Ấn tượng '10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương'

Sau 10 năm kể từ ngày họa sĩ Nguyễn Cương đi xa, 84 tác phẩm của ông về hình tượng người chiến sĩ trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, tranh tĩnh vật, tranh trừu tượng… mới được gia đình trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với triển lãm '10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương'.

Thực tế, trước đó rất nhiều năm, người yêu hội họa, công chúng đến ảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có thể “gặp” họa sĩ Nguyễn Cương với 2 tác phẩm: Tranh sơn mài “Xưởng đóng tàu ở Hải Phòng" và tranh sơn dầu “Vật kỷ niệm của người bạn”. Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Cương cũng là người vẽ nhiều tác phẩm về bộ đội thông tin mà đến bây giờ vẫn được lưu giữ ở nhiều binh chủng như một số gò đồng ở Bảo tàng Binh chủng Thông tin, bộ tranh tứ bình “Chiến sĩ”. Tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn “Những cô gái thông tin” từng đoạt Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980…

Với nhiều người trong giới hội họa, Nguyễn Cương là họa sĩ tài năng và khá đặc biệt. Như chia sẻ của họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì suốt 50 năm qua, công chúng đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thấy tác phẩm “Xưởng đóng tàu ở Hải Phòng" và hiện tác phẩm này vẫn được trưng bày tại tầng 2 của Bảo tàng. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết, đây là tranh tốt nghiệp của họa sĩ Nguyễn Cương, được vẽ năm 1974, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ bậc thầy Nguyễn Đức Nùng. Họa sĩ Vi Kiến Thành cho rằng, đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong sử dụng chất liệu sơn mài qua bảng màu của họa sĩ Nguyễn Cương.

Triển lãm “10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương” thu hút sự quan tâm của người ở trong và ngoài giới mỹ thuật.

“Xưởng đóng tàu ở Hải Phòng” cũng là tác phẩm tiêu biểu, cho thấy tài năng, tư duy đổi mới của họa sĩ Nguyễn Cương vào thời điểm mà nhiều người cùng thế hệ với ông chưa có được. Tác phẩm có bảng màu rất độc đáo, có gam màu sáng của vỏ trứng, có màu ghi, màu xám, trong khi tất cả các họa sĩ thời điểm đó đều vẽ sơn mài với bảng màu là màu đen, cam, đỏ.

“Họa sĩ Nguyễn Cương là người đầu tiên đạt được hiệu quả sau khi thay đổi về tư duy về tạo hình cũng như bảng màu trong sơn mài Việt Nam. Hôm nay, ngắm hơn 80 tác phẩm của ông, tôi là thế hệ đi sau rất nhiều nhưng có cảm nhận đúng là họa sĩ Nguyễn Cương có tư duy thẩm mỹ rất tiên phong, mới mẻ so với những người cùng thế hệ với ông. Khi xem các tác phẩm trưng bày, tôi cảm thấy như xem tác phẩm của các tác giả hiện nay. Tức là ông đi trước thời của ông và vẫn hòa nhịp được với thế hệ bây giờ.

Xem tranh của ông không có cảm giác rằng đây là tác phẩm của một người sinh năm 1943 mà là của một họa sĩ đương đại. Tôi rất ấn tượng và xúc động. Triển lãm đã giúp người xem thấy được một chân dung, một phong cách, một quan điểm về sáng tạo trong mỹ thuật rất mới mẻ của thế hệ họa sĩ sinh những năm 1940 của thế kỷ 20”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói.

Họa sĩ Nguyễn Cương (Nguyễn Văn Cương) sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Ông nguyên là Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội. Mặc dù sinh ra trong gia đình không có truyền thống về hoạt động nghệ thuật nhưng ông lại là người có năng khiếu trong lĩnh vực này. Theo gia đình họa sĩ Nguyễn Cương thì ông nói được đến 5 thứ tiếng và rất nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Năm 1962, Nguyễn Cương nhập ngũ. Ông từng có 12 tháng hoạt động mỹ thuật phục vụ quân đội tại mặt trận Quảng Trị.

Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó về công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin, sáng tác hội họa, huấn luyện các lớp hội họa quần chúng. Trong khoảng thời gian tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và đi chiến trường tại Campuchia năm 1979, ông vẽ nhiều ký họa, có một số tranh tặng các đơn vị.

Năm 1983, ông tiếp tục tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Budapest, Hungary. Đáng chú ý, thời điểm này, ông tổ chức một triển lãm cá nhân nhỏ tại Budapest và toàn bộ số tranh trưng bày được các nhà sưu tập nghệ thuật mua hết.

Bà Nguyễn Thị Lâm, vợ của họa sĩ Nguyễn Cương cho biết, trong 45 năm hoạt động mỹ thuật, ông đã vẽ khoảng 500 bức tranh. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và ít nhiều thực hành điêu khắc. Có rất nhiều người bạn của ông đã nhận xét, trong những họa sĩ cùng thời với ông, các họa sĩ quân đội, nhất là các họa sĩ Hải Phòng, tính cách Nguyễn Cương cũng như nghệ thuật của ông là một chân dung đáng nhớ. Từ năm 1991, khi Nguyễn Cương nghỉ hưu, ông vẫn lao động nghệ thuật liên tục cho đến khi qua đời ở tuổi 71.

Triển lãm “10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương” được tổ chức đúng dịp tròn 10 năm họa sĩ đi xa. Đây cũng là hoạt động ông dự định thực hiện 10 năm trước nhưng chưa thành hiện thực vì ra đi quá đột ngột. Đến nay, với sự gợi mở, động viên và giúp đỡ của những người thân, các bạn đồng ngũ, đồng môn, đồng nghiệp, các bạn hữu thân thiết của họa sĩ, gia đình ông đã mạnh dạn sưu tầm, sắp xếp, ghi chú các tác phẩm và tư liệu mà họa sĩ để lại, tập hợp thành triển lãm.

Triển lãm “10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương” trưng bày một số tác phẩm mà lúc sinh thời họa sĩ Nguyễn Cương yêu thích, luôn luôn hiện hữu trong hoài niệm của gia đình và bạn bè, cùng với những tác phẩm đã đánh dấu những bước đầu thành công trong sự nghiệp của ông. Triển lãm diễn ra từ ngày 24 - 30/5, giới thiệu 84 tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Cương sáng tác từ năm 1970 - 2014, với chất liệu sơn mài, sơn dầu, ký họa chì và màu nước.

Hoa Nguyễn

To Top