'Cởi trói' cơ chế cho các không gian sáng tạo

Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng việc quan tâm đến nó mới nằm ở tư duy của các cơ quan cấp trên, tư duy sáng tạo chưa thật sự đi sâu vào suy nghĩ của mỗi người. Chính vì vậy, những người đi đầu trong việc thiết lập các không gian sáng tạo gặp rất nhiều khó khăn. Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế rõ ràng hơn để phát triển các không gian sáng tạo.

Một góc không gian sáng tạo 282 Design (Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên)

Nơi để thở cho người Hà Nội
Đi qua các không gian san sát nhà cao tầng, tìm đến con ngõ nhỏ tại 156 Phú Viên (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội), nhiều du khách ngỡ ngàng khi bước qua chiếc cổng với những bệ sắt thép hoen gỉ là một không gian của những bậu cửa, phòng họp, phòng triển lãm, khu vui chơi rộng đến cả nghìn mét vuông mang tên 282 Design. Du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đến nay có thể có không gian sống ảo, đứng trên cao ngắm TP từ xa, vút tầm mắt là bờ sông, bãi bồi... Ngoài ra, không gian của bếp củi, quán cà phê tự phục vụ, hay các phòng chức năng từ trải nghiệm sáng tạo đến triển lãm… đều được bố trí trong không gian này, mang phong cách riêng. Nếu như không vì dịch bệnh Covid-19 thì vào mỗi dịp cuối tuần nơi đây đón hàng trăm lượt khách ghé qua. Rất nhiều đơn vị cũng đã ngỏ ý muốn thuê mượn 282 Design làm nơi thực hành các thiết kế sáng tạo cho sinh viên.

KTS Huy Phạm: 'Hà Nội có nhiều nơi để chơi, còn bây giờ mọi thứ chở nên ngột ngạt vì diện tích nhà cao tầng lấn át các không gian khác. Chính vì vậy, 282 Design được hình thành như là một nơi để thở cho người Hà Nội'

Điều đặc biệt là 282 Design được hình thành trên mảnh đất của nhà máy mũ cối đã được di dời, để hoang từ nhiều năm trước. Một nhóm kiến trúc sư đã thuê với thời hạn 20 năm để biến nơi đây thành trung tâm sáng tạo cho những người yêu các sản phẩm làm từ gỗ, và những không gian để hoạt động nghệ thuật mang tính gần gũi. Tất cả vật liệu được sử dụng tại 282 Design đều được tận dụng từ những công trình cũ. Sau khi hình thành, những talkshow, triển lãm hay những chương trình âm nhạc của nhiều họa sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Hồ Ngọc Hà, Lê Thiết Cương… đã từng tìm đến không gian này. KTS Huy Phạm - một trong những người đồng sở hữu 282 Design cho rằng từ trước những năm 2000, Hà Nội có nhiều nơi để chơi, còn bây giờ mọi thứ chở nên ngột ngạt vì diện tích nhà cao tầng lấn át các không gian khác. Chính vì vậy, 282 Design được hình thành như là một nơi để thở cho người Hà Nội.
Bao giờ hết bị dòm ngó?

Không gian sáng tạo là nơi kết nối ý tưởng kinh doanh về học tập, đào tạo, vui chơi giải trí. Tạo ra môi trường vui chơi cho giới trẻ lành mạnh và vui tươi hơn

Hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ 2019. Trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại làm di tích kiêm không gian văn hóa sống động. Trên thực tế, Hà Nội đã hình thành một vài không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ, như không gian Complex01 tại Nhà máy in Công đoàn (phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), không gian sáng tạo 60S Thổ Quan… Tuy nhiên, số lượng các không gian sáng tạo có thể tồn tại bền vững ở Hà Nội là không nhiều. Theo KTS Nguyễn Bùi Vũ - Giám đốc không gian chuỗi tổ hợp Complex 01: “Mô hình kinh tế văn hóa sáng tạo chưa được mọi người biết đến rộng rãi, kinh doanh văn hóa sáng tạo phục vụ như thế nào cho xã hội vẫn chưa thành ý niệm, chưa có hành lang pháp lý nên việc tiếp cận còn dè dặt. Từ chính quyền địa phương đến những người dân sống xung quanh khu tổ hợp nhiều khi dòm ngó, không biết chúng tôi hoạt động, vui chơi gì, có bay lắc không? Trong khi Complex 01 không đơn thuần là khu tổ hợp cho thuê mặt bằng mà là nơi kết nối ý tưởng kinh doanh về học tập, đào tạo, vui chơi giải trí. Tạo ra môi trường vui chơi cho giới trẻ lành mạnh và vui tươi hơn”.

Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội cần cởi mở hơn nữa trong phát triển công nghiệp văn hóa để tư duy hái ra tiền từ văn hóa được hình thành.

“Phải cho chủ đầu tư thấy văn hóa còn sinh lời hơn cả thương mại. Nơi nào đông người, nơi ấy bất động sản sẽ có lời, vậy thì cớ sao lại không phát triển về văn hóa? Con người và văn hóa địa phương mới là điều đáng quý, không phải cứ xóa sạch hết để xây mới từ đầu mới là chuẩn. Ngược lại, phải biết giữ cái cốt văn hóa, phát triển chúng, nhờ vào đó, vùng đất mới có giá trị, từ đó mới sinh lời” - KTS Đoàn Kỳ Thanh (người sáng lập, lên ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo tại Hà Nội như Zone 9, X98, Creative City) bày tỏ.

Linh Anh

To Top