Hát xoan - Âm vang cội nguồn

Là loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo, hát xoan gắn với niềm kính ngưỡng, tấm lòng tri ân công đức dựng nước của các vị vua Hùng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hát xoan vẫn giữ nguyên giá trị thiêng liêng là sợi dây kết nối con người với nguồn cội.

Dấu ấn tín ngưỡng

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, hát xoan (còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình) là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của Nhân dân Phú Thọ. Hát xoan thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, chào đón năm mới và ngày giỗ tưởng nhớ công ơn các vua Hùng.

Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ảnh: Thế giới Di sản

Về nguồn gốc của hát xoan, PGS.TS. Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào xác định rõ sự ra đời của loại hình này. Tuy nhiên, qua khảo sát, sưu tầm thực địa, có nhiều truyền thuyết nói về sự ra đời của hát xoan gắn với tục thờ cúng Hùng Vương, thờ thần, thờ thành hoàng và thờ tổ tiên.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các di tích thờ cúng Hùng Vương và các làn điệu hát xoan cổ đều được khởi dựng và bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở vùng bán sơn địa thuộc địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Ngày nay, nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn ỉnh Phú Thọ vẫn có nghi lễ hát xoan hoặc liên quan đến nghi lễ hát xoan thông qua tục hát nước nghĩa ở các đền, đình trên địa bàn Phú Thọ.

Các làng cổ hát xoan như: Phượng Lâu, Kim Đức, Thụy Vân, Nông Trang, Dữu Lâu, Trưng Vương, Thanh Đình, Kinh Kệ, Cao Mại, An Đạo, Tử Đà, Tiên Du, Phù Ninh, Hương Nộn, Tây Cốc (Phú Thọ), Kim Xá, Đức Bác, Tử Du (Vĩnh Phúc) đều tổ chức nghi lễ hát xoan và hát nước nghĩa giữa các làng có tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng vào mùa xuân. Trong dịp lễ giỗ Tổ, cả ba phường xoan làng Kim Đức đều vào đền Hùng để hát xoan nghinh vua theo tục giữ cửa đình...

Không gian thực hành và trình diễn đặc sắc

Suốt trường kỳ lịch sử, nghệ thuật hát xoan đã được các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau sáng tạo và hoàn thiện thành một hệ thống nhạc mục hát múa phong phú; một trình thức biểu diễn nghệ thuật vừa nghiêm khắc, vừa cởi mở. Nghiêm khắc trong thể thức hát thờ, cởi mở trong thể thức hát quả cách và hát hội. Nhờ vào hình thức nghệ thuật độc đáo này mà hát xoan được cộng đồng đón nhận và trở thành định lệ trong nghi thức thờ thần.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, chia sẻ: Hát xoan có 3 chặng: hát nghi lễ (giáo trống, giáo pháo, nhập tịch, mời vua, thơ nhang đóng đám) tri ân công đức tổ tiên; chặng hát quả cách (14 quả cách) thể hiện mong ước của nhân dân cầu vua ban phước lành. Hai chặng này trình diễn ở trong đình, nên hát xoan còn có tên gọi Khúc môn đình; chặng hát hội - hát trao duyên trình diễn ở sân đình. Phường xoan An Thái có 31 bài hát cả 3 chặng, trình diễn lần lượt, theo thời lượng mà hát đại diện.

Theo các nhà nghiên cứu, hát xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, và là nghệ thuật trình diễn đa yếu tố: hát, múa, có trống, phách đệm theo. Âm nhạc hát xoan được cấu tạo chủ yếu trên những giai điệu mộc mạc, đơn giản, gần gũi, nhạc cụ chỉ dùng một chiếc trống nhỏ hai mặt bịt da và cạp phách tre. Tìm hiểu nội dung các bài bản hát xoan cho thấy, nhiều lời ca có liên quan tới tục thờ vua, thờ đại vương như: Nay mừng phú quý vinh hoa/ Đại vương tọa ngự/ Dân ta yên lành… (trích bài Tứ dân thời cách).

Múa trong hát xoan có những động tác phỏng “sóng nước” một cách tự nhiên, gần đời sống thực của cư dân vùng lúa nước, tạo nên chất nguyên sơ, gắn với những tầng văn hóa cổ. Điều đó cũng cho thấy hát xoan được hình thành từ cuộc sống sản xuất của cư dân trồng lúa nước, phản ánh tín ngưỡng và ước vọng của người Việt cổ, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Với những giá trị như vậy, ngay sau khi hát xoan được UNESCO ghi danh, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản, đưa hát xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Tục lệ đón phường xoan về hát thờ thần khi làng mở hội được phục hồi ở các đình làng có truyền thống này; các di tích có tục lệ hát xoan thờ thần vào dịp đầu xuân được bảo tồn, tôn tạo, bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức trình diễn hát xoan. Các lễ hội truyền thống gắn với hát xoan cũng được duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành và trình diễn di sản.

Hát xoan, với những giá trị đặc trưng mang dấu ấn văn hóa thời đại Hùng Vương không chỉ là di sản của cư dân Phú Thọ mà còn là tài sản quý của dân tộc Việt Nam, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trải qua chặng đường dài thăng trầm, đây vẫn là hình thức chuyển tải ý nguyện tâm linh mang yếu tố dân gian đặc trưng nhất. Ở đó cũng ẩn chứa nét đặc sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thảo Nguyên

To Top