'Chim Họa mi' vẫn hót giữa đại ngàn Tây Nguyên

SPL - Trong đêm nhạc 'Họa mi của núi rừng Tây Nguyên', Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang hát 7 ca khúc cách mạng thời kỳ chống Mĩ cứu nước nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.

Rơ Chăm Phiang ước nguyện được tổ chức một liveshow của riêng mình tại quê hương “nơi làm lễ thổi tai” như con chim họa mi trở lại rừng. Nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 -30/4/2021), tối ngày 24-4-2021 tại Nhà Thiếu nhi, số 60, đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban liên lạc kháng chiến tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai, UBND TP. Pleiku đồng tổ chức đêm nhạc “Họa mi của núi rừng Tây Nguyên”. Việc làm này nhằm tri ân, ghi nhận những cống hiến về nghệ thuật phục vụ cách mạng trong kháng chiến cũng như thời kỳ đổi mới của Nghệ sĩ nhân dân - Đại tá Rơ Châm Phiang, người con dân tộc Jrai sinh ra tại tỉnh Gia Lai.

Đêm nhạc còn có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội và các diễn viên của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Trong đêm nhạc này, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang hát 7 ca khúc cách mạng thời kỳ chống Mĩ cứu nước gồm: Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên,Nhạc: Lê Lôi, Lời: Phỏng thơ KPă Y Lăng; Tháng ba Tây Nguyên, Nhạc: Văn Thắng, Thơ: Thân Như Thơ; Cô gái vót chông, sáng tác: Hoàng Hiệp; Người lái đò trên sông Pô Kô, Thơ: Mai Trang, sáng tác: Cẩm Phong; Mùa xuân Tây Nguyên, sáng tác: NSUT Trần Luận; Bóng cây Kơ nia, Thơ: Ngọc Anh, Nhạc: Phan Huỳnh Điểu; Cánh chim báo tin vui, sáng tác: Đàm Thanh.

Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang cùng Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San trong đêm nhạc:” Họa mi của núi rừng Tây Nguyên”

Rơ Chăm Phiang sinh năm 1963 tại làng Pua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Thời nhỏ, Rơ Chăm Phiang có vẻ đẹp khác thường so với lũ làng. Nước da Rơ Chăm Phiang trắng như nồi mới lấy khỏi khuôn, gương mặt tròn như ông trăng rằm. Răng Rơ Chăm Phiang đẹp tựa hạt dưa hấu non. Môi như hoa pơlah. Đến mùa hoa mai rừng thứ 10 do có năng khiếu ca hát nên “họa mi” Rơ Chăm Phiang đã”bay” khỏi buôn làng, mang nhiều niềm vui đến cho mọi người và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước vì được tham gia vào Đội văn nghệ thiếu nhi huyện rồi được điều lên Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên đi biểu diễn ở chiến trường B3 Tây Nguyên. Rơ Chăm Phiang đã có những năm tháng hoạt động trên khắp các chiến trường ác liệt: Phan Rang, Phan Thiết, Đak Lak, Nha Trang, Quy Nhơn…để hát cho bộ đội nghe, giữa cảnh bom rơi, đạn nổ và những trận phục kích, càn quét của địch, trong màu áo bộ đội Đoàn văn nghệ xung kích và Đoàn Văn công Quân khu V.

Năm 17 tuổi Rơ Chăm Phiang được Đoàn Văn Công Quân khu V cử ra đào tạo nghệ sĩ biểu diễn tại Trường nghệ thuật quân đội (nay là Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội). Với phương châm vừa học, vừa biểu diễn, trong 12 năm liền Rơ Chăm Phiang đã học thanh nhạc từ hệ trung cấp, đại học, cao học và nhận bằng Thạc sĩ. Hai năm tu nghiệp tại Nhạc viện Trai - cốp - xki (Liên Bang Xô Viết) Rơ Chăm Phiang đạt bằng xuất sắc.

Rơ Châm Phiang (người thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo viên Nhạc viện Trai - cốp - xki (Liên Bang Xô Viết)

Từ một thiếu niên hát theo cảm tính, Rơ Chăm Phiang đã trở thành một ca sĩ nhạc thính phòng Ô - Pê - Ra nổi tiếng của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam) và quốc gia. Năm 2007, Rơ Chăm Phiang đã thu băng và phát trên YouTube các ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ viết vể Tây Nguyên thời kỳ chống Mĩ cứu nước. Rơ Chăm Phiang chỉ thích hát các bài hát kể trên vì tác giả các bài hát đó đã nói hộ tâm trạng của người dân Tây Nguyên trong thời kỳ chống Mĩ, yêu nước, theo bộ đội và cán bộ cách mạng mưu trí, dũng cảm, dùng cung, tên, giáo mác, hầm chông… diệt thằng Mĩ, giết thằng Ngụy bảo vệ buôn làng. Và niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào Đảng và Bác, vào lý tưởng cách mạng cũng thật mãnh liệt, cứ âm ỉ cháy mãi trong cả thời kỳ đen tối nhất. Làm sao có thể quên được những tháng ngày đói cơm, lạt muối, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẵn lòng ăn cả củ mài, rễ tranh để giúp lương thực cho bộ đội Bok Hồ đánh giặc. Các bài hát trên có ca từ đẹp, nhạc mạnh mẽ, hào hùng, hoành tráng tựa thác nước tuôn trào giữa mùa mưa; hệt tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang rộn rã. Các bài hát, Rơ Chăm Phiang thể hiện phong phú, đa dạng, từ ca khúc opera thính phòng cho đến các bài hát cách mạng hoặc các ca khúc có màu sắc âm nhạc dân gian. Có thể nói, tiếng hát của Rơ Chăm Phiang đã chạm đến trái tim mọi người.

Với tài năng thiên bẩm cùng sự cố gắng không mệt mỏi trên con đường âm nhạc, lại được đào tạo bài bản, chính quy, Rơ Chăm Phiang đoạt 12 giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế, trong đó có 8 Huy chương Vàng. Nổi bật nhất, Rơ Chăm Phiang đạt Giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế Hoa Cẩm Chướng ở Liên Bang Xô Viết năm 1983; Huy chương Vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng năm 1990; giải nhất cuộc thi hát thính phòng Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1996; giải nhất giọng hát Hà Nội - ASEAN năm 1996. Rơ Chăm Phiang trở thành nghệ sĩ nối tiếng với giọng hát đẹp, có âm vực rộng hiếm có ở Việt Nam. Năm 1997, Rơ Chăm Phiang được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2019, Rơ Chăm Phiang được Nhà nước phong danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. Sau hai nghệ sĩ múa: Y Brơm và Xuân La, chị là nghệ sĩ thứ ba của tỉnh Gia Lai trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc trong tỉnh khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu này.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho ca sĩ Rơ Chăm Phiang

Rơ Chăm Phiang đã biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và quốc tế như: Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Vương quốc Thái Lan và các nước Châu Âu. Năm 1993, Rơ Chăm Phiang là giáo viên thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Không chỉ chinh phục khán giả bằng tài năng nghệ thuật, trong cuộc sống Rơ Chăm Phiang còn là nghệ sĩ có lối sống hết sức giản dị, mộc mạc và chân thành. Người nghệ sĩ ấy, người con của núi rừng ấy dù đi đâu, làm gì vẫn đau đáu một nỗi niềm là được đóng góp một chút sức lực của mình cho quê hương, xứ sở. Chính những trăn trở đó, trong năm 2012, Rơ Chăm Phiang đã đề nghị với Ban giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tuyển chọn những tài năng ca hát ở Tây Nguyên về đào tạo. Trong đó có những giọng ca thành danh như: Y Vol, Y Garia, Ploong Thiết, Phi Ưng…Năm 2019, mặc dù nghỉ hưu nhưng Trường Đại học Văn hóa Quân đội tiếp tục kí hợp đồng với Nghệ sĩ làm giáo viên Thanh nhạc.

Về phía khách mời Trung ương có Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà giáo Ưu tú, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Đức Trịnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Đại tá, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Tiến sĩ, NSUT Hoa Đăng, Phó chủ nhiệm Khoa nhạc cụ truyền thống, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam; NSUT Quang Mạo, diễn viên Đoàn Ca Múa Tổng cục chính trị; NSUT Trần Luận, diễn viên Đài Tiếng nói Việt Nam; Ca sĩ Huyền Trang, giải nhất Sao Mai dòng dân gian năm 2013 cũng là học trò cưng của NSND - Đại tá Rơ Chăm Phiang; Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam. Các vị khách mời Trung ương cũng phát biểu chúc mừng và tham gia biểu diễn cùng với Nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang. Khách mời địa phương có Đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cùng đại diện cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố Pleiku. Đến dự buổi biểu diễn còn có một số người thân của NSND - Đại tá Rơ Chăm Phiang tại quê nhà xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Hội trường 700 ghế ngồi đã không còn chỗ trống. Ban tổ chức phải bố trí một màn hình Led để khán giả không có vé có thể xem trước sân Nhà thiếu nhi. Khán giả đến dự buổi biểu diễn là những người tham gia kháng chiến qua các thời kỳ, thanh niên, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ngoài ra, Đài Phát thanh -Truyền hình Gia Lai còn tổ chức truyền hình trực tiếp buổi biểu diễn này để cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh cùng xem.

Với chất giọng cao vút, lúc phun trào như như núi lửa Chư Hdrông đã tắt cách đây hàng triệu năm, khi tựa tiếng chim họa mi hót cao vút giữa đại ngàn Tây Nguyên hoặc là tiếng kèn xung trận giết giặc, Rơ Chăm Phiang đã đưa người xem theo ngược dòng thời gian về với những kỷ niệm đẹp thời kỳ đánh Mĩ của bộ đội ta cùng với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Mặc dù đã có hơn 40 năm cống hiến cho hoạt động nghệ thuật nhưng chất giọng của Rơ Chăm Phiang không thua kém gì thời trẻ tuổi. Khi trao đổi với Nghệ sĩ nhân dân về bí quyết giữ giọng hát, Rơ Chăm Phiang tâm sự:” Tôi phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ăn ngủ tốt, sự đam mê suốt đời qua việc luyện giọng hàng ngày, sống lạc quan”.

Đã đi qua 58 mùa xuân cuộc đời bằng tuổi của cây cổ thụ già rừng Kon Ka Kinh nhưng Rơ Chăm Phiang như con chim họa mi “vẫn hót” vang giữa đại ngàn Tây Nguyên. Rơ Chăm Phiang là cái tên luôn để lại những ấn tượng sâu sắc, khó quên trong lòng khán thính giả yêu âm nhạc. Rơ Chăm Phiang hội đủ các yếu tố để tạo thành một giọng ca xuất sắc, vừa có chất opera cổ điển, vừa có chất vang dội của núi rừng, một chất giọng trong sáng, tinh tế và đầy cảm xúc. Rơ Chăm Phiang được đánh giá là giọng ca hiếm của nền thanh nhạc Việt Nam. Những ca khúc cách mạng về Tây Nguyên qua giọng ca của Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.

To Top