Nét kiến trúc độc đáo của chùa Ông - ngôi chùa linh thiêng bậc nhất xứ Tây Đô

Chùa Ông - Cần Thơ với tuổi đời hơn 120 năm, là một ngôi chùa linh thiêng ở miền Tây Nam Bộ, mang đậm kiến trúc Trung Hoa lâu đời. Ngôi chùa này là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của xứ sở Tây Đô.

Quảng Triệu Hội Quán thường được gọi là Chùa Ông, là cơ sở tín ngưỡng tại số 32 đường Hai Bà Trưng, thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố ần Thơ. Đây là một ngôi chùa của người Hoa gốc Quảng Đông và là di tích lịch sử cấp quốc gia kể từ năm 1993.

Sở dĩ có tên Quảng Triệu Hội Quán vì chùa vốn là hội quán của một nhóm người Hoa Quảng Đông thuộc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) theo dòng di dân sang lưu trú ở đất Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa) vào thế kỷ 17-18. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là Chùa Ông, vì ở chính điện thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công).

Nét kiến trúc độc đáo của chùa Ông - ngôi chùa người Hoa linh thiêng bậc nhất xứ Tây Đô

Chùa được khởi công xây dựng trên phần đất 532m2 vào năm 1894 (năm Quang Tự thứ 20 và là năm Thành Thái thứ 6), đến năm 1896 thì hoàn thành. Như một số ngôi chùa của người Hoa khác, Chùa Ông không nằm biệt lập mà nằm trong một khu dân cư đông đúc, ngay giữa trung tâm thành phố Cần Thơ, cạnh bến Ninh Kiều.

Diện mạo của chùa Ông gần như không thay đổi từ khi xây dựng cho đến nay. KIến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ Quốc với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau, ở giữa chùa một khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh hay còn được gọi là giếng trời.

Đặc điểm của chùa Ông mà ta có thể thấy ở hầu khắp các ngôi chùa Hoa khác là màu sắc sặc sỡ, tươi tắn nhưng vẫn thấy được nét cổ kính. Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng men xanh thẫm. Trên nóc là những hình nhân, lưỡng long tranh châu, cá hóa long, chim phụng.. bằng gốm sứ đủ màu. Ngoài ra, ở hai đầu đao còn có hai tượng người cầm mặt trời và mặt trăng (tượng trưng cho âm dương hòa hợp). Kết cấu vòm mái được nâng đỡ bởi 6 hàng cột gỗ tròn và vuông sơn đỏ, có chân đế bằng đá tảng nguyên khối, và một hệ thống vì kèo khá phức tạp. Và các đòn tay ở đây đều ở dạng gỗ tròn, được sơn cẩn thận.

Đặc điểm của chùa Ông mà ta có thể thấy ở hầu khắp các ngôi chùa Hoa khác đó là màu sắc sặc sỡ, tươi tắn nhưng vẫn thấy được nét cổ kính.

Được biết, gần như toàn bộ vật liệu xây dựng chùa Ông như cột gỗ, đá làm trụ chân cột, liễn đối, kèo, đòn tay, chuông đồng, lư hương... đều được đưa từ Quảng Đông sang. Chúng đều được ghi niên đại 1896 do các nhà hảo tâm đóng góp. Riêng các bao lam ở bàn thờ Quan Công thì được làm tại đường Thủy Binh (đường Đồng Khánh, thuộc Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Bệ thờ, tượng Bồ Tát Quan Âm, ba bàn hương án trước bàn thờ Quan Công thì xây dựng vào năm 1974 bằng đá mài…

Việc dựng chùa trải qua ba thời kỳ với ba kiểu kiến trúc có ít nhiều khác biệt nhưng trên tổng thể lại rất hài hòa tạo kiến trúc mang phong cách chùa Hoa độc đáo.

Cổng và hàng rào với các trụ cột tô đá rửa nối với nhau bằng những song sắt. Trên đầu hai trụ cột chính là đôi lân, ở các cột khác là hình nhân và cá hóa long. Tất cả đều bằng sành sứ nhiều màu.

Đặc điểm kiến trúc tiêu biểu của chùa Hoa chính là sân thiên tỉnh. Tại chùa Ông thì có lợp mái bằng ngói âm dương với bộ vì kèo làm theo kiểu chồng rường gối mộng, chạm khắc tinh vi, thiết kế di động để lấy ánh sáng tự nhiên.

Để vào được tiền điện, ta phải đi qua một khoảng sân hẹp rồi đến bức bình phong chạm trổ hoa văn. Trên hai cửa ra vào có bảng đại tự "Quảng Triệu Hội Quán".

Đặc điểm kiến trúc tiêu biểu của chùa Hoa chính là sân thiên tỉnh. Tại chùa Ông thì có lợp mái bằng ngói âm dương với bộ vì kèo làm theo kiểu chồng rường gối mộng, chạm khắc tinh vi, thiết kế di động để lấy ánh sáng tự nhiên.

Chánh điện là gian quan trọng nhất của chùa Ông. Vì kèo ở đây cũng được làm theo kiểu chồng rường, gối mộng. Ở đây, khắp nơi đều là phù điêu với đa dạng các hình ảnh như huyền thoại, lịch sử Trung Quốc; hoặc mai, lan, cúc, trúc, rồng, phụng, cá hóa long (rồng), bông lúa,... Qua đó, thể hiện tài năng chạm khắc và nghệ thuật thư pháp của các nghệ nhân lúc bấy giờ.

Anh Quách Ngọc Cương, du khách đến từ Hà Nội đã rất trầm trồ và ngạc nhiên bởi lối kiến trúc độc đáo này. Anh Cương chia sẻ: “Xem phim kiếm hiệp Trung Quốc nhiều tôi rất ấn tượng với văn hóa nước bạn, nhất là các công trình kiến trúc được thể hiện qua chùa chiền, cố cung... Nay được chiêm ngưỡng tận mắt qua lối xây dựng chùa Ông thì tôi lại càng thêm phần thấy thú vị”.

Chánh điện là gian quan trọng nhất của chùa Ông. Vì kèo ở đây cũng được làm theo kiểu chồng rường, gối mộng. Ở đây, khắp nơi đều là phù điêu với đa dạng các hình ảnh như huyền thoại, lịch sử Trung Quốc; hoặc mai, lan, cúc, trúc, rồng, phụng, cá hóa long (rồng), bông lúa,

Đến chùa Ông Cần Thơ, du khách còn có cơ hội tham gia những lễ hội đậm chất Trung Hoa như ngày vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch hằng năm); Ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (23/3 âm lịch hằng năm); Lễ giỗ Ông Bổn (15/3 âm lịch hằng năm). Tương tự văn hóa lâu đời của nước ta, chùa Ông cũng có hoạt động cúng ngày lễ Tết, rằm, mùng 1 các tháng theo lịch âm.

Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức lễ hội đấu đèn mỗi 10 năm một lần. Gần đây nhất là năm 2007 - 2017. Vào ngày lễ hội, du khách sẽ đấu giá những chiếc đèn lồng, biểu tượng của sự may mắn và thành công. Trong lễ hội còn có các hoạt động múa lân, rồng, thi đấu võ thuật, biểu diễn nghệ thuật sân khấu Quảng Triều...

Chùa Ông - Cần Thơ với nét kiến trúc tinh tế, đậm chất Trung Hoa chắc chắn là một trong những điểm đến thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ

Chị Thạch Linh, đoàn du khách từ TP. HCM cho biết: “Đến lễ hội chùa Ông, mọi người đều ăn mặc trang nghiêm, thắp nhang, dâng lễ lên các vị thần nhằm cầu mong gia đình bình an, làm ăn phát đạt, công danh thuận lợi. Tôi cũng được kể rằng, đây là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở Cần Thơ”.

Nhiều du khách, phật tử đến chùa Ông không quên xin quẻ xăm. Các quẻ xăm phần nào giải đáp về vận mệnh, tình duyên, đường con cái... của người xin. Những lời truyền tai về sự linh thiêng của các quẻ xăm tại nơi đây càng thêm thu hút du khách.

Chùa Ông - Cần Thơ với nét kiến trúc tinh tế, đậm chất Trung Hoa chắc chắn là một trong những điểm đến thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ khi ghé thăm miền đất Tây Đô.

Thanh Hoài

To Top