Sự bất công trong các game show Hàn Quốc

Giới chuyên gia nhận định các chương trình âm nhạc Hàn Quốc cần sự đổi mới và đối xử công bằng hơn với các thí sinh.

Trong bài viết đăng ngày 17/5, tờ The Korea Times nhận định nền giải trí Hàn Quốc đang trải qua thời kỳ bùng nổ các cuộc thi âm nhạc. Sau thành công vang dội của các chương trình như Superstar K (2009-2016), K-Pop Star (2011-2017), Produce 101 (2016-2019) hay Miss Trot (2019-2021), nhiều nhà sản xuất đang nỗ lực hết mình để tạo ra những cuộc thi tương tự.

Những chương trình kể trên không chỉ ghi được tỷ suất người xem ấn tượng mà còn giúp nhiều thực tập sinh thực hiện được ước mơ ca hát và trở thành ngôi sao.

Bùng nổ các cuộc thi âm nhạc

Tháng tới, đài truyền hình SBS ra mắt chương trình LOUD do nhà sản xuất của JYP Entertainment là Park Jin Young và PSY - người đứng đầu công ty P NATION - phối hợp thực hiện. Chương trình tìm ra hai nhóm nhạc nam. Một nhóm gia nhập JYP Entertainment, nhóm còn lại hoạt động tại P NATION.

MBC cũng phát sóng chương trình âm nhạc mới vào tháng 11 với sự tham gia của nhà sản xuất Han Dong Chul - người đứng sau thành công của Produce 101. Girls Planet 999 của Mnet được tiến hành vào cuối năm để tìm ra một nhóm nhạc nữ mới.

Có một lý do người xem yêu thích các chương trình thử giọng, đó là họ có thể tham gia cuộc thi thông qua phương thức bình chọn và ủng hộ những ứng cử viên họ yêu thích. Nhiều người cũng cho rằng những chương trình này hấp dẫn, bởi các thí sinh dựa vào tài năng âm nhạc để cạnh tranh với nhau.

PSY và Park Jin Young phối hợp tổ chức cuộc thi để tìm ra 2 nhóm nhạc nam mới.

Hơn hết, khán giả thường bị thu hút bởi câu chuyện của các ứng viên. Hầu hết thí sinh trong cuộc thi đều trải qua những biến cố để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.

Nhà phê bình nhạc pop Seo Jeong Min Gap nói với The Korea Times: “Người xem ngày nay dường như đã trở nên nghiện những chương trình 'sống còn' này. Nhiều người trong số họ có thể thấy các chương trình âm nhạc không có sự cạnh tranh".

Đối với các đài truyền hình và mạng truyền hình, lý do đằng sau sự bùng phát của các chương trình sống còn chính là lợi nhuận. Thành công về lượng người xem, tương tác trên mạng xã hội giúp đài truyền hình thu hút nhà tài trợ, quảng cáo dễ dàng hơn.

Chương trình chuyên về nhạc trot của TV Chosun là Mr. Trot thu về tỷ suất người xem 35,7% vào năm 2020. Đây là thành tích cao nhất mọi thời đại đối với một chương trình của truyền hình cáp ở Hàn Quốc.

Các nhà phê bình chỉ ra ca khúc nổi tiếng từ các chương trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận.

"Các ca khúc được giới thiệu trong chương trình sống còn sau đó trở nên nổi tiếng có thể thu hút sự chú ý của công chúng và đảm bảo vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng âm nhạc trong nhiều tháng. Bằng chứng là trường hợp của VVS (2020) - một ca khúc được công bố trong chương trình Show Me the Money của Mnet", nhà phê bình âm nhạc Han Dong Yoon nói.

IZ*ONE được thành lập từ chương trình Produce 48.

"Các video biểu diễn cũng có thể mang lại lợi nhuận nếu thu hút được lượng người xem lớn trên YouTube. Tất cả yếu tố trên có thể cho phép các đài truyền hình kiếm được lợi nhuận khổng lồ”, ông tiếp tục.

Theo Han Dong Yoon, cách thức tuyên truyền của các chương trình âm nhạc cũng khá dễ dàng. Đội ngũ sản xuất chỉ cần đăng thông tin quảng cáo để tuyển hàng trăm thí sinh thay vì gọi từng người và sắp xếp theo lịch trình của họ. Tất cả lý do trên khiến lượng chương trình ra mắt ngày càng nhiều.

Chèn ép, gian lận

Tuy nhiên, khán giả đang bội thực khi các chương trình quá nhiều và vướng vô số ồn ào. Produce 101 của Mnet - nơi khai sinh các nhóm nhạc đình đám như I.O.I, Wanna One, IZ*ONE và X1 đã gây ra cuộc tranh luận về tính công bằng.

Vào tháng 3, Tòa án tối cao Seoul phán quyết Ahn Joon Young - người đứng sau loạt chương trình Produce 101 - 2 năm tù vì thao túng kết quả bỏ phiếu trong chương trình. Ahn Joon Young bị cáo buộc nhận hối lộ từ các công ty quản lý để thay đổi kết quả chương trình, đưa những thí sinh không đủ phiếu bình chọn ra mắt trong các nhóm nhạc dự án.

Gần đây, công tố viên cũng yêu cầu án tù một năm rưỡi đối với nhà sản xuất của chương trình sống còn khác do Mnet thực hiện là Idol School. Người này cũng bị phát hiện thao túng phiếu bầu. Tất cả vụ việc trên đã giáng một đòn chí mạng vào uy tín của các chương trình sống còn.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều người xem tỏ ra chán nản với định dạng khuôn mẫu.

Nhà phê bình Seo Jeong Min Gap nói: “Có thể là một thách thức đối với các đài truyền hình khi phải tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ. Thật khó để suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ và cũng khá rủi ro. Nhưng ngày càng nhiều nhà sản xuất cố gắng làm cho sản phẩm của họ trông thật đặc biệt".

Trên thực tế, Miss Trot của TV Chosun và Sing Again của JTBC thường được coi là những ví dụ về sự đột phá trong sáng tạo. Miss Trot đã gây chú ý với trot - một thể loại âm nhạc Hàn Quốc thường bị cho là lỗi thời và dành cho thế hệ cũ. Sing Again tạo nên sự khác biệt bằng cách giới thiệu những ca sĩ bị lãng quên. Những thí sinh tham gia Sing Again gần như không còn được công chúng nhớ tới.

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của công chúng, các nhà phê bình dự đoán số lượng chương trình "sống còn" tiếp tục tăng. Trên thực tế, nhiều chuyên gia trong ngành đang muốn tận dụng tốt những cuộc thi như vậy để nhắm đến thị trường âm nhạc toàn cầu.

SM Entertainment - công ty của các nghệ sĩ Kpop nổi bật như SNSD, EXO, NCT - gần đây thông báo khởi động một chương trình 'sống còn' mới kết hợp với công ty sản xuất MGM của Mỹ.

Chương trình được thực hiện trong năm nay để chọn ra các thành viên cho NCT Hollywood, một nhóm nhỏ mới của NCT. Công ty giải trí khổng lồ CJ ENM cũng có kế hoạch tổ chức các buổi thử giọng để thành lập một nhóm nhạc nam mới có trụ sở tại Mỹ Latinh.

X1 tan rã không lâu sau khi ra mắt vì cáo buộc gian lận kết quả.

"Với sự phát triển trên toàn cầu của âm nhạc Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người trên thế giới mơ ước trở thành ngôi sao Kpop. Các thành viên nước ngoài có thể giúp một nhóm nhạc Kpop xây dựng cơ sở người hâm mộ toàn cầu mạnh mẽ hơn. Do đó, nhiều chương trình hơn dành cho những ca sĩ không phải người Hàn Quốc được tạo ra trong tương lai", Han Dong Yoon nhận định.

Tuy nhiên, Han Dong Yoon nhấn mạnh những chương trình âm nhạc cần cải tiến. Các đài truyền hình cần cố gắng tạo ra định dạng mới dù đây có thể là công việc khó khăn.

Đặc biệt, thí sinh cần được đối xử công bằng hơn thay vì bị khai thác như những công cụ thể tăng lượng người xem. Theo Han Dong Yoon, các đài truyền hình không nên biên tập chương trình quá mức, thậm chí bóp méo sự thật hay chỉ nâng đỡ một số thí sinh nhất định.

"Họ phải thử nghiệm một số hình thức mới ngay cả khi điều đó không đảm bảo lợi nhuận cao. Trên hết, tôi nghĩ các chương trình nên cung cấp thêm thông tin chi tiết về âm nhạc. Nếu họ cho người xem biết lịch sử của một số thể loại nhất định và giải thích thông điệp đằng sau các bài hát, điều này làm cho các chương trình hấp dẫn hơn", Seo Jeong Min Gap đánh giá.

Minh Hạo

To Top