Bóng chiều xưa và những nỗi niềm

Tập thơ 'Bóng chiều xưa' của tác giả Nguyễn Thị Thu được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Tập thơ có 70 bài, độ dày vừa phải, bìa trình bày đẹp và dung dị, mang lại cho người đọc sự thân thiện và gần gũi.

Bìa tập thơ Bóng chiều xưa. ẢNH: LHK

Trong "Bóng chiều xưa" chỉ có 3 bài thơ tác giả viết về những người thân (ba, mẹ và người anh đã mất) xếp thành mảng riêng, nhưng là 3 bài thơ giàu xúc cảm. Còn lại là thơ tình.

Không hề nhắc đến những kỷ niệm như vẫn thường gặp ở dòng thơ khóc người ly biệt, những câu thơ trong bài “Ngày giỗ anh” nối nhau, thảng thốt, bơ vơ như chính nỗi lòng thương nhớ về người ruột thịt đã sớm rời xa cõi thế. Chẳng phải là trang nam nhi để có thể tưới chén rượu lên nấm mồ người thân vắn số như Nguyễn Thông (1827 - 1884) đã làm trước nấm mồ em trai trong bài “Biệt vong đệ lữ phần” (Xa phần mộ của em nơi đất khách), Nguyễn Thị Thu trằn trọc trong chiêm bao, trong nỗi nhớ để mong tìm được hình bóng người anh, nhưng rồi rất nhanh, nhận ra đó là kiếm tìm vô vọng: "Em tìm trong chiêm bao/ Em tìm trong nỗi nhớ/ Chia ly là muôn thuở/ Biền biệt ngàn xa xăm" (Ngày giỗ anh).

Chỉ cần lướt qua tựa đề của 67 bài thơ còn lại, người đọc đã hình dung biết bao cung bậc tình yêu trong tâm hồn của một người phụ nữ đã chịu đựng và vượt qua không ít nắng mưa nhân thế. Có tiếng gọi người yêu trong Sao anh không đưa em về, Có một ngày em sẽ yêu, Mãi yêu, Nhớ nghe anh, Nói với anh... Có dấu thời gian để lại với Hoàng hôn, Bến xưa, Gửi ngày xưa, Mùa đông, Xuân về ngang cửa, Mùa lá bay... Có những loài hoa giấu bao nhiêu kỷ niệm: Hoa vàng mấy độ, Em và sen, Hoa dại, Hoa cỏ may, Chuyện tình hoa bỉ ngạn...

Nguyễn Thị Thu như người đàn bà trong tranh lập thể. Rất nhiều khuôn mặt quay ra bốn phương tám hướng, nhưng đôi mắt mở to lại nhìn vào chính cõi mình. Đây là cô gái tuổi mới biết yêu, mơ thuyền hoa bên sông mùa hoa cải. Kia là nàng thiếu nữ ngồi đan chiếc áo len dang dở một cuộc tình. Và nơi xa ấy là người đàn bà nhớ về một mùa thu cũ: "Anh bảo anh yêu loài hoa dại/ Nên gửi lòng mình với gió mây/ Mùa thu xa lắm không về nữa/ Để lạc tình anh mãi chốn này" (Gửi).

Tác giả Nguyễn Thị Thu (1971), quê ở xã Đức Phong (Mộ Đức). Hiện tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ thơ Trà Giang (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh). Tập thơ "Bóng chiều xưa" là tập thơ đầu tay của tác giả này.

Khi đôi mắt soi về cõi mình, câu thơ sẽ mang đầy tâm trạng. “Bóng chiều xưa” vì thế cứ chập chờn sương khói, man mác buồn vui, như những cảnh phim chồng mờ liên tiếp nối nhau, rồi bất chợt ống kính nội tâm kéo vào viễn cảnh sâu hun hút với những con sóng mặt hồ lan về thăm thẳm.

Tác phẩm văn chương luôn mang trong nó, ở những mức độ khác nhau, tâm tư, tình cảm và nhiều khi cả số mệnh của người viết. Cũng chính vì điều đó, đối diện với cuộc đời, nhiều khi câu thơ, bài thơ trở thành chiếc cầu sẻ chia, thông cảm, nối người viết với tha nhân: "Một mai này lạc bước trăng sao/ Biết có vòng tay ai đón đưa cho người lỡ hẹn?/ Em hãy mở lòng mình cho tim yêu ươm bóng nắng/ Lau nước mắt rồi... lau cả những cơn mưa" (Con đường hạnh phúc).

Đọc thơ Nguyễn Thị Thu, người đọc gặp cái tôi trữ tình của tác giả bàng bạc trong từng khoảnh khắc riêng tư, từng lời nhỏ to tâm sự. Khi hiển lộ bằng đường nét, hình hài, khi chập chờn, ma mị. Lại có khi hư thực lẫn vào nhau, vừa quen vừa lạ: "Có chiều nào chỉ mình em không anh/ Ngồi cô đơn nhìn hàng cây trút lá/ Xao xác mưa rơi giọt dài nghiêng ngã/ Kể chuyện chúng mình như có, như không? (Chiều mưa không anh).

“Bóng chiều xưa” neo giữ cảm tình của người đọc vì giọng điệu đa thanh, đa cung bậc, thể hiện khả năng ngôn ngữ phong phú và cảm nhận vần điệu vừa nhạy cảm, vừa linh hoạt của tác giả, đặc biệt là ở thể ngũ ngôn và thể lục bát: "Lỡ yêu là một lần đau/ Lỡ quên ngỡ sẽ qua mau muộn phiền/ Người yêu một lúm đồng tiền/ Lời yêu theo gió về miền cát bay" (Cát bay).

Không khó lắm để tìm ra những thiếu sót, những "hạt sạn" đó đây trong tập thơ, mà dễ nhận ra nhất là sự dư thừa và lặp lại từ ngữ trong một bài thơ, hoặc thỉnh thoảng “đú trend” dùng từ lạ. Nếu từ “lạc trôi” chọn chỗ rất đắc trong bài “Có thể và không thể”, thì việc có đến 6 lần nhắc đến từ “an yên” (các trang 27, 60, 64, 78, 88,95) làm người đọc khó mà... yên an! Thế nhưng, hơn tất cả, “Bóng chiều xưa” và những nỗi niềm của tác giả xứng đáng để người đọc sẻ chia và đồng cảm.

LÊ HỒNG KHÁNH

To Top