Sự biến thiên của các hội quán người Hoa ở các đô thị miền Bắc

Trong quá trình đến và đi ở những vùng đất mới, cộng đồng người Hoa đã để lại hệ thống di sản kiến trúc phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, sau khi người Hoa không còn hiện diện phổ biến, thì ở mỗi địa phương, việc ứng xử với các kiến trúc lại khác nhau. Vì thế, số phận của những kiến trúc ấy khi chìm, khi nổi.

Kiến trúc của người Hoa trong dòng chảy di sản kiến trúc đô thị

“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, câu nói đã khắc họa được sự phồn thịnh của hai đô thị giàu có bậc nhất ở Đàng Ngoài dưới thời Lê – Trịnh. Và góp cho sự phồn thịnh ở hai đô thị ấy, đều có bóng dáng của những kiến trúc được xây dựng bởi cộng đồng thương nhân Hoa kiều.

Tuy nhiên, dấu ấn người Hoa không chỉ lưu lại ở mỗi Hà Nội và Hưng Yên, mà sau đó, ở nhiều đô thị khác như Hải Phòng, Nam Định,… người Hoa cũng từng đặt chân tới, và góp cho nền văn hóa ở những nơi mình đi qua thêm phần đa dạng. Trải qua thời gian dài trong lịch sử, các kiến trúc ấy có sự biến đổi do nhu cầu thẩm mỹ, vật liệu xây dựng qua các lần trùng tu, tôn tạo. Nhưng nhìn vào hình thái kiến trúc, người ta vẫn có thể nhận diện đây là kiến trúc của cộng đồng người Hoa.

Bên trong hội quán Phúc Kiến (Hà Nội). Ảnh: Nam Dương

Song, so với những kiến trúc của người Hoa ở các tỉnh thành phía Nam, thì các kiến trúc của của người Hoa ở phía Bắc ít được để ý tới hơn. Phải chăng, nguyên do là vì trong một thời gian tương đối dài, người Hoa không còn hiện diện phổ biến ở các đô thị phía Bắc?

Trong khoảng thời gian những người Hoa không còn trực tiếp coi sóc những kiến trúc của cộng đồng mình, thì cộng đồng cư dân chiếm phần lớn đứng ra tiếp quản. Có những nơi, các kiến trúc vẫn được duy trì sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, có những nơi thì lại được trưng dụng cho những mục đích sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, làm trường học,...

Liệu còn nhớ tới tên gọi của những dạng thức kiến trúc của người Hoa

Trước khi biến đổi công năng sử dụng của kiến trúc, thì thứ đầu tiên biến đổi là tên gọi của dạng thức kiến trúc ấy. Ở Hà Nội, hội quán Phúc Kiến trên phố Lãn Ông hầu hết đều trong tình trạng cửa đóng then cài. Bởi đây di tích này được dùng làm cơ sở học tập của trường Tiểu học Hồng Hà. Ban ngày, trước cổng hội quán còn trở thành nơi trông giữ xe.

Phía trước hội quán Phúc Kiến vào ban này được tận dụng để trông giữ xe. Ảnh: Nam Dương

Trong ký ức của nhà văn Lê Xuân Khoa, cựu học sinh của trường Tiểu học Hồng Hà thì gian thờ bên trong hội quán từng là phòng làm việc của ban giám hiệu nhà trường. Anh nhớ lại: “Khi đó ban thờ được che lại bằng một tấm mành để ngăn cách với bàn làm việc của các thầy cô ở chung quanh”.

Là một người sinh sống từ nhỏ trên phố Lãn Ông, nhà văn Lê Xuân Khoa còn kể thêm: “Có những người sau này chuyển tới Lãn Ông sinh sống, không biết nơi đó gọi là gì. Do phần lớn mọi người không biết chữ Hán, và thấy nó to như đình làng, nên cũng gọi đó là cái đình”. Dẫu vậy, hiện giờ, với tấm biển Trường Tiểu học Hồng Hà được treo ở ngôi nhà bên cạnh hội quán, chắc hiện lên trong tâm thức nhiều người, đây là trường tiểu học, thay vì là hội quán hay là cái đình như trước.

Câu chuyện này gợi nhắc tới trường hợp đền Quan Đế ở Hàng Buồm (Hà Nội). Trên văn bia ghi danh những người hưng công trùng tu, có ghi nơi đây là Quan Thánh miếu. Nhưng qua thời gian, nó lại được gọi là đền Quan Đế.

Tương tự, một vài hội quán hiện còn tồn tại ở thành phố Nam Định cũng như vậy. Hội quán Phúc Triều Huệ vốn do cộng đồng người đến từ tỉnh Phúc Kiến và Triều Châu, Huệ Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Đông) xây dựng, nay được gọi là đền Sìu Châu. Đây là cách đọc chệch của chữ Triều Châu. Do trước đây, trên phố Hàng Sắt này tập trung đông người Triều Châu.

Hay đền Hội Quảng trên phố Hoàng Văn Thụ vốn là hội quán Việt Đông. Tên gọi Hội Quảng hẳn nhiên là rút ngắn cách gọi hội quán của người Quảng Đông.

Trong văn hóa người Việt không có khái niệm về hội quán, nên không khó lý giải cho việc khi coi sóc những kiến trúc này, cách gọi đền được thay thế cho gần gũi với đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương. Riêng trường hợp của hội quán Phúc Kiến được gọi là đình, liệu có phải do trong khuôn viên có dạng thức kiến trúc giống với phương đình ở nhiều ngôi đình Bắc bộ, nên nơi đây được gọi là đình, thay vì là đền?

Biến đổi chức năng thành nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật

Đôi khi sự biến đổi của tên gọi cũng đi đôi với việc biến đổi chức năng sử dụng chính. Trở lại phố cổ Hà Nội, không chỉ có hội quán Phúc Kiến, mà hội quán Việt Quảng trên phố Hàng Buồm cũng từng có một thời gian được sử dụng làm trường mẫu giáo. Đến năm 2018, trường mẫu giáo đã được di dời tới địa điểm khác. Từ đó, hội quán được trùng tu và trở thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm như hôm nay ta thấy. Đúng như tên gọi mới của nó, nơi đây trở thành không gian giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các tọa đàm, triển lãm,…

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm được cải tạo lại từ hội quán Việt Đông. Ảnh: Thùy Trang

Dù chức năng chính không còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa mang màu sắc của người Hoa, nhưng việc nhang đèn vẫn được duy trì thường xuyên. Do là con phố kết nối với nhiều điểm vui chơi, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nên đền Quan Đế ngay trên con phố đó cũng được tận dụng một phần không gian cho một số hoạt động trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm thủ công truyền thống,…

Đáng bất ngờ hơn khi hội quán Phúc Kiến ở Hà Nội vốn là đất của trường học, nhưng vào 14.4 vừa qua, trong khoảng sân của hội quán lại trở thành nơi biểu diễn ca trù. Việc một trường học được sử dụng không gian cho những hoạt động giao lưu văn hóa không phải do nhà trường đứng lên tổ chức là điều không phổ biến ở Hà Nội. Đáng nói hơn cả, hát ca trù vốn là sinh hoạt văn hóa của người Việt lại được đưa vào một di tích vốn thuộc về văn hóa cộng đồng người Hoa.

Khung cảnh một đêm hát ca trù tại hội quán Phúc Kiến. Ảnh: BTC Vọng khúc ca trù

Trong các hội quán người Hoa ở miền Nam, bà con vẫn thường biểu diễn nghệ thuật hí kịch, múa lân sư rồng vào những dịp đặc biệt. Có sự duy trì sinh hoạt văn hóa đó là bởi cộng đồng thụ hưởng văn hóa đó rất đông đảo. Tất nhiên, sẽ là một trải nghiệm thú vị nếu có dịp tái hiện lại những văn hóa truyền thống của người Hoa tại các hội quán ở Thủ đô. Để những ký ức về cộng đồng người Hoa được sống lại và đến gần hơn với người dân cũng như du khách khi tới đây tham quan.

Sử dụng di sản cho mục đích khác

Từ việc trưng dụng các công trình kiến trúc của người Hoa cho những mục đích như làm trường học, nơi vui chơi, giải trí, một vấn đề đặt ra rằng nếu không sử dụng như mục đích truyền thống, liệu rằng có thể phát huy được giá trị văn hóa vốn gắn với nó hay không. Việc tận dụng di sản kiến trúc cho mục đích phi truyền thống không còn là điều gì mới lạ.

Gần đây nhất là trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2023 tại Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm từ lâu không hoạt động đã được thiết kế thành không gian văn hóa sáng tạo thu hút nhiều đối tượng đến tham quan, trải nghiệm. Việc tận dụng, cải tạo di sản kiến trúc công nghiệp cho mục đích giải trí trong chuỗi sự kiện thành công ấy không phải là trường hợp đầu tiên. Tuy nhiên, những ai đang còn ôm ấp hoài niệm di sản kiến trúc phải được bảo tồn và thực hành như thuở đầu, cũng sẽ có một cách nhìn khác về việc tận dụng các di sản kiến trúc.

Đền Quan Đế thu hút nhiều bạn trẻ tới tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Nam Dương

Không chỉ riêng hội quán của người Hoa, mà nhiều ngôi đình của người Việt khác trên địa bàn phố cổ Hà Nội, bên cạnh việc thờ cúng Thành hoàng bảo hộ cho địa phương đấy, thì đình cũng gắn với những vai trò triển lãm, trưng bày, vui chơi, trải nghiệm,… Bởi đặc trưng của những tuyến phố này là có đông khách du lịch lui lới. Có những hoạt động thu hút du khách lui tới các di tích như vậy, sẽ càng giúp cho di tích phát huy được giá trị văn hóa vốn có.

Nói như vậy thì việc tận dụng hội quán Phúc Kiến làm cơ sở dạy học cũng là phục vụ mục đích phi truyền thống. Tuy nhiên, việc tận dụng này chưa hướng tới số lượng lớn khách tham quan, nên khó có thể phát huy được hết những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của nó. Sẽ thật khó để chính quận Hoàn Kiếm trả lời câu hỏi bao giờ mới có thể tìm một địa điểm phù hợp hơn cho trường Tiểu học Hồng Hà. Nhưng trước mắt, việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, giao lưu văn hóa vào thời điểm các em học sinh không phải đến trường là một sáng kiến hay giúp tiếp cận những nét kiến trúc của Phúc Kiến đến gần hơn với công chúng.

Dẫu sao, trước mắt, giữ gìn được để sử dụng vẫn là một điều may mắn. Bởi công trình bị bỏ hoang trong một thời gian dài sẽ dễ bị xuống cấp nghiêm trọng. Chưa kể tới trường hợp công trình cũ bị hạ giải và thay thế bằng công trình mới. Gần đây, theo quy hoạch của thành phố Hải Phòng, hội quán Quảng Đông (quận Hồng Bàng) sẽ bị dỡ bỏ, để nhường chỗ cho dự án xây dựng vườn hoa cây xanh trên nền chợ Tam Bạc cũ. Trong quy hoạch chỉ giữ lại duy nhất đền Nhà Bà nằm ở giữa trong khuôn viên hội quán xưa lại.

Khu vực hội quán cũ của người Hoa gốc Quảng Đông ở Hải Phòng sẽ được quy hoạch lại, phục vụ xây dựng công viên Tam Bạc. Ảnh: Nguyễn Dương

Các kiến trúc biến đổi về công năng dường như là điều cốt yếu để di sản văn hóa được thực sự sống và hiện diện trong đời sống của cộng đồng cư dân tại địa phương đó. Tuy nhiên, qua mỗi lần trùng tu hay chuyển đổi về công năng sử dụng, thành tố quan trọng cần được bảo lưu là việc thờ cúng các vị thần được cộng đồng người Hoa tôn thờ và hệ thống văn bia. Bởi bảo lưu được thành tố đó là bảo lưu được những ký ức gắn với người Hoa, và cũng là trân trọng trước những đóng góp cho phong phú của di sản kiến trúc đô thị của những thương nhân Hoa kiều.

Nguyễn Phúc Nam Dương

To Top