất… hiện vẫn lưu giữ nhiều nét không gian kiến trúc cổ kính, thể hiện qua những tòa nhà, biệt thự hàng trăm năm tuổi.

Nằm ở trung tâm thành phố, phố Cầu Đất- nơi đã từ lâu được mệnh danh là khu phố “của đổ về” trên đất An Biên xưa. Sở dĩ mệnh danh vậy bởi trước đây Cầu Đất được coi là phố giàu có bậc nhất của Hải Phòng với biết bao nghề thủ công nổi tiếng từ thời Pháp thuộc như giày da, bật bông, bánh kẹo, tiệm ăn, tạp hóa, chụp ảnh, vàng bạc…

Xen lẫn với sự phát triển của một khu phố thương mại, nơi đây còn để lại nét ấn tượng độc đáo khi được coi là khu phố bánh kẹo cổ truyền của người Hải Phòng, tương tự như phố Hàng Đường của Hà Nội. Trong tiềm thức của mỗi người dân đất Cảng, bánh kẹo phố Cầu Đất đã từ lâu luôn là món quà xa xỉ, sang trọng bởi những công thức bí truyền, những thứ hương liệu quý làm ra món bánh mà chỉ những gia đình giàu có mới được thưởng thức... Ngay cả bánh rán- thứ quà bình dân thì đối với những người sành ăn, phải là bánh rán phố Cầu Đất mới là loại bánh thượng hạng ở Hải Phòng.

Trái ngược với khu Cầu Đất sầm uất, nằm soi bóng bên bờ sông Tam Bạc, phố cổ Tam Bạc được coi là một trong những khu phố cổ xưa yên bình nhất của Hải Phòng. Theo bước chuyển mình của thời gian, ngày nay, con phố ấy mang trong mình một diện mạo mới nhưng vẫn giữ hầu như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa, tạo dấu ấn riêng biệt nơi đô thị hiện đại, trẻ trung. Cổ kính về kiến trúc và cổ kính ngay cả trong nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây.

Nếp sống ở phố Tam Bạc vẫn còn mang đậm nét nhẹ nhàng, thanh bình của một khu chợ ven sông. Dù ngày nay có nhiều cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Tam Bạc nhưng hình ảnh những con đò chậm rãi xuôi dòng vẫn khắc sâu trong tâm trí những người dân nơi đây. Phố Tam Bạc còn đi vào những tác phẩm hội họa, thi ca với tình yêu nồng nàn mà sâu lắng của những tâm hồn nghệ sĩ đã quá yêu mảnh đất và con người Hải Phòng.

Những bức tranh, bài thơ phác họa góc phố cổ kính nằm nghiêng nghiêng soi bóng bên sông là dấu ấn riêng chỉ thuộc về khu phố ấy. Nơi ấy, xưa kia là nơi hội tụ các tao nhân, văn nghệ sỹ tài hoa, khu phố sách, những giá vẽ, tựa như một sông Xen thu nhỏ những năm đầu thế kỷ trước…

Cũng giống như phố cổ Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt khiến người ta mê mẩn bởi những dãy nhà cổ kính, rêu phong và khu chợ Đổ - nơi giao thương sầm uất của An Biên xưa. Những bức tường vàng hoen ố màu thời gian, những cánh cửa gỗ hẹp ngang và cao, những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên các mái vòm cong cong đậm nét kiến trúc Pháp.

Đầu phố bắt đầu bằng những ngôi nhà đậm nét Pháp cổ thì cuối phố lại là khu chợ sầm uất có tiếng của Hải Phòng - chợ Đổ. Khu chợ tồn tại như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến không ít đổi thay của thành phố trẻ. Biết bao khu chơ mới sầm uất mọc lên cùng với chợ Sắt, chợ Ga, chợ Đổ vẫn còn đó, không chỉ trong ký ức người đất Cảng.

Và nữa, nằm giữa khu trung tâm, góc phố Hồ Xuân Hương như một dấu lặng rơi vào bản nhạc hòa tấu sôi động. Giới trẻ Hải Phòng gọi Hồ Xuân Hương là con phố “tình yêu” có lẽ bởi không gian xanh mượt và tinh khôi… Thế rồi, bạn có thể ngồi ở đó, trong một quán cà phê tĩnh lặng, nhìn thời gian, và chúng ta sống chậm một chút, giữa thành phố vừa lạ, vừa quen. Tựa như, mỗi chúng ta đang thư thả ở Hà Nội, trên những góc phố quen, yên tĩnh những năm 90, 2000…

Có một Hải Phòng như thế, có thể một ngày không đủ với bạn. Thì bạn hãy thong thả và chậm rãi, cho những chuyến đi trong ngày khác, bạn xuống Đồ Sơn, thăm Hòn Dáu, dinh Bảo Đại, cột mốc số 0 của đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa… Hay bạn đi thăm những cây cầu như cầu Đình Vũ, cây cầu vượt biển lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á… Giữa nhịp sống nhanh và ồn ào, mỗi chúng ta đều cần những khoảng lặng, và những ngày sống chậm, thật chậm như thế…

Miên Thảo- Quốc An

To Top