Hải Phòng: Di tích Quốc gia chùa Trà Phương bị xâm hại trong quá trình tôn tạo

Nhà chùa đã tự ý thay đổi một số hạng mục trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) khi mà chưa có sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Có mặt tại chùa Trà Phương sáng 19-4, theo ghi nhận của PLO, công trình tu bổ, tôn tạo chùa dang dở, khắp nơi ngổn ngang gỗ, đất, gạch, ngói. Chùa Trà Phương là di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Tự làm theo ý nhà chùa, xâm hại di tích

Trao đổi với PLO, ông Vũ Duy Quận, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết hiện việc tu bổ, tôn tạo chùa Trà Phương đang phải tạm dừng theo ý kiến của TP, chờ được Bộ VH-TT&DL đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án.

Hạng mục nhà Tam Bảo bị chủ đầu tư tự ý xây dựng từ 7 gian lên 9 gian. Ảnh: Ngọc Sơn

Trước đó, trước thực trạng nhiều hạng mục của chùa Trà Phương xuống cấp, thể theo nguyện vọng người dân địa phương và nhà chùa mở rộng không gian di tích, UBND xã Thụy Hương đã lập hồ sơ, thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích.

UBND TP ải Phòng sau đó đã xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL, đồng thời phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trà Phương. Theo đó, công trình có tổng vốn đầu tư hơn 8,1 tỉ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa do địa phương huy động. UBND xã Thụy Hương được giao làm chủ đầu tư.

Hạng mục nhà Tổ bị chủ đầu tư tự ý xây dựng từ 7 gian lên 13 gian. Ảnh: Ngọc Sơn

Công trình tu bổ, tôn tạo chùa Trà Phương gồm ba hạng mục: Nhà Tam Bảo; nhà Tổ, xây dựng và lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước và chiếu sáng.

Trong đó, mở rộng nhà Tam Bảo từ 5 gian lên thành 7 gian để đáp ứng nhu cầu thờ cúng. Giữ nguyên các bộ vì cũ và kiến trúc hậu cung, thay thế phần gỗ rui, mái bị hỏng. Giữ lại bốn cột tiền đường và các cột vì hậu cung, bổ sung hai cột gỗ lim mới cho việc phục dựng hai gian tiền đường.

Đối với hạng mục nhà Tổ, giữ nguyên 7 gian, phục dựng lại bộ cột, xà, hoành, rui bằng gỗ lim theo nguyên trạng, giữ nguyên kích thước bộ vì lòng nhà.

Chủ đầu tư đã tự ý tháo dỡ một phần của ngôi nhà Tam Bảo cũ, xâm hại nghiêm trọng đến di tích để có thể mở rộng được nhà Tam Bảo mới. Ảnh: Ngọc Sơn

Công trình bắt đầu được tôn tạo, tu bổ vào giữa năm 2022.

Dù vậy, trong quá trình thi công, chủ đầu tư không tuân thủ theo dự án đã được phê duyệt. Trong đó, toàn bộ nhà Tổ đã được hạ giải, đơn vị thi công xây dựng nhà Tổ mới gồm 13 gian (vượt 5 gian), hạng mục nhà Tam Bảo, chủ đầu tư xây dựng mới 9 gian (vượt 2 gian).

Không chỉ vậy, trong quá trình tu bổ, tôn tạo, chủ đầu tư đã phá bỏ gian phía phải nhà Tam Bảo khi không được phép rồi di chuyển 2 bảo vật quốc gia là Tượng Mạc Thái Tổ và Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vào thờ tại gian chính.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng không dùng lại một số hoa văn, khung gỗ cũ sau khi được hạ giải mà dùng gỗ mới để xây dựng tại nhà Tam Bảo, nhà Tổ.

Hai bảo vật quốc gia được di chuyển tạm vào nhà Tam Bảo cũ. Ảnh: Ngọc Sơn

Cuối năm 2022, phát hiện sự việc này, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kiến Thụy đã xuống kiểm tra thực tế, lập biên bản và báo cáo các ban ngành liên quan.

Bộ VH-TT&DL sau đó cũng đã có công văn, nêu rõ: “Qua kiểm tra cho thấy chủ đầu tư (UBND xã Thụy Hương) đã tiến hành hạ giải tường hồi của Tiền đường và di chuyển vị trí hai bảo vật quốc gia (Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn và Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung), xây dựng lại nhà Tổ, đang xây dựng mới nền móng Tam Bảo.

Bảo vật quốc gia - Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Ảnh: Ngọc Sơn

Bảo vật quốc gia Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung. Ảnh: Ngọc Sơn

Việc xây dựng này khi chưa có văn bản thỏa thuận hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công là chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PLO, ông Vũ Duy Quận, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương thừa nhận chính quyền xã đã sai sót trong quản lý, giám sát thi công dự án này nên đã xảy ra sự việc trên.

Theo ông Quận, Tiểu ban Quản lý được xã phân công bám sát việc thi công dự án nhưng đã không sát sao dẫn đến đơn vị thi công làm việc không đúng với bản thiết kế và xảy ra tình trạng phá hủy một phần tường hồi của hạng mục Tam Bảo đã được xếp hạng.

Hiện trạng nhà Tam Bảo sau khi bị yêu cầu tạm dừng tôn tạo. Ảnh: Ngọc Sơn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, theo ông Quận, UBND xã Thụy Hương đã họp và kiểm điểm ông NVTh, Trưởng thôn Trà Phương, Trưởng Tiểu ban Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia chùa Trà Phương.

“Trong tháng 3-2024, UBND xã Thụy Hương cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt điều chỉnh thiết kế dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Trà Phương. Hiện người dân địa phương mong mỏi TP và cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan sớm phê duyệt để chủ đầu tiếp tục tiến hành và hoàn thành công việc tu bổ, tôn tạo di tích, qua đó đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh” - ông Quận cho biết.

Người dân địa phương mong TP và cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan sớm phê duyệt để chủ đầu tiếp tục tiến hành và hoàn thành công việc tu bổ, tôn tạo chùa Trà Phương, qua đó đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh.

Về cách khắc phục này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trịnh Văn Tú cho biết Bộ VH-TT&DL cơ bản đã đồng ý.

Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư bảo đảm nguyên tắc tu bổ, bảo tồn nguyên trạng Tam Bảo hiện có tại vị trí mới đề xuất. Việc mở rộng nhà Tam Bảo không được đồng ý thêm hai gian, tuy nhiên bộ cho phép xem xét, mở rộng thành hai chái để đủ không gian cho việc bày biện, bố trí hai bảo vật quốc gia tại chùa Trà Phương.

Ngoài ra, bộ yêu cầu bảo vệ, tái sử dụng nguyên vẹn hệ thống tượng thờ và hiện vật có giá trị của Tam Bảo, không để xảy ra mất mát, hư hỏng hiện vật, đặc biệt là hai bảo vật quốc gia đã được công nhận.

Về hạng mục nhà Tổ, bộ yêu cầu tổ chức đánh giá các cấu kiện của công trình nhà Tổ cũ và có giải pháp bảo tồn, tái sử dụng phù hợp theo quy định của bộ.

NGỌC SƠN

To Top