ĐD Lê Quý Dương: 'Sân khấu nườm nượp hợp đồng chưa chắc đã chuẩn mực'

Là đạo diễn sự kiện lâu năm, khi chuyển sang đạo diễn mảng kịch, 'phù thủy' Lê Quý Dương có nhiều chia sẻ về kinh phí, doanh thu các vở diễn...

Nhiều người vẫn gọi đạo diễn Lê Quý Dương là “phù thủy” của các lễ hội, liên hoan, Festival bởi anh sáng tạo ra nhiều chương trình ghi dấu ấn với khán giả trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, anh là người góp phần to lớn định hình thương hiệu Festival Huế với hàng loạt chương trình đã trở thành thương hiệu văn hóa lớn cho Huế như Đêm Hoàng cung (2006), Huyền thoại Sông Hương (2008), Hành trình mở cõi (2010), Thiên hạ Thái Bình (2012), tạo nên những dấu ấn văn hóa vô cùng đặc sắc và độc đáo.

Đạo diễn Lê Quý Dương đã lập 6 kỷ lục Việt Nam cho các chương trình sự kiện mà họ tham gia xây dựng và trở thành một thương hiệu lớn trong thị trường văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam, khu vực và quốc tế. Ngoài làm những chương trình lớn, thì anh cũng làm đạo diễn nhiều vở ở sân khấu kịch. Mới đây, anh cũng có tâm sự về khó khăn khi làm đạo diễn sân khấu kịch, và kinh phí khi dựng vở...

Đạo diễn Lê Quý Dương cho hay, không nên ngộ nhận một sân khấu đông nườm nượp khán giả với các hợp đồng biểu diễn là một sân khấu chuẩn mực.

Chào đạo diễn Lê Quý Dương, người ta nói, làm các Festival lễ hội thường dễ xin tài trợ được nhiều hơn các vở diễn sân khấu, phải không anh?

Hai việc hoàn toàn khác nhau cả về nội dung, hình thức, quy mô và giá trị! Một lễ hội có thể ảnh hướng tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng triệu hay chục triệu người ngay một lúc và có thể còn sau đó nữa. Một vở diễn sân khấu có thể ít hơn và chậm hơn. Mà tài trợ thì thường gắn với quảng bá truyền thông. Tuy nhiên chất lượng tác phẩm mới là yếu tố quyết định. Một vở diễn sân khấu hấp dẫn, tràn đầy tính hiện đại và đặt ra được cách giải quyết những vấn đề của xã hội hiện đại, có thể chỉ làm tốn vài trăm triệu, nhưng sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng lớn tới cộng đồng, xã hội và đôi khi tới cả các các nhà lãnh đạo xã hội đó, hơn rất nhiều một lễ hội tốn vài chục tỷ nhưng vô thưởng vô phạt.

Rất tiếc hiện nay, chúng ta chưa có nhiều những tác phẩm sân khấu như thế, ngoại trừ một trường hợp rất đặc biệt của một giai đoạn sân khấu với những tên tuổi như tác giả Lưu Quang Vũ, Tào Mạt, Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, những đạo diễn như Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Đoàn Anh Thắng (!). Tôi luôn tin đã tới lúc sân khấu Việt Nam sẽ trở về thời hoàng kim của nó với những vở diễn đầy tính nhân bản với cá giá trị hiện đại nên mới đây, tôi quyết định nhận dựng vở Làm Vua - vở diễn nói về cuộc đời của thái hậu Dương Vân Nga - hoàng hậu của hai vị hoàng đế trong hai triều Đinh và Lê.

Kinh phí hạn hẹp của vở diễn liệu có ảnh hưởng tới sự sáng tạo của đạo diễn và diễn viên không, thưa anh?

Nghệ thuật rất cần nhưng cũng không cần kinh phí. Lịch sử nghệ thuật đã chứng minh điều này bằng cuộc đời và tác phẩm của rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại trong tất cả các loại hình sáng tạo nghệ thuật. Điều quan trọng nhất để ra đời một tác phẩm nghệ thuật hay chính là niềm cảm hứng của người nghệ sĩ. Điều này làm nghệ sĩ có vẻ khác với các tầng lớp xã hội khác và tạo nên một hình thái ý thức xã hội đặc thù được gọi là sáng tạo nghệ thuật.

Nhiều tiền đã chắc gì làm nghệ thuật hay nếu không có cảm hứng thực sự rung động trái tim và kích thích khối óc sáng tạo. Ít tiền có khi vẫn cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, kinh điển, để lại ấn tượng không quên và những bài học nhận thức sâu sắc cho người thưởng thức và muôn đời cho hậu thế. Khi tôi nhận lời đạo diễn cho bất cứ một chương trình nào với nội dung và hình thức hay loại hình sân khấu biểu diễn nào, điều tôi quan tâm đầu tiên là tôi có thấy thích không, hứng thú với nó không, có cảm xúc không? Cảm xúc sinh ra ý tưởng. Ý tưởng sinh ra nội dung và hình thức thể hiện.

Tiền đôi khi là yếu tố cuối cùng. Tiền nhiều làm kiểu nhiều tiền. Tiền ít làm kiểu ít tiền. Nhưng cảm xúc thì không gì thay đổi được. Cảm xúc cho tôi nghị lực, quyết tâm và sự thông minh bất ngờ để vượt qua mọi khó khăn, rào cản!

Theo anh, có phải thù lao ở sân khấu kịch quá thấp là nguyên nhân làm nhiều người bỏ nghề?

Có thể đó là một lý do để người ta bỏ nghề vì ai cũng cần phải sống. Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân quyết định! Nguyên nhân là chúng ta chưa có những kịch bản thực sự hay để người làm nghề rung cảm, những đạo diễn tầm cỡ để người ta nể phục và đi theo với một niềm tin đó sẽ là người đồng hành để cùng người ta tạo nên những giá trị sáng tạo mới. Điều nghiệt ngã đó là vì rất nhiều lý do, không phải lúc nào cũng có sẵn những tác giả đạo diễn như mong muốn để dẫn dắt và đồng hành cùng với những người làm sân khấu để tạo nên một nền sân khấu với những giá trị lớn lao hơn giá trị của tiền.

Sân khấu cũng có nhiều loại khác nhau. Từ kịch nói chả cần kịch bản hay lời thoại của tác giả, chả cần dàn dựng của đạo diễn cho tới những vở diễn đôi khi nói sai một từ là toàn bộ câu thoại thay đổi ý nghĩa và thông điệp. Không nên ngộ nhận một sân khấu đông nườm nượp khán giả với các hợp đồng biểu diễn đã là một sân khấu chuẩn mực. Cũng không nên vội buồn khi lâu lắm rồi chưa có một vở diễn sân khấu thực sự đỉnh cao gây chấn động lòng người nghĩa là nền sân khấu của chúng ta đang chết.

Sự phát triển của sân khấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đỉnh cao đôi khi được tính bằng trăm năm qua nhiều thế hệ. Nền nghệ thuật của chúng ta hôm nay cũng chưa hẳn là "cháy" chất xám hay "lãng phí" chất xám. Có khi chúng ta đang "thiếu" chất xám thì đúng hơn. Chất xám ở đây không hẳn chỉ là trí tuệ, tri thức. Nó còn là nghị lực và lòng dũng cảm để vượt qua những rào cản.

Sắp tới, anh dựng vở Làm Vua nói về cuộc đời của thái hậu Dương Vân Nga, anh có dự định làm gì để kéo khán giả đến rạp?

Khi làm bất cứ chương trình nào, loại hình gì thì điều đầu tiên tôi muốn là "thỏa mãn" tôi trước. Nó đúng với bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ sáng tạo nào cũng chính là người khán giả đầu tiên thưởng thức tác phẩm của mình. Mình không thích thì còn ai thích nữa. Nhưng đôi khi mình thích mà người ta lại không thích thì sao? Thì một là mình quá kém cỏi và hai là người ta quá kém cỏi chưa hiểu mình. Trong cả hai hai trường hợp thì tác phẩm và người thưởng thức đều chưa gặp nhau và đó là một nỗi buồn chung của nghệ thuật.

Khán giả rộng lớn mênh mông với đủ kiểu nhận thức, trình độ và nhu cầu thưởng thức khác nhau. Biết chiều ai nhỉ để cho họ đến rạp. Có người theo xu hướng này và dựng tác phẩm theo kiểu bình dân để thu hút đối tượng khán giả này cho dù có khi chính người dựng cũng không thích lắm. Có người chui vào tháp ngà dựng theo kiểu hàn lâm, kinh viện và bất chấp dư luận. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi dựng những gì tôi cho là đúng nhất với cảm xúc của tôi tại thời điểm tôi dàn dựng. Có thể có người thích và có người không thích nhưng đó là cảm xúc của tôi. Cảm xúc chân thật và trọn vẹn nhất của riêng tôi.

Biên kịch Nguyễn Đăng Chương - tác giả kịch bản Làm Vua.

Cụ thể, anh sẽ tạo dựng sân khấu và ngôn ngữ kịch thế nào?

Vở diễn Làm Vua sẽ được lên sân khấu Lệ Ngọc, người viết kịch là TS. Nguyễn Đăng Chương. Vở diễn sẽ tạo nên một hình thức sân khấu kết hợp chặt chẽ giữa tính huyền thoại sử thi với kỹ thuật và ngôn ngữ dàn dựng hiện đại. Trang trí sân khấu do chính đạo diễn thiết kế là không gian hoàng cung Đinh Tiên Hoàng và cung Dương Vân Nga với chiếc ngai vàng là trung tâm. Các khối tượng đá như dấu ấn còn sót lại của triều đại nhà Đinh cách đây hơn 1050 năm sẽ được xử lý năng động và biến hóa để tạo nên các bối cảnh khác nhau.

Toàn bộ 10 nhân vật của vở diễn như thoát ra từ những khối tượng đá đó, để hiện thực hóa lại câu chuyện lịch sử huyền thoại với những thông điệp hướng tới cuộc sống hôm nay. Kỹ thuật hiện đại sẽ được áp dụng vào vở diễn với hệ thống sân khấu quay, tách khối cảnh trí, hiệu ứng âm thanh và ánh sáng độc đáo sẽ góp phần tạo nên những ấn tượng thú vị, bất ngờ, sâu lắng và đôi khi rất hài hước cho người xem. Ngôn ngữ kịch sẽ gần gũi với số đông khán giả.

Làm kịch lịch sử theo anh khó nhất là điều gì?

Làm kịch lịch sử, điều khó nhất là phải có tính đương đại. Nếu làm kịch lịch sử giống như lịch sử nguyên bản hiện lên thì làm làm gì? Tuy nhiên cũng không được xuyên tạc hay bịa đặt, bóp méo lịch sử. Khó là ở chỗ đó. Phải tìm ra được những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử đó. Thực ra thì những vấn đề lớn lao và triết lý nhân văn của loài người cũng chẳng thay đổi mấy theo suốt chiều dài văn minh của nhân loại.

Ngày xưa thì chiến tranh bằng giáo mác voi ngựa, rồi phát triển hơn thì súng đạn xe tăng, máy bay, rồi phát triển hơn nữa thì chiến tranh bằng thương mại, kinh tế, thậm chí văn hóa, rồi phát triển hơn nữa thì chiến tranh bằng công nghệ. Hình thức có thể đổi thay nhưng bản chất của chiến tranh thì vẫn không thay đổi. Bởi vậy kịch lịch sử khi được dàn dựng đúng sẽ giúp con người đi vào bản chất các vấn đề của xã hội và tồn tại. Nó làm con người sống tự tin hơn, sáng tạo hơn, và điều quan trọng nhất là giữ nguyên vẹn cho mình khát vọng sống và những giá trị nhân văn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đinh Lạc Thành

To Top