Gian nan nhà chưa hoàn công

Mua nhà, đất nhưng căn nhà chưa được hoàn công nên người dân rơi vào cảnh hợp thức hóa nơi ở không được mà bán cũng chẳng xong

Ông P.V.T mua căn nhà tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức, HCM vào năm 2021. Căn nhà này chủ cũ đã xin phép xây dựng và hoàn thiện nhiều tháng trước nhưng chưa hoàn công.

Đủ kiểu khó khăn

Thời điểm ông T. mua căn nhà, giao dịch diễn ra bình thường và Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã đăng ký biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông.

Khi về ở, ông T. đi làm thủ tục hoàn công thì được thông báo rằng giấy phép xây dựng đứng tên chủ cũ, ông không có quyền sở hữu căn nhà nên không thể đứng ra hoàn công, hợp thức hóa được. "Chủ mới" vội tìm gặp chủ cũ thì được biết người này chuyển tới nơi ở xa và không thể liên lạc.

Sau đó, ông T. muốn sang nhượng nơi ở nhưng khi hỏi về thủ tục thì được trả lời phải dỡ bỏ căn nhà với giá trị xây dựng hàng tỉ đồng và chỉ có thể chuyển nhượng được quyền sử dụng đất. "Tôi rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết phải xử lý như thế nào, bán cũng không xong mà chờ để cập nhật căn nhà vào sổ hồng cũng không thể" - ông T. than.

Một trường hợp khác, ông L.T.T (quận 12, TP HCM) xây ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu. Quá trình này, ông thay đổi ý định, chuyển cửa chính từ bên trái sang bên phải nên mặt tiền phát sinh thêm 1 cửa vào so với bản vẽ giấy phép xây dựng. Vì vậy, công trình hoàn thành nhưng chưa thể hoàn công để hợp thức hóa ngôi nhà. Kéo theo đó, ý định thế chấp tài sản để lấy vốn làm ăn kinh doanh của ông cũng tắt ngúm vì không thể đăng ký biến động.

Lâm vào cảnh éo le hơn là gia đình ông P.T.V ở quận Tân Bình. Cách đây 6 năm, ông V. xây ngôi nhà 3 tầng cùng 1 tầng lửng và tầng sân thượng trên khu đất hơn 50 m2 với diện tích xây dựng (tầng 1) 50 m2, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 200 m2. Khi làm thủ tục hoàn công thì diện tích xây dựng thể hiện nhỏ hơn giấy phép xây dựng chỉ 0,3 m2. Từ sai số ấy, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Bình thông báo tạm thời chưa giải quyết vì chờ hướng dẫn về việc xác nhận các nội dung đối với xử lý nhà ở xây nhỏ hơn giấy phép.

Vì không liên lạc được chủ cũ, căn nhà ông P.V.T ở (bên phải) chưa thể hoàn công

Thêm bất cập

Liên quan tới xây dựng, một vướng mắc nữa đang được nhìn nhận và tháo gỡ. Theo tìm hiểu, việc xây dựng nhà cửa của người dân còn bất cập khi thực hiện quy định về khoảng lùi sau tại Quyết định 56/2021 của UBND TP HCM về quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố.

Việc áp dụng quy định này tại các khu dân cư hiện hữu được cho là gây thiệt thòi cho người dân vì giảm diện tích xây dựng. Đồng thời, việc này khiến kiến trúc khu dân cư không đồng bộ, xấu xí vì nhà cao, nhà thấp, nhà mới lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao đã xây dựng trước đó. Ngoài ra, cơ quan chức năng địa phương cũng lúng túng trong cách hiểu, vận dụng quy định để cấp phép xây dựng cho người dân.

Nhiều địa phương đã có ý kiến. Điển hình, UBND quận 3 muốn khoảng lùi sau chỉ áp dụng đối với khu quy hoạch mới còn quận trung tâm, đô thị hiện hữu thì nên bỏ. UBND quận Bình Thạnh đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời rõ khoảng lùi áp dụng đối với trường hợp xây dựng mới hay cả trường hợp cải tạo, sửa chữa. Trong khi đó, UBND quận Tân Bình đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định về khoảng lùi xây dựng so với ranh đất phía sau theo hướng khuyến khích, không bắt buộc đối với khu đô thị hiện hữu.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho biết một trong những nội dung trọng tâm của sở trong năm nay là tham mưu điều chỉnh Quyết định 56/2021. Cơ quan này sẽ tập trung lấy thông tin từ các đơn vị, địa phương sau đó phân nhóm. Vấn đề nào người dân yêu cầu mà cơ quan chức năng giải quyết được bằng kỹ thuật, nghiệp vụ thì xử lý cho người dân, gồm cả quy định về khoảng lùi sau.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nhã, đối với khu dân cư hiện hữu, diện tích nhà dân nhỏ quá thì có thể cho phép người dân duy trì tổng diện tích căn nhà bằng cách tăng chiều cao.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

To Top